Việt Nam được bầu vào Hội đồng Nhân quyền: Khẳng định nỗ lực của đất nước trong thúc đẩy quyền con người

Trúng cử làm thành viên Hội đồng Nhân quyền Liên hợp quốc, Việt Nam có cơ hội đóng góp thêm vào công tác thúc đẩy và bảo đảm quyền con người trên thế giới.

Việt Nam đã trúng cử làm thành viên Hội đồng Nhân quyền Liên hợp quốc, như vậy Việt Nam có cơ hội đóng góp thêm vào công tác thúc đẩy và bảo đảm quyền con người trên thế giới.

Khẳng định vị thế, uy tín ngày càng cao của Việt Nam trên trường quốc tế

Với 145 phiếu ủng hộ, Việt Nam trúng cử Hội đồng Nhân quyền Liên hợp quốc trong phiên bỏ phiếu cuối ngày 11/10 (giờ Việt Nam). Đây là lần thứ hai Việt Nam được bầu vào Hội đồng Nhân quyền Liên hợp quốc. Kết quả này khẳng định vị thế, uy tín ngày càng cao của Việt Nam trên trường quốc tế, cũng như cho thấy các nước công nhận những nỗ lực bảo vệ quyền con người của Việt Nam trong thời gian qua.

Các nước tham gia ứng cử được chia thành 5 khu vực địa lý, trong đó nhóm châu Á - Thái Bình Dương là khu vực có sự cạnh tranh cao nhất cho vị trí thành viên Hội đồng Nhân quyền nhiệm kỳ này với 7 nước giới thiệu ứng cử từ giữa năm 2020 (một nước rút ứng cử vào phút chót).

Đoàn Việt Nam tham dự phiên bỏ phiếu tại Liên hợp quốc

Đoàn Việt Nam tham dự phiên bỏ phiếu tại Liên hợp quốc

Việt Nam được các thành viên ASEAN nhất trí ủng hộ là ứng cử viên duy nhất của khối cho vị trí này; đồng thời cũng là ứng cử viên châu Á duy nhất của Cộng đồng Pháp ngữ. Trong 3 năm là thành viên Hội đồng Nhân quyền ở giai đoạn trước, Việt Nam đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, đóng góp thúc đẩy đối thoại và hợp tác; tăng cường tính hiệu quả, minh bạch và cân bằng trong công việc của Hội đồng.

Trước đó, trả lời báo chí ngay sau khi kết quả được công bố hôm 11/10, Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Phạm Quang Hiệu chỉ ra, với việc lần thứ hai tham gia Hội đồng Nhân quyền, Việt Nam được cộng đồng quốc tế kỳ vọng sẽ thúc đẩy nỗ lực bảo vệ quyền con người và đóng góp chung vào nỗ lực của thế giới.

Theo Thứ trưởng Phạm Quang Hiệu, kết quả này không chỉ cho thấy sự ghi nhận của cộng đồng quốc tế đối với thành tựu bảo đảm quyền con người của Việt Nam, mà còn là thành quả từ sự chỉ đạo sát sao và tham gia trực tiếp của lãnh đạo cấp cao, sự nỗ lực của cả hệ thống chính trị, trong đó có vai trò của các cơ quan truyền thông, báo chí trong việc bảo vệ và thúc đẩy quyền con người. Đây cũng là minh chứng cho thấy vị thế, uy tín của Việt Nam trên trường quốc tế không ngừng được củng cố, nâng cao.

Trong khi đó, Đại sứ Đặng Hoàng Giang - Trưởng Phái đoàn Việt Nam tại Liên hợp quốc, cho biết thông điệp của Việt Nam trong nhiệm kỳ làm thành viên Hội đồng Nhân quyền sắp tới là “Tôn trọng và hiểu biết. Đối thoại và hợp tác. Tất cả các quyền con người - cho tất cả mọi người”.

Đại sứ Đặng Hoàng Giang cam kết Việt Nam sẽ thúc đẩy các ưu tiên đã được xác định khi tham gia Hội đồng Nhân quyền thông qua đối thoại và hợp tác, nhất là về bảo vệ các nhóm dễ bị tổn thương và bảo đảm quyền con người trong ứng phó với các vấn đề toàn cầu.

Kỳ vọng của thế giới

Đại sứ Nguyễn Phương Nga - nguyên Trưởng Phái đoàn Việt Nam tại Liên hợp quốc (2014-2018) bày tỏ sự vui mừng, xúc động và tự hào trước thông tin Việt Nam trúng cử. Bà Nguyễn Phương Nga cho biết, bầu Hội đồng Nhân quyền là một trong những cuộc bầu cử khó khăn nhất, cạnh tranh gay gắt nhất tại Liên hợp quốc. Do đó, việc lần thứ hai được bầu vào cơ chế này là vinh dự lớn với Việt Nam.

Theo đó, đây là sự khẳng định của quốc tế đối với những nỗ lực và thành tựu to lớn mà Việt Nam đạt được trong bảo vệ và thúc đẩy quyền con người, thể hiện sự tin tưởng của cộng đồng quốc tế đối với chính sách và năng lực của Việt Nam trong thúc đẩy và bảo đảm quyền con người trên thế giới, một trong ba trụ cột chính của Liên hợp quốc. Việt Nam đã tích lũy được nhiều kinh nghiệm trong nhiệm kỳ trước đó tại Hội đồng Nhân quyền (2014-2016). Do đó, bà Nguyễn Phương Nga tin tưởng Việt Nam sẽ có nhiều đóng góp tích cực vào hoạt động của Hội đồng trong nhiệm kỳ tới.

Tuy nhiên, Đại sứ Nguyễn Phương Nga cũng cho rằng, bối cảnh quốc tế hiện nay đặt ra nhiều thách thức đối với việc bảo đảm quyền con người. Đối đầu, các biện pháp bao vây, cấm vận, bạo lực và xung đột vũ trang diễn biến phức tạp, ảnh hưởng tiêu cực đến hòa bình, an ninh, phát triển và cuộc sống của người dân ở nhiều nơi trên thế giới. Tác động của đại dịch Covid-19, kinh tế suy thoái, giá năng lượng, lương thực, lạm phát tăng cao ở nhiều nước, biến đổi khí hậu, môi trường suy thoái cũng như các thách thức an ninh phi truyền thống khác đang làm gia tăng chia rẽ và bất bình đẳng, xóa bỏ thành tựu phát triển của thế giới nhiều năm qua, đẩy lùi nỗ lực hướng tới đạt được các Mục tiêu phát triển bền vững (SDGs) theo Chương trình nghị sự 2030 vì sự phát triển bền vững của Liên hợp quốc.

Những diễn biến phức tạp của tình hình làm sâu sắc thêm sự khác biệt về quan điểm, cách tiếp cận giữa các nước và các nhóm nước, đòi hỏi các thành viên Hội đồng Nhân quyền nỗ lực tăng cường đối thoại và hợp tác, trong khi thúc đẩy các giá trị phổ quát cần tôn trọng sự khác biệt, tránh áp đặt, tiêu chuẩn kép và chính trị hóa, không can thiệp vào công việc nội bộ, phấn đấu vì mục tiêu chung là xây dựng một thế giới hòa bình, nơi mọi người dân có cuộc sống phồn vinh và hạnh phúc.

Từ trước khi cuộc bầu cử diễn ra, nhiều quốc gia trên thế giới đã công khai lên tiếng khẳng định sự ủng hộ với Việt Nam cho vị trí Ủy viên Hội đồng Nhân quyền Liên hợp quốc nhiệm kỳ 2023-2025.

Bangladesh cũng là một trong số những quốc gia châu Á cùng trúng cử vào Hội đồng Nhân quyền đợt này. Thứ trưởng thường trực Bộ Ngoại giao Bangladesh Shahriar Alam cho rằng, Việt Nam và Bangladesh sẽ tiếp tục hợp tác hơn nữa để đóng góp nhiều hơn tại Hội đồng Nhân quyền trong thời gian tới. Nhà ngoại giao Bangladesh nhận định, hai nước có thể truyền tải thông điệp tới thế giới về tầm quan trọng của hòa bình: Rằng hòa bình là giá trị trung tâm, là nguyện vọng chung của nhân dân và là nền tảng để các quốc gia đưa ra quyết sách.

Trong nhiệm kỳ 2023 - 2025, Hội đồng Nhân quyền Liên hợp quốc được bầu mới 14 thành viên, trong đó khu vực châu Á – Thái Bình Dương bầu 4 thành viên. Tại cuộc bỏ phiếu, Việt Nam trúng cử và lần thứ hai trở thành thành viên Hội đồng Nhân quyền Liên hợp quốc, nhiệm kỳ 2023-2025.

Các thành viên khác trúng cử lần này gồm có: Algeria, Bangladesh, Bỉ, Chile, Costa Rica, Grudia, Đức, Kyrgyzstan, Maldives, Maroc, Romania, Nam Phi và Sudan.

Nhật Khôi

Nguồn Công Thương: https://congthuong.vn/viet-nam-duoc-bau-vao-hoi-dong-nhan-quyen-khang-dinh-no-luc-cua-dat-nuoc-trong-thuc-day-quyen-con-nguoi-223043.html