Việt Nam - Hoa Kỳ mở rộng hợp tác về lao động và an sinh xã hội
Trong thời gian tới, Việt Nam và Hoa Kỳ nhất trí nối lại đối thoại lao động và mở rộng hợp tác trong lĩnh vực lao động và an sinh xã hội.
Trong khuôn khổ chuyến công tác của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính tham dự Hội nghị Cấp cao đặc biệt ASEAN-Hoa Kỳ; thăm và làm việc tại Hoa Kỳ và Liên hợp quốc, ngày 11/5, tại trụ sở Bộ Lao động Hoa Kỳ, Bộ trưởng Lao động-Thương binh và Xã hội Việt Nam Đào Ngọc Dung đã có buổi làm việc song phương với lãnh đạo phụ trách các vấn đề lao động quốc tế của Bộ Lao động Hoa Kỳ, bà Thea Lee.
Tại cuộc gặp, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung đánh giá cao hợp tác và hỗ trợ của Bộ Lao động Hoa Kỳ với Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội Việt Nam. Kể từ khi Bản ghi nhớ giữa hai Bộ được ký năm 2000, Bộ Lao động Hoa kỳ đã hỗ trợ hơn 50 triệu USD cho Việt Nam thông qua cơ chế song phương hoặc thông qua Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO) để thực hiện các dự án hỗ trợ kỹ thuật trong các lĩnh vực: phát triển nguồn nhân lực; phát triển thị trường lao động và dịch vụ việc làm; an sinh xã hội; xây dựng quan hệ lao động lành mạnh; phòng ngừa và giảm thiểu lao động trẻ em...
Bộ trưởng Đào Ngọc Dung chia sẻ với Bộ Lao động Hoa Kỳ những đổi mới về quản lý nhà nước trong lĩnh vực lao động, xã hội của Việt Nam, đặc biệt là việc sửa đổi Bộ Luật Lao động năm 2019, việc Việt Nam đã phê chuẩn 7/8 Công ước cơ bản của ILO. Hiện nay, Chính phủ Việt Nam có kế hoạch tiếp tục đổi mới và hoàn thiện pháp luật về lao động và phát triển nguồn nhân lực, đặc biệt là nhân lực chất lượng cao, coi đây là một trong những đột phá chiến lược để phát triển kinh tế-xã hội trong bối cảnh Việt Nam hội nhập ngày càng sâu rộng vào nền kinh tế thế giới.
Bộ trưởng cũng thông tin những thành tựu của Việt Nam trong việc giảm thiểu lao động trẻ em, tăng cường an toàn vệ sinh lao động, thúc đẩy và bảo vệ quyền của lao động di cư, lao động là người khuyết tật, phụ nữ và các nhóm yếu thế khác.
Bộ trưởng đề nghị, hai bên sẽ mở rộng hợp tác trên cơ sở tiếp tục thực hiện những dự án hỗ trợ kỹ thuật hiện nay như nâng cao năng lực thực thi pháp luật lao động, xây dựng quan hệ lao động hài hòa, ổn định và tiến bộ và đặc biệt tập trung vào các ưu tiên của Việt Nam trong những năm tới như phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao, cải cách hệ thống bảo hiểm xã hội, phát triển thị trường lao động.
Trong khuôn khổ Biên bản ghi nhớ (MOU) ký giữa hai Bộ năm 2000, hai bên đã thiết lập cơ chế Đối thoại lao động thường niên. Từ đó đến nay, 15 phiên đối thoại đã được tổ chức, đưa Hoa Kỳ thành nước đối tác đối thoại lâu nhất của Việt Nam trong lĩnh vực lao động. Chuyến thăm và làm việc của Bộ trưởng Đào Ngọc Dung là chuyến thăm lần đầu tiên của một Bộ trưởng Lao động Việt Nam tới Bộ Lao động Hoa Kỳ kể từ khi hai nước thiết lập quan hệ ngoại giao.
Bà Thea Lee cảm ơn Bộ trưởng Đào Ngọc Dung tới thăm làm việc với Bộ Lao động Hoa Kỳ. Bà cho rằng, đây là chuyến thăm mang tính lịch sử, vì đây là lần đầu tiên Bộ trưởng Lao động-Thương binh và Xã hội Việt Nam có chuyến thăm làm việc chính thức tới Bộ Lao động Hoa Kỳ. Trong bối cảnh quan hệ hợp tác tốt đẹp giữa hai Bộ trong thời gian qua thông qua việc triển khai có hiệu quả nhiều dự án và các hoạt động hợp tác, chuyến thăm của Bộ trưởng giúp tăng cường hơn nữa sự hiểu biết, chia sẻ lẫn nhau; mở ra và nâng cấp quan hệ hợp tác giữa hai bên trong các lĩnh vực cùng quan tâm.
Phía Hoa Kỳ đánh giá cao những tiến triển tích cực của Việt Nam trong việc cải thiện pháp luật lao động, đặc biệt là việc Quốc hội Việt Nam thông qua Bộ Luật Lao động năm 2019, phê chuẩn và thực hiện nhiều công ước quan trọng của ILO.
Phía Hoa Kỳ cam kết sẽ tiếp tục thúc đẩy hợp tác với Việt Nam trong các lĩnh vực trọng tâm, trong đó có lĩnh vực quan hệ lao động, nâng cao năng lực quốc gia phòng ngừa và giảm thiểu lao động trẻ em, hỗ trợ trẻ em bị ảnh hưởng tiêu cực của đại dịch Covid-19…
Kết thúc cuộc gặp, hai bên thống nhất tiếp tục thực hiện hoạt động Đối thoại lao động thường niên giữa Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội Việt Nam và Bộ Lao động Hoa Kỳ - một cơ chế đã chứng minh được hiệu quả của nó trong suốt 15 phiên đã đươc thực hiện trong 20 năm qua.
Lãnh đạo hai Bộ khẳng định hợp tác qua các dự án hỗ trợ kỹ thuật là quan trọng, nhưng quan trọng hơn là thông qua cơ chế đối thoại này, hai bên đạt được sự hiểu biết, chia sẻ và hỗ trợ nhau trong quá trình phát triển của mỗi nước.
Hai bên tin rằng sự hợp tác này sẽ mang lại lợi ích cho cả người lao động Việt Nam, doanh nghiệp Việt Nam cũng như doanh nghiệp Hoa Kỳ đang đầu tư, hợp tác và làm ăn với Việt Nam.
* Cùng ngày, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung đã có buổi làm việc với Giám đốc Văn phòng ILO tại thủ đô Washington DC, ông Kevin Cassidy.
Bộ trưởng Đào Ngọc Dung và Giám đốc Văn phòng ILO tại Washington DC Kevin Cassidy (Ảnh: Molisa).
Bộ trưởng đánh giá cao vai trò của Văn phòng ILO tại Washington DC trong việc vận động Quốc hội, Chính phủ Hoa Kỳ và các thể chế tài chính quốc tế như Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF), Ngân hàng Thế giới (WB), Tổ chức Tài chính quốc tế (IFC)… cung cấp hỗ trợ các nguồn lực cần thiết để thực hiện các mục tiêu của ILO trên toàn cầu, trong đó có Việt Nam.
Chia sẻ những tiến triển của Việt Nam về pháp luật lao động, tuân thủ các tiêu chuẩn lao động quốc tế, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung thông tin về mối quan hệ phối hợp chặt chẽ và hợp tác tốt đẹp giữa Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội và Văn phòng ILO tại Việt Nam trong việc thực hiện nhiều dự án hỗ trợ kỹ thuật như dự án về phòng ngừa, giảm thiểu lao động trẻ em, tăng cường khung khổ quan hệ lao động…
Giám đốc Văn phòng ILO tại Washington DC đánh giá cao những phát triển mới của Việt Nam, đặc biệt là việc hoàn thiện pháp luật lao động và những giải pháp ứng phó, giảm thiểu tác động tiêu cực của đại dịch Covid-19 đối với người lao động, doanh nghiệp và người dân nói chung.
Ông Kevin Cassidy, cho rằng những đổi mới về pháp luật lao động, cụ thể là Bộ luật Lao động năm 2019, bảo đảm tốt hơn quyền có tiếng nói của người lao động đã góp phần quan trọng giúp môi trường kinh doanh của Việt Nam trở nên ổn định hơn, đưa Việt Nam trở thành điểm đến hấp dẫn của các nhà đầu tư quốc tế trong bối cảnh nhiều doanh nghiệp lớn trên thế giới đang trong quá trình đa dạng hóa các nhà cung cấp trong chuỗi cung ứng.
Việc Bộ luật Lao động năm 2019 bảo đảm tốt hơn quyền lợi của người lao động không chỉ giúp Việt Nam thu hút tốt hơn nguồn vốn đầu tư quốc tế đang dịch chuyển, mà quan trọng hơn, đó là những nguồn vốn đầu tư vào những lĩnh vực có hàm lượng khoa học, công nghệ và giá trị gia tăng cao, giúp Việt Nam đổi mới cơ cấu kinh tế, dần dịch chuyển lao động từ những ngành thâm dụng lao động như dệt may, giày dép sang những ngành có giá trị tăng thêm cao hơn
Giám đốc Văn phòng ILO tại Washington DC cam kết hỗ trợ, ủng hộ Việt Nam trong các lĩnh vực mà Việt Nam quan tâm, sẵn sàng hỗ trợ Việt Nam trong việc huy động các nguồn lực và sự hợp tác, hỗ trợ của các thể chế tài chính quốc tế như IMF, WB, IFC… cho những lĩnh vực ưu tiên của Việt Nam. Đó là quản trị thị trường lao động, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, an sinh xã hội và chính thức hóa khu vực kinh tế phi chính thức.