Việt Nam - Đức ký Tuyên bố chung về thiết lập Đối tác Năng lượng

Các lĩnh vực ưu tiên bao gồm: hoàn thiện chính sách, phát triển năng lượng tái tạo (điện gió ngoài khơi, điện mặt trời, hydro xanh), số hóa ngành điện, nâng cao hiệu quả sử dụng năng lượng, hiện đại hóa lưới điện và hỗ trợ khử carbon đối với các ngành khó giảm phát thải...

Dự kiến đến năm 2035, Việt Nam có 17 GW điện gió ngoài khơi.

Dự kiến đến năm 2035, Việt Nam có 17 GW điện gió ngoài khơi.

Ngày 3/7 tại Berlin, Cộng hòa Liên bang Đức, Thứ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hoàng Long và Quốc vụ khanh Bộ Kinh tế và Năng lượng Liên bang Đức (BMWK) Stefan Rouenhoff đã ký Tuyên bố chung thiết lập Đối tác Năng lượng Việt Nam - Đức, dưới sự chứng kiến của Phó Chủ tịch nước Võ Thị Ánh Xuân.

Tuyên bố chung là văn kiện quan trọng, chính thức nâng cấp quan hệ hợp tác năng lượng giữa hai nước lên tầm Đối tác Năng lượng (Energy Partnership), định hình khuôn khổ hợp tác toàn diện nhằm thúc đẩy chuyển dịch năng lượng, giảm phát thải hướng tới trung hòa carbon, tăng cường an ninh năng lượng và mở rộng hợp tác doanh nghiệp.

Các lĩnh vực ưu tiên bao gồm: hoàn thiện chính sách, phát triển năng lượng tái tạo (điện gió ngoài khơi, điện mặt trời, hydro xanh), số hóa ngành điện, nâng cao hiệu quả sử dụng năng lượng, hiện đại hóa lưới điện và hỗ trợ khử carbon đối với các ngành khó giảm phát thải.

Cơ chế triển khai Đối tác Năng lượng sẽ bao gồm việc tổ chức Ủy ban Chỉ đạo cấp cao hàng năm, thành lập các nhóm công tác kỹ thuật, đẩy mạnh hoạt động đào tạo, nghiên cứu và kết nối doanh nghiệp, qua đó, làm sâu sắc hơn quan hệ hợp tác năng lượng giữa hai nước và đóng góp vào mục tiêu phát triển bền vững.

Tuyên bố được ký dưới sự chứng kiến của Phó Chủ tịch nước Võ Thị Ánh Xuân.

Tuyên bố được ký dưới sự chứng kiến của Phó Chủ tịch nước Võ Thị Ánh Xuân.

Ngay sau lễ ký Tuyên bố chung, Thứ trưởng Nguyễn Hoàng Long đã có cuộc làm việc song phương với Quốc vụ khanh Stefan Rouenhoff. Hai bên đánh giá quan hệ thương mại, công nghiệp và năng lượng Việt Nam - Đức đang phát triển tích cực, còn nhiều dư địa để mở rộng trong bối cảnh chuyển đổi xanh.

Đức hiện là đối tác thương mại lớn thứ hai của Việt Nam tại châu Âu và là cửa ngõ quan trọng đưa hàng hóa Việt vào thị trường EU, phù hợp với định hướng đa dạng hóa chuỗi cung ứng của Đức.

Thứ trưởng Nguyễn Hoàng Long chia sẻ tầm nhìn phát triển năng lượng dài hạn của Việt Nam theo Quy hoạch Điện 8. Trong đó, đến năm 2030, công suất nguồn năng lượng tái tạo dự kiến chiếm 47–53%, bao gồm: 46 - 73 GW điện mặt trời, 32 - 55 GW điện gió (trong đó, 6 GW điện gió ngoài khơi vào năm 2030 và 17 GW vào năm 2035).

Việt Nam mong muốn hợp tác sâu rộng với Đức trong nhiều lĩnh vực như hydro xanh, đào tạo nhân lực và phát triển hệ sinh thái năng lượng Việt - Đức, có sự tham gia tích cực của doanh nghiệp vừa và nhỏ hai nước.

Quốc vụ khanh Rouenhoff khẳng định: "Hiệp định thương mại tự do Liên minh châu Âu-Việt Nam (EVFTA) đã góp phần nâng tầm quan hệ thương mại song phương và cam kết phối hợp triển khai hiệu quả, đồng thời ủng hộ việc sớm hoàn tất Hiệp định Bảo hộ Đầu tư giữa Liên minh châu Âu và Việt Nam (EVIPA)".

Hai bên nhất trí tăng cường hợp tác đào tạo nguồn nhân lực, đặc biệt trong lĩnh vực năng lượng và thống nhất tổ chức Phiên họp lần thứ ba Ủy ban Hỗn hợp Hợp tác Kinh tế Việt Nam - Đức tại Việt Nam vào cuối năm 2025.

Chiều cùng ngày, Thứ trưởng Nguyễn Hoàng Long đã tham dự tọa đàm về "Hỗ trợ của Đức trong phát triển các trung tâm năng lượng tái tạo tại Việt Nam". Chương trình do Bộ Công Thương phối hợp với Tổ chức Hợp tác Phát triển Đức (GIZ) tổ chức, với sự tham gia của các doanh nghiệp năng lượng đang triển khai dự án tại Việt Nam như Enertrag, Enercon, RENAC, Neuman & Esser, GEO, WPD.

Thứ trưởng Nguyễn Hoàng Long chia sẻ tầm nhìn phát triển năng lượng tái tạo của Việt Nam và cam kết hỗ trợ hợp tác trong lĩnh vực này. Đồng thời, Thứ trưởng đã trực tiếp trao đổi, giải đáp các đề xuất của doanh nghiệp Đức và thảo luận về việc hình thành các trung tâm năng lượng tái tạo tại Việt Nam với sự tham gia của các đối tác Đức trong thời gian tới.

Vũ Khuê

Nguồn VnEconomy: https://vneconomy.vn/viet-nam-duc-ky-tuyen-bo-chung-ve-thiet-lap-doi-tac-nang-luong.htm