Việt Nam đóng vai trò then chốt trong việc định hình tương lai chung của ASEAN

Sau 30 năm gia nhập ASEAN, Việt Nam đã khẳng định chính sách đối ngoại rộng mở, độc lập, tự chủ, đa phương hóa, đa dạng hóa, ngày càng nâng cao vị thế, uy tín quốc gia trong khu vực và thế giới.

Ngày 28/7/1995, lá cờ đỏ sao vàng tung bay tại Brunei đánh dấu sự kiện Việt Nam trở thành thành viên thứ 7 của Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN).

Suốt 30 năm qua, Việt Nam luôn giữ vững phương châm hành động “tích cực, chủ động và có trách nhiệm,” không ngừng đóng góp thiết thực cho sự phát triển mạnh mẽ, tự cường và bền vững của Cộng đồng ASEAN.

Nhìn lại hành trình đã qua, Việt Nam không chỉ tham gia đầy đủ các hoạt động, cơ chế hợp tác của tổ chức mà còn nhiều lần đóng vai trò kiến tạo, điều phối và dẫn dắt, góp phần định hình một ASEAN gắn kết, chủ động thích ứng và đóng vai trò trung tâm trong khu vực.

Việt Nam – thành viên năng động nhất của ASEAN

Ngày 10/3, tại Trụ sở Ban Thư ký ASEAN, Tổng Bí thư Tô Lâm và Phu nhân cùng đoàn đại biểu cấp cao Việt Nam đã dự Lễ kỷ niệm 30 năm Việt Nam gia nhập ASEAN.

 Tổng Bí thư Tô Lâm phát biểu tại Lễ kỷ niệm 30 năm Việt Nam gia nhập ASEAN. (Ảnh: Thống Nhất/TTXVN)

Tổng Bí thư Tô Lâm phát biểu tại Lễ kỷ niệm 30 năm Việt Nam gia nhập ASEAN. (Ảnh: Thống Nhất/TTXVN)

Tổng Bí thư Tô Lâm khẳng định Việt Nam tự hào với tiến trình hội nhập quốc tế được triển khai trong hơn 30 năm qua, mà trong đó ASEAN là điểm khởi đầu, là tiền đề cho Việt Nam hội nhập ngày càng sâu rộng vào khu vực và thế giới. Từ một nước bị cô lập, cấm vận, Việt Nam ngày nay có quan hệ ngoại giao với 194 quốc gia và là thành viên của hơn 70 diễn đàn, tổ chức khu vực và thế giới. Mạng lưới hiệp định thương mại tự do (FTA) mà Việt Nam ký kết và triển khai với hơn 60 quốc gia và nền kinh tế đã góp phần đưa Việt Nam trở thành một trong 40 nền kinh tế lớn nhất thế giới và 20 nền kinh tế hàng đầu thế giới về thu hút đầu tư nước ngoài và về quy mô thương mại.

Đến nay, Việt Nam đã thiết lập quan hệ đối tác toàn diện, đối tác chiến lược, đối tác chiến lược toàn diện với 35 quốc gia, gồm tất cả các thành viên ASEAN và các đối tác quan trọng của ASEAN. Có thể khẳng định, hợp tác với các thành viên ASEAN và với mạng lưới các đối tác của ASEAN đã góp phần quan trọng vào việc bảo đảm môi trường hòa bình, ổn định, thuận lợi cho Việt Nam phát triển và ngày càng thịnh vượng, mở ra không gian phát triển đầy tiềm năng cho Việt Nam và giúp Việt Nam nâng cao uy tín, vai trò và vị thế quốc tế.

Là một thành viên tin cậy, tích cực và trách nhiệm của khu vực và thế giới, Việt Nam đã và đang nỗ lực đóng góp nguồn lực và trí lực vào các cơ chế hợp tác quan trọng hàng đầu của khu vực và toàn cầu.

 Tổng Bí thư Tô Lâm gặp Tổng Thư ký ASEAN Kao Kim Hourn và Ủy ban đại diện thường trực bên cạnh ASEAN (CPR). (Ảnh: Thống Nhất/TTXVN)

Tổng Bí thư Tô Lâm gặp Tổng Thư ký ASEAN Kao Kim Hourn và Ủy ban đại diện thường trực bên cạnh ASEAN (CPR). (Ảnh: Thống Nhất/TTXVN)

Những đóng góp của Việt Nam trên cương vị Ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc, Ủy viên Hội đồng nhân quyền Liên hợp quốc và các cơ chế hợp tác khu vực quan trọng như Diễn đàn Khu vực ASEAN (ARF), Hội nghị Cấp cao Đông Á (EAS), Diễn đàn Hợp tác Kinh tế châu Á-Thái Bình Dương (APEC), 3 lần là Chủ tịch ASEAN (các năm 1998, 2010, 2020)… được bạn bè quốc tế ghi nhận và đánh giá cao. Việt Nam hiểu rằng, song hành với sự gia tăng về vị thế là sự gia tăng của trách nhiệm, với gia đình ASEAN, với bạn bè khu vực và với những vấn đề quan tâm chung của cộng đồng quốc tế.

Đánh giá về đóng góp của Việt Nam, Tổng Thư ký ASEAN Kao Kim Hourn cho hay cam kết của Việt Nam được thể hiện rõ qua Tuyên bố Hà Nội năm 2001 về Thu hẹp khoảng cách phát triển hướng tới Hội nhập ASEAN chặt chẽ hơn, trong đó nhấn mạnh trách nhiệm chung của Việt Nam trong việc đưa Campuchia, Lào, Myanmar và Việt Nam vào dòng chảy kinh tế chính của ASEAN.

 Tổng Bí thư Tô Lâm với Tổng Thư ký ASEAN Kao Kim Hourn tại Trụ sở Ban Thư ký ASEAN. (Ảnh: Thống Nhất/TTXVN)

Tổng Bí thư Tô Lâm với Tổng Thư ký ASEAN Kao Kim Hourn tại Trụ sở Ban Thư ký ASEAN. (Ảnh: Thống Nhất/TTXVN)

Vai trò dẫn dắt của Việt Nam trong ASEAN được thể hiện rõ hơn qua các nhiệm kỳ Chủ tịch ASEAN năm 1998, 2010 và 2020. Mỗi nhiệm kỳ Chủ tịch này đều ghi nhận những thành tựu đáng chú ý, góp phần định hình cơ bản hướng đi của ASEAN.

Năm 1998, Việt Nam đã khéo léo dẫn dắt ASEAN vượt qua giai đoạn đầy thách thức sau cuộc Khủng hoảng tài chính châu Á. Năm 2010, Việt Nam đóng vai trò quan trọng trong việc tăng cường kết nối ASEAN và mở rộng Hội nghị Thượng đỉnh Đông Á. Năm 2020, bất chấp những gián đoạn toàn cầu chưa từng có do đại dịch COVID-19 gây ra, Việt Nam đã dẫn dắt ASEAN thành công trong việc thúc đẩy khả năng phục hồi khu vực thông qua việc phối hợp ứng phó tập thể hiệu quả.

 Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Nguyễn Quốc Dũng trao tượng trưng hỗ trợ vật tư y tế của Chính phủ và nhân dân Việt Nam cho Chính phủ và nhân dân Malaysia phòng, chống COVID-19, chiều 18/5/2020. (Ảnh: Văn Điệp/TTXVN)

Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Nguyễn Quốc Dũng trao tượng trưng hỗ trợ vật tư y tế của Chính phủ và nhân dân Việt Nam cho Chính phủ và nhân dân Malaysia phòng, chống COVID-19, chiều 18/5/2020. (Ảnh: Văn Điệp/TTXVN)

Tổng Thư ký ASEAN cũng nhấn mạnh Việt Nam đóng một vai trò chủ động và mang tính xây dựng trong việc tăng cường và làm phong phú thêm quan hệ đối ngoại của ASEAN, gắn kết chính sách đối ngoại đa phương với tầm nhìn chiến lược bao trùm của ASEAN.

Sự cộng hưởng này thể hiện rõ trong mạng lưới quan hệ đối tác toàn cầu của Việt Nam, bao gồm quan hệ đối tác chiến lược toàn diện với các cường quốc và những nước láng giềng Đông Nam Á chủ chốt, phản ánh hiệu quả mối quan hệ vững chắc của ASEAN với các Đối tác đối thoại.

 Nghi thức thượng cờ tại Lễ kết nạp Việt Nam là thành viên chính thức thứ 7 của Hiệp hội các Quốc gia Đông Nam Á (ASEAN), chiều 28/7/1995, tại Thủ đô Bandar Seri Begawan (Brunei). (Ảnh: Trần Sơn/TTXVN)

Nghi thức thượng cờ tại Lễ kết nạp Việt Nam là thành viên chính thức thứ 7 của Hiệp hội các Quốc gia Đông Nam Á (ASEAN), chiều 28/7/1995, tại Thủ đô Bandar Seri Begawan (Brunei). (Ảnh: Trần Sơn/TTXVN)

Việt Nam luôn ủng hộ mạnh mẽ các hiệp định thương mại tự do của ASEAN, củng cố vị thế của khu vực như một trung tâm quan trọng của chuỗi cung ứng toàn cầu.

“Kể từ khi gia nhập ASEAN vào năm 1995 với tư cách là một quốc gia có thu nhập thấp, Việt Nam đã thực sự chuyển mình thành một trong những thành viên năng động và có ảnh hưởng nhất của khối. Tăng trưởng kinh tế cao và bền vững cho thấy vị thế ngày càng tăng của Việt Nam trong khu vực,” Tổng thư ký Kao Kim Hourn đánh giá.

Ông Kao Kim Hourn cho rằng những thành tựu đáng kể này không chỉ nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của người dân Việt Nam mà còn củng cố đáng kể vị thế của ASEAN. Sức mạnh của tổ chức chỉ được duy trì khi mỗi quốc gia thành viên phát triển mạnh mẽ và tiếp tục cam kết xây dựng cộng đồng khu vực. Trong bối cảnh ASEAN thông qua Tầm nhìn Cộng đồng ASEAN 2045 trong năm nay, vai trò lãnh đạo và tích cực của Việt Nam tiếp tục đóng giữ vị trí then chốt trong việc định hình tương lai chung của ASEAN.

Trong bối cảnh ASEAN đang phải đối mặt với những thách thức lớn cả trong và ngoài khu vực, vai trò và vị thế của Việt Nam ngày càng được coi trọng và đánh giá cao. Nhiều nước kỳ vọng Việt Nam đóng vai trò lớn hơn trong ASEAN, trở thành cầu nối giữa ASEAN với các quốc gia đối tác đối thoại.

Củng cố vai trò của ‘ngọn hải đăng hòa bình’

Trong kỷ nguyên phát triển mới, Việt Nam tiếp tục kiên định thực hiện nhất quán đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ, hòa bình, hữu nghị, hợp tác và phát triển, đa phương hóa, đa dạng hóa quan hệ, là bạn, là đối tác tin cậy, là thành viên tích cực, có trách nhiệm trong cộng đồng quốc tế; chủ động, tích cực hội nhập quốc tế sâu rộng và toàn diện. Việt Nam sẵn sàng đóng góp tích cực và chủ động hơn nữa vào nền chính trị thế giới, nền kinh tế toàn cầu và nền văn minh nhân loại.

 Thủ tướng Phan Văn Khải dự Phiên họp những người đứng đầu Nhà nước, Chính phủ các nước ASEAN để thông qua chương trình hành động Hà Nội và tuyên bố Hà Nội 1998 (16/12/1998). (Ảnh: Nguyễn Khang/TTXVN)

Thủ tướng Phan Văn Khải dự Phiên họp những người đứng đầu Nhà nước, Chính phủ các nước ASEAN để thông qua chương trình hành động Hà Nội và tuyên bố Hà Nội 1998 (16/12/1998). (Ảnh: Nguyễn Khang/TTXVN)

Theo Tổng Bí thư Tô Lâm, trong hành trình phát triển tiếp theo với những kỳ vọng mới đặt ra cho ASEAN, Việt Nam nhận thức rõ hơn trách nhiệm tham gia chủ động và đóng góp nhiều hơn cho công việc chung, với phương châm sáng tạo trong tư duy, đổi mới trong tiếp cận, linh hoạt trong triển khai, hiệu quả trong cách làm và quyết liệt trong hành động.

Việt Nam nhận thức rõ hơn trách nhiệm tham gia chủ động và đóng góp nhiều hơn cho công việc chung, với phương châm sáng tạo trong tư duy, đổi mới trong tiếp cận, linh hoạt trong triển khai, hiệu quả trong cách làm và quyết liệt trong hành động.

Tổng Bí thư Tô Lâm

Việt Nam sẽ phối hợp chặt chẽ với các thành viên ASEAN góp phần hiện thực hóa những tiềm năng và hóa giải các thách thức, trong đó có nỗ lực xây dựng một cấu trúc khu vực bao trùm, bền vững, kết nối về chính trị, an ninh, kinh tế, thương mại, văn hóa, xã hội và giao lưu nhân dân; đồng thời, đề cao ứng xử dựa trên Hiến chương Liên hợp quốc và luật pháp quốc tế là phương cách tốt nhất, căn cơ nhất để bảo đảm hòa bình, ổn định và thịnh vượng trong khu vực và thế giới.

Đối với khu vực, đó là câu chuyện của quan hệ đối tác toàn diện, sâu rộng giữa ASEAN và các đối tác trên tinh thần thiện chí, trách nhiệm, tôn trọng lẫn nhau và cùng có lợi, phấn đấu cho hòa bình, an ninh, ổn định, thịnh vượng và phát triển bền vững.

 Thủ tướng Phạm Minh Chính tham dự và phát biểu tại Hội nghị Cấp cao ASEAN - Hội đồng Hợp tác Vùng Vịnh (GCC), diễn ra tại thành phố Riyadh (Saudi Arabia, 20/10/2023). (Ảnh: Dương Giang/TTXVN)

Thủ tướng Phạm Minh Chính tham dự và phát biểu tại Hội nghị Cấp cao ASEAN - Hội đồng Hợp tác Vùng Vịnh (GCC), diễn ra tại thành phố Riyadh (Saudi Arabia, 20/10/2023). (Ảnh: Dương Giang/TTXVN)

Với thế giới, là câu chuyện trao truyền hy vọng và cảm hứng, ASEAN là hình mẫu thành công về liên kết, mang lại niềm tin và động lực cho đoàn kết, hợp tác phát triển ở nhiều nơi trên thế giới, gắn kết quan tâm của các khu vực với quan tâm của toàn cầu, tạo sức mạnh cộng hưởng cùng xử lý hiệu quả các vấn đề toàn cầu, hiện thực hóa khát vọng chung về hòa bình và phát triển.

Đại sứ Việt Nam tại ASEAN, bà Tôn Thị Ngọc Hương cũng khẳng định quyết tâm Việt Nam sẽ tiếp tục nỗ lực hơn nữa để cùng các nước thành viên hiện thực hóa những mục tiêu cho ASEAN trong giai đoạn mới, thực hiện Tầm nhìn Cộng đồng 2045 và giúp ASEAN vững vàng vượt qua những thách thức mà tổ chức đang gặp phải trong bối cảnh môi trường khu vực và quốc tế đang có nhiều biến động nhanh chóng và khó đoán định.

“Với những nền tảng Việt Nam đã tạo dựng được 30 năm qua, khi tham gia đóng góp trong ASEAN, vai trò, vị thế, hình ảnh, tiếng nói của Việt Nam sẽ tiếp tục được nâng cao, được các nước ASEAN và bạn bè quốc tế ghi nhận, đánh giá,” Đại sứ Tôn Thị Ngọc Hương nhấn mạnh.

 Thủ tướng Nhật Bản Kishida Fumio, Thủ tướng Phạm Minh Chính và Trưởng đoàn các nước ASEAN tham dự Hội nghị cấp cao kỷ niệm 50 năm quan hệ ASEAN-Nhật Bản. (Ảnh: Dương Giang/TTXVN)

Thủ tướng Nhật Bản Kishida Fumio, Thủ tướng Phạm Minh Chính và Trưởng đoàn các nước ASEAN tham dự Hội nghị cấp cao kỷ niệm 50 năm quan hệ ASEAN-Nhật Bản. (Ảnh: Dương Giang/TTXVN)

Cùng quan điểm đó, Đại sứ Trần Đức Bình, Vụ trưởng Vụ ASEAN, Bộ Ngoại giao cho rằng thông qua Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN, Bộ trưởng Ngoại giao Bùi Thanh Sơn đã nhấn mạnh vai trò của ASEAN là “ngọn hải đăng hòa bình.” Cùng với nỗ lực của toàn Đảng, toàn dân đưa đất nước vững bước vào kỷ nguyên mới, Việt Nam sẽ tiếp tục nối dài hành trình tham gia ASEAN bằng nhiều đóng góp ấn tượng hơn và sâu sắc hơn, mang “thương hiệu” của Việt Nam.

Theo Đại sứ Trần Đức Bình, sứ mệnh của ASEAN ngay từ ngày đầu thành lập là duy trì hòa bình, an ninh, hợp tác và thịnh vượng chung ở khu vực. Sự biến động và thăng trầm mỗi giai đoạn đặt ra cho ASEAN yêu cầu tìm kiếm những phương thức hợp tác hữu hiệu để thích ứng và phát triển.

Chính điều này đã làm nên sức sống của ASEAN, đoàn kết vượt qua nghịch cảnh, tự cường trong mọi biến động và vươn tầm bứt phá vì phát triển bao trùm và bền vững. Đó cũng chính là những từ khóa mà Việt Nam gửi gắm qua chủ đề của Diễn đàn Tương lai ASEAN năm nay.

ASEAN sắp hoàn tất Tầm nhìn Cộng đồng ASEAN 2025, và hướng tới tầm nhìn dài hạn hơn đến năm 2045. Đại sứ Trần Đức Bình cho rằng việc xác định tầm nhìn giúp ASEAN và các nước tối ưu hóa tiềm năng hợp tác, gắn kết hài hòa quan tâm và ưu tiên của các nước với khuôn khổ hợp tác của ASEAN và giữa ASEAN với các đối tác.

“Tầm nhìn ASEAN 2045 đã đặt ra kỳ vọng về một ASEAN phát triển mạnh mẽ, là tâm điểm của tăng trưởng kinh tế của khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương. Các khuôn khổ hợp tác mà ASEAN xây dựng là minh chứng rõ nét về sự chủ động của ASEAN trong việc nắm bắt cơ hội và đón đầu tương lai. Chúng ta kỳ vọng và lạc quan về tương lai một ASEAN vươn tầm mạnh mẽ,” Đại sứ Trần Đức Bình khẳng định.

 Chương trình nghệ thuật tại Lễ khai mạc Hội nghị Cấp cao ASEAN lần thứ 37 (Hà Nội, 12/11/2020). (Ảnh: Dương Giang/TTXVN)

Chương trình nghệ thuật tại Lễ khai mạc Hội nghị Cấp cao ASEAN lần thứ 37 (Hà Nội, 12/11/2020). (Ảnh: Dương Giang/TTXVN)

Chia sẻ với Báo Điện tử VietnamPlus về vấn đề này, bà Trần Hải Vân, Phó Cục trưởng Cục Hợp tác quốc tế, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, cho rằng hành trình xây dựng niềm tin và tình đoàn kết giữa các nước ASEAN không thể không kể đến đóng góp của hợp tác văn hóa. Tại Hội nghị cấp cao ASEAN lần thứ 46 diễn ra tháng 5/2025, các nhà lãnh đạo đã thông qua Tầm nhìn ASEAN 2045 cùng 4 chiến lược về chính trị-an ninh, kinh tế, văn hóa-xã hội và kết nối, xác định kinh tế sáng tạo là nguồn lực mới.

“Cộng đồng Văn hóa-Xã hội là một trong ba trụ cột của hợp tác ASEAN, với các cơ chế từ Hội nghị Bộ trưởng, Hội nghị Quan chức cấp cao đến các khuôn khổ hợp tác thiết chế văn hóa và giao lưu nhân dân. Trong những năm qua, Việt Nam và các nước ASEAN đã cùng nhau xây dựng một cộng đồng ASEAN giàu bản sắc với những nét văn hóa độc đáo của mỗi dân tộc,” bà Trần Hải Vân nói.

Theo bà Trần Hải Vân, là cơ quan đầu mối về hợp tác văn hóa giữa Việt Nam và ASEAN, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch ý thức sâu sắc vai trò và trách nhiệm của mình trong việc tham mưu, thực hiện các chương trình hành động theo Tầm nhìn ASEAN 2045, cụ thể là phát triển kinh tế sáng tạo dựa trên cơ sở 3 trụ cột: Di sản văn hóa, công nghiệp sáng tạo và bản sắc ASEAN./.

 Phu nhân Tổng Bí thư Tô Lâm và Phu nhân Tổng Thư ký ASEAN Kao Kim Hourn chúc mừng đoàn nghệ thuật trình diễn tại buổi Lễ kỷ niệm 30 năm Việt Nam gia nhập ASEAN. (Ảnh: Thống Nhất/TTXVN)

Phu nhân Tổng Bí thư Tô Lâm và Phu nhân Tổng Thư ký ASEAN Kao Kim Hourn chúc mừng đoàn nghệ thuật trình diễn tại buổi Lễ kỷ niệm 30 năm Việt Nam gia nhập ASEAN. (Ảnh: Thống Nhất/TTXVN)

(Vietnam+)

Nguồn VietnamPlus: https://www.vietnamplus.vn/viet-nam-dong-vai-tro-then-chot-trong-viec-dinh-hinh-tuong-lai-chung-cua-asean-post1052004.vnp