Việt Nam-Hoa Kỳ thúc đẩy hợp tác khắc phục hậu quả bom mìn sau chiến tranh
Các hoạt động hợp tác giữa Việt Nam và Hoa Kỳ đã góp phần triển khai hiệu quả Chương trình hành động quốc gia khắc phục hậu quả bom mìn sau chiến tranh tại Việt Nam giai đoạn 2010-2025.

Bộ đội công binh rà phá bom mìn tại Quảng Trị. (Ảnh: Trọng Đức/TTXVN)
Việt Nam là quốc gia chịu ảnh hưởng nặng nề bởi hậu quả bom mìn, vật nổ sau chiến tranh. Thời gian qua, Chính phủ Việt Nam đã có nhiều nỗ lực trong thực hiện hoạt động khắc phục hậu quả bom mìn sau chiến tranh.
Hợp tác quốc tế về nội dung này là một trong những ưu tiên của Chính phủ Việt Nam với các tổ chức quốc tế, đặc biệt là với Chính phủ Hoa Kỳ.
Các hoạt động hợp tác giữa hai quốc gia đã góp phần triển khai hiệu quả Chương trình hành động quốc gia khắc phục hậu quả bom mìn sau chiến tranh tại Việt Nam giai đoạn 2010-2025.
Mới đây, Thao trường huấn luyện xử lý vật liệu nổ do Văn phòng Hợp tác Quốc phòng, Đại sứ quán Hoa Kỳ tại Việt Nam (ODC) viện trợ cho Trung tâm Hành động bom mìn quốc gia Việt Nam (VNMAC), đã chính thức được khánh thành, là một trong những nội dung cụ thể hóa cam kết của Chính phủ Hoa Kỳ về hợp tác với Việt Nam trong lĩnh vực này.
Thao trường huấn luyện theo tiêu chuẩn hành động mìn quốc tế
Phi dự án "Xây dựng thao trường huấn luyện xử lý vật liệu nổ" được khởi công xây dựng vào tháng 7/2024 bằng nguồn vốn viện trợ không hoàn lại do Văn phòng Hợp tác Quốc phòng, Đại sứ quán Hoa Kỳ tại Việt Nam tài trợ với tổng kinh phí hơn 700.000 USD (tương đương khoảng 17 tỷ đồng).
Công trình được xây dựng trên diện tích 2ha tại huyện Ba Vì (thành phố Hà Nội), bao gồm lớp học, khu bếp, khu vệ sinh, khu tập trung, khu vực dò mìn, khu hủy nổ, khu đỗ xe, hệ thống đường nội bộ và xây dựng khu vực cân chỉnh thiết bị rà phá bom mìn tại Trụ sở VNMAC, phục vụ thử nghiệm, kiểm định trang thiết bị chuyên dụng.
Đây là một thao trường huấn luyện theo tiêu chuẩn hành động mìn quốc tế (IMAS), phục vụ công tác đào tạo, nâng cao năng lực khắc phục hậu quả bom mìn tại Việt Nam, góp phần thực hiện Chương trình Hành động quốc gia khắc phục hậu quả bom mìn giai đoạn 2010-2025, nâng cao năng lực đào tạo, đảm bảo an toàn trong công tác khắc phục hậu quả bom mìn.
Đồng thời, góp phần bảo vệ tính mạng người dân, giảm thiểu rủi ro do bom mìn còn sót lại; thúc đẩy tiến trình xây dựng Trung tâm Huấn luyện/VNMAC có đủ năng lực thực hiện chức năng của một Trung tâm huấn luyện quốc gia về hành động bom mìn.
Lễ khánh thành thao trường huấn luyện xử lý vật liệu nổ diễn ra trong thời điểm đặc biệt và có ý nghĩa trong năm 2025, năm đánh dấu tròn 30 năm thiết lập quan hệ ngoại giao Việt Nam-Hoa Kỳ (1995-2025), dấu mốc đặc biệt trong quan hệ hai nước, nhất là sau khi hai nước đã nâng cấp lên Đối tác Chiến lược toàn diện, mở ra một giai đoạn mới hợp tác sâu rộng, thực chất, hiệu quả hơn nữa, vì hòa bình, hợp tác và phát triển.
Đây cũng là đòn bẩy để hai bên thúc đẩy hợp tác trong lĩnh vực hành động mìn nhân đạo, tạo tiền đề vững chắc để Trung tâm Hành động bom mìn quốc gia Việt Nam tiếp tục phát triển bền vững theo định hướng của Chính phủ.
Theo Thượng tướng Phùng Sĩ Tấn, Phó Tổng Tham mưu trưởng Quân đội nhân dân Việt Nam, Phó Trưởng cơ quan Thường trực Ban Chỉ đạo Quốc gia khắc phục hậu quả bom mìn và chất độc hóa học sau chiến tranh ở Việt Nam (Ban Chỉ đạo 701), trong những năm qua, Hoa Kỳ đã có nhiều hỗ trợ đối với Việt Nam trong công tác khắc phục hậu quả chiến tranh nói chung và công tác khắc phục hậu quả bom mìn sau chiến tranh nói riêng.
Sự hợp tác, hỗ trợ khắc phục hậu quả bom mìn của Hoa Kỳ sẽ góp phần quan trọng vào việc tăng cường sự hợp tác vì hòa bình, ổn định, phát triển bền vững của khu vực và trên thế giới.
Để thao trường huấn luyện được đưa vào sử dụng hiệu quả, đúng mục đích, bảo đảm an toàn, Thượng tướng Phùng Sĩ Tấn yêu cầu Trung tâm Hành động bom mìn quốc gia Việt Nam chủ động phối hợp với đơn vị, cơ quan liên xây dựng kế hoạch tổ chức lực lượng quản lý, sử dụng thao trường đúng quy định.
Hợp tác hiệu quả trong thúc đẩy hòa bình
Đại sứ Hoa Kỳ tại Việt Nam Marc E. Knaper cho rằng việc khánh thành và bàn giao thao trường huấn luyện xử lý vật liệu nổ cho Trung tâm Hành động bom mìn quốc gia Việt Nam là minh chứng sinh động cho mối quan hệ hợp tác sâu rộng giữa Hoa Kỳ và Việt Nam, đặc biệt trong lĩnh vực khắc phục hậu quả chiến tranh.
Đại sứ cho biết từ năm 1993 đến nay, Hoa Kỳ đã hỗ trợ Việt Nam tổng cộng 234 triệu USD trong các chương trình rà phá bom mìn, xử lý ô nhiễm dioxin tại sân bay Đà Nẵng, Biên Hòa và hỗ trợ người khuyết tật.

Cán bộ, chiến sỹ Công ty xử lý bom mìn, vật nổ 319 (Bộ Quốc phòng) thu gom bom, mìn tại vùng biên giới các xã Minh Tân, Tả Ván và Nghĩa Thuận (tỉnh Hà Giang) (tháng 7/2023). (Ảnh: Hoàng Hiếu/TTXVN)
“Đây là công việc mang ý nghĩa nhân đạo sâu sắc, giúp người dân - đặc biệt là ở các tỉnh, thành phố miền Trung như Huế, Quảng Trị, Quảng Bình... có thể sinh sống, học tập và lao động trong môi trường an toàn," ông Marc E. Knaper khẳng định.
Nhìn về vai trò của các đối tác, từ Chính phủ Việt Nam, đến các tổ chức phi chính phủ như Tổ chức Viện trợ Nhân dân Na Uy (NPA), tổ chức Cây Hòa bình Việt Nam (PeaceTrees Vietnam) và chính quyền các địa phương, đơn vị liên quan như Trung tâm Hành động bom mìn Quảng Trị, theo Đại sứ Marc E. Knaper, những đối tác, đơn vị đó đã và đang góp phần quan trọng trong các hoạt động góp phần khắc phục hậu quả bom mìn vật nổ sau chiến tranh.
“Những con người đang làm công việc rà phá bom mìn hằng ngày là những người dũng cảm. Họ đang sử dụng trang thiết bị do Hoa Kỳ cung cấp và được huấn luyện tại cơ sở do Hoa Kỳ hỗ trợ xây dựng.
Đây là minh chứng rõ ràng cho sự hợp tác hiệu quả giữa hai nước trong việc thúc đẩy hòa bình, an ninh và thịnh vượng, không chỉ ở khu vực mà còn trên toàn thế giới,” Đại sứ Hoa Kỳ chia sẻ.
Đại sứ Hoa Kỳ tại Việt Nam Marc E. Knaper cho rằng thao trường được hoàn thành không chỉ là biểu tượng của các nỗ lực hợp tác, mà còn là đại diện cho cam kết chung của hai nước đối với hòa bình và an ninh; giúp củng cố vai trò của Việt Nam là thành viên trách nhiệm, chủ động của cộng đồng quốc tế.
Dự án cũng là minh chứng cho quan hệ hợp tác giữa Bộ Quốc phòng hai nước, hiện thực hóa một trong các hạng mục trong kế hoạch hợp tác song phương giai đoạn 2023-2028 giữa hai bên về giải quyết hậu quả vật liệu nổ còn sót lại sau chiến tranh.
Thiếu tướng Lance Okamura, Phó Tư lệnh Lục quân Thái Bình Dương Hoa Kỳ (USARPAC) cho biết thao trường được khánh thành sẽ cung cấp cho VNMAC một cơ sở chuyên thực hiện các khóa đào tạo xử lý bom mìn, tiếp tục phát triển đội ngũ giảng viên; góp phần đáp ứng các yêu cầu về quản lý, triển khai các hoạt động khắc phục hậu quả chiến tranh.
"Việc hoàn thành thao trường là một cột mốc quan trọng trong chương trình Hành động mìn nhân đạo giữa Lục quân Thái Bình Dương Hoa Kỳ và Việt Nam. Đây là thành quả của nhiều năm nỗ lực từ giai đoạn lập kế hoạch đến khi hoàn thành. Chúng tôi đánh giá cao sự kiên trì, hợp tác và hỗ trợ của VNMAC trong quá trình thực hiện dự án này," Thiếu tướng Lance Okamura nêu rõ.
Tư lệnh Lục quân Hoa Kỳ nhấn mạnh việc khánh thành và bàn giao một thao trường huấn luyện xử lý vật liệu nổ theo tiêu chuẩn hành động mìn quốc tế cho Việt Nam đã góp phần khẳng định cam kết của Hoa Kỳ trong việc hỗ trợ Việt Nam khắc phục hậu quả chiến tranh, đặc biệt là trong công tác rà phá bom mìn và xử lý ô nhiễm dioxin.
“Chúng tôi hiểu rằng những hỗ trợ này đóng vai trò quan trọng trong việc góp phần thực hiện Chương trình Hành động quốc gia khắc phục hậu quả bom mìn sau chiến tranh của Việt Nam.
Đây không chỉ là hành động thiết thực mà còn là biểu tượng cho mong muốn của Hoa Kỳ trong việc xây dựng và mở rộng mối quan hệ đối tác với Việt Nam... Chúng tôi cũng coi việc đáp ứng nhu cầu và hỗ trợ người dân là ưu tiên hàng đầu.
Việc xây dựng các mối quan hệ đối tác bền vững là nền tảng để thúc đẩy hòa bình và đảm bảo an ninh. Đây cũng là mục tiêu chung của Quân đội Hoa Kỳ và Bộ Quốc phòng Việt Nam," Thiếu tướng Lance Okamura khẳng định./.