Đại sứ Singapore Jaya Ratnam: Việt Nam gia nhập ASEAN góp phần tăng cường đoàn kết và ổn định khu vực

Nhân kỷ niệm 30 năm Ngày Việt Nam gia nhập ASEAN (28/7/1995 - 28/7/2025), Đại sứ Singapore tại Việt Nam Jaya Ratnam đã có những chia sẻ với phóng viên TTXVN.

Đại sứ Singapore tại Việt Nam Jaya Ratnam. Ảnh: Việt Đức/TTXVN

Đại sứ Singapore tại Việt Nam Jaya Ratnam. Ảnh: Việt Đức/TTXVN

Là đại diện một trong những quốc gia thành viên đầu tiên sáng lập ASEAN từ năm 1967, Đại sứ đánh giá như thế nào về những đóng góp của Việt Nam - một thành viên gia nhập sau vào năm 1995?

Việc Việt Nam gia nhập ASEAN 30 năm trước không chỉ đánh dấu bước ngoặt trong quá trình hội nhập của các bạn, mà còn góp phần tăng cường đoàn kết và ổn định khu vực. Cùng nhau, chúng ta đã thúc đẩy hợp tác khu vực, đóng góp vào môi trường ổn định, hòa bình, phát triển kinh tế và thịnh vượng chung. Việt Nam luôn giữ vai trò then chốt và có nguyên tắc trong việc đảm bảo vai trò trung tâm của ASEAN. ASEAN là ưu tiên hàng đầu trong chính sách đối ngoại của Việt Nam và các bạn chủ động thúc đẩy ASEAN đóng vai trò dẫn dắt để giải quyết các vấn đề cấp bách của khu vực và toàn cầu. Việt Nam không chỉ thể hiện cam kết qua lời nói mà còn bằng những hành động cụ thể.

Tôi xin nêu 3 ví dụ sau đây. Đầu tiên, nhìn lại Năm Chủ tịch ASEAN 2020, Việt Nam đã thể hiện rõ vai trò lãnh đạo khi thúc đẩy các cơ chế hợp tác hiệu quả để khu vực cùng ứng phó với đại dịch COVID-19. Thứ hai, cũng giống như COVID-19, biến đổi khí hậu là thách thức toàn cầu đòi hỏi nỗ lực chung. Việt Nam và Singapore đã cam kết mạnh mẽ với các hành động khí hậu hiệu quả. Hai nước đang phối hợp chặt chẽ trong việc phát triển Lưới điện ASEAN, nhằm thúc đẩy chuyển đổi năng lượng xanh, thu hút đầu tư, tạo việc làm chất lượng và tăng cường an ninh năng lượng khu vực. Thứ ba, Việt Nam kiên định bảo vệ trật tự quốc tế dựa trên luật lệ trong bối cảnh toàn cầu đối diện nhiều thách thức. Việt Nam và Singapore đều là thành viên của Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) và Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện Khu vực (RCEP), đồng thời là hai quốc gia ASEAN duy nhất có Hiệp định Thương mại Tự do với Liên minh châu Âu (EU).

Năm 2025 đánh dấu giai đoạn chuyển tiếp quan trọng của ASEAN khi hướng tới Tầm nhìn Cộng đồng cho 20 năm tới, với trọng tâm là hợp tác chiến lược trên các trụ cột chính trị - an ninh, kinh tế, văn hóa - xã hội và kết nối. Đại sứ suy nghĩ gì về vai trò của Việt Nam trong giai đoạn quan trọng này của ASEAN?

Cũng giống như Việt Nam, chúng tôi không coi những thành tựu mà ASEAN đạt được là điều hiển nhiên, nhất là khi thập kỷ tới có ý nghĩa mang tính quyết định. Tất cả chúng ta đang phải đối mặt với một bối cảnh rất khó khăn và bất định, nhưng chúng ta đã từng vượt qua nghịch cảnh trước đây. Chừng nào chúng ta đoàn kết, ASEAN vẫn có thể đối mặt với thách thức một cách tự tin. Khi Việt Nam gia nhập ASEAN năm 1995, lần đầu tiên trong lịch sử khu vực, Đông Nam Á được kết nối thành một khối thống nhất. Các nhà lãnh đạo khu vực khi đó đã hiểu rõ rằng, cùng nhau đối mặt với thách thức chung sẽ hiệu quả hơn là đối phó riêng lẻ. Chính tinh thần đoàn kết, tôn trọng chủ quyền và hợp tác cùng có lợi đã đặt nền móng cho hòa bình và ổn định khu vực. Chúng ta đã duy trì ASEAN là một tổ chức cởi mở và bao trùm, khẳng định là bạn của tất cả, là khu vực nơi mà các nước lớn cùng tham gia và cùng đầu tư.

Thủ tướng Singapore Lawrence Wong từng nhấn mạnh, mỗi quốc gia ASEAN có thể nhỏ về quy mô nhưng khi hợp lực thì chúng ta có sức mạnh đáng kể. Với dân số khoảng 700 triệu người, ASEAN hiện là nền kinh tế lớn thứ 5 thế giới - sau Hoa Kỳ, Trung Quốc, Đức và Nhật Bản và dự kiến sẽ trở thành nền kinh tế lớn thứ 4 vào năm 2030. Để đạt được mục tiêu lớn hơn, chìa khóa quan trọng là ASEAN cần tiếp tục đẩy mạnh hội nhập, đầu tư và xóa bỏ các rào cản thương mại. Hiện nay, chuỗi cung ứng ASEAN đã trải dài qua nhiều nước, tận dụng thế mạnh bổ sung lẫn nhau.

Một ví dụ rõ nét là việc chúng ta nâng cấp Hiệp định Thương mại Hàng hóa ASEAN (ATIGA), hướng tới mục tiêu loại bỏ hoàn toàn thuế quan. Tuy nhiên, chúng ta vẫn còn nhiều việc phải làm để có thể khai thác toàn bộ tiềm năng. Ví dụ câu chuyện về chuỗi cung ứng khu vực - như bông từ Philippines nhưng kéo sợi tại Thái Lan, nhuộm và may tại Việt Nam, sau đó xuất khẩu ra thế giới. Đây chính là mô hình hợp tác cần nhân rộng.

Singapore và Việt Nam chia sẻ tầm nhìn chung về một thị trường ASEAN gắn kết và có sức cạnh tranh hơn. Hai nước đang phối hợp chặt chẽ để thúc đẩy ASEAN trở thành thị trường thống nhất, thu hút đầu tư và thích ứng với nền kinh tế toàn cầu đang ngày càng phân mảnh. Trong bối cảnh đó, việc sớm hoàn tất Hiệp định Khung Kinh tế Số ASEAN (DEFA) sẽ đóng vai trò then chốt, giúp thúc đẩy thương mại số, dòng dữ liệu xuyên biên giới, thanh toán điện tử.

Bên cạnh đó, ASEAN cũng đang nâng cấp các Hiệp định thương mại tự do (FTA) với các đối tác quan trọng như Trung Quốc, Ấn Độ và Hàn Quốc; tiếp đó là tăng cường quan hệ Đối tác Chiến lược ASEAN - EU. Vượt ra ngoài khu vực, ASEAN trong thập kỷ qua đã xây dựng một cấu trúc khu vực mở và bao trùm. Thông qua các diễn đàn như Cấp cao Đông Á (EAS) và Tầm nhìn ASEAN về Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương (AOIP), ASEAN duy trì vai trò trung tâm, thúc đẩy hợp tác và phản đối sự đối đầu hay chi phối đơn phương. Khi Singapore đảm nhận vai trò Chủ tịch ASEAN năm 2027 - đúng vào dịp ASEAN kỷ niệm 60 năm thành lập, chúng tôi sẽ hợp tác chặt chẽ với Việt Nam và các đối tác để thúc đẩy hội nhập sâu rộng, khẳng định vai trò trung tâm và uy tín của ASEAN.

Để tăng cường hợp tác cũng như hiện thực hóa các chiến lược phát triển mới của ASEAN, Singapore và Việt Nam có thể đóng góp cụ thể như thế nào, thưa Đại sứ?

Thời gian tới, cùng tiến về phía trước, mối quan hệ Singapore - Việt Nam đứng trước cơ hội phát triển mạnh mẽ hơn bao giờ hết. Trong bối cảnh căng thẳng địa chính trị gia tăng, trật tự đa phương dựa trên luật lệ đang chịu nhiều sức ép, quan hệ hai nước đã được nâng cấp lên Đối tác Chiến lược Toàn diện vào đầu năm nay. Đây là Đối tác Chiến lược Toàn diện đầu tiên của Singapore với một quốc gia ASEAN và là 1 trong 3 quan hệ Đối tác Chiến lược Toàn diện mà Singapore thiết lập trên toàn cầu.

Dưới sự lãnh đạo của Tổng Bí thư Tô Lâm, Việt Nam đang bước vào một “kỷ nguyên mới”, với trọng tâm là phát triển bền vững, tăng trưởng xanh và chuyển đổi số. Quan hệ Đối tác Chiến lược Toàn diện giữa hai nước xác định rõ cách thức mà hai nước có thể tận dụng, bổ sung và cộng hưởng lẫn nhau trong các lĩnh vực hợp tác chiến lược như quốc phòng, an ninh, phòng chống tội phạm xuyên quốc gia, cho đến các lĩnh vực mới nổi như năng lượng tái tạo, tín chỉ carbon, kết nối cáp quang biển, an ninh lương thực và kinh tế số. Những nội dung hợp tác này không chỉ phù hợp với ưu tiên của hai nước, mà còn phù hợp với tầm nhìn chung của ASEAN.

Trân trọng cảm ơn Đại sứ Jaya Ratnam!

Việt Đức/TTXVN (thực hiện)

Nguồn Tin Tức TTXVN: https://baotintuc.vn/thoi-su/dai-su-singapore-jaya-ratnam-viet-nam-gia-nhap-asean-gop-phan-tang-cuong-doan-ket-va-on-dinh-khu-vuc-20250728090206093.htm