Việt Nam ký kết Ý định thư về giảm phát thải từ rừng
Ý định thư sẽ góp phần tích hợp giá trị của rừng và thúc đẩy quản lý rừng bền vững gắn với nâng cao chất lượng cuộc sống cho người dân, cộng đồng địa phương và đảm bảo an toàn sinh thái và phát triển kinh tế - xã hội ở Việt Nam.
Cụ thể, tham gia ký kết Ý định thư bao gồm: Bộ NN&PTNT và Tổ chức Tăng cường tài chính lâm nghiệp (Emergent) – cơ quan nhận ủy thác của Liên minh Giảm phát thải thông qua tăng cường tài chính cho rừng (LEAF), với sự tham gia của Bộ trưởng Lê Minh Hoan và Giám đốc điều hành Emergent là ông Eron Bloomgarden.
Theo ký kết, Việt Nam sẽ chuyển nhượng phần hấp thu khí nhà kính (CO2) từ 4,26 triệu ha rừng ở Nam Trung Bộ và Tây Nguyên cho LEAF để đổi lấy khoản tài chính để đầu tư cho bảo vệ và phát triển rừng. Việt Nam được sử dụng tối đa 100% tổng lượng chuyển quyền giảm phát thải để thực hiện cam kết của Việt Nam trong thực hiện thỏa thuận Paris và đóng góp do quốc gia tự quyết định của Việt Nam.
Ông Lê Minh Hoan - Bộ trưởng Bộ NN&PTNT và ông Eron Bloomgarden - Giám đốc điều hành Emergent trao đổi Ý định thư.
LEAF/Emergent sẽ thanh toán cho dịch vụ này với giá tối thiểu là 10 USD/1 tấn CO2 với tổng giá trị là 51,5 triệu USD. Diện tích rừng thương mại dịch vụ giảm phát thải đăng ký là 4,26 triệu ha, trong đó rừng tự nhiên 3,24 triệu ha và rừng trồng 1,02 triệu ha.
Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Lê Minh Hoan, cho hay thương mại giảm phát thải từ rừng không chỉ là mục tiêu chiến lược, mà đã là kế hoạch hành động cụ thể của Việt Nam, là thành quả của sự hợp tác có hiệu quả giữa Việt Nam với LEAF và Emergent với sự hỗ trợ quý báu của nhiều quốc gia và tổ chức quốc tế.
Khoản tài chính từ thương vụ chuyển nhượng giảm phát thải các bon từ rừng này sẽ được sử dụng để nâng cao hiệu quả công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng của địa phương, chủ rừng; thu hút lao động nông thôn, tạo việc làm gắn với ổn định sản xuất và đời sống, ổn định chính trị, củng cố an ninh, quốc phòng.
Đồng thời, góp phần bảo vệ diện tích rừng hiện có và nâng cao độ che phủ của rừng vùng Nam Trung Bộ và Tây Nguyên, cải thiện chất lượng rừng thông qua việc trồng mới, phục hồi rừng, tăng cường chức năng phòng hộ và giá trị sinh thái của rừng, giảm nhẹ các tác động của biến đổi khí hậu.
“Ý định thư sẽ góp phần tích hợp giá trị của rừng và thúc đẩy quản lý rừng bền vững gắn với nâng cao chất lượng cuộc sống cho người dân, cộng đồng địa phương và đảm bảo an toàn sinh thái và phát triển kinh tế - xã hội ở Việt Nam”, Bộ trưởng Lê Minh Hoan khẳng định.
Đồng thời, theo ông Nguyễn Đỗ Anh Tuấn, Vụ trưởng Vụ Hợp tác quốc tế của Bộ NN&PTNT cho biết, một trong những sự kiện nổi bật ở tại Hội nghị Thượng đỉnh về Biến đổi khí hậu của Liên hợp quốc (COP26), là Thủ tướng Chính phủ có cam kết mạnh mẽ rằng Việt Nam sẽ đạt mục tiêu trung hòa các bon vào năm 2050. Để phục vụ cho thực hiện mục tiêu này, ngành Nông nghiệp và Phát triển nông thôn có vai trò rất quan trọng, đặc biệt trong nhiệm vụ bảo vệ và phát triển rừng.
“Việt Nam là quốc gia đi đầu trong giảm phát thải từ rừng trên quy mô lớn. Ý định thư vừa ký kết giữa Bộ NN&PTNT với LEAF/Emergent là sự kiện tiếp tục đánh dấu sự tiến triển của Việt Nam trong việc huy động nguồn lực mới cho bảo vệ và phát triển rừng gắn với việc đạt được các mục tiêu quốc gia về giảm nhẹ biến đổi khí hậu”, ông Tuấn nhận định.