Việt Nam là biểu tượng của ý chí kiên cường, khát vọng thống nhất và vươn mình
50 năm đã qua, những người Pháp yêu chuộng hòa bình và ủng hộ Việt Nam hết lòng vẫn luôn lưu giữ ký ức về về chiến thắng 30/4, minh chứng sống động cho tinh thần kiên cường, đoàn kết, niềm tin, ý chí và khát vọng độc lập, tự do, thống nhất đất nước của toàn dân tộc. Các bạn Pháp vui mừng và tự hào vì, từ Đại thắng mùa Xuân năm 1975, Việt Nam đã hồi sinh mạnh mẽ và trở thành hình mẫu điển hình về khát vọng hòa bình, tái thiết, phát triển và vươn mình.

Kiều bào và bạn bè Pháp diễu hành ăn mừng chiến thắng vĩ đại của dân tộc Việt Nam trên đường phố ở Paris ngày 1/5/1975. (Ảnh: Lê Tấn Xuân)
Nhân dịp kỷ niệm 50 năm Ngày Giải phóng miền nam, thống nhất đất nước 30/4/1975 - 30/4/2025, những người bạn Pháp gắn bó với Việt Nam đã chia sẻ nhiều cảm xúc sâu sắc và sự ngưỡng mộ về tinh thần yêu nước, đoàn kết và vươn lên của dân tộc Việt Nam.
Nhà sử học Alain Ruscio:
Có thể thấy rằng, cuộc đấu tranh giành độc lập và thống nhất đất nước của nhân dân Việt Nam là một quá trình đầy gian khó nhưng cũng vô cùng vĩ đại. Ở đây chúng ta có thể nhìn thấy được vai trò tiên phong cũng như tầm nhìn chiến lược của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Quá trình cách mạng của nhân dân Việt Nam luôn gắn với 2 mục tiêu: giải phóng dân tộc và xây dựng xã hội chủ nghĩa.

Ông Alain Ruscio (phải) dành nhiều năm nghiên cứu lịch sử Việt Nam, viết một số cuốn sách khắc họa rõ nét tinh thần yêu nước, đoàn kết của nhân dân Việt Nam trong các cuộc kháng chiến chống giặc ngoại xâm như trong Cách mạng Tháng Tám năm 1945, chiến thắng Điện Biên Phủ, rồi tới giải phóng miền nam Việt Nam, thống nhất đất nước.
Có thể nói, một trong những điều làm nên thắng lợi của nhân dân Việt Nam đó chính là ý chí sắt đá về một sự thống nhất dân tộc. Trước đó, chủ nghĩa thực dân Pháp và chính quyền miền Nam Việt Nam cùng các thế lực bên ngoài đã cố gắng tạo ra những chia rẽ sâu sắc giữa các vùng miền của đất nước. Nhưng tất cả đều vấp phải sự phản kháng mạnh mẽ của nhân dân Việt Nam. Cuộc đấu tranh này không ngừng nghỉ với nhiều hy sinh và gian khó, từ đó đi tới thắng lợi hoàn toàn vào mùa Xuân năm 1975.
Điều đáng nói, ngay cả đối với cộng đồng người Việt Nam tại nước ngoài, sự kiện giải phóng miền nam, thống nhất đất nước cũng trở thành một niềm tự hào to lớn. Đây chính là kết quả tất yếu của một tinh thần dân tộc quật cường, khát vọng hòa bình, độc lập của một quốc gia đã từng trải qua nhiều thăng trầm trong lịch sử.
Tôi đã từng sống ở Việt Nam từ năm 1978 đến năm 1980. Khi ấy Việt Nam còn là một quốc gia rất nghèo đói, vừa mới trải qua cuộc chiến tranh và đã phải đối mặt với những cuộc xung đột từ phía bắc, cũng như biên giới phía Tây Nam. Sau đấy, bối cảnh thế giới cũng phải đối diện với tình hình suy yếu và tan rã của Liên Xô (trước đây). Có rất nhiều những khó khăn đang chờ đợi Việt Nam phía trước.
Đại thắng mùa Xuân năm 1975 chính là minh chứng cho ý chí kiên cường và sức mạnh tổng hợp của toàn dân tộc Việt Nam.
Ông Alain Ruscio
Đó cũng chính là thời điểm mà các nhà lãnh đạo của Việt Nam đã nhận ra rằng cần phải điều chỉnh lại các chính sách về kinh tế. Do đó, Đảng Cộng sản Việt Nam đã khởi xướng chính sách đổi mới. Và đến ngày nay, nhiều thành tựu trong công cuộc đổi mới, phát triển kinh tế và hội nhập quốc tế của Việt Nam khiến tôi vô cùng ngạc nhiên.
Tôi tin tưởng rằng nhân dân Việt Nam sẽ tiếp tục gặt hái thêm nhiều thành tựu mới, tiếp tục phát huy tư tưởng và di sản của Chủ tịch Hồ Chí Minh làm kim chỉ nam vĩnh cửu cho sự phát triển đất nước.
Ông Gérard Daviot, nguyên Chủ tịch Hội Hữu nghị Pháp-Việt:
Năm nay 2025 là năm có nhiều dấu mốc đặc biệt đối với Việt Nam. Đặc biệt, trong những ngày tháng 4 này, người dân Việt Nam đang tưng bừng kỷ niệm 50 năm Ngày giải phóng miền nam, thống nhất đất nước như mong muốn của Chủ tịch Hồ Chí Minh đã khẳng định trong bản Tuyên ngôn độc lập ngày 2/9/1945.

Ông Gérard Daviot là một người bạn Pháp gắn bó, ủng hộ Việt Nam từ thời kháng chiến cứu nước cho đến giai đoạn xây dựng và phát triển đất nước sau này.
Là người chứng kiến nhiều sự kiện lịch sử quan trọng liên quan đến Việt Nam, tôi thấy đất nước này thật đặc biệt, không chỉ về tinh thần yêu nước, hòa hiếu mà còn cả ý chí vượt qua thách thức để vươn lên trong suốt chiều dài lịch sử nghìn năm.
Chiến thắng trước quân đội Pháp tại Điện Biên Phủ đã chấm dứt hàng thập kỷ dưới ách đô hộ của chủ nghĩa thực dân và là nguồn cổ vũ to lớn cho những dân tộc cũng quyết tâm giải phóng chính mình. Nhưng người dân Việt Nam vẫn chưa được hưởng hòa bình, lại phải đương đầu với cuộc chiến tranh mới do Mỹ phát động. Sự kiện 30/4/1975 là minh chứng cho quyết tâm thống nhất đất nước, giành lại hoàn toàn độc lập, chủ quyền và quyền tự do cho người dân Việt Nam.
Trong những năm đấu tranh của nhân dân Việt Nam, với tư cách là một nhà hoạt động trẻ của Đảng Cộng sản Pháp từ lúc 22 tuổi, vào năm 1968, tôi đã tham gia nhiều hoạt động đấu tranh vì hòa bình cho Việt Nam. Khi đó, không khí ủng hộ Việt Nam thật sôi sục, cả một làn sóng đoàn kết quốc tế to lớn được huy động, nhất là trong giới trẻ, kể cả những người tại Mỹ.
Tôi nhớ rằng, cùng với những nhà hoạt động trẻ cùng độ tuổi, chúng tôi tích cực tham gia vào nhiều hoạt động, như đứng gác ban đêm tại thành phố Choisy-le-Roi - nơi lưu trú của Đoàn đàm phán Việt Nam. Chúng tôi kiên trì làm mọi việc có thể giúp đỡ các bạn Việt Nam trong suốt 5 năm đàm phán tới lúc ký kết Hiệp định Paris vào tháng 1/1973.
Ký kết Hiệp định Paris là một bước tiến lớn, nhưng chiến tranh ở Việt Nam vẫn chưa kết thúc. Dù vậy, tôi và nhiều người Pháp yêu mến Việt Nam đã tin tưởng rằng sự kiện lịch sử 30/4 rồi sẽ phải đến. Chúng tôi đã luôn mong mỏi, rồi tới lúc được chứng kiến khoảnh khắc lịch sử mãi không quên khi quân giải phóng Việt Nam chiếm được Dinh Độc Lập. Thật không còn gì vui mừng hơn khi những con người Việt Nam nhỏ bé đánh bại quân đội hùng mạnh nhất thế giới.
Không chỉ mình tôi cảm thấy vô cùng vui mừng, đồng thời cũng vô cùng tự hào vì đã có thể đóng góp một phần vào phong trào ủng hộ Việt Nam như họp bàn kế hoạch đấu tranh, đi diễu hành, phát tờ rơi... vì hòa bình cho Việt Nam trong nhiều ngày đêm. Đó là niềm vui chung đối với những người yêu chuộng hòa bình tại Pháp, làm tất cả vì chiến thắng lịch sử này của các bạn Việt Nam.
Chiến thắng 30/4 là "chìa khóa" mở ra một thế giới mới cho đất nước Việt Nam, hoàn toàn giải phóng khỏi sự bá quyền, áp bức của các cường quốc thế giới. Tuy nhiên Việt Nam đã phải chịu rất nhiều hy sinh và sự hủy hoại môi trường với quy mô chưa từng có, nhất là hậu quả từ các đợt phun rải chất độc hóa học do quân Mỹ tiến hành, lên tới hơn 80 triệu lít, nhằm hủy hoại con người và môi trường ở đất nước này. Đến nay, nỗi đau do chất độc da cam/dioxin ở Việt Nam vẫn chưa nguôi, vẫn còn hàng triệu nạn nhân thuộc thế hệ thứ 2, 3 và 4.
Việt Nam hiện đang đứng trước bước ngoặt trong lịch sử để bước vào giai đoạn phát triển mới.
Ông Gérard Daviot
Cũng như trong chiến tranh, chúng tôi luôn dõi theo, tiếp tục ủng hộ công cuộc tái thiết đất nước của các bạn Việt Nam. Đó là một quá trình vô cùng khó khăn, gian khổ trong bối cảnh Việt Nam bị tàn phá nặng nề, hạ tầng cơ sở kém phát triển và cuộc sống vất vả.
Ý chí mãnh liệt của người Việt Nam lại được khẳng định. Từ một trong những quốc gia nghèo nhất thế giới, Việt Nam đã vượt qua nhiều thách thức, nhất là lệnh cấm vận kinh tế kéo dài gần 20 năm, để xây dựng nền kinh tế. Sau 10 năm do dự và trì hoãn, Việt Nam đã tìm cách mở cửa ra thế giới. Chủ trương đúng đắn này của Đảng Cộng sản Việt Nam đã tạo nên những thay đổi thật ấn tượng khi đất nước của các bạn bắt đầu tiến trình của hội nhập quốc tế trên lĩnh vực và ở nhiều cấp độ khác nhau.
Kỷ niệm 50 năm Ngày giải phóng miền nam, thống nhất đất nước là dịp quan trọng để nhân dân Việt Nam nhìn lại chặng đường lịch sử hào hùng và tự tin bước vào giai đoạn phát triển mới.
Ông Gérard Daviot
Chúng tôi rất vui mừng nhận thấy vai trò và vị thế của Việt Nam tại các tổ chức khu vực và quốc tế như ASEAN, WTO, Liên hợp quốc... ngày càng được củng cố. Việt Nam nay có quan hệ đối tác chiến lược với nhiều nước lớn, có vị thế đặc biệt ở khu vực Đông Nam Á. Dù vẫn cần có những bước đi mạnh mẽ hơn trong một số lĩnh vực như giáo dục, y tế, năng lượng..., có thể nói, Việt Nam đã có những bước tiến rất lớn và đáng khâm phục trong mấy thập kỷ qua.
Trong mấy năm vừa qua, Đảng Cộng sản Việt Nam đã thực hiện một số quyết sách lớn để nhằm giải quyết những vấn đề lớn, trong đó có tham nhũng. Nhờ vậy, dưới sự lãnh đạo của cố Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng và nay là Tổng Bí thư Tô Lâm, Việt Nam tiếp tục phát triển và đi đúng hướng.
Chúng tôi thấy rằng Việt Nam hiện đang đứng trước bước ngoặt trong lịch sử để bước vào giai đoạn phát triển mới và đang thực hiện một số chủ trương lớn như cải cách thể chế, ưu tiên đầu tư vào năng lượng hạt nhân và khoa học - công nghệ.
Việt Nam đã đạt được nhiều thành tựu rất lớn kể từ khi thống nhất đất nước. Quan hệ quốc tế rộng mở đã giúp Việt Nam trở thành đối tác kinh tế hàng đầu của nhiều nước lớn. Việt Nam đã tạo nên sự khác biệt thật ấn tượng khi trở thành quốc gia có vị thế trên trường quốc tế. Vì vậy, chúng tôi tin tưởng rằng kỷ niệm 50 năm Ngày giải phóng miền nam, thống nhất đất nước là dịp quan trọng để nhân dân Việt Nam nhìn lại chặng đường lịch sử hào hùng và tự tin bước vào giai đoạn phát triển mới.
Bà Régine Hausermann, Chủ tịch Hội Préfasse:

Bà Régine Hausermann, ở thành phố Saint-Égrève, đông nam nước Pháp, là Chủ tịch Hội Préfasse và là người quan tâm, ủng hộ cuộc đấu tranh chính nghĩa của nhân dân Việt Nam. Yêu mến đất nước Việt Nam, bà đã có nhiều đóng góp cho lĩnh vực đào tạo tiếng Pháp và góp phần thúc đẩy mối quan hệ hữu nghị Việt-Pháp.
Chúng tôi biết đến Việt Nam đã từ rất lâu. Vào tháng 4/1975, khi ấy tôi 30 tuổi và thường xuyên theo dõi tin tức tình hình quốc tế, trong đó có cuộc chiến tranh ở Việt Nam. Một số thành viên của Hội Préfasse cũng đã tham gia vào phong trào đấu tranh hòa bình cho Việt Nam, nhất là sau Tổng tấn công Tết Mậu Thân năm 1968. Do đó, chúng tôi đã vô cùng vui mừng khi hay tin nhân dân Việt Nam đã lật đổ chính quyền ngụy Sài Gòn và đánh bại quân đội Mỹ.
Kể từ đó, chúng tôi đã đọc và xem rất nhiều thước phim tài liệu về Chiến tranh Việt Nam và công cuộc giải phóng miền nam, thống nhất đất nước của nhân dân Việt Nam. Qua đó, cùng với những trải nghiệm thực tế, tôi hiểu rõ hơn về tinh thần yêu nước, ý chí vươn lên của dân tộc Việt Nam.
Đối với tôi, Chủ tịch Hồ Chí Minh là một vị lãnh tụ có tầm vóc vĩ đại. Tinh thần yêu nước và ý chí đấu tranh vì độc lập dân tộc của Chủ tịch Hồ Chí Minh đã dẫn tới Bản Tuyên ngôn Độc lập vào ngày 2/9/1945 lịch sử, phong trào giải phóng của nhân dân Việt Nam, chiến thắng Điện Biên Phủ và sự sụp đổ của chính quyền Ngụy Sài Gòn. Tôi hiện đang đọc cuốn sách rất bổ ích với tựa đề “Ho Chi Minh, écrits et combats” (tạm dịch: Hồ Chí Minh, viết và tranh đấu) của nhà sử học người Pháp Alain Ruscio.
Tôi đã từng ở Hà Nội vào thời điểm Đại tướng Võ Nguyên Giáp từ trần vào năm 2013 và thấy rõ được tình cảm và sự tiếc thương sâu sắc của nhân dân Việt Nam trước sự ra đi của con người vĩ đại ấy.
Tôi thấy rất rõ những thành tựu mà Việt Nam đã đạt được trong suốt giai đoạn từ năm 1997 đến năm 2019, cụ thể là chất lượng của đời sống vật chất và tinh thần cho người dân được nâng cao hơn rất nhiều. Tôi còn nhớ vào năm 1997, khi đó đường phố Hà Nội không có mấy bóng dáng phương tiện giao thông, chủ yếu là xe đạp, xe máy còn ít và xe hơi thì dường như không thấy.
Đến ngày nay, thật sự ấn tượng hơn rất nhiều. Các gia đình ở Việt Nam đã có thể mua ô-tô để đi làm, về quê hoặc đi du lịch. Giao thông công cộng đã phát triển, dù mạng lưới tàu điện ngầm vẫn cần có những bước phát triển nhanh hơn để giảm thiểu tình trạng tắc nghẽn ở trung tâm đô thị lớn như thành phố Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh.
Xuất phát từ những kinh nghiệm chuyên môn giảng dạy, cũng như mong muốn tăng cường quan hệ hữu nghị và hòa bình với người dân Việt Nam, năm 1997, tôi và một số người Pháp đã quyết định thành lập Hội thúc đẩy và giảng dạy tiếng Pháp tại Đông Nam Á (Préfasse). Tôi cũng như nhiều người Pháp yêu mến Việt Nam mong muốn có nhiều hoạt động nhằm tăng cường hợp tác, hữu nghị giữa hai nước và tin tưởng rằng Việt Nam sẽ tiếp tục phát triển mạnh mẽ.
Chủ tịch Hồ Chí Minh là tấm gương sáng ngời cho các thế hệ Việt Nam. Vị lãnh tụ của dân tộc Việt Nam đã ghi dấu ấn sâu đậm trong lòng người dân thế giới về tinh thần đấu tranh vì hòa bình và tình hữu nghị.
Bà Régine Hausermann
Vào năm 1975, có nhà báo quốc tế từng dự đoán rằng Việt Nam sẽ cần 100 năm để có được một vị trí trên bản đồ thế giới. Tuy nhiên, chỉ 50 năm sau, Việt Nam đã có bước tiến vượt bậc trên nhiều lĩnh vực cùng với vị thế và uy tín của đất nước ngày càng được nâng cao trên trường quốc tế.
Theo ông Alain Ruscio, ông Gérard Daviot và bà Régine Hausermann, tinh thần đoàn kết dân tộc và khát vọng hòa bình chính là yếu tố cốt lõi để Việt Nam đạt mục tiêu thống nhất đất nước và giành được những thành tựu to lớn trong công cuộc phát triển và hội nhập quốc tế.
Kỷ niệm 50 năm Giải phóng miền nam, thống nhất đất nước là dịp quan trọng để Việt Nam ôn lại những trang sử hào hùng, nhìn lại công cuộc xây dựng đất nước với nhiều thành tựu to lớn. Đây cũng là dịp để Việt Nam khẳng định quyết tâm bước vào kỷ nguyên mới với mục tiêu có sự phát triển bứt phá, tăng tốc và sánh vai các cường quốc trên thế giới.