'Việt Nam đủ tiềm năng trở thành công xưởng mới của thế giới'
Các chuyên gia nhận định Việt Nam hội đủ yếu tố để trở thành nền kinh tế lớn trong khu vực, nhưng cần thận trọng và tỉnh táo để đối mặt nhiều thách thức trong tương lai.
Tại Lễ trao giải Vietnam HR Awards 2020 – tôn vinh các doanh nghiệp, công ty có chính sách nhân sự xuất sắc tại Việt Nam năm 2020, bà Nguyễn Thị Hà, Thứ trưởng Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội chia sẻ: “Đại dịch Covid-19 từ đầu năm đến nay đã tác động tiêu cực đến hầu hết doanh nghiệp sản xuất và dịch vụ. Chính phủ đã kịp thời tiếp sức, đồng hành cùng doanh nghiệp. Trong đó, mục tiêu hỗ trợ doanh nghiệp, người lao động là một trong những ưu tiên hàng đầu”.
Nền kinh tế tăng trưởng mạnh mẽ
Với phản ứng nhanh nhạy và hiệu quả trong nỗ lực ngăn chặn đại dịch, Covid-19 không chỉ là thử thách mà còn là đòn bẩy giúp Việt Nam tăng tốc các chỉ số phát triển kinh tế. Ông Brook Taylor, Chủ tịch HĐQT Công ty Cổ phần Quản lý quỹ VinaCapital, đã chia sẻ những số liệu lạc quan của nền kinh tế Việt Nam sau cơn bão đại dịch Covid-19.
Theo ông Taylor, ảnh hưởng của Covid-19 lên nền kinh tế Việt Nam thực chất mang dấu hiệu tích cực nếu đem so với các quốc gia khác trên thế giới.
Trong ngắn hạn, tổng sản phẩm quốc nội (GDP) Việt Nam trong năm 2020 ghi nhận tăng trưởng tích cực với chỉ số tin cậy của người tiêu dùng nội địa cao. “Covid-19 đã tạo bước tiến để công nghệ phát triển vượt bậc. Trong điều kiện bình thường, những chuyển đổi có thể mất đến 5 năm nay được rút ngắn chỉ trong vòng một năm. Mọi thứ, đặc biệt trong lĩnh vực công nghệ, đã tăng tốc rất nhiều”, ông Taylor khẳng định.
Trong 9 tháng đầu năm 2020, GDP của Việt Nam đã tăng 2% nhờ sự phục hồi của tiêu dùng. Theo báo cáo của Tổ chức Tiền tệ Thế giới (IMF), quy mô nền kinh tế Việt Nam đã vượt Singapore và Malaysia để vươn lên trở thành nền kinh tế lớn thứ 4 ASEAN. Việt Nam cũng là quốc gia duy nhất trong nhóm 5 nền kinh tế dẫn đầu trong khu vực có dự đoán GDP tăng trưởng dương, và có nhiều khả năng sớm vượt Philippines.
Sau đại dịch, nền kinh tế Việt Nam phục hồi theo mô hình chữ V mạnh mẽ. Bên cạnh đó, nhu cầu xuất khẩu các sản phẩm ngày càng tăng nhờ nhu cầu của người mua nước ngoài tăng mạnh. Dữ liệu từ VinaCapital cho thấy trong 10 tháng đầu năm, xuất khẩu của Việt Nam sang Mỹ tăng 24%, đạt 62 tỷ USD. Kim ngạch xuất khẩu sản phẩm điện tử tăng 25%, đạt 36 tỷ USD.
Trong trung và dài hạn, Việt Nam hội tụ đủ tiềm năng trở thành công xưởng mới của thế giới. Theo ông Taylor, môi trường trong tương lai sẽ ngày càng cạnh tranh và gay gắt. Doanh nghiệp Việt Nam cần thể hiện sức hút nổi bật hơn các các đối thủ cạnh tranh. Bên cạnh đó, doanh nghiệp nên tập trung tiếp thu công nghệ số hóa để chuyển đổi toàn diện và học hỏi những tập quán kinh doanh tốt từ các quốc gia trên thế giới.
Ông Brook Taylor nhận định: “Các công ty ở Việt Nam còn thiếu những chuyên gia có kinh nghiệm chuyên môn sâu để đào tạo, thay đổi con người, đặc biệt là trong lĩnh vực nhân sự. Doanh nghiệp cần có cái nhìn và kế hoạch dài hạn hơn để tồn tại lâu dài và tăng cường khả năng cạnh tranh”.
Nhân lực là yếu tố bền vững hàng đầu
Bên cạnh những số liệu tích cực, Việt Nam vẫn đối mặt nhiều thách thức để duy trì đà tăng trưởng thần tốc. Sau sự càn quét của đại dịch, ngành du lịch, khách sạn và dịch vụ tại Việt Nam chịu ảnh hưởng rất nặng nề và phải mất nhiều thời gian để nền kinh tế phục hồi hoàn toàn. Các chuyên gia dự đoán nền kinh tế nhiều khả năng chưa thể phục hồi vào năm 2021. Hy vọng về loại vaccine có hiệu quả đến 95% cũng khó cứu chữa căn bệnh của nền kinh tế trong ngắn hạn.
Trong tình huống này, ứng biến để thích nghi, tồn tại và duy trì doanh nghiệp vượt qua tình thế khó khăn là vấn đề nhận được nhiều sự quan tâm của các doanh nghiệp. Trong đó, nhân sự phải đối mặt với tình huống phải linh hoạt chuyển đổi cấp bách để phù hợp với điều kiện hoạt động mới.
Theo ông Phạm Phú Ngọc Trai, Chủ tịch công ty GIBC, đào tạo lao động là một khoản đầu tư, nhưng trong bối cảnh khủng hoảng, nhiều công ty lại đánh giá khoản đầu tư này là chi phí và ưu tiên cắt giảm. Ông chia sẻ: “Giải quyết khủng hoảng cũng là một phần trong chuỗi giá trị của doanh nghiệp. Doanh nghiệp Việt cần xác định yếu tố cốt lõi trong hoạt động kinh doanh. Tồn tại chỉ là ý nghĩa ngắn hạn, đừng vì tồn tại mà hy sinh ý nghĩa dài hạn của doanh nghiệp”.
Bên cạnh đó, các chuyên gia cũng nhận định yếu tố phát triển bền vững có ý nghĩa sâu sắc hơn trong giai đoạn khủng hoảng. Những doanh nghiệp thể hiện tốt trách nhiệm với xã hội, cộng đồng, quan tâm đến nguồn nhân lực sẽ được khách hàng ưu tiên tin tưởng và lựa chọn. Ông Nguyễn Hồng Việt, Giám đốc điều hành SAP Việt Nam, nhận định: “Để doanh nghiệp phát triển bền vững thì trước tiên cần phải có sự bền vững về con người”.