Việt Nam gia tăng ca mắc đậu mùa khỉ, chuyên gia đánh giá biện pháp phòng dịch hiệu quả

PGS.TS Nguyễn Huy Nga, nguyên Cục trưởng Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế) trao đổi về nguy cơ dịch đậu mùa khỉ ở Việt Nam và các biện pháp phòng dịch trong cộng đồng.

Điều trị ca bệnh đậu mùa khỉ tại Bình Dương. Ảnh: TTXVN

Điều trị ca bệnh đậu mùa khỉ tại Bình Dương. Ảnh: TTXVN

Thưa ông, số ca mắc đậu mùa khỉ tại Việt Nam vẫn đang gia tăng, tập trung chủ yếu tại khu vực phía Nam (đã ghi nhận 74 trường hợp mắc), riêng TP Hồ Chí Minh có 63 ca. Ông đánh giá như thế nào về khả năng bùng dịch ở nước ta?

Đúng vậy, Việt Nam đã ghi nhận các trường hợp mắc bệnh đậu mùa khỉ và đang gia tăng số ca bệnh. Tuy nhiên, đậu mùa khỉ chỉ xếp vào bệnh truyền nhiễm nhóm B, không phải loại dịch bệnh tối nguy hiểm, không lây lan nhanh như bệnh loại truyền nhiễm nhóm A, mọi người không nên hoang mang, lo sợ dịch bùng mạnh như dịch COVID-19.

Bệnh đậu mùa khỉ thường lây khi tiếp xúc trong phạm vi gần, cũng giống như như với bệnh tay chân miệng ở trẻ, dù có lây qua nước giọt bắn, nhưng phải tiếp xúc gần mới có thể lây. Bởi vậy, với người vệ sinh cá nhân tốt, nguy cơ lây nhiễm không cao.

Đặc biệt, qua quan sát, bệnh có lây lan mạnh qua đường tình dục, nên lúc đầu, khi bệnh xuất hiện ở châu Âu, người ta đã nghĩ đến bệnh này là bệnh ở nhóm người đồng tính...

Các hình thức lây lan bệnh chủ yếu là: Tiếp xúc qua quan hệ tình dục, qua ăn uống, qua dịch tiết các nốt mụn của người bệnh khi mưng mủ, vỡ ra lây lan dịch tiết ra xung quanh, quần áo, chăn màn, vật dụng... và dễ lây cho người sống gần gũi như người trong gia đình.

Tuy có khả năng lây nhiễm, nhưng mức độ không mạnh, nên chưa cần thiết phải cách ly cộng đồng, hay cách ly quá nghiêm ngặt với bệnh này.

PGS.TS Nguyễn Huy Nga, nguyên Cục trưởng Cục Y tế dự phòng, Bộ Y tế.

PGS.TS Nguyễn Huy Nga, nguyên Cục trưởng Cục Y tế dự phòng, Bộ Y tế.

Việc cách ly với người bệnh hiện nay nên như thế nào để tránh được nguy cơ lây nhiễm ra cộng đồng, thưa ông?

Trung bình các bệnh lây nhiễm hiện nay thường chỉ cần cách ly khoảng 14 ngày. Cách ly 21 ngày là biện pháp thận trọng. Với người mắc bệnh đậu mùa khỉ, ngoài các ca nhập viện cách ly tại cơ sở y tế, người bệnh có thể tự cách ly tại nhà. Biện pháp phòng lây nhiễm chủ yếu vẫn là hạn chế tiếp xúc với nhiều người; những trường hợp nặng phải báo cho y tế biết để xử trí, cảnh báo và có biện pháp phù hợp.

Với bệnh đậu mùa khỉ, có thể có nhiều ca bệnh không có triệu chứng, nhiều người mang mầm bệnh trong cộng đồng. Vì vậy, cần phải tập huấn cho cán bộ y tế trong chăm sóc sức khỏe ban đầu, để phát hiện ca bệnh khi bệnh nhân có triệu chứng đến khám để tránh nhầm lẫn với các bệnh có triệu chứng tương tự như: Thủy đậu, Herpes... Cần có hướng dẫn chỉ đạo trong phát hiện ca bệnh, nhất là ở các cơ sở khám, chữa bệnh da liễu, có sự quan tâm đến bệnh này để kịp thời phòng chống dịch.

Hiện, dịch đã xâm nhập vào trong nước, vì vậy các cửa khẩu tại các địa phương cũng cân nhắc việc có kiểm dịch biên giới để kiểm soát. Tuy nhiên, với đậu mùa khỉ, nên tập trung vào việc giáo dục, truyền thông để người dân tự khai, tự theo dõi, đi khám khi có triệu chứng; còn các biện pháp kiểm soát tại cửa khẩu như đo nhiệt độ là không cần thiết vì không phải lúc nào người bệnh cũng có triệu chứng sốt.

Clip PGS.TS Nguyễn Huy Nga chia sẻ về bệnh đậu mùa khỉ:

Theo ông, với đậu mùa khỉ, biện pháp phòng bệnh nào là quan trọng nhất?

Cần có các biện pháp truyền thông tốt cho người dân về các hình thức lây lan của bệnh đậu mùa khỉ; phải tích cực phổ biến để người mắc bệnh hoặc nghi ngờ mắc bệnh tự biết cách ly để tránh lây cho người khác; người tiếp xúc gần với người bệnh cũng phải cách ly.

Với bệnh đậu mùa khỉ, hiện chưa có thuốc đặc hiệu điều trị và cũng chưa có vaccine hữu hiệu; biện pháp quan trọng nhất để phòng bệnh hiện nay vẫn là vệ sinh, rửa tay xà phòng, giặt quần áo sạch sẽ và nhận biết được có những ca bệnh xung quanh để phòng tránh.

Cụ thể, người dân, nhất là ở khu vực có dịch, cần phòng dịch bằng cách đeo khẩu trang, rửa tay với xà phòng, hạn chế tiếp xúc với người có nguy cơ. Đặc biệt, khi có dấu hiệu nghi ngờ mắc bệnh, cần đến cơ sở y tế để được kiểm tra kịp thời và cách ly để ngăn ngừa lây lan.

Vừa qua, có thông tin vaccine phòng đậu mùa cũng có tác dụng đối với phòng bệnh đậu mùa khỉ, nếu số ca bệnh tăng cao, chúng ta có nên nghĩ đến việc sử dụng vaccine này không, thưa ông?

Trong điều kiện như hiện nay, chưa cần đến việc dùng vaccine phòng đậu mùa để phòng đậu mùa khỉ. Lý do là vì vaccine đậu mùa cũng chỉ có hiệu lực ở mức nhất định, việc sử dụng vaccine lại có thể gây tốn kém, dễ ảnh hưởng đến sức khỏe người dân.

Việc sử dụng rộng rãi vaccine này trong cộng đồng hiện nay là không cần thiết. Và để phòng bệnh người dân cần trang bị kiến thức phòng bệnh, thực hiện tốt vệ sinh là đã có hiệu quả.

Xin trân trọng cảm ơn ông!

Tạ Nguyên (thực hiện)/Báo Tin tức

Nguồn Tin Tức TTXVN: https://baotintuc.vn/y-te/viet-nam-gia-tang-ca-mac-dau-mua-khi-chuyen-gia-danh-gia-bien-phap-phong-dich-hieu-qua-20231121130911681.htm