Việt Nam hướng tới giảm phát thải thủy ngân trong môi trường không khí
Cơ quan chức năng đặt mục tiêu giảm thiểu 648kg thủy ngân và 35 tấn chất hữu cơ khó phân hủy thông qua Dự án giảm phát thải chất hữu cơ khó phân hủy và thủy ngân vừa được Bộ Nông nghiệp và Môi trường khởi động. Dự án nhận tài trợ từ Quỹ Môi trường Toàn cầu (GEF) và nguồn đối ứng trong nước.
Bộ Nông nghiệp và Môi trường phối hợp với Chương trình Phát triển Liên Hợp Quốc (UNDP) vừa tổ chức Hội thảo khởi động Dự án “Giảm thiểu phát thải và tác động của các chất ô nhiễm hữu cơ khó phân hủy (POP) và thủy ngân thông qua quản lý vòng đời sản phẩm và nhãn sinh thái” do Quỹ Môi trường Toàn cầu (GEF) tài trợ.
Dự án sẽ được triển khai trong vòng 4 năm, với ngân sách hơn 4,6 triệu đô la Mỹ tài trợ từ Quỹ Môi trường Toàn cầu (GEF) và nguồn đối ứng trong nước là 28,5 triệu đô la Mỹ.
Dự kiến sẽ có 4 hợp phần được triển khai, trong đó hợp phần thứ nhất hướng tới hoàn thiện các chính sách, pháp luật về bảo vệ môi trường đối với các chất POP, xây dựng và thực hiện các chính sách về nhãn sinh thái và quản lý vòng đời các chất POP, thủy ngân.
Bên cạnh đó, xây dựng cơ chế tài chính xanh nhằm nâng cao nhận thức của doanh nghiệp theo hướng không sử dụng các chất POP và thủy ngân trong quá trình sản xuất các sản phẩm.

Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Môi trường phát biểu tại Hội thảo ngày 11/7.
Ở hợp phần hai, Dự án sẽ hoàn thiện việc sản xuất bền vững và thiết kế các sản phẩm nhựa, polyme, sơn, mạ kim loại và một số lĩnh vực khác nhằm ngăn ngừa việc sử dụng và phát thải các chất POP ra môi trường, đồng thời thu hẹp khoảng cách giữa các nhà tái chế và các ngành công nghiệp để duy trì nền kinh tế tuần hoàn và ngăn ngừa ô nhiễm từ các vật liệu có thể tái chế.
Hợp phần thứ ba, Dự án thúc đẩy và duy trì việc thay thế các sản phẩm chứa thủy ngân bằng các sản phẩm không chứa thủy ngân thông qua chương trình EPR (chương trình mở rộng trách nhiệm của nhà sản xuất) và quản lý cuối vòng đời.
Hợp phần 4 là thành lập Ban quản lý dự án, các bài học kinh nghiệm và kiến thức được rút ra từ dự án. Thực hiện kiểm soát, đánh giá, kiểm toán dự án tuân thủ theo các tiêu chuẩn của GEF, UNDP và Chính phủ.
Ban Quản lý dự án đặt mục tiêu sẽ giảm thiểu 648 kg thủy ngân thông qua loại bỏ và thay thế 10.000 thiết bị y tế chứa thủy ngân, 20.000 bóng đèn huỳnh quang, giảm thiểu 35 tấn POP sử dụng trực tiếp hoặc nguyên liệu, vật liệu, sản phẩm, chất thải có chứa chất POP. Qua đó, giảm thiểu phát thải chất hữu cơ khó phân hủy và thủy ngân trong môi trường không khí, đồng thời thiết lập và áp dụng được cơ chế tài chính xanh.
Theo Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Môi trường Lê Công Thành, Dự án sẽ góp phần tăng cường công tác quản lý môi trường, giảm thiểu phát thải chất hữu cơ khó phân hủy và thủy ngân thông qua hỗ trợ xây dựng và hoàn thiện các quy chuẩn, hướng dẫn kỹ thuật về quản lý vòng đời sản phẩm.
Dự án cũng thúc đẩy các giải pháp tài chính xanh, hệ thống nhãn sinh thái, mua sắm xanh và hỗ trợ doanh nghiệp chuyển đổi công nghệ, thiết kế sản phẩm thân thiện với môi trường, hướng tới phát triển nền kinh tế tuần hoàn và tiêu dùng bền vững.

Sự cố cháy Nhà máy Rạng Đông năm 2019 được cơ quan chức năng xác định phát thải một lượng thủy ngân ra môi trường không khí. Ảnh: Hoàng Mạnh Thắng.
Theo Chương trình Phát triển Liên Hiệp Quốc, tại Việt Nam, nhiều chất POP như PBDEs, PFOS, HBCDD, SCCP... tuy không được sản xuất trong nước nhưng vẫn đang được nhập khẩu và sử dụng trong các ngành công nghiệp như sơn, nhựa, mạ kim loại, vật liệu cách nhiệt và dệt may.
Trong khi đó, các quy định và cơ chế khuyến khích để chuyển đổi sang một nền sản xuất không sử dụng và phát thải các chất POP còn chưa đạt yêu cầu đề ra, đặc biệt còn nhiều khó khăn cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ.
Thủy ngân cũng đang hiện diện phổ biến trong các thiết bị y tế như nhiệt kế, huyết áp kế và bóng đèn huỳnh quang. Hiện hệ thống thu gom, phân loại và xử lý an toàn các sản phẩm chứa thủy ngân sau khi hết hạn sử dụng còn chưa được đồng bộ nên vẫn còn nguy cơ ô nhiễm ảnh hưởng đến cộng đồng và môi trường.
Việt Nam đã tham gia và phê chuẩn hai công ước quốc tế quan trọng nhằm kiểm soát ô nhiễm hóa chất gồm Công ước Stockholm về các chất ô nhiễm hữu cơ khó phân hủy (năm 2001) và Công ước Minamata về thủy ngân (năm 2013).
Tuy nhiên, trong thực tế, các hóa chất này vẫn tiếp tục được sử dụng, đặc biệt trong các lĩnh vực sản xuất công nghiệp như nhựa, sơn, xi mạ, vật liệu cách nhiệt, và thiết bị y tế.
Theo ông Patrick Haverman, Phó Trưởng Đại diện thường trú UNDP tại Việt Nam, Dự án sẽ trực tiếp hỗ trợ giảm thiểu rủi ro ô nhiễm hóa chất, đáp ứng các yêu cầu mới của Công ước Stockholm và Công ước Minamata.
Dự án cũng phù hợp với khung pháp lý hiện hành của Việt Nam, bao gồm Luật Bảo vệ Môi trường 2020 và các nghị định hướng dẫn, cụ thể là Nghị định số 08 năm 2022 và Nghị định số 05 năm 2025 cũng như Luật Hóa chất.