Việt Nam ghi nhận thêm 1 ca mắc COVID-19 mới, bệnh nhân 91 đã ngồi dậy tự viết vào bảng

Đến cuối giờ chiều ngày 8.6, Việt Nam ghi nhận thêm 1 ca mắc mới COVID-19, nâng tổng số người nhiễm bệnh lên 332 ca và bệnh nhân đã được cách ly ngay khi nhập cảnh, không có khả năng lây nhiễm ra cộng đồng.

Thêm 1 ca mắc mới COVID-19 là người được cách ly ngay khi nhập cảnh, Việt Nam có 332 ca

Thêm 1 ca mắc mới COVID-19 là người được cách ly ngay khi nhập cảnh, Việt Nam có 332 ca

Ca bệnh thứ 332 là bệnh nhân nam, 18 tuổi, có địa chỉ tại xã Thường Phước, huyện Hồng Ngự, tỉnh Đồng Tháp. Ngày 25.5, thanh niên này từ Campuchia nhập cảnh vào Việt Nam qua cửa khẩu Thường Phước, huyện Hồng Ngự, tỉnh Đồng Tháp và được cách ly tập trung ngay tại Trung tâm Y tế huyện Hồng Ngự. Kết quả xét nghiệm lần 1 ngày 26.5 âm tính với SARS-CoV-2, kết quả xét nghiệm lần 2 (khi chuẩn bị rời khu cách ly tập trung) ngày 07.6 là dương tính với SARS-CoV-2. Hiện bệnh nhân được cách ly, điều trị tại Trung tâm Y tế huyện Hồng Ngự, tỉnh Đồng Tháp. Đến thời điểm này Việt Nam có 332 ca. Việt Nam cũng đã chữa khỏi 316 ca bệnh, hiện chỉ còn 16 ca.

Trao đổi với phóng viên về tình trạng sức khỏe của bệnh nhân 91 đang điều trị, PGS.TS Lương Ngọc Khuê - Cục trưởng Cục Quản lý Khám chữa bệnh, Phó trưởng Tiểu ban Điều trị - Ban Chỉ đạo Quốc gia Phòng chống dịch COVID-19 cho biết hiện nay bệnh nhân đã tỉnh, tiếp xúc tốt. Đặc biệt, bệnh nhân đã có thể ngồi dậy, thực hiện y lệnh của nhân viên y tế, đung đưa cả hai chân. Đồng thời, nam bệnh nhân đã tự viết vào bảng và tự bấm nút điều chỉnh độ cao của giường bệnh.

“Với những bệnh nhân khác, những tiến triển nhỏ về sức khỏe đó là bình thường, nhưng với bệnh nhân 91 là một nỗ lực lớn, là sự tiến bộ lớn của cả “team” điều trị và Hội đồng chuyên môn cũng như các chuyên gia của hai bệnh viện đã cố gắng chăm sóc, điều trị, đưa ra phương án điều bệnh nhân phù hợp với từng giai đoạn sức khỏe. Đây là một nỗ lực phi thường, bởi chúng ta đã có những lúc bi quan, nhưng đến hôm nay những tiến triển kỳ diệu của bệnh nhân như một lời đông viên, khích lệ các thầy thuốc, các chuyên gia để tiếp tục cố gắng, cống hiến sức lực để điều trị cho bệnh nhân một cách tốt nhất. Cái gì tốt nhất cho người bệnh, chúng ta cố gắng triển khai và làm tốt nhất”, Cục trưởng Lương Ngọc Khuê nhấn mạnh.

Tính đến nay, bệnh nhân 91 đã trải qua 82 ngày điều trị (hiện là bệnh nhân COVID-19 có số ngày điều trị dài nhất ở nước ta), trong đó quá trình điều trị tại Bệnh viện bệnh Nhiệt đới TP.Hồ Chí Minh bắt đầu từ ngày 18.3- 22.5; tại Khoa Hồi sức tích cực – Bệnh viện Chợ Rẫy từ chiều muộn ngày 22.5 đến nay. Bệnh nhân đã được ngưng ECMO từ sáng ngày 3.6, đồng thời cũng đã được hội đồng chuyên môn của Bộ Y tế chỉ định ghép phổi. Bộ Y tế đã quyết định thành lập ban chỉ đạo tổ chuẩn bị ghép phổi cho bệnh nhân 91, tổ chăm sóc sau ghép phổi cho bệnh nhân. Các thành viên sẽ tùy vào diễn biến của bệnh nhân để tìm các phương án ghép phổi như tìm nguồn hiến phổi. Tuy nhiên, PGS.TS Lương Ngọc Khuê chia sẻ, từ sự phục hồi kỳ diệu này của bệnh nhân, có thể nói phương án ghép phổi được đưa ra trước đây để có thể là một trong những giải pháp chính để “cứu” bệnh nhân, hiện đã có khả năng trở thành phương án dự phòng...

TS.BS Nguyễn Văn Vĩnh Châu, Giám đốc Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới TP.Hồ Chí Minh cho biết, riêng chi phí điều trị cho phi công người Anh tại bệnh viện là khoảng 3,5 tỉ đồng. Bệnh viện đã làm việc với đại diện công ty cung cấp bảo hiểm cho bệnh nhân về việc chi trả chi phí này.

Bài, ảnh: Dạ Thảo

Nguồn Một Thế Giới: https://motthegioi.vn/y-hoc-suc-khoe-c-182/viet-nam-ghi-nhan-them-1-ca-mac-covid-19-moi-benh-nhan-91-da-ngoi-day-tu-viet-vao-bang-139289.html