Việt Nam-Đức: Đối tác chiến lược cùng xây dựng tương lai

Thủ tướng Đức Angela Merkel từng nói rằng, ở Việt Nam, bà có thể cảm nhận một sự năng động không tưởng tượng nổi.

Chính phủ Đức đã quyết định viện trợ cho Việt Nam tổng cộng 3,35 triệu liều vaccine Covid-19 cũng nhiều thiết bị y tế.

Chính phủ Đức đã quyết định viện trợ cho Việt Nam tổng cộng 3,35 triệu liều vaccine Covid-19 cũng nhiều thiết bị y tế.

Chính sự năng động của Việt Nam, sự ủng hộ của Đức và nền tảng quan hệ chính trị vững chắc, hợp tác kinh tế sâu rộng giữa hai nền kinh tế có độ mở lớn, nhiều tiềm năng đã bổ sung cho nhau, phát triển liên tục, hiệu quả.

Tuyên bố Hà Nội về việc thiết lập Đối tác chiến lược Việt Nam-Đức được ký ngày 11/10/2011 nhân chuyến thăm Việt Nam của Thủ tướng Đức Angela Merkel trở thành dấu mốc quan trọng, định hình quan hệ Việt Nam-Đức phát triển mạnh mẽ.

Cùng nắm bắt cơ hội mới

Sau dấu mốc quan trọng đó, hoạt động xúc tiến đầu tư, thương mại giữa hai nước được đẩy mạnh sôi động hơn, Đức khẳng định là đối tác thương mại lớn nhất của Việt Nam ở châu Âu. Năm 2020, Việt Nam đã vượt Malaysia và Singapore để trở thành đối tác thương mại lớn nhất của Đức tại Đông Nam Á. Kim ngạch thương mại hai bên đã tăng gấp đôi kể từ năm 2010, đạt hơn 10 tỷ USD, với mức tăng trung bình trên 10%/năm.

Thị trường Đức chiếm 19% xuất khẩu của Việt Nam sang EU (bằng cả Anh và Pháp cộng lại) và cũng là cửa ngõ trung chuyển quan trọng của hàng hóa Việt Nam sang các thị trường khác ở châu Âu. Ngược lại, Việt Nam là cầu nối để hàng hóa Đức thâm nhập thị trường ASEAN.

Trong nhiều năm, Chính phủ Đức đã ủng hộ EU sớm công nhận quy chế kinh tế thị trường cho Việt Nam, sớm khởi động và thúc đẩy đàm phán Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam-EU (EVFTA) và Hiệp định Bảo hộ đầu tư (EVIPA) nhằm tăng cường trao đổi kinh tế, thương mại và đầu tư giữa hai nước.

Về đầu tư, Đức là nền kinh tế đứng thứ 18 trong số các nước và vùng lãnh thổ đầu tư vào Việt Nam. Trong EU, Đức đứng thứ ba với 391 dự án còn hiệu lực, với tổng số vốn đăng ký hơn 2,22 tỷ USD tại 38 tỉnh, thành của Việt Nam, trong các lĩnh vực cơ khí, chế tạo máy, logistics, hóa chất, năng lượng tái tạo… với tổng vốn đầu tư hơn 2 tỷ USD.

Ở chiều ngược lại, nước Đức trở thành một trong những điểm đến quan trọng của các nhà đầu tư Việt Nam. Có 41 dự án đầu tư vào Đức, có trị giá hơn 218 triệu USD của các nhà đầu tư Việt Nam trải rộng trong các lĩnh vực tài chính - ngân hàng, tin học, nhà hàng, khách sạn...

Hai nước cũng đã thiết lập và thúc đẩy nhiều cơ chế hợp tác, tạo động lực quan trọng làm sâu sắc hơn nữa quan hệ song phương, trong đó có những dự án trọng điểm như Đại học Việt - Đức, tuyến tàu điện ngầm số 2, Ngôi nhà Đức tại TP. Hồ Chí Minh…

Nhiều cơ chế hợp tác như cuộc họp Nhóm Điều hành chiến lược, Đối thoại cấp cao về kinh tế, Tham vấn Chính phủ về hợp tác phát triển, Ủy ban Hợp tác khoa học - công nghệ... đã được kích hoạt và mở rộng, bảo đảm tính hiệu quả và chất lượng của mọi mặt hợp tác.

Về đầu tư, Đức là nền kinh tế đứng thứ 18 trong số các nước và vùng lãnh thổ đầu tư vào Việt Nam. Trong EU, Đức đứng thứ ba với 391 dự án còn hiệu lực, với tổng số vốn đăng ký hơn 2,22 tỷ USD tại 38 tỉnh, thành của Việt Nam, trong các lĩnh vực cơ khí, chế tạo máy, logistics, hóa chất, năng lượng tái tạo… với tổng vốn đầu tư hơn 2 tỷ USD.

Trong gần hai năm qua, khi cả thế giới phải gồng mình chống chọi với đại dịch Covid-19, EVFTA (có hiệu lực từ 8/2020) đã trở thành bàn đạp vững chắc cho hợp tác kinh tế, thương mại, đầu tư giữa Việt Nam và Đức nói riêng và EU nói chung.

Nhờ tác động tích cực của EVFTA trong thời kỳ đại dịch, thương mại song phương vẫn phát triển, năm 2020 tăng 3,6% lên 15,7 tỷ USD. Điều này là do xuất khẩu của Việt Nam sang Đức tăng lên 11,4 tỷ USD (+7,9%). EVFTA được kỳ vọng là nấc thang mới trong quan hệ chiến lược Việt Nam - Đức và Việt Nam-EU.

Đối tác toàn cầu

Hợp tác phát triển cũng là một thành tố quan trọng trong quan hệ Việt Nam-Đức. Trong ba thập niên trở lại đây, với nguồn ODA trị giá hơn 2 tỉ USD, Đức luôn đồng hành với công cuộc phát triển của Việt Nam thông qua các chương trình hợp tác lớn như cải cách kinh tế, xây dựng chiến lược tăng trưởng xanh, đào tạo nghề, luật pháp…

Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh đánh giá: “Những bài học chia sẻ kinh nghiệm về mô hình phát triển, khai thác năng lượng tái tạo, bảo vệ môi trường, hệ thống đào tạo nghề… là hành trang quý giá góp phần giúp Việt Nam hoàn thiện các cơ chế chính sách, phát triển kinh tế - xã hội, bảo tồn thiên nhiên và đào tạo nguồn nhân lực…, từ đó góp phần hỗ trợ Việt Nam hoàn thành trước thời hạn những mục tiêu phát triển thiên niên kỷ và đang tiến tới các mục tiêu phát triển bền vững”.

Trong đó, yếu tố con người nổi bật trong các hợp tác về giáo dục, nghiên cứu khoa học, pháp luật, văn hóa - du lịch… và giao lưu nhân dân. Đó là cộng đồng trên 170 nghìn người Việt Nam, gồm nhiều thế hệ, hội nhập sâu rộng và có những đóng góp tích cực vào đời sống kinh tế-xã hội Đức, họ đã kết thành một khối tài sản chung vô giá, trở thành chất xúc tác không thể thiếu cho sự phát triển đa dạng và độc đáo của quan hệ hai nước.

Đó là đội ngũ đông đảo học sinh, sinh viên và lao động Việt Nam đã từng học tập, làm việc tại Đức từ những năm 50 của thế kỷ trước, nắm vững ngôn ngữ và văn hóa Đức. Và hiện tại đang có hơn 6.700 học sinh, sinh viên và hơn 1.000 nghiên cứu sinh Việt Nam đang học tập, nghiên cứu tại Đức; cùng với những dự án “hải đăng” như Đại học Việt - Đức và hơn 160 dự án hợp tác giữa các trường học hai nước… hứa hẹn là nền tảng vững chắc kết nối hai quốc gia, hai nền kinh tế.

Tại Diễn đàn kinh tế - thương mại Việt-Đức 2020, Đại sứ Đức tại Việt Nam Guido Hildner cho biết, lĩnh vực đào tạo - dạy nghề và đẩy mạnh hợp tác kinh tế, thương mại giữa hai nước thông qua Hiệp định EVFTA là những mục tiêu mà Đức sẽ tập trung hỗ trợ, đẩy mạnh trong thời gian tới.

Đức cũng cam kết ủng hộ Việt Nam tăng cường quan hệ hợp tác toàn diện với EU, thúc đẩy hoàn tất tiến trình phê chuẩn Hiệp định EVIPA tại Quốc hội.

Đại dịch Covid-19 là một thách thức lớn đối với toàn xã hội, không chỉ tác động tới nền kinh tế, mà còn nhiều lĩnh vực khác. Cộng đồng doanh nghiệp Đức luôn sát cánh cùng Việt Nam trong thời điểm khó khăn của đại dịch. Sự hiện diện của cộng đồng đã được duy trì, bất chấp nhiều trở ngại các doanh nghiệp đã có sự phản ứng và điều chỉnh linh hoạt với tình hình mới và làm việc với cam kết cao.

Biến đổi khí hậu là một trong những thách thức toàn cầu lớn mà một quốc gia không thể đi một mình.

Trong chiến lược chính sách phát triển mới của Đức và “Phục hồi xanh”, Việt Nam được xếp vào nhóm quốc gia đối tác toàn cầu. Vào cuối tháng Bảy, các cuộc đàm phán chính phủ song phương về hợp tác phát triển đã thống nhất, vấn đề khí hậu và năng lượng là một trong những trọng tâm cũng như cơ hội hợp tác tốt giữa Đức và Việt Nam trong thời gian tới.

Nguồn TG&VN: https://baoquocte.vn/viet-nam-duc-doi-tac-chien-luoc-cung-xay-dung-tuong-lai-160957.html