Việt Nam không thiếu gạo như nhiều người lo ngại

Theo Bộ NN&PTNT, vụ lúa đông xuân trúng mùa, trúng giá và đảm bảo đủ sản lượng cho xuất khẩu lẫn tiêu dùng trong nước.

Trong lúc nhiều mặt hàng nông sản xuất khẩu sụt giảm mạnh vì ảnh hưởng của dịch COVID-19 thì gạo lại là ngành hàng có sự tăng tốc đầy bất ngờ. Hai tháng đầu năm 2020, lượng gạo xuất khẩu đạt hơn 929.000 tấn, thu về hơn 430 triệu USD. Con số này tăng 30,5% về lượng và tăng 38% về kim ngạch so với cùng kỳ năm ngoái.

Được mùa, được giá

Ông Nguyễn Thanh Long, Giám đốc Công ty Gạo Việt, cho biết: Nhờ có chỉ đạo sát sao từ Bộ NN&PTNT, chính quyền các địa phương gieo sạ sớm vụ đông xuân 2019-2020 nên tránh được ảnh hưởng của đợt xâm nhập mặn, nông dân thu hoạch sớm và được mùa. Bên cạnh đó, nhiều địa phương tại ĐBSCL không bị ảnh hưởng nhiều bởi hạn mặn như An Giang, Đồng Tháp, Long An… giúp người dân trúng mùa, được giá.

Đáng chú ý, giá xuất khẩu gạo những tháng đầu năm nay tăng khá mạnh. Hiện giá gạo xuất khẩu Việt Nam đã tăng cao nhất tại khu vực châu Á, chỉ sau Thái Lan. Giá xuất khẩu cao kéo giá lúa gạo trong nước tăng theo, nông dân được lợi vì bán được giá cao.

“Giá gạo nguyên liệu mua vào trước đây khoảng 7.000 đồng/kg thì giờ đây đã tăng lên mức 9.000 đồng/kg. Giá gạo xuất khẩu loại gạo trắng 5% tấm trước đây chỉ 360-370 USD/tấn, hiện nay đã leo lên mức 410 USD/tấn” - ông Long chia sẻ.

Đặc biệt, nếu năm 2019 hầu như doanh nghiệp (DN) không xuất được hạt gạo nào sang Trung Quốc thì đầu năm nay, theo ông Phạm Thái Bình, Tổng giám đốc Công ty cổ phần Nông nghiệp công nghệ cao Trung An, nhu cầu thế giới về gạo từ đầu năm 2020 đến nay tăng đột biến. Chính vì vậy, công ty của ông đã xuất khẩu nhiều đơn hàng với lượng lớn. Không chỉ vậy, giá xuất khẩu tăng 15%-20% so với trước đây.

“Xuất khẩu gạo nếp sang Trung Quốc cũng tăng, giá nhảy lên mức 580-590 USD/tấn, trong khi trước đây chỉ khoảng 520-530 USD/tấn. Nhu cầu tấm sắp tới tại thị trường Trung Quốc dự báo cũng tăng. Ngoài ra, xuất khẩu gạo sang các thị trường như Malaysia, Philippines, Nhật Bản, châu Âu… cũng khả quan” - ông Bình thông tin.

Phó Chủ tịch Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA) Nguyễn Trung Kiên nhìn nhận trong năm 2020, xuất khẩu gạo sẽ tăng do nhu cầu thế giới tăng lên. Nhu cầu nhập khẩu gạo các thị trường tăng là do hạn hán, dịch bệnh ở Ấn Độ, Thái Lan nên một số nước tranh thủ mua vì lo ngại thiếu nguồn cung. Giá xuất khẩu gạo vì thế cũng lên mức cao hơn, trong khi nhu cầu nội địa cũng nhiều hơn so với trước.

“Bên cạnh đó, việc gạo ST25 đoạt giải Gạo ngon nhất thế giới cũng là một trong những yếu tố giúp đẩy giá gạo Việt tăng. Giá gạo hiện tại là mức cao nhất trong hơn một năm qua” - đại diện VFA đánh giá.

Nhờ các địa phương ĐBSCL chủ động xuống giống sớm để ứng phó với hạn mặn nên có nguồn cung gạo lớn. Ảnh: GIA TUỆ

Nhờ các địa phương ĐBSCL chủ động xuống giống sớm để ứng phó với hạn mặn nên có nguồn cung gạo lớn. Ảnh: GIA TUỆ

Không lo thiếu nguồn cung gạo

Trước thông tin lo ngại nguồn cung gạo sẽ thiếu do ảnh hưởng của tình trạng hạn mặn tại vựa lúa cả nước là ĐBSCL và xuất khẩu tăng, nhiều DN và chuyên gia khẳng định nguồn cung rất dồi dào.

Ông Phạm Thái Bình, Tổng giám đốc Công ty cổ phần Nông nghiệp công nghệ cao Trung An, khẳng định: “Nguồn cung trong nước không lo thiếu, vì mỗi năm Việt Nam dư đến 6-7 triệu tấn gạo để xuất khẩu. Riêng năm nay Việt Nam dự kiến xuất khẩu 6,5-6,7 triệu tấn gạo. Hơn nữa, vụ thu hoạch chính của ngành lúa gạo Việt Nam là vụ đông xuân vừa qua trúng mùa lớn”.

Đồng quan điểm, Phó Chủ tịch VFA Nguyễn Trung Kiên phân tích: Dù xuất khẩu hai tháng đầu năm nay tăng nhưng thực sự chỉ tăng so với thời điểm cùng kỳ năm 2019. Ông Kiên dẫn chứng thị trường Trung Quốc những năm 2016, 2017, 2018… mỗi tháng nước này nhập tới 100.000 tấn gạo của Việt Nam. Nhưng hai tháng đầu năm 2020 mới nhập chỉ hơn 60.000 tấn, tính ra không nhiều.

Hạn mặn chỉ ảnh hưởng rất ít đến vụ lúa đông xuân

Ông Lê Thanh Tùng, Phó Cục trưởng Cục Trồng trọt thuộc Bộ NN&PTNT, phân tích: Tình hình hạn mặn đã ảnh hưởng rất lớn đến sản xuất nông nghiệp ĐBSCL. Tổng diện tích lúa bị ảnh hưởng bởi hạn mặn khoảng 23.000 ha, trong đó diện tích lúa bị thiệt hại 30%-70% là 17.000 ha. Tuy nhiên, nếu so với cùng kỳ đợt hạn mặn kỷ lục năm 2015-2016 thì diện tích này chỉ bằng khoảng 10% (thời điểm đó, diện tích lúa bị thiệt hại là 150.000 ha). Còn so với tổng diện tích lúa vụ đông xuân hiện tại của vùng ĐBSCL thì chỉ chiếm 1%.

“Chính vì vậy, sản lượng lúa vụ đông xuân năm nay vẫn đạt khoảng 10 triệu tấn, tương đương các vụ trước. Như vậy sẽ có khoảng 3 triệu tấn gạo hàng hóa phục vụ xuất khẩu. Nguồn cung gạo sau khi xuất khẩu vẫn đảm bảo nhu cầu tiêu thụ trong nước” - ông Tùng khẳng định.

“Tính tổng thể hai tháng đầu năm 2020, nếu so với cùng kỳ năm 2019 (năm xuất khẩu giảm mạnh nhất) thì thấy có vẻ tăng, song so với các năm trước đây thì có khi không bằng hoặc giảm. Vì vậy, sản lượng gạo xuất khẩu đầu năm tính ra vẫn chưa nhiều, nguồn cung trong nước vẫn dồi dào” - ông Kiên khẳng định.

Cùng nhìn nhận trên, ông Lê Thanh Tùng, Phó Cục trưởng Cục Trồng trọt thuộc Bộ NN&PTNT, thông tin: Từ tháng 9 đến tháng 10-2019, ngành chức năng đã dự báo hạn mặn trong vụ đông xuân sẽ trở nên gay gắt, thậm chí còn vượt khốc liệt hơn đợt hạn mặn năm 2015-2016. Chính vì vậy, ngành nông nghiệp đã chủ động yêu cầu các địa phương xuống giống sớm và cắt bỏ xuống giống những diện tích trồng lúa có nguy cơ bị ảnh hưởng nghiêm trọng bởi hạn mặn.

Nhờ giải pháp trên, vụ lúa đông xuân năm nay có thay đổi lớn. Đó là sản lượng lúa cho xuất khẩu và tiêu dùng trong nước được cung ứng sớm hơn trung bình hằng năm từ 20 ngày đến một tháng.

“Sản lượng cung ứng kịp thời, gặp đúng lúc thị trường cần nên xuất khẩu lúa gạo ngay từ những tháng đầu năm đã sôi động. Từ đó kéo giá lúa đông xuân tại thị trường trong nước cũng tăng, dù không ít mặt hàng khác bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19” - ông Tùng nhấn mạnh.

Cần tiếp tục xuất khẩu có kiểm soát sản lượng

GS Võ Tòng Xuân, chuyên gia nông nghiệp, nói xét về an ninh lương thực, Việt Nam không có gì phải lo vì vụ đông xuân trúng mùa, được giá. Sau đó lại tiếp tục thu hoạch vụ hè thu và có thêm một lượng gạo mới cung ứng ra thị trường.

Hơn nữa, chỉ có ba tháng là có một vụ lúa mới. Đặc biệt, chỉ cần một vụ lúa đã dư sức nuôi cả nước. Hơn nữa, giống lúa sản xuất ở ĐBSCL là ngắn ngày, có những giống chỉ 85 ngày thôi đã thu hoạch.

Như vậy, nếu không cho xuất khẩu thì cả DN lẫn nông dân thiệt hại. Vì lâu lắm rồi giá gạo mới lên cao, nếu ngưng xuất khẩu thì tức tốc giá lúa sẽ xuống ngay. Bằng chứng là sau khi có thông báo tạm ngưng xuất khẩu thì giá lúa đã rớt xuống.

“Vì vậy, tôi cho rằng cần tiếp tục cho xuất khẩu gạo bình thường nhưng có kiểm soát về sản lượng xuất khẩu” - GS Xuân nói.

GS Xuân cũng cho rằng nên cho xuất khẩu gạo nếu không muốn lặp lại tình cảnh năm 2008. Năm 2008 đang xuất khẩu ngon lành, Việt Nam cũng đang nhiều gạo, các nước lại thiếu gạo, chấp nhận mua giá cao. Thế nhưng lúc đó cũng lo thiếu gạo mà ra thông báo tạm ngưng xuất khẩu trong khi lại thiếu đánh giá, kiểm tra về sản lượng gạo. Cuối cùng Thái Lan hưởng lợi, bán giá cao, còn nông dân nước ta bán gạo giá thấp.

Đóng gói xuất khẩu gạo tại một doanh nghiệp. Ảnh: QUANG HUY

Đóng gói xuất khẩu gạo tại một doanh nghiệp. Ảnh: QUANG HUY

Muốn nắm số liệu về gạo rất dễ

Về ý kiến cho rằng có độ vênh số liệu liên quan đến gạo là do từ khi có Nghị định 107/2018 về kinh doanh xuất khẩu gạo thì không còn số liệu, đại diện một DN không muốn nêu tên nói: Hiện nay muốn có số liệu thống kê về lúa gạo rất dễ. Đó là từ nhiều cơ quan như Bộ NN&PTN, Tổng cục Hải quan, Tổng cục Thống kê. Đó là chưa kể từ các sở, ngành các địa phương, DN, hiệp hội...

“Như vậy, nói việc khó nắm được thông tin về lúa gạo là không đúng. Vấn đề nằm ở chỗ các cơ quan chức năng có thường xuyên trao đổi, liên thông với nhau hay không thôi” - vị đại diện DN trên nói.

QUANG HUY

Nguồn PLO: https://plo.vn/kinh-te/viet-nam-khong-thieu-gao-nhu-nhieu-nguoi-lo-ngai-900153.html