Việt Nam được đánh giá cao về phát triển Chính phủ điện tử
Chính phủ điện tử Việt Nam đã có những bước tiến đáng khích lệ. Một số nội dung về Chính phủ số như Trung tâm điều hành đô thị thông minh, Hệ thống báo cáo, phân tích số liệu đã triển khai thí điểm và bước đầu có kết quả.
Việt Nam được Liên hợp quốc đánh giá cao về Chính phủ điện tử
Tại buổi họp của Ủy ban Quốc gia về Chính phủ điện tử vào ngày 26/8, đại diện Bộ Thông tin & Truyền thông (TT&TT) đã chia sẻ nhiều thông tin mới về tình hình phát triển Chính phủ điện tử tại Việt Nam.
Theo báo cáo khảo sát mức độ phát triển Chính phủ điện tử của LHQ giai đoạn từ tháng 8/2017 đến tháng 7/2019, Việt Nam hiện xếp thứ 86/193 quốc gia, tăng 2 bậc so với lần xếp hạng trước.
Việt Nam hiện xếp thứ 24/47 quốc gia châu Á về mức độ phát triển Chính phủ điện tử. Tại khu vực Đông Nam Á, nước ta xếp thứ 6 trong tổng số 11 quốc gia.
Kết quả khảo sát của LHQ cũng cho thấy, chỉ số tổng hợp của Việt Nam về lĩnh vực này là 0,6667, cao hơn chỉ số trung bình thế giới và khu vực. Với kết quả này, Việt Nam được đánh giá thuộc nhóm quốc gia ở mức cao về Chính phủ điện tử.
Trong các chỉ số thành phần, Việt Nam có cải thiện vượt bậc ở Chỉ số Hạ tầng viễn thông (tăng 31 bậc), cải thiện ở Chỉ số Nhân lực (tăng 3 bậc) và tụt hạng đáng kể ở Chỉ số Dịch vụ trực tuyến (giảm 22 bậc).
Ở các chỉ số thành phần, Việt Nam hiện được đánh giá cao ở Chỉ số Tham gia điện tử (xếp hạng 70/193 quốc gia) cùng những nỗ lực của ngành Thuế khi thực hiện kê khai thuế điện tử, thanh toán điện tử và hải quan điện tử.
Với Chỉ số Dịch vụ trực tuyến của địa phương và Chỉ số Dữ liệu mở (xếp hạng 97/193 quốc gia), Việt Nam chỉ thuộc nhóm quốc gia ở mức trung bình.
Theo Cục Tin học hóa (Bộ TT&TT), báo cáo trên chưa phản ánh đầy đủ những nỗ lực của Việt Nam trong khoảng thời gian từ tháng 8/2019 tới nay. Mục tiêu của Bộ TT&TT là đưa Việt Nam tăng 10 bậc trên bảng xếp hạng về Chính phủ điện tử trong giai đoạn tới.
Tình hình phát triển Chính phủ điện tử tại Việt Nam
Đối với xếp hạng chỉ số tổng thể mức độ ứng dụng CNTT của Bộ, cơ quan ngang Bộ năm 2019, top 5 cơ quan dẫn đầu hiện đang là Bộ Tài chính, Bộ Công thương, Bộ TT&TT, Bộ Y tế và Ngân hàng Nhà nước.
Ở khối các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương, nhóm các địa phương dẫn đầu gồm có Thừa Thiên - Huế, Đà Nẵng, Bình Dương, Quảng Ninh và TP.HCM.
Tính đến tháng 7/2020, Mạng truyền số liệu chuyên dùng của các cơ quan Đảng, Nhà nước (TSLCD) đã kết nối đến 100% các bộ, ngành, tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương và 96% quận, huyện, thị xã.
Với Nền tảng tích hợp, chia sẻ dữ liệu (LGSP), đến tháng 7/2020, đã có 21 bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ và 55 tỉnh/thành phố trực thuộc Trung ương có LGSP, đạt tỷ lệ 82,61%.
Tính từ đầu năm 2019 đến hết tháng 7/2020, đã có tổng cộng 4,4 triệu giao dịch được thực hiện thông qua Nền tảng tích hợp, chia sẻ dữ liệu quốc gia (NGSP). Trung bình mỗi ngày có khoảng hơn 7,6 nghìn giao dịch.
Theo ước tính của Bộ TT&TT, việc vận hành nền tảng NGSP đã giúp tiết kiệm 30.500 đồng với mỗi thủ tục hành chính được thực hiện. Nếu chỉ tính riêng dịch vụ liên thông khai sinh và cấp thẻ bảo hiểm y tế cho trẻ dưới 6 tuổi, mỗi năm NGSP giúp tiết kiệm cho xã hội 48,8 tỷ đồng.
Ở thời điểm hiện tại, tỷ lệ trao đổi văn bản điện tử giữa các cơ quan nhà nước trên toàn quốc đạt 88,53%. Tỷ lệ Dịch vụ công trực tuyến (DVCTT) mức độ 4 trung bình cả nước đạt 15,91%. Hiện có 9 bộ, cơ quan thuộc Chính phủ và 11 tỉnh, thành phố đạt tỷ lệ DVCTT mức độ 4 trên 30%, trong đó Bộ Y tế và Bộ TT&TT đạt tỷ lệ 100% DVCTT mức độ 4.
Về An toàn, an ninh mạng, đến tháng 7/2020, 44% bộ, ngành, địa phương đã triển khai bảo vệ 4 lớp. Trung tâm Giám sát an toàn không gian mạng quốc gia (NCSC) đã kết nối tới 38 SOC (Trung tâm Giám sát, điều hành an toàn, an ninh mạng) của các bộ, ngành, địa phương.
Các đề xuất để xây dựng Chính phủ số
Theo Bộ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Mạnh Hùng, trong năm qua, Chính phủ điện tử tại Việt Nam đã có những bước tiến đáng khích lệ. Một số nội dung của Chính phủ số như Trung tâm điều hành đô thị thông minh, Hệ thống báo cáo, phân tích số liệu cấp quốc gia, cấp bộ, cấp tỉnh đã được triển khai thí điểm và bước đầu mang lại kết quả.
Kể từ khi đại dịch Covid-19 diễn ra, nhiều nền tảng chuyển đổi số Việt Nam đã ra đời. Nhờ vậy, nhiều hoạt động họp tập, làm việc, mua sắm, khám chữa bệnh được đưa lên môi trường số, góp phần hình thành nên trạng thái bình thường mới.
Người đứng đầu ngành TT&TT cho rằng, chuyển đổi số là cuộc cách mạng toàn dân. Công cụ cho chuyển đổi số chính là các nền tảng. Mỗi tuần, Bộ TT&TT sẽ ra mắt các nền tảng Việt Nam để phục vụ cho công cuộc chuyển đổi số quốc gia.
Sau cùng, để biết việc chuyển đổi này có đi đúng hướng không, Bộ TT&TT sẽ ban hành bộ tiêu chí về chuyển đổi số, đo đạc tính hiệu quả và công bố xếp hạng chuyển đổi số.
Để thúc đẩy chuyển đổi số, Bộ TT&TT đề nghị Thủ tướng Chính phủ yêu cầu các bộ, ngành, địa phương xây dựng, ban hành chiến lược và chương trình chuyển đổi số năm 2020. Các nội dung Chính phủ điện tử, Chính quyền điện tử, Chính phủ số, Chính quyền số, Đô thị thông minh, Kinh tế số sẽ được đưa vào trong chiến lược này.
Về xây dựng hạ tầng số, Bộ TT&TT cho rằng nên kết hợp cả đầu tư và thuê dịch vụ. Bộ TT&TT sẽ chủ trình đề xuất trình Chính phủ ban hành hoặc ủy quyền cho Bộ TT&TT ban hành Bộ chỉ số chuyển đổi số Quốc gia cho các bộ, ngành, địa phương trong năm 2020. Bộ cũng đề nghị Thủ tướng cho phép xây dựng chiến lược Chính phủ số và chương trình hành động Chính phủ số.
Bộ TT&TT mong muốn Ủy ban Quốc gia về Chính phủ điện tử đề nghị các bộ, ngành, địa phương dành ít nhất 1% ngân sách hàng năm chi cho ứng dụng CNTT. Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng cũng đề nghị Chính phủ tăng thêm nhiệm vụ chuyển đổi số ngành và đổi tên đơn vị phụ trách CNTT của các bộ, ngành thành cục hoặc trung tâm chuyển đổi số.
Bên cạnh đó, theo kiến nghị của Bộ TT&TT, các vùng kinh tế trọng điểm nên có một trung tâm chuyển đổi số cho khu vực. Đây sẽ là nơi đào tạo nhân lực chuyển đổi số, phát triển và giới thiệu các nền tảng chuyển đổi số, thí điểm chính sách mới, giới thiệu các mô hình thành công và là nơi tập trung các doanh nghiệp chuyển đổi số cho cả khu vực.
Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng cũng mong muốn Chính phủ thống nhất nguyên tắc và giao Bộ TT&TT chủ trì các nền tảng dùng chung. Trên cơ sở đó, Bộ TT&TT đề nghị Thủ tướng giao cho Bộ việc kết nối hệ thống thanh toán hỗ trợ dịch vụ công trực tuyến.
Tại buổi họp của Ủy ban Quốc gia về Chính phủ điện tử, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đánh giá cao công tác xây dựng và hoàn thiện thể chế về Chính phủ điện tử. Với những vấn đề về thể chế còn chậm, còn thiếu, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc yêu cầu các bộ, ngành cần sớm có biện pháp khắc phục ngay trong thời gian tới.
Trong số những vấn đề được Thủ tướng Chính phủ lưu ý, có việc xây dựng Nghị định về bảo vệ dữ liệu cá nhân, Nghị định về định danh và xác thực điện tử, Chiến lược phát triển Chính phủ số giai đoạn 2021-2025. Thủ tướng cũng muốn có quy hoạch pháp luật về việc chia sẻ công khai, minh bạch các cơ sở dữ liệu hiện có.
Bên cạnh đó, Thủ tướng Chính phủ cũng lưu ý về việc cần đạt mục tiêu hầu hết các DVCTT đều được cung cấp ở mức độ 4 vào năm 2021. Để làm được điều này, Thủ tướng Chính phủ giao Bộ TT&TT hàng tháng thống kê dữ liệu cung cấp DVCTT của từng bộ, từng tỉnh để có biện pháp triển khai.