Việt Nam giải phóng quân trong Tổng khởi nghĩa Tháng Tám 1945

Sau ngày Nhật đảo chính Pháp (9/3/1945), khi thời cơ phát động chiến tranh du kích, thực hành khởi nghĩa giành chính quyền bộ phận đã chín muồi, Hội nghị Ban Thường vụ Trung ương Đảng ra Chỉ thị 'Nhật - Pháp bắn nhau và hành động của chúng ta' (12/3/1945). Trong đó nêu rõ phải: 'Tổ chức thêm nhiều bộ đội du kích và tiểu tổ du kích' và 'thành lập Việt Nam cứu quốc quân'[1]. Từ ngày 15 đến ngày 20/4/1945, Hội nghị quân sự cách mạng Bắc Kỳ được triệu tập bàn những việc cần kíp chuẩn bị cho Tổng khởi nghĩa. Về nhiệm vụ xây dựng các lực lượng vũ trang (LLVT), hội nghị quyết định thống nhất Cứu quốc quân và Việt Nam Tuyên truyền Giải phóng quân cùng các tổ chức vũ trang khác thành một LLVT thống nhất mang tên Việt Nam Giải phóng quân (VNGPQ) để cùng nhân dân tiến hành khởi nghĩa từng phần, tiến tới Tổng khởi nghĩa.

Buổi diễu hành của Thanh niên Tiền phong, lực lượng tham gia Mặt trận Việt Minh và đóng vai trò quan trọng trong việc giành chính quyền tại Sài Gòn trong Cách mạng Tháng Tám năm 1945. Ảnh: Tư liệu

Buổi diễu hành của Thanh niên Tiền phong, lực lượng tham gia Mặt trận Việt Minh và đóng vai trò quan trọng trong việc giành chính quyền tại Sài Gòn trong Cách mạng Tháng Tám năm 1945. Ảnh: Tư liệu

Thực hiện nghị quyết của Hội nghị quân sự cách mạng Bắc Kỳ, ngày 15/5/1945, lễ thống nhất Việt Nam Tuyên truyền Giải phóng quân với Cứu quốc quân và các tổ chức vũ trang cách mạng khác được tổ chức ở bãi Thàn Mát, xã Định Biên, huyện Định Hóa, tỉnh Thái Nguyên. VNGPQ là bộ đội chủ lực của cả nước, có chỉ huy thống nhất và hệ thống tổ chức chặt chẽ. Bộ Tư lệnh của VNGPQ gồm các đồng chí: Võ Nguyên Giáp, Trần Đăng Ninh và Chu Văn Tấn. Về tổ chức biên chế, VNGPQ gồm 13 đại đội, được tổ chức thống nhất từ tiểu đội, trung đội đến đại đội. Mỗi tiểu đội 12 người, 3 tiểu đội thành 1 trung đội và 3 trung đội thành 1 đại đội. Về vũ khí trang bị, VNGPQ có hàng nghìn khẩu súng các loại, hàng chục tấn đạn thu được của địch và có một số xưởng sửa chữa, chế tạo vũ khí thô sơ.

Sự ra đời của VNGPQ đánh dấu bước trưởng thành ban đầu của Quân đội ta về quy mô tổ chức, từ phân tán đến tập trung. Mặc dù trang bị thô sơ, huấn luyện còn đơn giản, nhưng các đơn vị VNGPQ đã phát huy bản chất cách mạng cùng bộ đội các địa phương, các đội tự vệ, tự vệ chiến đấu và đông đảo nhân dân, chiến đấu giữ vững và mở rộng vùng giải phóng, bảo vệ chính quyền cách mạng mới thành lập, sẵn sàng tiến lên Tổng khởi nghĩa giành chính quyền trong cả nước khi thời cơ đến.

Ngày 13/8/1945, Trung ương Đảng và Tổng bộ Việt Minh thành lập Ủy ban Khởi nghĩa toàn quốc. 23 giờ cùng ngày, Ủy ban Khởi nghĩa toàn quốc ra Quân lệnh số 1, chính thức phát lệnh Tổng khởi nghĩa trong cả nước. Theo lời kêu gọi của Đảng, của Tổng bộ Việt Minh và chấp hành mệnh lệnh của Ủy ban Khởi nghĩa toàn quốc, toàn thể các chiến sĩ LLVT cách mạng với nòng cốt là lực lượng VNGPQ đã phối hợp với quần chúng nhân dân đứng lên giành chính quyền.

Chiều 16/8/1945, một đơn vị chủ lực của VNGPQ tổ chức lễ xuất quân ở Tân Trào tiến về đánh chiếm thị xã Thái Nguyên. Sau buổi lễ, đơn vị chủ lực của VNGPQ do đồng chí Võ Nguyên Giáp chỉ huy chia làm hai bộ phận tiến về Thái Nguyên. Trên đường hành quân, đơn vị VNGPQ được bổ sung lực lượng, phát triển thành 3 đại đội. Quân số 3 đại đội khoảng 450 người, được tổ chức thành 1 chi đội, mang phiên hiệu Chi đội 3 Giải phóng quân (GPQ), do đồng chí Lâm Cẩm Như (tức Lâm Kính) làm Chi đội trưởng.

Trong trận tiến công quân Nhật ở thị xã Thái Nguyên, Chi đội GPQ chia làm 3 mũi tiến công. Sáng 20/8, các mũi đồng loạt tiến công và nhanh chóng thu được thắng lợi. Chiều cùng ngày, ta tổ chức mít tinh tại sân vận động thị xã. Đồng chí Võ Nguyên Giáp thay mặt Ủy ban Khởi nghĩa toàn quốc, tuyên bố bãi bỏ chính quyền của Nhật và tay sai, thành lập chính quyền nhân dân trong thị xã và toàn tỉnh.

Cùng thời gian này, các đơn vị VNGPQ khác cũng được lệnh cùng LLVT cách mạng, nhân dân địa phương khắp Bắc, Trung, Nam nổi dậy. Khoảng 2 giờ, ngày 17/8/1945, 3 trung đội VNGPQ, lực lượng bán vũ trang của ta tiến công Nhật ở Tuyên Quang. Đến ngày 21/8/1945, Tuyên Quang được giải phóng. Tại Cao Bằng, VNGPQ và tự vệ tổ chức nhiều trận thắng lợi ở Hà Quảng (19/8/1945), Hòa An, Quảng Uyên (20/8/1945).

Đêm 21/8/1945, một đơn vị VNGPQ tiến về thị xã Cao Bằng, đánh chiếm dinh tuần phủ, tịch thu kho khí giới Nhật canh giữ. Ở Lạng Sơn, ngày 19/8/1945, một đơn vị VNGPQ tiến công quân Nhật ở Đồng Mỏ. Ngày 21/8/1945, lực lượng VNGPQ cùng tự vệ làm chủ phố Thất Khê, giải phóng Tràng Định. Ngày 25/8/1945, quân ta đánh chiếm hoàn toàn thị xã, toàn tỉnh Lạng Sơn được giải phóng. Tại Bắc Kạn, quân ta tiến công, bao vây tỉnh lỵ, buộc địch phải đầu hàng. Ngày 25/8/1945, UBND lâm thời tỉnh Bắc Kạn thành lập.

Tại Ninh Bình, ngày 19/8/1945, 1 trung đội VNGPQ và tự vệ chiến đấu đánh chiếm huyện lỵ Gia Viễn. Ngày 21/8/1945, toàn tỉnh Ninh Bình giành được chính quyền. Ở Chiến khu Trần Hưng Đạo, các đơn vị VNGPQ hỗ trợ LLVT và nhân dân địa phương đứng lên khởi nghĩa giành chính quyền. Ngày 20/8/1945, UBND cách mạng lâm thời tỉnh Hải Dương được thành lập. Ngày 23/8/1945, ta tuyên bố xóa bỏ chính quyền tay sai của địch, thành lập chính quyền cách mạng. Sau đó, được các đơn vị VNGPQ của chiến khu hỗ trợ, các huyện còn lại của 5 tỉnh vùng Đông Bắc Bắc Bộ lần lượt giành được chính quyền.

Trên địa bàn miền Trung, sau khởi nghĩa thắng lợi ở Hà Tĩnh (18/8/1945), nhiều đơn vị VNGPQ được xây dựng trên cơ sở các đội tự vệ vũ trang. Ở Thừa Thiên Huế, từ ngày 18/8/1945, nhân dân Phong Điền đã giành được chính quyền. Đêm 23/8/1945, Ủy ban Dân tộc giải phóng Thừa Thiên Huế, tức chính quyền lâm thời ra đời. Ngày 30/8/1945, vua Bảo Đại tuyên bố thoái vị, cuộc khởi nghĩa ở Thừa Thiên Huế hoàn toàn thắng lợi[2]. Tại Quảng Nam, đến cuối tháng 8/1945, lực lượng khởi nghĩa giành chính quyền ở các huyện Duy Xuyên, Thăng Bình, Tam Kỳ, Điện Bàn, Hòa Vang và thành phố Đà Nẵng. Sau đó, các đơn vị VNGPQ, trong đó có 1 đội nữ VNGPQ được thành lập.

Ở phía Nam, ngày 15/8/1945, các đơn vị của Đại đội Hoàng Hoa Thám phối hợp với LLVT và nhân dân địa phương nổi dậy làm chủ các huyện Ba Tơ, Minh Long, Nghĩa Hành, Mộ Đức, đánh Nhật ở Mỏ Cày rồi chuyển về Tư Nghĩa phối hợp với Đại đội Phan Đình Phùng vây hãm quân Nhật trong thị xã. Ở Sài Gòn, từ ngày 20/8/1945, cờ đỏ sao vàng xuất hiện công khai trong thành phố. Ngày 25/8/1945, chính quyền nhân dân Nam Bộ thành lập. Cùng với Sài Gòn và tiếp theo Sài Gòn, các thành phố, thị xã khắp Nam Bộ đều khởi nghĩa thắng lợi[3].

Tại các địa phương khác, lực lượng cách mạng gồm đông đảo quần chúng, được VNGPQ và LLVT cách mạng hỗ trợ, trở thành lực lượng quyết định đối với thắng lợi của cuộc Tổng khởi nghĩa. Chỉ trong vòng nửa tháng, ta đã lật đổ chính quyền thực dân phong kiến, về cơ bản thiết lập chính quyền cách mạng trên phạm vi cả nước (trừ thị xã Vĩnh Yên bị Việt Nam Quốc dân đảng chiếm; các tỉnh lỵ Lào Cai, Hà Giang, Móng Cái bị quân đội Trung Hoa Dân quốc và tay sai chiếm đóng; tỉnh lỵ Lai Châu bị quân Nhật chiếm giữ).

Ngày 30/8/1945, Chi đội 3 và 1 đại đội thuộc Chi đội 4 VNGPQ, từ Khu giải phóng Việt Bắc về ra mắt trước quần chúng nhân dân tại Quảng trường Nhà hát thành phố Hà Nội[4]. Ngày 2/9/1945, VNGPQ “sát cánh cùng các đội tự vệ của công nhân, thanh niên và lao động thủ đô bảo vệ Chính phủ lâm thời”[5], cùng hàng chục vạn nhân dân mít tinh mừng thắng lợi của cuộc Tổng khởi nghĩa. Tiên đoán của Chủ tịch Hồ Chí Minh trong Chỉ thị thành lập Đội Việt Nam Tuyên truyền Giải phóng quân đã thành hiện thực: VNGPQ đã có quy mô rộng lớn và có mặt từ Bắc chí Nam, khắp trên đất nước Việt Nam. Đến giữa tháng 9/1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh chỉ thị chấn chỉnh, mở rộng và đổi tên VNGPQ thành Vệ quốc đoàn - Quân đội của Nhà nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa.

Với cuộc Tổng khởi nghĩa tháng 8/1945, dưới sự lãnh đạo của Đảng, nhân dân ta đã đập tan xiềng xích của thực dân Pháp và phát xít Nhật, lật đổ chế độ quân chủ phong kiến, lập nên Nhà nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Được thống nhất về lãnh đạo, chỉ huy sau khi thành lập, VNGPQ nhanh chóng trưởng thành và trở thành lực lượng tham gia chiến đấu, giữ vững và mở rộng vùng giải phóng. Khi thời cơ đến, VNGPQ cùng các LLVT cách mạng và quần chúng nhân dân giành chính quyền trên cả nước, tạo nên thắng lợi rực rỡ của Cách mạng Tháng Tám.

Nguyễn Hải Hà

--------------------------------------------------------

[1] Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện Đảng toàn tập, tập 7, Nxb CTQG - ST, H, 2000, tr.371.

[2] Dẫn theo: Hội đồng Chỉ đạo biên soạn Lịch sử Nam Bộ kháng chiến, tập 1, Nxb CTQG - ST, H, 2010, tr.148.

[3] Dẫn theo: Ban Nghiên cứu lịch sử Quân đội thuộc Tổng cục Chính trị - Viện Lịch sử quân sự Việt Nam, Lịch sử QĐND Việt Nam, tập 1, Nxb QĐND, H, 1994, tr.126.

[4] Dẫn theo: Bộ Quốc phòng - Viện Lịch sử quân sự Việt Nam, Lịch sử tổ chức quân sự Việt Nam, tập 3, Nxb QĐND, H, 2015, tr.236.

[5] Võ Nguyên Giáp, Những chặng đường lịch sử, Nxb Văn học, H, 1977, tr.243.

Nguồn Biên Phòng: https://bienphong.com.vn/viet-nam-giai-phong-quan-trong-tong-khoi-nghia-thang-tam-1945-post479943.html