Việt Nam hướng đến phát triển du lịch xanh, bền vững để bảo vệ môi trường
Du lịch Net Zero giờ đây không chỉ là xu hướng mà đã trở thành một chiến lược cấp thiết để bảo vệ môi trường và ứng phó với biến đổi khí hậu.
Ngày 5/9, trong khuôn khổ hội chợ du lịch quốc tế TP.HCM 2024 đã diễn ra diễn đàn "Chuyển đổi xanh, du lịch Net Zero - kiến tạo tương lai". Diễn đàn thu hút các chuyên gia đa lĩnh vực quan tâm đến phát triển du lịch, nhằm tìm được sự tham vấn về hành lang pháp lý, thực hành triển khai du lịch Net Zero.
Ông Lương Quang Huy, Cục Biến đổi khí hậu, Bộ Tài nguyên và Môi trường cho biết, mọi người cứ tưởng du lịch ít hoặc không ảnh hưởng nhiều đến môi trường nhưng thực tế không phải vậy.
Du lịch liên quan nhiều đến giao thông vận tải, lưu trú, tham quan, mua sắm... nên ảnh hưởng nhiều đến môi trường về khí thải, rác thải.
Theo tính toán, một năm Việt Nam thải ra khoảng trên dưới 500 triệu tấn CO2, trung bình một người thải khoảng 5 tấn/năm.
"Ví dụ một gia đình 4 người ở Hà Nội vào TP.HCM du lịch vài ngày rồi trở lại Hà Nội sẽ thải ra khoảng 1 - 2 tấn CO2. Nói như vậy để thấy du lịch tác động rất nhiều đến môi trường sống, nhiều doanh nghiệp du lịch vẫn sử dụng năng lượng hóa thạch, thay vì năng lượng tái tạo", ông Huy nói.
Để đáp ứng yêu cầu phát triển du lịch xanh, ông Nguyễn Văn Dũng, Phó chủ tịch UBND TP.HCM cho biết, cùng với xu thế phát triển chung, thực hiện cam kết của Chính phủ Việt Nam hướng đến mục tiêu phát thải bằng không, TP.HCM đã triển khai các hoạt động phát triển du lịch gắn với 17 tiêu chí phát triển bền vững của UNESCO.
Theo đó, thành phố thực hiện một cách nhanh chóng, hiệu quả các kế hoạch phát triển du lịch bền vững từ khâu đào tạo nguồn nhân lực cho đến việc phát triển, kêu gọi người dân tham gia bảo vệ các nguồn tài nguyên thiên nhiên.
Theo tổ chức Du lịch Liên hợp quốc sau hơn 2 năm khôi phục hoạt động, ngành du lịch toàn cầu gần như đã phục hồi. Trong quý I/2024, đã có hơn 285 triệu khách du lịch quốc tế trên toàn cầu, đạt 97% mức trước đại dịch, châu Á - Thái Bình Dương đạt 82% mức trước đại dịch.
Riêng với Việt Nam, trong 7 tháng đầu năm, tổng số khách quốc tế đạt gần 10 triệu lượt, tăng 51% so với cùng kỳ năm trước và tăng gần 2% so với cùng kỳ năm 2019.
Báo cáo du lịch bền vững 2023 của booking.com, trên toàn cầu, 80% số người tham gia khảo sát khẳng định du lịch theo hướng bền vững ngày càng quan trọng với họ.
Tại Việt Nam, có 97% du khách Việt tham gia khảo sát cho biết họ muốn đi du lịch bền vững hơn trong 12 tháng tới.
Trong đó, 75% du khách cho biết họ sẵn sàng chi trả nhiều hơn cho các lựa chọn du lịch bền vững đã được cấp chứng nhận và 83% du khách bày tỏ mong muốn có thể giúp những địa điểm nơi họ đến du lịch trở nên xanh, sạch hơn sau khi rời đi.