Việt Nam đóng góp tích cực tại Đại hội Sinh thái Quốc tế Nevsky lần thứ XI

Theo phóng viên TTXVN tại Moskva, nhận lời mời của Chủ tịch Hội đồng Liên bang (Thượng viện) Quốc hội Liên bang (LB) Nga, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Phó Chủ tịch Quốc hội Lê Minh Hoan, dẫn đầu đoàn Đại biểu cấp cao Quốc hội Việt Nam tham dự Đại hội Sinh thái Quốc tế Nevsky lần thứ XI.

Chủ tịch Hội đồng Liên bang Nga Valentina Matvienko phát biểu tại phiên họp toàn thể "Sinh thái trong thực tế mới: thách thức và cơ hội".

Chủ tịch Hội đồng Liên bang Nga Valentina Matvienko phát biểu tại phiên họp toàn thể "Sinh thái trong thực tế mới: thách thức và cơ hội".

Đại hội Sinh thái Quốc tế Nevsky lần thứ XI có chủ đề “Hành trình Trái Đất: sự hòa hợp giữa con người và thiên nhiên”, diễn ra tại thành phố Saint - Peterburg từ ngày 21 - 23/5. Đoàn Việt Nam đã có nhiều hoạt động tích cực tại Đại hội, cũng như bên lề.

Trọng tâm là Phiên toàn thể của Đại hội, với chủ đề “Sinh thái của thực tế mới: Thách thức và cơ hội” chiều 23/5.

Tổng thống LB Nga Vladimir Putin đã gửi thông điệp chào mừng Đại hội, khẳng định vấn đề bảo vệ môi trường, sống hài hòa với thiên nhiên, sử dụng hiệu quả tài nguyên thiên nhiên và xây dựng kinh tế tuần hoàn là một trong những ưu tiên quan trọng của Nga, mong Đại hội có những đề xuất, sáng kiến cụ thể để đẩy mạnh hợp tác quốc tế và triển khai trên thực tế vì sự phát triển xanh, bền vững của thể giới.

Phát biểu tại Phiên toàn thể, Chủ tịch Hội đồng Liên bang Quốc hội Nga Valentina Matviyenko khẳng định sự tham gia đông đảo của hơn 1.000 đại biểu tại Đại hội lần này đã thể hiện sự coi trọng và trách nhiệm của cộng đồng quốc tế trước các thách thức sinh thái và môi trường toàn cầu. Biến đổi khí hậu, sử dụng hiệu quả nguồn nước, tài nguyên thiên nhiên, giảm phát thải gây ô nhiễm không khí và nguồn nước ... là những vấn đề không biên giới, không phân biệt lứa tuổi và mô hình chính trị. Để giải quyết những thách thức về môi trường - sinh thái cần nỗ lực của mỗi quốc gia và sự hợp tác quốc tế, phối hợp hành động giữa các nước và tổ chức quốc tế vì sự phát triển hài hòa và tôn trọng thiên nhiên.

Phó Chủ tịch Quốc hội Lê Minh Hoan phát biểu tại phiên toàn thể "Sinh thái trong thực tế mới: thách thức và cơ hội".

Phó Chủ tịch Quốc hội Lê Minh Hoan phát biểu tại phiên toàn thể "Sinh thái trong thực tế mới: thách thức và cơ hội".

Phó Chủ tịch Quốc hội Lê Minh Hoan đã có bài phát biểu quan trọng, truyền tải những thông điệp, chính sách và các sáng kiến của Quốc hội Việt Nam, thể hiện mong muốn chung tay, đóng góp tích cực vào các sáng kiến toàn cầu về vấn đề bảo vệ môi trường và hệ sinh thái. Phó Chủ tịch Quốc hội khẳng định ý nghĩa và tầm quan trọng của sáng kiến đa phương, do Nga đăng cai tổ chức, nhấn mạnh Đại hội là nơi tụ hội của trí tuệ, trách nhiệm và quyết tâm chính trị của cộng đồng quốc tế nhằm tìm kiếm giải pháp cấp bách và dài hạn cho thách thức môi trường toàn cầu; thông tin đến các đại biểu tham dự Phiên Toàn thể về những bước đi cụ thể mà Quốc hội Việt Nam đã triển khai nhất là trong việc hoàn thiện các thể chế, cơ sở pháp lý để đáp ứng với nhu cầu phát triển bền vững, bảo đảm tuân thủ những cam kết quốc tế mà Việt Nam đang tham gia.

Thay mặt Quốc hội Việt Nam, Phó Chủ tịch Lê Minh Hoan đã đưa ra 3 đề xuất để thúc đẩy giải pháp ứng phó với biến đổi khí hậu, suy giảm tài nguyên và bất ổn sinh thái, bao gồm: Sáng kiến hợp tác liên nghị viện vì sinh thái toàn cầu; thúc đẩy hợp tác nghiên cứu, ứng dụng khoa học - công nghệ, chuyển đổi số trong lĩnh vực bảo tồn đa dạng sinh học; đẩy mạnh các cơ chế tài chính xanh, hỗ trợ kỹ thuật và huy động sự tham gia của khu vực kinh tế tư nhân trong các sáng kiến bảo vệ môi trường và chuyển đổi sinh thái.

* Trước đó, chiều 22/5, Phó Chủ tịch Quốc hội Lê Minh Hoan đã có cuộc hội đàm với Phó Chủ tịch thứ nhất Hội đồng Liên bang Quốc hội LB Nga, Chủ tịch Nhóm Nghị sĩ hữu nghị hợp tác với Việt Nam của Hội đồng Liên bang Andrey Yatskin.

Phó Chủ tịch thứ nhất Andrey Yatskin bày tỏ cảm ơn sâu sắc về sự tham gia và đóng góp tích cực của Phó Chủ tịch Lê Minh Hoan và Đoàn đại biểu cấp cao Quốc hội Việt Nam vào các hoạt động chung của Đại hội, thể hiện sự tin cậy chính trị cao, quan hệ chặt chẽ, gắn bó giữa hai Quốc hội và giữa hai nước, làm sâu sắc và phong phú hơn quan hệ hữu nghị truyền thống và Đối tác chiến lược toàn diện Việt Nam - Nga.

Hội đàm với Phó Chủ tịch thứ nhất Hội đồng Liên bang Quốc hội LB Nga, Chủ tịch Nhóm Nghị sỹ hữu nghị hợp tác với Việt Nam của Hội đồng Liên bang Andrey Yatskin.

Hội đàm với Phó Chủ tịch thứ nhất Hội đồng Liên bang Quốc hội LB Nga, Chủ tịch Nhóm Nghị sỹ hữu nghị hợp tác với Việt Nam của Hội đồng Liên bang Andrey Yatskin.

Phó Chủ tịch Quốc hội Lê Minh Hoan bày tỏ cảm ơn Hội đồng Liên bang về lời mời tham dự Đại hội; tiếp tục khẳng định chính sách nhất quán của Đảng, Nhà nước Việt Nam trong thúc đẩy quan hệ Đối tác chiến lược toàn diện với Nga, coi Nga là một trong những ưu tiên hàng đầu trong chính sách đối ngoại. Phó Chủ tịch Quốc hội đánh giá cao ý nghĩa và chủ đề của Đại hội, phản ánh những vấn đề cấp bách của toàn cầu hiện nay và cần sự chung tay của nhiều quốc gia để xử lý hiệu quả vấn đề môi trường toàn cầu.

Hai bên đánh giá cao sự phát triển năng động và tích cực của hợp tác Việt Nam - Nga thời gian qua, đặc biệt là ý nghĩa lịch sử to lớn của chuyến thăm chính thức và dự lễ kỷ niệm 80 năm Chiến thắng trong Chiến tranh Vệ Quốc vĩ đại tại Nga của Tổng Bí thư Tô Lâm, tạo dấu mốc mới và mở ra không gian rộng lớn và tạo xung lực mạnh mẽ để quan hệ Việt Nam - Nga phát triển thực chất, hiệu quả và toàn diện trên tầm cao mới; nhất trí sẽ ủng hộ mãnh mẽ để Quốc hội, Chính phủ, các cơ quan, bộ, ngành, địa phương hai nước triển khai quyết liệt và hiệu quả các thỏa thuận của Lãnh đạo cấp cao hai nước, trong đó có triển khai Thỏa thuận hợp tác và kế hoạch hành động đã ký giữa Quốc hội Việt Nam và Hội đồng Liên bang Quốc hội Nga tháng 9/2024.

Hai bên cũng đã trao đổi và thống nhất sẽ chuẩn bị chu đáo và tổ chức thành công các hoạt động trao đổi đoàn giữa Lãnh đạo và các ủy ban, cơ quan của Quốc hội trong thời gian tới, nhất là Phiên họp lần thứ 4 Ủy ban hợp tác liên nghị viện giữa hai nước, nâng cao hiệu quả hợp tác nghị viện trên cả bình diện song phương và đa phương, đồng thời góp phần thúc đẩy hợp tác giữa hai nước trên các lĩnh vực kinh tế - thương mại, đầu tư, khoa học - công nghệ, giáo dục - đào tạo, văn hóa, giao lưu nhân dân…, nhất là tạo điều kiện thuận lợi để các nhà đầu tư, doanh nghiệp hai nước tìm kiếm cơ hội hợp tác, đầu tư vào thị trường, vào nền kinh tế của nhau, góp phần bổ sung nội hàm cho Tuyên bố chung về những định hướng lớn của quan hệ Đối tác Chiến lược toàn diện Việt Nam - Nga trong giai đoạn hợp tác mới vừa được Lãnh đạo cấp cao hai nước thông qua đầu tháng 5/2025.

* Cùng ngày, Phó Chủ tịch Quốc hội Lê Minh Hoan đã có cuộc gặp song phương với Trưởng đoàn Lào, Malaysia và Indonesia. Tại cuộc gặp Phó Chủ tịch Quốc hội Lào Sommad Pholsena, hai bên nhất trí việc tăng cường trao đổi đoàn, tiếp xúc thường xuyên giữa Lãnh đạo và các cơ quan, ủy ban của Quốc hội hai nước tại các hội nghị, diễn đàn quốc tế thể hiện tình cảm gắn bó và quan hệ đặc biệt giữa hai nước và hai Quốc hội; khẳng định nhất trí sẽ phối hợp chặt chẽ để triển khai các thỏa thuận, cam kết của Lãnh đạo cấp cao và của hai Chủ tịch Quốc hội hai nước trong thời gian qua, kề vai sát cánh vì sự phát triển và thịnh vượng của hai dân tộc.

Phó Chủ tịch Quốc hội Lê Minh Hoan tại cuộc gặp song phương với Phó Chủ tịch Quốc hội Lào Sommad Pholsena.

Phó Chủ tịch Quốc hội Lê Minh Hoan tại cuộc gặp song phương với Phó Chủ tịch Quốc hội Lào Sommad Pholsena.

Tại cuộc gặp Phó Chủ tịch Thượng viện Malaysia Datuk Nur Jazlan bin Tan Sri Mohamed, Phó Chủ tịch Quốc hội Lê Minh Hoan bày tỏ tình cảm hữu nghị, cam kết ủng hộ của Việt Nam đối với Malaysia trong vai trò Chủ tịch Hiệp hội Các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) và Hội đồng Liên Nghị viện ASEAN (AIPA) năm 2025 trên tinh thần quan hệ Đối tác chiến lược toàn diện mà hai nước tuyên bố nâng cấp trong chuyến thăm chính thức của Tổng Bí thư Tô Lâm đến Malaysia hồi tháng 11/2024.

Hai bên chia sẻ quan điểm về tầm quan trọng của ngoại giao nghị viện, hỗ trợ hiệu quả cho kênh ngoại giao chính phủ. Đánh giá cao tiềm năng phát triển của Việt Nam, với nguồn lao động trẻ có trình độ tiếp cận khoa học công nghệ, Phó Chủ tịch Thượng viện Malaysia mong muốn hai nước hợp tác chặt chẽ hơn nữa vì sự phát triển của mỗi nước và thịnh vượng chung của ASEAN.

Đồng chí Lê Minh Hoan gặp Phó Chủ tịch Thượng viện Malaysia Datuk Nur Jazlan bin Tan Sri Mohamed.

Đồng chí Lê Minh Hoan gặp Phó Chủ tịch Thượng viện Malaysia Datuk Nur Jazlan bin Tan Sri Mohamed.

Trong trao đổi với Phó Chủ tịch Hội đồng hiệp thương nhân dân Indonesia Eddy Soeparno, Phó Chủ tịch Lê Quốc hội Lê Minh Hoan bày tỏ vui mừng trước những bước phát triển mới và thực chất trong quan hệ Đối tác chiến lược toàn diện giữa hai nước. Phó Chủ tịch Hội đồng hiệp thương nhân dân Indonesia bày tỏ nhất trí và đánh giá cao một số dự án đầu tư của Việt Nam đang triển khai hiệu quả tại Indonesia, mong muốn hai bên tiếp tục tăng cường phối hợp hành động, trong đó phát huy quan hệ đối ngoại nghị viện nhằm tạo thuận lợi thúc đẩy hợp tác giữa hai nước trên tất cả các lĩnh vực, cả song phương và trong khuôn khổ ASEAN.

Trong các ngày dự Đại hội, Phó Chủ tịch Quốc hội Lê Minh Hoan và Đoàn đại biểu Quốc hội Việt Nam đã có nhiều hoạt động khác, như gặp Chủ tịch Hội đồng lập pháp thành phố Saint - Petersburg Aleksandr Belsky và Phó Chủ tịch Hội đồng lập pháp thành phố Saint - Petersburg Nikolai Bondarenko, thăm Không gian Hồ Chí Minh và phát biểu khai mạc tại Lễ hội Văn hóa và tiếng Việt được tổ chức long trọng tại Trường phổ thông 488, dâng hoa tại Tượng đài Chủ tịch Hồ Chí Minh, thăm Viện Hồ Chí Minh trong khuôn viên trường Đại học Quốc gia Saint - Petersburg.

Dự kiến sau Đại hội, Phó Chủ tịch Quốc hội Lê Minh Hoan và Đoàn sẽ tiến hành một số hoạt động khác tại Moskva.

* Cũng trong ngày làm việc toàn thể 23/5 của Đại hội Sinh thái quốc tế lần thứ XI Nevsky, đã diễn ra phiên thảo luận "Môi trường sinh thái ở các đô thị lớn". Đây là diễn đàn thảo luận quốc tế theo hình thức “Bữa sáng làm việc” với sự tham gia của các thống đốc và thị trưởng thành phố trên 1 triệu dân, cũng như các chuyên gia, đại diện của các doanh nghiệp Nga và nước ngoài, về các vấn đề quan trọng nhất về sinh thái của các thành phố lớn hiện đại. Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy tỉnh Điện Biên Trần Quốc Cường đã có bài phát biểu chia sẻ kinh nghiệm của tỉnh trong giảm phát thải carbon và phát triển giao thông thân thiện với môi trường.

Việt Nam là một trong những quốc gia chịu ảnh hưởng nặng nề từ biến đổi khí hậu. Các vùng đồng bằng, ven biển và miền núi đang phải đối mặt với lũ lụt, hạn hán, sạt lở đất và nhiệt độ tăng cao, ảnh hưởng lớn đến sự phát triển kinh tế, xã hội, đời sống, sản xuất của nhân dân. Tại Hội nghị lần thứ 26 các bên tham gia Công ước khung của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu (COP26) năm 2021, Chính phủ Việt Nam đã cam kết đạt mức phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050. Đây là một cam kết mang tính bước ngoặt, thể hiện trách nhiệm quốc tế cũng như quyết tâm quốc gia trong bảo vệ khí hậu.

Tỉnh Điện Biên - nằm ở vùng Tây Bắc của Việt Nam, có tiềm năng lớn về tài nguyên rừng, đất đai và hệ sinh thái tự nhiên, nhưng cũng đối mặt với nhiều thách thức về cơ sở hạ tầng, địa hình và biến đổi khí hậu. Mức phát thải của tỉnh hiện nay chiếm khoảng 0,5% tổng phát thải quốc gia, chủ yếu từ các hoạt động trồng trọt, chăn nuôi, sản xuất công nghiệp, phương tiện giao thông thấp.

Mặt khác, Điện Biên có diện tích rừng lớn (429.820 ha), tỷ lệ che phủ rừng năm 2024 là 44,69%, trữ lượng carbon rừng của tỉnh khoảng 2,18 triệu tấn CO2e, chiếm 0,8% trữ lượng carbon của cả nước, là nguồn tài nguyên quan trọng để tham gia chương trình REDD+ (Giảm phát thải từ nạn phá rừng và suy thoái rừng) và thị trường tín chỉ carbon toàn cầu.

Hiện nay, tỉnh Điện Biên đang nghiên cứu, áp dụng mô hình canh tác lúa thông minh, áp dụng kỹ thuật AWD (tưới luân phiên khô - ướt) và IPM (quản lý dịch hại tổng hợp), mô hình này ước giảm từ 3,5 - 4 tấn CO2e/ha/vụ, mở ra cơ hội cho người dân bán tín chỉ carbon với giá khoảng 20 USD/tấn CO2e.

Theo Bí thư Tỉnh ủy Tỉnh Điện Biên Trần Quốc Cường, biện pháp hữu hiệu quan trọng để bảo đảm thực hiện tốt các mục tiêu môi trường vẫn là tăng cường giáo dục, tuyên truyền phổ biến thông tin, vận động cộng đồng nâng cao nhận thức, thúc đẩy sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả, bảo vệ môi trường.

Tại sự kiện, những người tham gia cũng thảo luận các công nghệ hiện đại để ứng phó với những thách thức mới của quá trình đô thị hóa, giảm tải lượng carbon và phát triển phương tiện giao thông thân thiện với môi trường, cũng như mối quan hệ giữa sinh thái và sức khỏe - từ bảo vệ môi trường đến bảo vệ sức khỏe.

Tin, ảnh: Tâm Hằng (Phóng viên TTXVN tại LB Nga)

Nguồn Tin Tức TTXVN: https://baotintuc.vn/thoi-su/viet-nam-dong-gop-tich-cuc-tai-dai-hoi-sinh-thai-quoc-te-nevsky-lan-thu-xi-20250524111659080.htm