Việt Nam ghi dấu ấn tích cực trong hoạt động của Liên hợp quốc năm 2024

Năm 2024 tiếp tục ghi dấu những đóng góp tích cực của Việt Nam trên các diễn đàn đa phương, trong đó có Liên hợp quốc (LHQ), khẳng định mạnh mẽ Việt Nam là thành viên tích cực, có trách nhiệm và đáng tin cậy của cộng đồng quốc tế.

Nhiều sáng kiến mang dấu ấn Việt Nam

Năm 2024 khép lại với nhiều biến động phức tạp, khó lường. Môi trường an ninh quốc tế tiếp tục xấu đi, với trên 120 cuộc xung đột, mức cao nhất kể từ năm 1946. Kinh tế thế giới trên đà phục hồi song chưa bền vững và còn nhiều rủi ro. Các thách thức an ninh phi truyền thống như biến đổi khí hậu, ô nhiễm môi trường, an ninh lương thực... diễn biến gay gắt, đe dọa an ninh, ổn định của nhiều quốc gia. Cạnh tranh chiến lược, đối đầu nước lớn ngày càng gia tăng, đặt ra nhiều thách thức đối với hợp tác quốc tế và chủ nghĩa đa phương, trong đó có cả với LHQ.

Đội Công binh số 2 về nước sau khi hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ gìn giữ hòa bình Liên hợp quốc, tháng 9-2024

Đội Công binh số 2 về nước sau khi hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ gìn giữ hòa bình Liên hợp quốc, tháng 9-2024

Là diễn đàn đa phương lớn nhất toàn cầu, LHQ tiếp tục đóng vai trò quan trọng hàng đầu trong duy trì hòa bình, an ninh quốc tế và thúc đẩy hợp tác giải quyết các thách thức toàn cầu. Trong thực hiện mục tiêu này, Việt Nam có những đóng góp nổi bật. Lần đầu tiên, đồng chí Tổng Bí thư đã tham dự trực tiếp Phiên thảo luận chung cấp cao Đại hội đồng LHQ và Hội nghị Thượng đỉnh tương lai (9-2024), thể hiện sự coi trọng, quan tâm sâu sắc của Đảng và Nhà nước đối với hợp tác đa phương, các chương trình nghị sự lớn của LHQ và quan hệ toàn diện với LHQ.

Với thông điệp “Củng cố chủ nghĩa đa phương, cùng hành động để kiến tạo tương lai hòa bình, ổn định, thịnh vượng và bền vững cho mọi người dân”, trong phát biểu tại Phiên thảo luận chung cấp cao Đại hội đồng LHQ, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm đã tái khẳng định mạnh mẽ ở cấp cao nhất đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ, đa phương hóa, đa dạng hóa, chủ động và tích cực hội nhập quốc tế toàn diện, sâu rộng và hiệu quả, thể hiện khát vọng của Việt Nam trong kỷ nguyên vươn mình của dân tộc, chuyển tải hình ảnh về một Việt Nam hòa bình, ổn định, thân thiện, năng động, đổi mới, đáng tin cậy và có trách nhiệm của cộng đồng quốc tế.

2024 cũng là năm mà nhiều sáng kiến quan trọng mang dấu ấn Việt Nam đã được LHQ thông qua và triển khai hiệu quả, phát huy sự chủ động, vai trò nòng cốt, dẫn dắt, định hình các thể chế đa phương. Điểm nhấn của chuỗi sáng kiến đa phương năm 2024 là việc Việt Nam vận động và thúc đẩy để LHQ lựa chọn Hà Nội làm địa điểm tổ chức Lễ mở ký Công ước tội phạm mạng nǎm 2025, thể hiện dấu mốc quan trọng trong hợp tác đa phương và quan hệ Việt Nam - LHQ, lần đầu tiên một địa danh của Việt Nam được gắn với một Công ước quốc tế quan trọng, được ghi nhận trong tên và lời văn Công ước, đồng thời mở ra cơ hội để Việt Nam phát huy vai trò dẫn dắt đối với lĩnh vực được cộng đồng quốc tế hết sức quan tâm trong bối cảnh phải quan tâm, xử lý cả những mặt trái của công nghệ thông tin.

Một dấu ấn nữa trong đối ngoại đa phương của Việt Nam là năm 2024 đánh dấu 10 năm Việt Nam tham gia các hoạt động gìn giữ hòa bình LHQ (PKO). Đến nay, lực lượng Việt Nam tham gia PKO không ngừng phát triển về số lượng và chất lượng. Trong quá trình thực hiện nhiệm vụ tại địa bàn ở những nơi xa xôi như Nam Sudan, Cộng hòa Trung Phi và Abyei, các lực lượng gìn giữ hòa bình của Việt Nam đã hỗ trợ thiết thực và gắn bó với người dân địa phương, dành được tình cảm và sự tin yêu của họ thông qua các hoạt động như dạy học, khám bệnh và phát thuốc miễn phí, dựng lớp học... Phát huy phẩm chất tốt đẹp của Bộ đội Cụ Hồ, những người lính mũ nồi xanh Việt Nam thực sự trở thành những “sứ giả của hòa bình” ở mỗi địa bàn đóng quân, được chỉ huy phái bộ và lãnh đạo LHQ ghi nhận như một mô hình mẫu.

Phát huy vai trò tại các cơ chế đa phương

Quan hệ hợp tác Việt Nam - LHQ đã góp phần nâng cao vị thế, hình ảnh của Việt Nam trên trường quốc tế, làm sâu sắc hơn quan hệ của Việt Nam với các nước, các đối tác chủ chốt và bạn bè, tranh thủ một nguồn lực quan trọng phục vụ công cuộc phát triển đất nước. Nó cũng giúp duy trì, củng cố môi trường hòa bình, an ninh, thuận lợi cho phát triển đất nước, thúc đẩy hội nhập quốc tế sâu rộng hơn.

Báo cáo chính trị tại Đại hội XIII của Đảng đã nêu rõ: “Tiếp tục thực hiện đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ, đa phương hóa, đa dạng hóa; chủ động và tích cực hội nhập quốc tế toàn diện, sâu rộng, có hiệu quả; bảo vệ vững chắc Tổ quốc, giữ vững môi trường hòa bình, ổn định, không ngừng nâng cao vị thế, uy tín quốc tế của Việt Nam”. Báo cáo cũng xác định rõ nhiệm vụ: “Chủ động tham gia và phát huy vai trò của Việt Nam tại các cơ chế đa phương, đặc biệt là ASEAN, LHQ, APEC, hợp tác tiểu vùng Mekong và các khuôn khổ hợp tác khu vực và quốc tế, trong những vấn đề và các cơ chế quan trọng có tầm chiến lược, phù hợp với yêu cầu, khả năng và điều kiện cụ thể”.

Trước đó, ngày 8-8-2018, Ban Bí thư đã ban hành Chỉ thị số 25 về đẩy mạnh và nâng tầm đối ngoại đa phương đến năm 2030, trong đó xác định “Chủ động tham gia và phát huy vai trò tại các cơ chế đa phương, đặc biệt là ASEAN và LHQ”, phấn đấu đóng vai trò “nòng cốt, dẫn dắt, hòa giải tại các diễn đàn đa phương có tầm quan trọng chiến lược đối với đất nước, phù hợp với khả năng và điều kiện cụ thể”. Đây là văn bản chỉ đạo đầu tiên của Đảng ta về công tác đối ngoại đa phương của đất nước, đưa đối ngoại đa phương thành một nhiệm vụ của cả hệ thống chính trị, trong đó có quan hệ với LHQ.

Từ các định hướng lớn trên, các trọng tâm trong quan hệ của Việt Nam với LHQ sẽ là nỗ lực đảm nhận vai trò rộng lớn hơn (sáng kiến, ý tưởng, đóng góp chính sách, nhân lực, tài chính; chủ trì, điều phối, khởi xướng ý tưởng, dẫn dắt...), tham gia định hình cấu trúc, cơ chế, luật chơi mới; hoàn tất các cam kết quan trọng như Chương trình nghị sự đến 2030 của LHQ về phát triển bền vững, Thỏa thuận Paris về biến đổi khí hậu…

Trong thời gian tới, Việt Nam sẽ tiếp tục tăng cường quan hệ đối tác với LHQ nhằm thúc đẩy chủ nghĩa đa phương, tôn trọng luật pháp quốc tế và Hiến chương LHQ; tham gia đóng góp thực chất vào duy trì hòa bình, ổn định khu vực và quốc tế; ứng phó kịp thời và hiệu quả các thách thức toàn cầu, nhất là các cam kết hành động về biến đổi khí hậu; tiếp tục tích cực triển khai Kế hoạch hành động quốc gia thực hiện Chương trình nghị sự 2030; đẩy mạnh tham gia hoạt động gìn giữ hòa bình LHQ; tăng cường quan hệ giữa LHQ với các tổ chức khu vực, đặc biệt đề cao vai trò trung tâm của ASEAN trong cấu trúc an ninh khu vực.

Bên cạnh đó, Việt Nam cũng sẽ tiếp tục đẩy mạnh công tác vận động ứng cử vào các cơ chế quan trọng của LHQ, trước mắt là Hội đồng Nhân quyền LHQ nhiệm kỳ 2026-2028, Tòa án quốc tế về Luật biển (ITLOS) nhiệm kỳ 2026-2035, Hội đồng Bảo an 2032-2033; từng bước giới thiệu người Việt Nam có đủ phẩm chất, năng lực ứng tuyển vào các vị trí điều hành, lãnh đạo các tổ chức chuyên môn của LHQ.

Thành tựu trong hợp tác Việt Nam - LHQ sẽ góp phần phát huy thế và lực mới cùng sức mạnh tổng hợp của toàn dân tộc để củng cố vững chắc hơn cục diện đối ngoại rộng mở, thuận lợi cho phát triển đất nước và bảo vệ Tổ quốc, đưa đất nước vào kỷ nguyên vươn mình.

HOÀNG SƠN

Nguồn ANTĐ: https://anninhthudo.vn/viet-nam-ghi-dau-an-tich-cuc-trong-hoat-dong-cua-lien-hop-quoc-nam-2024-post601470.antd