Việt Nam ký Hiệp định đối tác toàn diện khu vực

Sáng 15/11, sau khi kết thúc Hội nghị cấp cao trực tuyến các nước tham gia đàm phán Hiệp định Đối tác toàn diện khu vực, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và các nhà lãnh đạo ASEAN cùng các nước đối tác đã chứng kiến việc ký kết Hiệp định quan trọng này.

Đây là hiệp định thương mại tự do (FTA) có quy mô lớn nhất thế giới và mở ra nhiều cơ hội mới cho doanh nghiệp các nước thành viên.

RCEP là hiệp định thương mại tự do được đề xuất giữa 10 quốc gia thành viên của ASEAN gồm Brunei, Malaysia, Singapore, Việt Nam, Campuchia, Indonesia, Lào, Myanmar, Philippines, Thái Lan và 5 nước đối tác đối thoại là Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc, Australia và New Zealand.

Bộ trưởng Bộ Công thương Trần Tuấn Anh ký Hiệp định RCEP trước sự chứng kiến của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc. Ảnh:chinhphu.vn

Bộ trưởng Bộ Công thương Trần Tuấn Anh ký Hiệp định RCEP trước sự chứng kiến của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc. Ảnh:chinhphu.vn

Khi được ký kết và đi vào thực thi, RCEP sẽ hình thành khu vực kinh tế lớn nhất từ trước đến nay, với GDP chiếm tới 32% tổng GDP toàn cầu, khoảng 32.000 tỷ USD, chiếm 47,5% dân số thế giới. RCEP, gồm 15 nước thành viên, là hiệp định thương mại tự do lớn nhất thế giới và tác động vượt ra khỏi tầm khu vực. RCEP sẽ tạo ra một không gian phát triển mới cho các nước thành viên ASEAN để có thể phục hồi trong thời gian tới.

Hiệp định RCEP có 20 chương, bao gồm các lĩnh vực và nguyên tắc chưa từng có trong các hiệp định thương mại trước đây giữa ASEAN và các nước đối tác. Bên cạnh các điều khoản cụ thể về thương mại hàng hóa, thương mại dịch vụ và đầu tư, RCEP còn bao gồm các chương về Sở hữu trí tuệ, thương mại điện tử, cạnh tranh, doanh nghiệp nhỏ và vừa, hợp tác kinh tế và kỹ thuật và mua sắm của chính phủ.

Để hiệp định có hiệu lực, ít nhất 6 quốc gia thành viên ASEAN và 3 nước đối tác gửi văn kiện phê chuẩn đến Cơ quan lưu chiểu theo quy định của Hiệp định. Các nhà lãnh đạo của RCEP cho biết hiệp định là mở và toàn diện. RCEP theo đó vẫn để mở cho Ấn Độ - quốc gia đã rút khỏi trong quá trình đàm phán - gia nhập kể từ ngày hiệp định có hiệu lực. Các quốc gia ký RCEP, sau khi Hiệp định RCEP được ký, sẽ tiến hành đàm phán với nước này bất cứ khi nào Ấn Độ gửi yêu cầu bằng văn bản bày tỏ ý định gia. Ấn Độ cũng có thể tham gia các cuộc họp của RCEP với tư cách là quan sát viên và trong các hoạt động hợp tác kinh tế do các quốc gia ký RCEP thực hiện.

RCEP sẽ giúp các doanh nghiệp Việt Nam không chỉ tiếp cận thị trường tiêu thụ lớn, quy mô GDP gấp đôi CPTPP, mà còn tiếp cận được nguồn nguyên liệu, phục vụ chuỗi sản xuất các mặt hàng có thế mạnh xuất khẩu hiện nay. Việt Nam có thể nhập khẩu chip điện tử từ Nhật Bản, Hàn Quốc; nhập nguyên liệu dệt may từ Trung Quốc, sau đó sản xuất trong nước và xuất đi nước khác, đồng thời thỏa mãn quy tắc xuất xứ nội khối để tận dụng được ưu đãi thuế quan.

HY

Nguồn SK&ĐS: https://suckhoedoisong.vn/viet-nam-ky-hiep-dinh-doi-tac-toan-dien-khu-vuc-n182902.html