Việt Nam - Indonesia thúc đẩy thương mại
Việt Nam - Indonesia đã hoàn tất đàm phán phân định vùng đặc quyền kinh tế phù hợp với luật pháp quốc tế
Ngày 22-12, tại Phủ Tổng thống Bogor ở Indonesia, sau lễ đón chính thức trọng thể, Tổng thống Joko Widodo đã hội đàm với Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc.
Hai nhà lãnh đạo bày tỏ vui mừng về sự phát triển nhanh chóng, hiệu quả của quan hệ Đối tác chiến lược Việt Nam - Indonesia trên tất cả lĩnh vực then chốt, từ chính trị, an ninh, quốc phòng đến kinh tế, thương mại, đầu tư, du lịch, giao thông vận tải, giáo dục - đào tạo, văn hóa...
Đặc biệt, hợp tác thương mại đã đạt bước tiến vượt bậc; kim ngạch hai chiều 11 tháng đầu năm 2022 đạt gần 13 tỉ USD, vượt cả năm 2021 và ở mức cao nhất từ trước tới nay.
Để tiếp tục thúc đẩy quan hệ song phương, hai bên sẽ tiếp tục trao đổi đoàn, tiếp xúc cấp cao và các cấp, các kênh; triển khai hiệu quả các cơ chế hợp tác, nhất là Ủy ban Hợp tác song phương và Ủy ban Hỗn hợp về hợp tác kinh tế, khoa học và kỹ thuật.
Hai bên tiếp tục thực hiện hiệu quả các thỏa thuận đã ký kết, đặc biệt là Chương trình hành động giai đoạn 2019-2023 triển khai quan hệ Đối tác chiến lược và sớm xây dựng Chương trình hành động giai đoạn 2024-2028; phấn đấu đưa kim ngạch thương mại hai chiều vượt 15 tỉ USD trước năm 2028 và theo hướng cân bằng hơn.
Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc đề nghị Indonesia xem xét giảm thiểu các rào cản thương mại, hỗ trợ kỹ thuật và tạo thuận lợi để hàng hóa từ Việt Nam, bao gồm các sản phẩm theo tiêu chuẩn Halal phù hợp với thị trường Hồi giáo, được nhập khẩu Indonesia.
Hai bên khẳng định quyết tâm thúc đẩy đầu tư tương xứng với tiềm năng và quan hệ Đối tác chiến lược thông qua đẩy mạnh các biện pháp xúc tiến, tạo thuận lợi cho doanh nghiệp hai nước đa dạng hóa các lĩnh vực hợp tác đầu tư, kinh doanh, trong đó có các lĩnh vực mới như kinh tế số, chuyển đổi số, kinh tế xanh, năng lượng tái tạo.
Tổng thống Indonesia cho biết ngày càng có nhiều doanh nghiệp nước này quan tâm đầu tư tại Việt Nam và mong doanh nghiệp Việt Nam sẽ mở rộng đầu tư tại Indonesia.
Hai nhà lãnh đạo cũng nhất trí tăng cường hợp tác trên các lĩnh vực quan trọng khác như quốc phòng, an ninh, bao gồm phối hợp giải quyết các thách thức an ninh chung trên biển, đấu tranh phòng chống tội phạm xuyên quốc gia, bảo đảm an ninh năng lượng, an ninh lương thực...; thúc đẩy hợp tác giáo dục - đào tạo, du lịch, tăng cường kết nối, nâng tần suất các tuyến bay thương mại trực tiếp, đẩy mạnh giao lưu nhân dân và hợp tác giữa các địa phương hai nước; tiếp tục tăng cường tham vấn và phối hợp chặt chẽ tại các diễn đàn khu vực và quốc tế; coi trọng phát huy đoàn kết và vai trò trung tâm của ASEAN.
Việt Nam khẳng định ủng hộ Indonesia đảm nhiệm thành công vai trò Chủ tịch ASEAN năm 2023. Indonesia nhất trí ủng hộ Việt Nam hoàn thành tốt vai trò thành viên Hội đồng Nhân quyền Liên Hiệp Quốc nhiệm kỳ 2023-2025.
Hai nhà lãnh đạo tái khẳng định tầm quan trọng của hòa bình, ổn định, an toàn, an ninh và tự do hàng hải tại biển Đông; cùng phối hợp duy trì lập trường chung của ASEAN trong vấn đề biển Đông; thúc đẩy thực thi Tuyên bố về ứng xử của các bên ở biển Đông (DOC) và phối hợp chặt chẽ trong đàm phán Bộ Quy tắc ứng xử ở biển Đông (COC) hiệu lực, hiệu quả, phù hợp luật pháp quốc tế và Công ước Liên Hiệp Quốc về Luật Biển (UNCLOS) 1982. Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc hoan nghênh Indonesia tổ chức thành công hội thảo kỷ niệm 40 năm UNCLOS.
Cùng ngày, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc đã hội kiến quyền Chủ tịch Lưỡng viện Indonesia, ông Asrul Sani; hội kiến Chủ tịch Hội đồng Đại biểu nhân dân (Hạ viện) Indonesia, bà Puan Maharani; gặp gỡ và nói chuyện thân mật với cán bộ, nhân viên các cơ quan đại diện và đại diện cộng đồng người Việt Nam tại Indonesia...
Kết thúc hội đàm, hai nhà lãnh đạo đã chứng kiến lễ ký kết và trao đổi một số văn kiện hợp tác, gồm: Bản ghi nhớ về hợp tác phòng chống khủng bố; Bản ghi nhớ về hợp tác phòng chống mua bán, vận chuyển trái phép chất ma túy, chất hướng thần và tiền chất; Bản ghi nhớ về hợp tác năng lượng và tài nguyên khoáng sản.
Hai nhà lãnh đạo cũng đã gặp gỡ báo chí để thông báo kết quả của các cuộc trao đổi và hội đàm. Trong đó có việc hai bên đã hoàn tất đàm phán phân định vùng đặc quyền kinh tế phù hợp với luật pháp quốc tế và UNCLOS 1982.