Việt Nam khẳng định vai trò tại cơ chế hợp tác quốc phòng cao nhất trong ASEAN

Kể từ khi được thiết lập cho đến nay, Hội nghị Bộ trưởng Quốc phòng các nước ASEAN (ADMM) tiếp tục thể hiện là cơ chế hợp tác và tham vấn quốc phòng cao nhất trong ASEAN, góp phần quan trọng xây dựng lòng tin, củng cố đoàn kết nội khối và không ngừng nâng cao vị thế của hiệp hội trên trường quốc tế. Tham gia ADMM, Việt Nam đã có nhiều đóng góp tích cực, khẳng định vai trò của mình tại diễn đàn quốc phòng đa phương này.

Trước yêu cầu tăng cường hội nhập sâu rộng của ASEAN, nhằm đối phó với các thách thức an ninh chung trong khu vực và thế giới, hướng tới xây dựng Cộng đồng ASEAN, Hội nghị cấp cao ASEAN lần thứ 10 vào tháng 12-2004 tại Lào đã thông qua sáng kiến thiết lập Hội nghị Bộ trưởng Quốc phòng các nước ASEAN (ADMM). Tới tháng 9-2006, tại Malaysia, các nước thành viên ASEAN đã tổ chức thành công Hội nghị ADMM đầu tiên, mở ra cơ chế hợp tác quốc phòng chính thức trong khu vực.

Từ đó đến nay, cơ chế này trở thành hoạt động thường niên của Bộ trưởng Quốc phòng các nước ASEAN. Là một thành phần quan trọng của Cộng đồng Chính trị-An ninh ASEAN (APSC), ADMM tạo ra khuôn khổ cho đối thoại và tham vấn cấp Bộ trưởng Quốc phòng về các vấn đề chiến lược, quốc phòng, an ninh; đồng thời cũng tạo ra nền tảng thúc đẩy sự hợp tác trên thực tế giữa lực lượng vũ trang các nước trong khu vực. ADMM là diễn đàn để các nước chia sẻ, bày tỏ quan điểm và sự hiểu biết lẫn nhau nhằm tăng cường hợp tác sâu rộng trên các lĩnh vực cụ thể. Mục tiêu của ADMM nhằm giúp các nước thành viên tăng cường hợp tác để đối phó có hiệu quả với những thách thức an ninh đang nổi lên; bảo đảm duy trì môi trường hòa bình, ổn định trong khu vực thông qua đối thoại và hợp tác quốc phòng, góp phần xây dựng lòng tin, tăng cường đoàn kết nội khối ASEAN để cùng nhau xây dựng APSC.

Đại tướng Ngô Xuân Lịch, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó bí thư Quân ủy Trung ương, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Việt Nam và các đại biểu dự ADMM-13 tại Thái Lan chụp ảnh chung (tháng 7-2019). Ảnh: THU TRANG.

Đại tướng Ngô Xuân Lịch, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó bí thư Quân ủy Trung ương, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Việt Nam và các đại biểu dự ADMM-13 tại Thái Lan chụp ảnh chung (tháng 7-2019). Ảnh: THU TRANG.

Trải qua 13 kỳ hội nghị, với nhiều sáng kiến được thông qua và đang tích cực được triển khai, như: Sử dụng nguồn lực quân sự ASEAN trong hỗ trợ nhân đạo và cứu trợ thảm họa; Khuôn khổ hỗ trợ hậu cần ASEAN; Mạng lưới các trung tâm Gìn giữ hòa bình các nước ASEAN; Hợp tác công nghiệp quốc phòng ASEAN; Mạng lưới các chuyên gia quốc phòng ASEAN về hóa học, sinh học và phóng xạ; Khuôn khổ Hướng dẫn tránh va chạm trên không giữa các máy bay quân sự… ADMM đã góp phần quan trọng vào việc tăng cường đoàn kết nội khối, phát huy vai trò trung tâm, thúc đẩy hợp tác, đối phó với các thách thức an ninh chung, nhất là thách thức an ninh phi truyền thống, thể hiện rõ nội lực và quyết tâm của các nước ASEAN trong thúc đẩy hợp tác quốc phòng, an ninh khu vực. Một thành công nổi bật không thể không kể đến của ADMM là việc hoàn tất các cơ sở pháp lý quan trọng bảo đảm cho Hội nghị Bộ trưởng Quốc phòng các nước ASEAN mở rộng (ADMM+) được hiện thực hóa trên thực tế, qua đó tạo điều kiện cho quân đội các nước ASEAN có thêm cơ hội hợp tác với quân đội các nước ngoài ASEAN, giúp ASEAN thu hút và sử dụng cả nguồn lực bên trong lẫn bên ngoài khối để giải quyết hiệu quả các thách thức an ninh chung. “Hợp tác quốc phòng đã đóng góp quan trọng vào việc xây dựng Cộng đồng Chính trị-An ninh ASEAN. Các diễn đàn đối thoại cấp bộ trưởng như ADMM, ADMM+ góp phần xây dựng lòng tin giữa quân đội các nước trong khu vực, từ đó tạo sự gắn kết lớn hơn trong hợp tác quốc phòng, an ninh”, Đại sứ Ong Keng Yong, nguyên Tổng thư ký ASEAN, hiện là Phó chủ tịch điều hành Trường Nghiên cứu Quốc tế S.Rajaratnam (RSIS) thuộc Đại học Công nghệ Nanyang (Singapore) nhận định trong cuộc trao đổi qua thư điện tử (email) với phóng viên Báo Quân đội nhân dân.

Nhận thức rõ tầm quan trọng chiến lược của ADMM đối với cấu trúc an ninh khu vực, Việt Nam-một thành viên của ASEAN, đã chủ động tham gia cơ chế này và có những đóng góp tích cực, góp phần kiến tạo, duy trì môi trường hòa bình, ổn định và hợp tác vì một ASEAN phát triển thịnh vượng. Việt Nam đã có những đóng góp tích cực trong việc thúc đẩy tiến trình phát triển của ADMM theo Hiến chương của ASEAN và đề xuất nhiều sáng kiến được các nước đánh giá cao, góp phần đưa hợp tác trong ADMM ngày càng đi vào thực chất, hiệu quả. Có thể kể đến các sáng kiến như thành lập Nhóm chuyên gia về Hành động mìn nhân đạo; tăng cường hợp tác hải quân trong khu vực thông qua các hoạt động tuần tra chung, giao lưu, thiết lập đường dây nóng, cam kết không sử dụng vũ lực trước và tăng cường hợp tác cứu hộ, cứu nạn trên biển… “Tôi tin tưởng rằng với tiềm lực quốc phòng ngày càng lớn mạnh cùng ý chí chính trị, Việt Nam sẽ có nhiều đóng góp hơn nữa cho hợp tác quốc phòng, an ninh ASEAN”, Tiến sĩ Collin Koh Swee Lean, nghiên cứu viên tại RSIS, nhấn mạnh trong cuộc trao đổi qua email với phóng viên Báo Quân đội nhân dân.

HOÀNG VŨ

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/doi-ngoai/doi-ngoai/viet-nam-khang-dinh-vai-tro-tai-co-che-hop-tac-quoc-phong-cao-nhat-trong-asean-610188