Việt Nam không từ bỏ mục tiêu chủ nghĩa xã hội

Độc lập dân tộc gắn liền với chủ nghĩa xã hội (CNXH) là chủ trương nhất quán, đúng đắn của cách mạng Việt Nam. Tuy nhiên, với mưu đồ chống phá đất nước, không ít đối tượng xấu đang cố tình rêu rao đòi từ bỏ CNXH, chỉ giữ lại độc lập dân tộc.

Trong nhiều năm qua, các thế lực thù địch, phản động, chống đối, cơ hội chính trị liên tục tấn công mục tiêu xây dựng CNXH tại Việt Nam. Chúng cho rằng “xã hội XHCN là một xã hội không tưởng, được Đảng Cộng sản vẽ ra để mị hoặc, ru ngủ quần chúng”, “việc lựa chọn con đường xây dựng CNXH là đi theo vết xe đổ của Liên Xô và Đông Âu”, “Việt Nam đang chuyển hướng theo mô hình tư bản, CNXH chỉ còn là danh nghĩa”… Cùng với đó, lợi dụng những mặt trái của xã hội, những hạn chế, khuyết điểm trong công cuộc xây dựng và phát triển đất nước, đặc biệt là vấn nạn tiêu cực, tham nhũng, các đối tượng xấu đã “tát nước theo mưa”, ra sức bôi đen, vấy bẩn chế độ. Từ đây, những kẻ này đòi Việt Nam phải thay đổi mục tiêu phát triển, từ bỏ việc xây dựng CNXH, chỉ giữ lại nhiệm vụ bảo vệ độc lập dân tộc. Đây là những luận điệu vô cùng độc hại, ẩn chứa ý thức chống phá quyết liệt.

Phải khẳng định rõ, việc giữ vững mục tiêu độc lập dân tộc gắn liền với CNXH là điều kiện tiên quyết để bảo đảm thắng lợi của cách mạng nước ta. Đây là bài học xương máu được Đảng, Nhà nước ta rút ra từ cuộc đấu tranh vệ quốc vĩ đại và công cuộc xây dựng, bảo vệ, phát triển đất nước.

Độc lập dân tộc và CNXH có mối quan hệ biện chứng, gắn bó với nhau. Độc lập dân tộc là sự không lệ thuộc, không phụ thuộc, không chịu sự chi phối, hướng lái từ bên ngoài; là việc bất khả xâm phạm của quốc gia trên tất cả lĩnh vực; là quyền tự quyết định tương lai, vận mệnh của chính dân tộc mình. Trong khi đó, CNXH mà chúng ta đang xây dựng là xã hội do nhân dân lao động làm chủ; con người được giải phóng khỏi áp bức, bóc lột, bất công, làm theo năng lực, hưởng theo lao động, có cuộc sống ấm no, tự do, hạnh phúc, có điều kiện phát triển toàn diện cá nhân; có nền kinh tế phát triển cao, dựa trên lực lượng sản xuất hiện đại và quan hệ sản xuất tiến bộ phù hợp; có nền văn hóa tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc; các dân tộc trong cộng đồng Việt Nam bình đẳng, đoàn kết, tôn trọng và giúp đỡ nhau cùng phát triển… Độc lập dân tộc là điều kiện, tiền đề để xây dựng CNXH. Ngược lại, CNXH là cơ sở bảo đảm vững chắc cho độc lập dân tộc.

Vậy, vì sao các đối tượng xấu lại ra sức tấn công mục tiêu xây dựng CNXH của Việt Nam? Suy cho cùng, câu trả lời vẫn là vấn đề lợi ích. Trong thời đại ngày nay, mâu thuẫn giữa CNXH và chủ nghĩa tư bản vẫn tồn tại và có mặt ngày càng gay gắt, quyết liệt hơn. Điều này bắt nguồn từ bản chất của 2 xã hội. Trong xã hội xã hội chủ nghĩa (XHCN), quần chúng lao động là người nắm giữ quyền lực Nhà nước, lợi ích được chia sẻ một cách hài hòa, công bằng và bình đẳng. Trong khi đó, ở xã hội tư bản, mặc dù chấp nhận đa nguyên chính trị, đa đảng đối lập nhưng quyền lực phần lớn vẫn thuộc về giai cấp tư sản; những mâu thuẫn, bất đồng, bất công trong xã hội vẫn tồn tại dai dẳng và trở thành nguồn gốc của xung đột. Theo quy luật vận động và phát triển của các hình thái kinh tế - xã hội, xã hội XHCN sẽ là hình thái phủ định xã hội tư bản. Thực tế cũng chứng minh, từ khi chủ nghĩa Mác-Lênin ra đời, dưới sự lãnh đạo của các đảng cộng sản, giai cấp công nhân và nhân dân lao động trên thế giới đã đứng lên đấu tranh, khiến chủ nghĩa tư bản chịu những thiệt hại hết sức nặng nề, làm cho lợi ích của giai cấp tư bản bị lung lay, đảo lộn. Chính vì vậy, để bảo vệ lợi ích của mình, để duy trì “trật tự vĩnh hằng của chủ nghĩa tư bản”, các thế lực thù địch đã ra sức tấn công vào mục tiêu xây dựng CNXH của Việt Nam.

Con đường đi lên CNXH là không dễ dàng. Đã có lúc phong trào cộng sản trên thế giới lâm vào khủng hoảng, thoái trào với sự sụp đổ của hệ thống XHCN ở Liên Xô và Đông Âu. Việc chúng ta kiên định đi theo chủ nghĩa Mác-Lênin, tiến hành xây dựng CNXH là hoàn toàn đúng đắn, phù hợp với quy luật phát triển, không phải là đi vào “vết xe đổ” của Liên Xô. Xây dựng CNXH là một sự nghiệp lâu dài, vô cùng khó khăn và phức tạp. Tuy nhiên, những kết quả mà Việt Nam đã đạt trong thời gian qua là minh chứng rõ ràng nhất khẳng định CNXH không phải là “mộng tưởng” như những gì các đối tượng chống phá đưa ra. Trong đó, một số nét chính có thể phác họa như: tăng trưởng GDP bình quân giai đoạn 2016-2020 đạt khoảng 6%/năm; quy mô nền kinh tế và thu nhập bình quân đầu người tăng lên (năm 2020, GDP đạt 271,2 tỷ USD và thu nhập bình quân 2.779 USD/người); năng suất lao động tăng từ 4,3%/năm giai đoạn 2011-2015 lên khoảng 6%/năm giai đoạn 2016-2020; mạng lưới cơ sở giáo dục và đào tạo tiếp tục được mở rộng về quy mô, giáo dục và đào tạo ở những vùng khó khăn, vùng đồng bào dân tộc thiểu số được chú trọng, chất lượng ngày càng tăng; đời sống nhân dân được cải thiện, tỷ lệ hộ nghèo theo chuẩn nghèo đa chiều giảm còn dưới 3%; quốc phòng, an ninh không ngừng được củng cố, kiên quyết, kiên trì đấu tranh giữ vững độc lập, chủ quyền, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ; quan hệ hợp tác quốc tế ngày càng mở rộng và đi vào chiều sâu…

Dĩ nhiên, trong quá trình phát triển, nước ta cũng phải đối mặt với không ít khó khăn, thách thức. Trong đó, tham nhũng được Đảng ta xác định vẫn là một trong những nguy cơ đe dọa sự tồn vong của Đảng và chế độ. Tuy nhiên, cũng cần nói rõ, tham nhũng là vấn nạn chung của toàn thế giới, không phải là “sản phẩm riêng” của chế độ XHCN. Thời gian qua, Đảng, Nhà nước Việt Nam đã nhìn thẳng vào sự thật và kiên quyết xử lý nghiêm đối với các trường hợp sai phạm. Công tác phòng, chống tham nhũng được lãnh đạo, chỉ đạo và thực hiện quyết liệt, toàn diện, với quyết tâm chính trị rất cao. Đặc biệt, với việc thống nhất thành lập ban chỉ đạo phòng, chống tham nhũng cấp tỉnh, công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng sẽ được triển khai ngày càng bài bản hơn, đi vào chiều sâu, qua đó “bịt kín” kẽ hở có thể nảy sinh tham nhũng. Việc phòng, chống tham nhũng thành công chắc chắn sẽ là nền tảng hết sức quan trọng để chúng ta tiến lên CNXH một cách bền vững.

Độc lập dân tộc gắn liền với CNXH là mong muốn, nguyện vọng của quần chúng nhân dân, là sự lựa chọn của lịch sử. Biết bao thế hệ cha ông đã anh dũng hy sinh để có được độc lập, tự do, hòa bình, ổn định, làm cơ sở tiến lên CNXH. Vì vậy, việc tấn công, đòi từ bỏ mục tiêu xây dựng CNXH là hành động vô ơn với các thế hệ đi trước, là sự thụt lùi trong tiến trình phát triển, là sự thất hứa với quần chúng nhân dân lao động. Vì vậy, Đảng, Nhà nước và nhân dân Việt Nam sẽ không bao giờ từ bỏ mục tiêu xây dựng CNXH.

Bảo An

Nguồn Bình Phước: https://baobinhphuoc.com.vn/news/33/137076/viet-nam-khong-tu-bo-muc-tieu-chu-nghia-xa-hoi