Việt Nam kêu gọi APEC hỗ trợ quảng bá chính sách mở cửa du lịch quốc tế
Tại Hội nghị Bộ trưởng Du lịch lần thứ 11 (TMM11) Diễn đàn hợp tác kinh tế châu Á - Thái Bình Dương (APEC) diễn ra tại thủ đô Bangkok của Thái Lan ngày 19/8, Thứ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Việt Nam Đoàn Văn Việt đã kêu gọi các Bộ trưởng, trưởng đoàn APEC cùng tăng cường trao đổi và hỗ trợ quảng bá chính sách mở cửa du lịch quốc tế.
Trong phát biểu của mình, Thứ trưởng Đoàn Văn Việt kêu gọi các nền kinh tế thành viên APEC đẩy mạnh hợp tác trao đổi, chia sẻ kịp thời, chính xác các quy định mới về xuất nhập cảnh và quản lý khách an toàn; tăng cường khuyến khích các hãng hàng không, các nhà cung cấp dịch vụ du lịch có chính sách linh hoạt cho khách sử dụng dịch vụ; hỗ trợ lẫn nhau quảng bá chính sách mở cửa du lịch quốc tế và khuyến khích công dân đi lại quốc tế tới các nền kinh tế đã mở cửa biên giới cho hoạt động du lịch.
Ông Đoàn Văn Việt cho biết Việt Nam đã mở cửa hoàn toàn đón khách du lịch quốc tế từ ngày 15/3 năm nay và Chính phủ Việt Nam đã ban hành nhiều chính sách hỗ trợ phục hồi ngành du lịch. Khách quốc tế có thể nhập, xuất cảnh Việt Nam qua đường hàng không, đường biển, đường bộ, đường sông mà không yêu cầu xét nghiệm COVID-19. Các chính sách visa như miễn thị thực, cấp thị thực điện tử, thị thực tại cửa khẩu được khôi phục trở lại như trước đại dịch COVID-19.
Các hãng hàng không đang tích cực khôi phục lại các đường bay quốc tế, thậm chí mở mới đường bay kết nối Việt Nam với Mỹ, Ấn Độ. Các đường bay nội địa đã khôi phục hoàn toàn. Hiện ngành du lịch Việt Nam đang thực hiện chiến dịch “Sống trọn vẹn ở Việt Nam” nhằm thu hút khách du lịch nước ngoài với mục tiêu đón 5 triệu lượt khách quốc tế trong năm 2022. Việt Nam cũng xác định chuyển đổi số là điều kiện quan trọng để phát triển kinh tế số và phát triển du lịch thông minh, du lịch “không chạm”, “liền mạch” tại Việt Nam, đặc biệt trong bối cảnh bình thường mới.
Trong khuôn khổ hội nghị, các đại biểu cũng chia sẻ những chiến lược trọng tâm có thể áp dụng để thúc đẩy phục hồi ngành du lịch lữ hành sau đại dịch COVID-19, cách thức các nền kinh tế APEC có thể phối hợp để đóng góp và hỗ trợ quá trình phục hồi, hay vai trò của du lịch trong việc nâng cao phúc lợi và đời sống của người dân các nền kinh tế APEC, du lịch tái tạo và tương lai của du lịch APEC.
Các đại biểu đặc biệt quan tâm tới chủ đề “Du lịch tái tạo” mà nước chủ nhà đưa ra nhằm thúc đẩy phục hồi bền vững hậu đại dịch, trong đó có tính đến tất cả các tác động tiềm tàng đối với môi trường, văn hóa và lối sống của địa phương. Bên cạnh việc khôi phục các điểm du lịch, một trong những ưu tiên của chiến lược tiếp cận toàn diện là khuyến khích người dân địa phương tham gia và hưởng lợi từ du lịch hòa nhập và bình đẳng, đồng thời nâng cao nhận thức về bảo tồn văn hóa và môi trường. Điều này phù hợp với Mô hình kinh tế sinh học - tuần hoàn - xanh (BCG) mà Chính phủ Thái Lan đang áp dụng để vực dậy ngành du lịch nước nhà với mục tiêu là du lịch an toàn, bao trùm và bền vững.
Hội nghị dự kiến sẽ thông qua "Các khuyến nghị chính sách của APEC cho du lịch trong tương lai: Du lịch tái tạo" và Tuyên bố TMM11.