Việt Nam gia nhập cuộc đua chế tạo vaccine thú y toàn cầu
Việt Nam đã nhanh chóng gia nhập cuộc đua chế tạo các loại vaccine thú y, sản xuất được một số loại vaccine phòng bệnh quan trọng
Sáng 28-12, Cục Thú y, Vụ Khoa học Công nghệ và Môi trường (Bộ NN-PTNT), các đơn vị liên quan phối hợp với Báo Nông nghiệp Việt Nam tổ chức Diễn đàn "Ứng dụng tiến bộ mới trong lĩnh vực vaccine thú y tại Việt Nam".
Bà Nguyễn Thị Thanh Thủy, Vụ trưởng Vụ Khoa học, Công nghệ và Môi trường, đánh giá vaccine là một biện pháp hiệu quả trong việc giảm thiểu thiệt hại, giúp sản phẩm đầu ra đạt tiêu chuẩn an toàn dịch bệnh và an toàn thực phẩm (ATTP).
Việt Nam đã nhanh chóng gia nhập cuộc đua chế tạo các loại vaccine thú y; đã sản xuất được một số loại vaccine phòng bệnh quan trọng như: Cúm gia cầm (Navet-Vifluvac) năm 2012; vaccine phòng bệnh tai xanh từ năm 2015; vaccine lở mồm long móng từ năm 2018; vaccine phòng bệnh dại từ năm 2019 và gần đây nhất là vaccine phòng dịch tả lợn Châu Phi (NAVET-ASFVAC và AVAC ASF LIVE) năm 2022.
Đặc biệt, Việt Nam đã sản xuất thành công và chính thức xuất khẩu vaccine phòng bệnh dịch tả lợn châu Phi AVAC ASF LIVE của Công ty Cổ phần AVAC Việt Nam sang 5 nước, đánh dấu một thành tựu lớn được cả thế giới công nhận.
Ông Lê Toàn Thắng, Trưởng phòng Quản lý thuốc thú y (Cục Thú y), thông tin, hiện nay, Việt Nam có 92 cơ sở sản xuất thuốc thú y đạt GMP-WHO, trong đó 12 cơ sở sản xuất vaccine thú y; mức đầu tư khoảng 30-40 triệu USD/nhà máy (VAKSINDO, HANVET, NAVETCO, DABACO…).
Các đơn vị nghiên cứu, sản xuất vaccine thú y của Việt Nam không ngừng tăng cường hợp tác quốc tế, chuyển giao khoa học công nghệ với các nước hàng đầu thế giới như Mỹ, EU, Nhật Bản, Úc, Hàn Quốc, Trung Quốc, châu Mỹ... với những công nghệ tiến nhất; các nhà khoa học, tổ chức như FAO, WOAH, đối tác quốc tế (Bộ Nông nghiệp Mỹ, CDC, các Phòng thí nghiệm tham chiếu quốc tế đối với các bệnh nguy hiểm trên động vật như cúm gia cầm, lở mồm long móng, tai xanh, dịch tả lợn Châu Phi, dại).
Còn tâm lý "sính ngoại" khi sử dụng vaccine
Tuy nhiên, số lượng vaccine quan trọng nhập khẩu vẫn chiếm tỉ trọng lớn. Năm 2024, vaccine phòng bệnh cúm gia cầm 739 triệu liều (sản xuất 191 triệu liều; nhập khẩu 548 triệu liều). Vaccine phòng bệnh lở mồm long móng hơn 46 triệu liều (sản xuất 1,4 triệu liều; nhập khẩu 45 triệu liều).
Vaccine phòng bệnh dại hơn 5 triệu liều (sản xuất 1,6 triệu liều; nhập khẩu 3,7 triệu liều). Vaccine phòng bệnh tai xanh hơn 34 triệu liều (sản xuất 3,5 triệu liều; nhập khẩu 31 triệu liều)…
TS Nguyễn Thị Hương, Chủ tịch Hội Khoa học Kỹ thuật Thú y Việt Nam, chỉ ra một trong những điểm nghẽn trong phát triển sản xuất vaccine ở Việt Nam là do còn tâm lý "sính ngoại" khi sử dụng vaccine.
Do đó, đại diện Hội Hội Khoa học Kỹ thuật Thú y Việt Nam cho rằng, bên cạnh nâng cao chất lượng vaccine của doanh nghiệp trong nước, còn có trách nhiệm tuyên truyền, thông tin của cơ quan báo chí, các viện, trường đào tạo chuyên ngành.
"Càng nhiều người biết đến vaccine nội, biết tới khả năng của vaccine nội càng tốt"- bà Hương chia sẻ rằng chất lượng tạo nên thương hiệu.
Khi vaccine nội đã đảm bảo chất lượng thì doanh nghiệp sản xuất rất cần sự ủng hộ của Cục Thú y, người sản xuất để cả ngành chăn nuôi phát triển bền vững.