Việt Nam hướng tới nâng cao chất lượng 240.000ha rừng

Thủ tướng Chính phủ vừa phê duyệt Đề án nâng cao chất lượng rừng nhằm bảo tồn hệ sinh thái rừng và phòng, chống thiên tai đến năm 2030 với mục tiêu nâng cao chất lượng rừng trên diện tích khoảng 240.000ha.

Đề án hướng tới nâng cao chất lượng rừng đặc dụng, rừng phòng hộ và rừng sản xuất là rừng tự nhiên nhằm phát huy tốt chức năng của từng loại rừng, bảo tồn hệ sinh thái rừng, đa dạng sinh học, tăng cường trữ lượng các - bon của rừng và phòng, chống thiên tai, ứng phó với biến đổi khí hậu, góp phần phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh.

Tổng diện tích rừng được nâng cao chất lượng là 240.000ha, gồm 36.000ha rừng đặc dụng, 138ha rừng phòng hộ và 66.000ha rừng sản xuất là rừng tự nhiên. Các rừng được phục hồi là rừng nghèo, rừng nghèo kiệt và rừng chưa có trữ lượng được cải thiện.

Đề án được triển khai tại các tỉnh, thành phố thuộc khu vực trung du và miền núi, nơi thường xảy ra thiên tai (lũ quét, sạt lở đất) ở 3 khu vực gồm Trung du và miền núi phía Bắc, Bắc Trung Bộ và duyên hải miền Trung, Tây Nguyên.

Để hướng tới mục tiêu năm 2030 sẽ nâng cao chất lượng 240.000ha rừng, Đề án đưa ra một số giải pháp như nghiên cứu, đề xuất bổ sung các cơ chế, chính sách mới, trong đó cần lồng ghép với các cơ chế, chính sách về phòng, chống thiên tai đối với các khu vực nguy cơ thiên tai xảy ra.

Đề án hướng tới nâng cao chất lượng rừng tại những khu vực rừng nghèo. Trong ảnh là rừng tại Quảng Trị. Ảnh: MH.

Đề án hướng tới nâng cao chất lượng rừng tại những khu vực rừng nghèo. Trong ảnh là rừng tại Quảng Trị. Ảnh: MH.

Xây dựng các cơ chế, chính sách khuyến khích, thu hút, xã hội hóa trong hoạt động nâng cao chất lượng rừng kết hợp phát triển kinh tế. Phát triển các dịch vụ hệ sinh thái của rừng, như dịch vụ hấp thụ, lưu trữ các - bon của rừng để phát huy đa giá trị của hệ sinh thái rừng, tạo thu nhập cho người làm nghề rừng.

Bên cạnh đó, tiếp tục nghiên cứu, chọn tạo giống cây trồng rừng, làm giàu rừng, khoanh nuôi xúc tiến tái sinh có trồng bổ sung, đặc biệt là có sức chống chịu cao với điều kiện tự nhiên khắc nghiệt như chịu hạn, chịu lạnh, chống chịu gió bão và sâu, bệnh hại để nâng cao chất lượng rừng phòng hộ.

Ứng dụng các tiến bộ khoa học trong sản xuất cây giống phục vụ nâng cao chất lượng rừng bằng công nghệ cao, công nghệ nuôi cấy mô để đẩy mạnh việc sản xuất các loài cây bản địa có sức chống chịu cao, phù hợp với các vùng sinh thái. Tiếp tục rà soát, bổ sung một số loài cây trồng vào danh sách cây trồng lâm nghiệp chính để quản lý chất lượng giống, nâng cao chất lượng rừng trồng.

Ngoài ra, đề án cũng đưa ra giải pháp tiếp tục nghiên cứu, thử nghiệm, hoàn thiện và ban hành các biện pháp kỹ thuật lâm sinh như khoanh nuôi xúc tiến tái sinh, làm giàu rừng, nuôi dưỡng rừng cho từng loại rừng và vùng sinh thái để áp dụng trong việc thực hiện nâng cao chất lượng rừng.

Trong đó sẽ thí điểm một số mô hình nâng cao chất lượng rừng bằng nhiều loài cây bản địa có cấu trúc đa tầng, đa loài, nâng cao khả năng phòng hộ của rừng, thâm canh nâng cao chất lượng của rừng trên điều kiện lập địa khó khăn, vùng đất dốc, vùng khô hạn và vùng ven biển.

Nguyễn Hoài

Nguồn Tiền Phong: https://tienphong.vn/viet-nam-huong-toi-nang-cao-chat-luong-240000ha-rung-post1646173.tpo