Việt Nam là điểm đến đầu tư của Hàn Quốc
Việt Nam hoan nghênh các nhà đầu tư Hàn Quốc tăng cường đầu tư mới và mở rộng quy mô đầu tư tại Việt Nam, phát huy hơn nữa hiệu quả hợp tác, đầu tư để 'cùng thành công, chung thắng lợi'.
Đó là khẳng định của Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc tại Hội nghị xúc tiến đầu tư tại Hàn Quốc với chủ đề "Việt Nam - Điểm đến đầu tư" ngày hôm nay (7.3).
Ông Kim Yong Jae - Ủy viên thường trực của Ủy ban Giám sát tài chính Hàn Quốc (FSC) cho biết kể từ sau khi thiết lập mối quan hệ ngoại giao năm 1992, Việt Nam và Hàn Quốc đã trở thành những người bạn đồng hành không thể thiếu trên tất cả các lĩnh vực. Hiện có khoảng 9.000 doanh nghiệp Hàn Quốc hoạt động tại Việt Nam. Hàn Quốc cũng trở thành quốc gia đầu tư lớn nhất vào Việt Nam, 2 quốc gia cũng trở thành quốc gia Top 3 trong hợp tác thương mại của nhau.
Trong lĩnh vực tài chính, Việt Nam cũng là quốc gia thứ 2 trên thế giới mà các công ty, tổ chức tài chính Hàn Quốc đang có mặt với số lượng lên tới 46 công ty tổ chức bao gồm ngân hàng, bảo hiểm, chứng khoán...
Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc thông tin, trong chặng đường hơn 30 năm thiết lập quan hệ ngoại giao, quan hệ hai nước Việt Nam - Hàn Quốc đã có bước tiến triển vượt bậc với những dấu mốc quan trọng, từ Đối tác toàn diện năm 2001 đến Đối tác chiến lược năm 2009 và Đối tác chiến lược toàn diện năm 2022.
Trong năm 2023, quan hệ kinh tế, thương mại, đầu tư giữa Việt Nam và Hàn Quốc tiếp tục phát triển tích cực. Việt Nam là đối tác thương mại lớn thứ 3 của Hàn Quốc với tổng kim ngạch thương mại 2 chiều đạt gần 80 tỉ USD trong năm 2023, trong đó Hàn Quốc xuất siêu sang Việt Nam 27,55 tỉ USD.
Lũy kế tổng vốn đầu tư của Hàn Quốc vào Việt Nam cho tới nay đã đạt khoảng 90 tỉ USD, nhà đầu tư Hàn Quốc hiện đứng thứ nhất trong số các quốc gia đầu tư vào Việt Nam với 9.863 dự án và trên 8.000 doanh nghiệp Hàn Quốc đang hoạt động tại Việt Nam. Năm 2023, Việt Nam cũng đón hơn 3,5 triệu lượt khách Hàn Quốc sang du lịch và hiện có khoảng 180 nghìn người Hàn Quốc đang sinh sống và làm việc tại Việt Nam.
"Chúng ta hoàn toàn có thể tin tưởng vào mục tiêu nâng kim ngạch thương mại 2 chiều lên mức 150 tỉ USD vào năm 2030 theo hướng cân bằng, bền vững", Bộ trưởng Hồ Đức Phớc khẳng định. Bộ trưởng cho biết thêm, trong những năm gần đây, mặc dù chịu tác động lớn từ suy thoái kinh tế toàn cầu, song nền kinh tế Việt Nam vẫn duy trì được tốc độ tăng trưởng tốt, đồng thời cũng là điểm sáng trong đầu tư, thu hút dòng vốn trực tiếp và gián tiếp trên toàn cầu.
Năm 2023, các cân đối lớn của nền kinh tế tiếp tục được duy trì ổn định, với những con số ấn tượng: GDP của Việt Nam tăng 5,05%, dự kiến năm 2024 phấn đấu đạt khoảng 6 - 6,5%. GDP bình quân đầu người đạt 4.284,5 USD, tăng 160 USD so với năm 2022.
Tổng vốn FDI đăng ký đạt gần 36,6 tỉ USD, tăng 32,1%; vốn FDI thực hiện đạt 23,18 tỉ USD, tăng 3,5%, cao nhất trong 5 năm trở lại đây. Tổng kim ngạch xuất nhập khẩu ước tính đạt 683 tỉ USD, trong đó Việt Nam xuất siêu khoảng 28 tỉ USD, kỷ lục từ trước tới nay.
Đối với thị trường tài chính Việt Nam, Bộ trưởng Tài chính khẳng định Chính phủ Việt Nam đặc biệt quan tâm, có nhiều chỉ đạo sát sao nhằm củng cố và kịp thời giải quyết các khó khăn vướng mắc để kiên định mục tiêu phát triển ổn định, lành mạnh và bền vững.
Với thị trường chứng khoán (TTCK), mặc dù còn khá non trẻ nhưng đã có sự phát triển tương đối nhanh. TTCK Việt Nam đã phát huy vai trò tích cực là kênh dẫn vốn trung-dài hạn quan trọng của nền kinh tế, đồng thời là điểm đến đầu tư hấp dẫn của dòng vốn nhà đầu tư trong và ngoài nước. Cấu trúc thị trường, khuôn khổ pháp lý tiếp tục được hoàn thiện.
Tính tới cuối tháng 2.2024, vốn hóa thị trường cổ phiếu đã đạt gần 270 tỉ USD, tương đương gần 63% GDP. Toàn thị trường có hơn 1.600 cổ phiếu, chứng chỉ quỹ niêm yết và đăng ký giao dịch. Số lượng nhà đầu tư tăng trưởng mạnh mẽ với 7,4 triệu tài khoản chứng khoán, tương đương 7,2% dân số, vượt kế hoạch đề ra.
Trao đổi về những chính sách thuế có liên quan đến việc tạo thuận lợi trong thu hút vốn đầu tư nước ngoài tại Việt Nam (FDI), Tổng cục trưởng Tổng cục Thuế Mai Xuân Thành cho biết, trong thời gian qua, việc tổng cục tham mưu cho Bộ Tài chính, Chính phủ và Quốc hội ban hành và thực hiện các giải pháp hỗ trợ về thuế, phí, lệ phí, tiền thuê đất đã nhận được sự đồng tình, ủng hộ và đánh giá cao của cộng đồng doanh nghiệp nói chung và của các doanh nghiệp Hàn Quốc nói riêng.
Những chính sách thuế đã góp phần quan trọng trong việc hỗ trợ doanh nghiệp vượt qua khó khăn, ổn định hoạt động sản xuất kinh doanh cũng như thắt chặt và tăng cường hơn nữa quan hệ hợp tác hữu nghị tốt đẹp giữa Việt Nam và cộng đồng doanh nghiệp FDI, trong đó có cộng đồng doanh nghiệp Hàn Quốc đầu tư sản xuất kinh doanh tại Việt Nam.
Để triển khai hiệu quả chính sách trên, Chính phủ đã giao cho Bộ Tài chính rà soát các chính sách thuế ưu đãi hiện hành để sửa đổi theo hướng tăng tính hấp dẫn để thu hút đầu tư FDI từ các nhà đầu tư tương lai và bảo về các nhà đầu tư hiện hữu để phù hợp với tình hình phát triển mới và phù hợp với thông lệ quốc tế khi Việt Nam tham gia áp dụng thuế tối thiểu toàn cầu. Theo đó, dự kiến, Bộ Tài chính sẽ nghiên cứu để trình Chính phủ thành lập "Quỹ hỗ trợ đầu tư từ nguồn thuế thu nhập doanh nghiệp bổ sung để hỗ trợ cho các nhà đầu tư tại Việt Nam".
Bên cạnh đó, Chính phủ Việt Nam đã chỉ đạo Bộ Tài chính nghiên cứu các chính sách ưu đãi của các quốc gia tham gia thuế tối thiểu toàn cầu để làm sao các chính sách của Việt Nam không kém hấp dẫn hơn so với các quốc gia khác.
"Chúng tôi hi vọng với sự hợp tác đầu tư lâu dài từ nhiều năm qua giữa Hàn Quốc và Việt Nam và với việc Việt Nam tiếp tục hoàn thiện cơ chế, chính sách, đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính và điện tử hóa, số hóa toàn diện, đồng bộ trong lĩnh vực thuế theo hướng tiếp tục tạo môi trường kinh doanh bình đẳng, minh bạch, thuận lợi cho cộng đồng doanh nghiệp trong nước và cộng đồng doanh nghiệp FDI tại Việt Nam, các doanh nghiệp Hàn Quốc tiếp tục đầu tư vào Việt Nam vì lợi ích của hai nước", Tổng cục trưởng nhấn mạnh.
Nguồn Một Thế Giới: https://1thegioi.vn/viet-nam-la-diem-den-dau-tu-cua-han-quoc-214846.html