Việt Nam được đánh giá cao về thực hiện Mục tiêu phát triển bền vững
Ngày 24-5, trong khuôn khổ Phiên họp của Hội đồng Kinh tế - Xã hội Liên hợp quốc (ECOSOC) về hoạt động phát triển đã diễn ra Phiên đối thoại giữa các nước với Điều phối viên thường trú và các cơ quan Liên hợp quốc tại quốc gia (UNCT) để trao đổi bài học kinh nghiệm của các quốc gia trong việc phối hợp với các cơ quan Liên hợp quốc triển khai các Mục tiêu phát triển bền vững.
Phát biểu với tư cách diễn giả chính tại phiên họp, Đại sứ Đặng Hoàng Giang, Trưởng Phái đoàn Thường trực Việt Nam tại Liên hợp quốc, nêu bật thành tựu của Việt Nam trong phát triển kinh tế - xã hội, thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững thời gian qua và ghi nhận đóng góp quý giá của Điều phối viên thường trú và các cơ quan Liên hợp quốc trong hỗ trợ khuyến nghị chính sách, huy động nguồn lực, thúc đẩy đối thoại với các bên liên quan trong quá trình thực hiện các chương trình, chính sách về phát triển bền vững.
Đại sứ Đặng Hoàng Giang nhấn mạnh, thời gian tới, việc thực hiện các Mục tiêu phát triển bền vững sẽ gặp nhiều thách thức, trong đó có nguồn lực bị hạn chế, đồng thời phải thực hiện các cam kết quốc tế. Do đó, người dân cần được đặt ở trung tâm của mọi chính sách, chương trình, mục tiêu, tăng cường khuôn khổ và thể chế pháp lý quốc gia, tăng cường đầu tư, huy động hỗ trợ kỹ thuật và xây dựng năng lực, cũng như tăng cường sự phối hợp, điều phối giữa các bộ, ngành liên quan. Việt Nam đề nghị các cơ quan Liên hợp quốc, trong đó có vai trò dẫn dắt của Điều phối viên thường trú, tăng cường hoạt động điều phối để hỗ trợ các nước hiệu quả, tăng cường năng lực cạnh tranh quốc gia và thiết lập các quan hệ đối tác mới để hỗ trợ thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững.
Trao đổi tại cuộc họp, Điều phối viên thường trú Liên hợp quốc tại Việt Nam Pauline Tamesis, đại diện cơ quan chuyên môn Liên hợp quốc và nhiều nước đánh giá cao hình mẫu của Việt Nam và vai trò lãnh đạo của Chính phủ Việt Nam trong thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững, cho rằng Việt Nam là một bài học thành công trong việc phối hợp hiệu quả giữa quốc gia và Liên hợp quốc, đặc biệt là trong việc điều phối hoạt động hỗ trợ phát triển, huy động tài chính.