Việt Nam học gì từ mô hình một trung tâm tài chính, hoạt động ở hai thành phố?
Các trung tâm tài chính quốc tế mới thành công nhất không còn giới hạn tại một địa điểm duy nhất. Thay vào đó, chúng phát triển theo mô hình hệ sinh thái đa trung tâm.
Phát biểu tại hội nghị về xây dựng nghị quyết của Quốc hội về Trung tâm tài chính quốc tế tại Việt Nam ngày 20/5, ông Richard McClellan, Đại sứ toàn cầu của Terne Holdings, nguyên Giám đốc Quốc gia Viện Tony Blair, tập trung vào một câu hỏi cụ thể mà theo ông đã nhiều lần đặt ra trong các cuộc thảo luận chuyên môn và chính sách nhưng vẫn chưa có lời giải toàn diện.
“Đó không chỉ là câu hỏi ‘Tại sao là Đà Nẵng?’ mà còn là câu hỏi khó hơn, quan trọng hơn: ‘Làm thế nào để Đà Nẵng hiện thực hóa vai trò đó?", ông Richard McClellan đặt vấn đề.
Câu hỏi đặt ra là: Chúng ta đang xây dựng mô hình trung tâm tài chính quốc tế (IFC) như thế nào?

Ông Richard McClellan.
Ông Richard McClellan cho biết: Trong thập kỷ qua, các trung tâm tài chính quốc tế mới thành công nhất không còn giới hạn tại một địa điểm duy nhất. Thay vào đó, chúng phát triển theo mô hình hệ sinh thái đa trung tâm (multi-node), với các thành phố khác nhau đảm nhận những vai trò chuyên biệt, bổ trợ cho nhau, dựa trên lợi thế so sánh riêng biệt.
Theo ông Richard McClellan, Việt Nam đang có cơ hội lớn để phát triển một trung tâm tài chính quốc tế đẳng cấp, không theo mô hình truyền thống tập trung tại một điểm mà theo hướng hệ sinh thái đa trung tâm tương tự như vậy.
Thực tế cho thấy, nhiều IFC thành công trên thế giới đều triển khai theo mô hình này.
Chẳng hạn, tại UAE, Dubai tập trung tài chính toàn cầu, Abu Dhabi dẫn dắt đổi mới chính sách.
Ở Trung Quốc, Thượng Hải là trung tâm vốn, Thâm Quyến dẫn đầu công nghệ tài chính, Hải Nam là khu vực sandbox.
Còn ở Anh, London tập trung tài chính, Edinburgh chuyên về bảo hiểm và quản trị tài sản.
“Việt Nam hoàn toàn có thể áp dụng mô hình hệ sinh thái đa trung tâm, trong đó TPHCM và Đà Nẵng giữ những vai trò riêng biệt nhưng bổ trợ lẫn nhau. Đây là hướng đi giúp giảm rủi ro hệ thống, phân bổ cơ hội kinh tế hợp lý và gia tăng năng lực phục hồi tài chính quốc gia”, ông Richard khuyến nghị.
Đặc biệt, tiến trình nâng hạng lên nhóm các thị trường mới nổi sẽ thu hút hàng tỷ đô la vốn đầu tư từ các quỹ thụ động, do các tổ chức tài chính toàn cầu quản lý.
Trong bối cảnh đó, việc đa dạng hóa không chỉ dừng lại ở một trung tâm tài chính duy nhất thường được xem là điều kiện tiên quyết để phân loại lại thị trường mới nổi bởi các tổ chức xếp hạng như MSCI.
Cuối cùng, mô hình đa trung tâm còn góp phần tăng cường năng lực phục hồi tài chính quốc gia. Theo đó, trung tâm tài chính quốc tế không bị phụ thuộc vào một điểm nghẽn địa lý, dân số hoặc hạ tầng nhất định.
Ông Richard McClellan nhấn mạnh: "Nếu Việt Nam muốn có một IFC toàn cầu, hãy nghĩ về nó như một hệ sinh thái thống nhất thay vì một địa điểm đơn lẻ. Trong hệ sinh thái ấy, TPHCM và Đà Nẵng không cạnh tranh mà hỗ trợ nhau".
Đà Nẵng, với hạ tầng sẵn có, lực lượng lao động chất lượng và sự chủ động của chính quyền địa phương, hoàn toàn có thể là mảnh ghép chiến lược trong mô hình này.

Đà Nẵng có nhiều lợi thế để xây dựng trung tâm hành chính.
"Tôi mong các nhà hoạch định chính sách và nhà đầu tư ủng hộ mô hình 'hai trung tâm, một tầm nhìn': TPHCM là động lực tăng trưởng, Đà Nẵng là nơi thử nghiệm và đổi mới", ông Richard khuyến nghị.
Là địa phương triển khai thực hiện chủ trương, kế hoạch về xây dựng trung tâm tài chính quốc tế, Bí thư Thành ủy Đà Nẵng Nguyễn Văn Quảng cho rằng các ý kiến phát biểu từ những góc độ tiếp cận khác nhau, nhưng đều thống nhất cần thiết phải hình thành trung tâm tài chính quốc tế tại Việt Nam.
Đó có thể là 2 trung tâm tài chính quốc tế riêng biệt, hoặc 1 trung tâm tài chính quốc tế nhưng hoạt động ở hai địa điểm riêng biệt là Đà Nẵng và TPHCM.
Theo Bí thư Thành ủy Đà Nẵng, điều này có ý nghĩa quan trọng làm đa dạng hóa môi trường thu hút đầu tư của các định chế tài chính, các nhà đầu tư; hạn chế, kiểm soát tốt hơn được các rủi ro...
Ông cũng cho biết, cùng với công tác tham mưu, đề xuất xây dựng về cơ chế chính sách, Đà Nẵng đã chuẩn bị các điều kiện, các hệ sinh thái, các hạ tầng, gồm cả hạ tầng cứng và hạ tầng mềm để sẵn sàng phục vụ cho sự vận hành của trung tâm tài chính quốc tế.
Tương tự như Đà Nẵng, Phó Chủ tịch UBND Thành phố Hồ Chí Minh Nguyễn Văn Dũng cũng khẳng định, thành phố tiếp tục rà soát, đề xuất các cơ chế, chính sách sát với điều kiện thực tế của địa phương cũng như quyết liệt chỉ đạo, chuẩn bị cơ sở hạ tầng kỹ thuật, triển khai kế hoạch về đào tạo nguồn nhân lực để phục vụ hoạt động của trung tâm tài chính quốc tế, khi trung tâm chính thức vận hành.