Việt Nam hội đủ điều kiện xây dựng, phát triển trung tâm tài chính quốc tế
VOV.VN -Theo các chuyên gia, để xây dựng trung tâm tài chính thì Việt Nam cần cho áp dụng các cơ chế, chính sách đặc thù nhằm thu hút các định chế tài chính.
Chiều nay (16/1), tại Đà Nẵng, UBND thành phố phối hợp cùng Bộ Kế hoạch và Đầu tư tổ chức Hội thảo “Phát triển Trung tâm Tài chính quốc tế tại Việt Nam”. Ông Nguyễn Hòa Bình, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ, Phó Trưởng Ban Thường trực Ban Chỉ đạo về Trung tâm tài chính khu vực và quốc tế tại Việt Nam chủ trì Hội thảo.
Tham gia chủ trì Hội thảo có ông Nguyễn Văn Quảng, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Thành ủy Đà Nẵng; ông Phan Văn Mãi, Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ tịch UBND Thành phố Hồ Chí Minh; ông Đỗ Thành Trung, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư; ông Lê Trung Chinh, Chủ tịch UBND thành phố Đà Nẵng.
Tham dự Hội thảo có gần 300 đại biểu lãnh đạo các Ban, Bộ, ngành Trung ương, các chuyên gia, nhà khoa học, đại diện các tổ chức quốc tế, các cơ quan ngoại giao…
Hội thảo “Phát triển Trung tâm Tài chính quốc tế tại Việt Nam” tập trung giới thiệu các chủ trương, định hướng phát triển Trung tâm Tài chính quốc tế tại Việt Nam, bao gồm Trung tâm Tài chính quốc tế toàn diện tại Thành phố Hồ Chí Minh và Trung tâm Tài chính khu vực tại thành phố Đà Nẵng; đồng thời giới thiệu các tiềm năng và điều kiện thuận lợi để các Trung tâm Tài chính quốc tế và khu vực tại Việt Nam sớm hình thành và phát triển.
Hội thảo cũng là dịp tham vấn ý kiến của các cơ quan quản lý nhà nước; các nhà đầu tư chiến lược; các tổ chức, định chế tài chính; các quỹ đầu tư; các công ty tư vấn (luật, tài chính, kế toán, kiểm toán…); cơ sở đào tạo cùng các chuyên gia, nhà khoa học trong và ngoài nước về các cơ chế, chính sách đặc thù phát triển Trung tâm Tài chính quốc tế tại Việt Nam.
Việt Nam hiện có những ưu thế đặc biệt riêng có như kinh tế phát triển nhanh; nguồn nhân lực dồi dào, chất lượng ngày càng tăng; cơ sở hạ tầng đang hoàn thiện và phát triển nhanh. Nếu tận dụng tốt cơ hội này, Việt Nam sẽ tiếp nhận được nguồn lực tài chính dịch chuyển từ các Trung tâm Tài chính quốc tế lớn trong khu vực cũng như quốc tế để bứt phá và tạo lập vị thế mới. Từ đó, tạo bước chuyển mới về chất, giúp thị trường tài chính ở Việt Nam trở nên lành mạnh, hiệu quả và có những phát triển đột phá, bắt kịp với các chuẩn mực quốc tế, thúc đẩy quá trình chuyển dịch cơ cấu kinh tế, từ đó thúc đẩy kinh tế quốc gia phát triển bền vững, đưa Việt Nam tham gia sâu hơn trong chuỗi giá trị kinh tế toàn cầu, nâng cao vai trò, vị thế, uy tín và ảnh hưởng của Việt Nam trên trường quốc tế; đồng thời, đảm bảo an ninh quốc phòng và các nguy cơ an ninh phi truyền thống từ sớm, từ xa. Từ đó, tạo tiền đề đưa đất nước bước vào kỷ nguyên mới, kỷ nguyên giàu mạnh và thịnh vượng, là kỷ nguyên vươn mình của dân tộc Việt Nam.
Việc xây dựng Trung tâm Tài chính khu vực và quốc tế đã được Đảng, Nhà nước, Quốc hội và Chính phủ xác định là một trong những đột phá về thể chế. Đây chính là những quyết sách mới, giải phóng các nguồn lực, thúc đẩy chuyển đổi mô hình tăng trưởng gắn với cơ cấu lại nền kinh tế, nâng cao năng suất, hiệu quả và năng lực cạnh tranh; đưa Việt Nam tham gia vào nấc thang cao hơn trong chuỗi giá trị kinh tế toàn cầu. Việt Nam đang có đủ các yếu tố, điều kiện cần thiết để phát triển thị trường tài chính hiện đại, hướng đến hình thành Trung tâm Tài chính quốc tế và khu vực.
Ngày 15/11/2024, Bộ Chính trị đã ra Thông báo Kết luận 47-TB/TW về việc xây dựng Trung tâm Tài chính khu vực và quốc tế tại Việt Nam. Kết luận nêu rõ sẽ thành lập Trung tâm Tài chính quốc tế toàn diện tại Thành phố Hồ Chí Minh và Trung tâm Tài chính khu vực tại thành phố Đà Nẵng. Ngày 31/12/2024, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 259/NQ-CP phê duyệt Kế hoạch hành động triển khai xây dựng Trung tâm Tài chính khu vực và quốc tế tại Việt Nam.
Theo Nghị quyết này, Trung tâm Tài chính quốc tế và khu vực sẽ được xây dựng tại Thành phố Hồ Chí Minh và thành phố Đà Nẵng. Việc xây dựng Trung tâm Tài chính được Đảng, Nhà nước, Quốc hội và Chính phủ xác định là một trong những đột phá về thể chế, là quyết sách nhằm giải phóng các nguồn lực, thúc đẩy chuyển đổi mô hình tăng trưởng gắn với cơ cấu lại nền kinh tế nhằm nâng cao năng suất, hiệu quả và năng lực cạnh tranh để chuẩn bị cho kỷ nguyên mới, kỷ nguyên vươn mình của dân tộc; đồng thời, tạo ra cơ chế, nguồn lực mới, là "cú hích" mạnh đối với nền kinh tế đất nước.
Ông Đỗ Thành Trung, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho rằng, để thực sự đưa đất nước chuyển mình, hiện thực hóa các mục tiêu đến năm 2030 và 2045, chúng ta phải có quyết tâm cao, nỗ lực lớn trong quá trình chuẩn bị các điều kiện nền tảng cho việc xây dựng và phát triển Trung tâm Tài chính theo bước đi, lộ trình phù hợp. Việc lựa chọn mô hình và cách thức xây dựng Trung tâm Tài chính cần được thực hiện trên cơ sở tiếp thu có chọn lọc các bài học kinh nghiệm quốc tế.
Với định hướng phát triển theo hướng kết hợp, tinh thần không cầu toàn, không bỏ lỡ cơ hội cùng nguyên tắc xuyên suốt phải là “sân chơi” của các nhà đầu tư tài chính quốc tế, có luật chơi chung tương thích với thông lệ quốc tế (cơ chế vận hành, phát triển các hệ sinh thái, ưu đãi…) nhưng đồng thời, Trung tâm Tài chính khu vực và quốc tế cần phải phù hợp với điều kiện thực tế của Việt Nam, ưu tiên chủ quyền, đặt lợi ích quốc gia là trên hết.
Theo ông Đỗ Thành Trung, thành phố Đà Nẵng đang hội tụ các yếu tố “thiên, thời, địa lợi, nhân hòa” khi có đầy đủ các lợi thế, tiềm năng, yêu cầu phát triển và quyết tâm chính trị cho việc xây dựng Trung tâm Tài chính khu vực. Các nhà đầu tư, tổ chức tư vấn quốc tế nhận định Đà Nẵng có tiềm năng phát triển và hợp tác với các Trung tâm Tài chính quốc tế khác để tận dụng lợi thế hiện tại về múi giờ, sự ổn định chính trị, thể chế, điều kiện kinh tế vĩ mô của Việt Nam nói chung và Đà Nẵng nói riêng.
Ông Đỗ Thành Trung, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư khẳng định: “Việc triển khai lộ trình xây dựng thành phố Đà Nẵng trở thành Trung tâm tài chính quy mô khu vực theo chủ trương của Đảng, Nhà nước là cần thiết để phát triển các dịch vụ tài chính quốc tế và các dịch vụ phụ trợ có tiềm năng, lợi thế…, huy động nguồn lực tài chính quốc tế trong sự phát triển đột phá của thành phố Đà Nẵng và khu vực miền Trung – Tây Nguyên nói riêng, của đất nước nói chung”.
Các đại biểu tham dự Hội thảo cũng chia sẻ những bài học kinh nghiệm quý báu rút ra trong quá trình xây dựng và phát triển các Trung tâm Tài chính trên thế giới, các ý tưởng, khuyến nghị để Trung tâm Tài chính quốc tế tại Việt Nam sớm hình thành và phát triển.
Theo ông Andy Khoo, Giám đốc Quản lý Tập đoàn Terne Holdings, khi định vị Trung tâm Tài chính khu vực tại Đà Nẵng trên bản đồ tài chính toàn cầu, việc học hỏi từ các mô hình thành công như Singapore, Trung tâm Tài chính Quốc tế Dubai (DIFC), và các trung tâm mới nổi như GIFT City hay Labuan là điều vô cùng quan trọng. Bằng cách tận dụng thế mạnh của Việt Nam và các cơ hội trong khu vực, Trung tâm Tài chính khu vực tại Đà Nẵng có thể tự khác biệt hóa trong khi áp dụng những chiến lược đã được chứng minh. Đây là cách Trung tâm Tài chính khu vực tại Đà Nẵng có thể nổi bật so với các trung tâm tài chính toàn cầu khác.
Tập trung vào tài chính xanh, tài chính thương mại và đổi mới kỹ thuật số sẽ giúp Trung tâm Tài chính khu vực tại Đà Nẵng tạo ra sự khác biệt rõ nét. Ông Andy Khoo cho rằng, cần tập trung vào ba trụ cột chiến lược, phù hợp với những thế mạnh và cơ hội độc đáo của thành phố: Tài chính xanh, Đổi mới FinTech và Tài chính thương mại. “Trung tâm Tài chính khu vực tại Đà Nẵng không chỉ là một dự án phát triển, mà còn là một tuyên ngôn táo bạo về khát vọng của Việt Nam trong việc dẫn đầu trên thị trường tài chính toàn cầu. Hãy tưởng tượng một tương lai, nơi Đà Nẵng không chỉ là một thành phố, mà là biểu tượng của sự đổi mới, bền vững và kiên cường. Một tương lai mà Đà Nẵng trở thành cầu nối giữa ASEAN và thế giới, tạo ra cơ hội và thúc đẩy sự tiến bộ cho từng người dân Việt Nam”.
Theo các chuyên gia, để xây dựng Trung tâm Tài chính thì Việt Nam cần cho áp dụng các cơ chế, chính sách đặc thù nhằm thu hút các định chế tài chính (ngân hàng, quỹ đầu tư, công ty dịch vụ tài chính…) và tạo lập các sàn giao dịch chứng khoán, tiền tệ (và cả hàng hóa), ưu tiên phát triển các lĩnh vực tài chính mới như fintech, phù hợp với thông lệ quốc tế. Do đó, khung pháp lý áp dụng cho Trung tâm Tài chính sẽ khác biệt so với các quy định pháp luật hiện hành nên các cơ chế, chính sách này cần được thực hiện có kiểm soát, theo lộ trình và trong giới hạn không gian địa lý xác định, bao gồm: Thành phố Hồ Chí Minh đề xuất thực hiện tại khu vực Quận 1 và Khu đô thị mới Thủ Thiêm; Thành phố Đà Nẵng đề xuất thực hiện một hệ sinh thái nhiều thành phần tại khu lõi gồm các Lô đất A12, A13, A14, A15 trên đường Võ Văn Kiệt và Lô đất A* giáp đường Võ Nguyên Giáp và Võ Văn Kiệt với diện tích hơn 6 ha, có thể mở rộng thành khu phố tài chính là vùng diện tích địa lý nằm tại Khu Công nghiệp Đà Nẵng với diện tích khoảng 62 ha; đồng thời phát triển Trung tâm công nghệ tài chính ở Khu đất phía Tây Bắc đường dẫn lên cầu Thuận Phước với diện tích 9,7 ha. Các khu vực nêu trên được xác định là không gian lõi, được tập trung nguồn lực phát triển Trung tâm Tài chính, có thể được điều chỉnh mở rộng theo từng giai đoạn.
Về phía địa phương, thành phố Đà Nẵng đã ban hành Quyết định số 13111-QĐ/TU thành lập Ban Chỉ đạo xây dựng và phát triển Trung tâm Tài chính thành phố Đà Nẵng do Bí thư Thành ủy làm Trưởng Ban Chỉ đạo, xây dựng Chương trình làm việc và phân công nhiệm vụ cụ thể cho từng thành viên, ban hành Kế hoạch thực hiện để bảo đảm sự thống nhất, đạt kết quả cao trong quá trình triển khai thực hiện kết luận của Bộ Chính trị.
Ông Nguyễn Văn Quảng, Bí thư Thành Ủy Đà Nẵng khẳng định, Hội thảo “Phát triển Trung tâm Tài chính quốc tế tại Việt Nam” có ý nghĩa quan trọng góp phần nâng cao nhận thức, tạo nền tảng, động lực cho sự phát triển đột phá, lâu dài của thành phố Đà Nẵng trong thời gian đến. “Chúng tôi rất mong muốn tiếp tục nhận được sự sự tư vấn, đặc biệt là các cam kết của các nhà đầu tư tại Hội thảo cũng như các cuộc làm việc trực tiếp với lãnh đạo thành phố. Đặc biệt, sự hiện diện của đồng chí Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ, cùng với lãnh đạo các bộ ngành Trung ương và các diễn giả và toàn thể quý vị, khẳn định sự quan tâm của Chính phủ, các bộ, ban ngành và quý vị đối với việc phát triển Trung tâm tài chính quốc tế tại Việt Nam”.
Phát biểu chỉ đạo tại Hội thảo, ông Nguyễn Hòa Bình, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ đánh giá cao sáng kiến của Bộ Kế hoạch và Đầu tư và UBND thành phố Đà Nẵng cùng các bộ ngành, địa phương về việc tổ chức Hội thảo “Phát triển Trung tâm Tài chính quốc tế tại Việt Nam”. Phó Thủ tướng đánh giá cao các ý kiến, kinh nghiệm của các đại biểu, các chuyên gia chia sẻ tại hội thảo. Đây là những kinh nghiệm quý giá, gợi mở đầy tâm huyết và chất lượng để Chính phủ và các bộ, ngành, địa phương tiếp tục nghiên cứu trong quá trình xây dựng và phát triển Trung tâm Tài chính quốc tế. Phó Thủ tướng cam kết, Việt Nam sẽ xây dựng hạ tầng, pháp lý thật tốt, đảm bảo thông thoáng, cởi mở đáng tin cậy và đúng tiêu chuẩn quốc tế, đồng thời chỉ đạo các bộ ngành và 2 thành phố Hồ Chí Minh và Đà Nẵng tập trung thực hiện các nội dung quan trọng trong thời gian tới, bám sát chương trình, kế hoạch mà Chính phủ đã đề ra.
Phó Thủ tướng Thường trực Nguyễn Hòa Bình nhấn mạnh: “Một lần nữa, chúng tôi rất cám ơn các chuyên gia, các nhà đầu tư. Tôi rất mong lãnh đạo hai thành phố, các bộ, ngành thực hiện tốt quyết tâm của lãnh đạo Đảng, Nhà nước. Chúng ta trong tương lai gần sẽ có một đạo lực đủ hấp dẫn, đáng tin cậy đối với các nhà đầu tư. Chúng ta sẽ có hạ tầng cơ sở vật chất và môi trường sống thân thiện, hấp dẫn, những cơ chế chính sách cũng rất hấp dẫn. để hai Trung tâm tài chính nhanh chóng trở thành hiện thực”.
Tại Hội thảo, diễn ra Lễ trao các thỏa thuận hợp tác giữa các bên gồm: Bản ghi nhớ hợp tác giữa Ủy ban nhân dân thành phố Đà Nẵng và Quỹ Đầu tư Makara Capital, Tập đoàn Terne Holdings, Hiệp hội Blockchain Việt Nam; Bản ghi nhớ hợp tác giữa Trường Đại học Kinh tế, Đại học Đà Nẵng và các đối tác (Học viện TMC (Singapore); Đại học Yuan Ze (Đài Bắc, Đài Loan, Trung Quốc); Viện Kế toán Công chứng Vương quốc Anh và xứ Wales (ICAEW).