Việt Nam giảm mạnh tỷ lệ tử vong của bà mẹ và trẻ em

Theo Tổng cục Dân số - Kế hoạch hóa gia đình (DSKHHGĐ), Bộ Y tế, tỷ lệ trẻ tử vong/trẻ sinh sống giảm gần 3 lần và tỷ lệ bà mẹ tử vong đã giảm mạnh trong 3 thập kỷ trở lại đây.

Ngày 26/12, Tổng cục DSKHHGĐ cho biết, Việt Nam đã đạt được nhiều tiến bộ trong bảo vệ, chăm sóc sức khỏe bà mẹ, trẻ em. Tỷ suất chết trẻ em dưới 1 tuổi (IMR) và tỷ suất chết trẻ em dưới 5 tuổi (U5MR) đều giảm mạnh. Năm 2020, IMR là 13,9 trẻ tử vong/1.000 trẻ sinh sống, U5MR là 22,3 trẻ tử vong/1.000 trẻ sinh sống, giảm gần 3 lần so với năm 1979.

Bên cạnh đó, tỷ suất chết mẹ giảm mạnh trong 3 thập kỷ gần đây, từ 140 ca/100.000 trẻ sinh ra sống năm 1976 xuống 46 ca/100.000 trẻ sinh ra sống năm 2019. Nếu xu hướng này tiếp tục giảm, Việt Nam chắc chắn sẽ đạt mục tiêu phát triển bền vững là dưới 45 ca vào năm 2030.

Việt Nam đã đạt được nhiều tiến bộ trong bảo vệ, chăm sóc sức khỏe trẻ em.

Tổng cục DSKHHGĐ cũng cho biết, Việt Nam đạt và duy trì mức sinh thay thế trong 15 năm qua. Từ khi chương trình dân số được triển khai năm 1961, số con trung bình của một người phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ (tổng tỷ suất sinh-TFR) đã giảm từ 6,4 con (1960) xuống 2,12 con (2020). Năm 2006, Việt Nam chính thức đạt mức sinh thay thế (TFR = 2,09 con) và từ đó đến nay TFR luôn được duy trì ở ngưỡng này. Tỷ lệ tăng dân số Việt Nam giảm mạnh từ mức rất cao 3,9% (1960) xuống còn 1,03% (2020).

Với mức sinh thay thế được duy trì vững chắc trong 15 năm qua, ngành dân số đã hoàn thành mục tiêu giảm sinh. Năm 2020 dân số Việt Nam đạt 97,2 triệu người - đứng thứ ba khu vực Đông Nam Á và thứ 15 trên thế giới. Việc khống chế thành công tốc độ gia tăng dân số nhanh đã góp phần to lớn vào công cuộc xây dựng và phát triển đất nước.

Nguồn CAND: http://cand.com.vn/doi-song/viet-nam-giam-manh-ty-le-tu-vong-cua-ba-me-va-tre-em-i639347/