Việt Nam là nền kinh tế sôi động trước cuộc khủng hoảng COVID-19
Hội thảo khoa học quốc tế với chủ đề 'Các vấn đề đương đại trong kinh tế, quản trị và kinh doanh' lần thứ ba đã khai mạc sáng 18/11, tại Hà Nội.
Đây là sự kiện do Trường Đại học Kinh tế Quốc dân tổ chức thường niên, năm nay là năm thứ ba của chuỗi hội thảo này nhằm tạo diễn đàn cho các học giả trong nước, quốc tế thuộc các ngành kinh tế, quản trị và kinh doanh trao đổi và trình bày các công trình nghiên cứu, hỗ trợ cho các chiến lược thúc đẩy sự tăng trưởng, phát triển bền vững toàn cầu.
Đồng thời, gia tăng cơ hội hợp tác quốc tế trong nghiên cứu khoa học giữa các trường đại học khu vực và quốc tế.
Dù chịu ảnh hưởng của đại dịch COVID-19, hội thảo đã nhận được hơn 120 bài nghiên cứu gửi về từ các quốc gia, vùng lãnh thổ trên thế giới như Anh, Trung Quốc, Canada, Pháp, Mỹ, Đài Loan, Bỉ, Malaysia, Australia…
Ban tổ chức đã lựa chọn gần 100 bài viết để đăng trong kỷ yếu hội thảo và mời đến trình bày trong 11 phiên thảo luận song song có kết nối online với các tác giả ở nước ngoài về mọi chủ đề chuyên sâu của kinh tế, quản trị và kinh doanh do các chuyên gia kinh tế của Trường Đại học Kinh tế Quốc dân chủ trì.
Các diễn giả chính của hội thảo gồm Giáo sư Diane Coyle - Viện Chính sách công Bennett, Đại học Cambridge, Vương quốc Anh; Giáo sư David Orsmond – Đại học Macquarie, Australia; Tiến sĩ Jacques Morisset, chuyên gia kinh tế trưởng Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam.
Phát biểu khai mạc hội thảo, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Phạm Hồng Chương, Hiệu trưởng Trường Đại học Kinh tế Quốc dân nhấn mạnh: Đại dịch COVID-19 thực sự là một cuộc khủng hoảng toàn cầu, gây ra những làn sóng chấn động cho nền kinh tế, ảnh hưởng đến cuộc sống và kế sinh nhai của người dân.
Nhiều cơ sở kinh doanh đã phải đóng cửa. Các chính phủ đang giãn khả năng chi tiêu. Sự ổn định của hệ thống tài chính bị đe dọa. Các nhà hoạch định chính sách trên khắp thế giới đang tìm cách kiểm soát, hạn chế sự suy thoái kinh tế.
Phó Giáo sư, Tiến sĩ Phạm Hồng Chương hy vọng, hội thảo lần này sẽ tạo cơ hội cho các nhà chuyên gia và các nhà hoạch định chính sách thảo luận về các nghiên cứu đang diễn ra trong bối cảnh cách mạng công nghiệp lần thứ 4 và đại dịch COVID-19. Các tham luận đều đạt chất lượng cao, đưa ra ý tưởng hay về các vấn đề đương đại trong kinh tế, quản lý và kinh doanh.
Tiến sĩ Jacques Morisset, chuyên gia kinh tế trưởng Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam chia sẻ: Việt Nam là một nền kinh tế sôi động trước cuộc khủng hoảng COVID-19 và vẫn phát triển nhanh hơn các nước khác nhờ kiểm soát rất tốt đại dịch. Việt Nam là một trong số ít quốc gia có tốc độ tăng trưởng GDP dương trong quý 2.
Tuy nhiên, không nên cho rằng, người dân và doanh nghiệp không bị ảnh hưởng. Mặc dù triển vọng trong ngắn hạn vẫn tích cực nhưng cần theo dõi chặt chẽ các rủi ro tài khóa, tài chính và xã hội đang tiềm ẩn do tình hình trong nước và toàn cầu có nhiều bất định.
Theo Tiến sĩ Jacques Morisset, thách thức tiếp theo của Việt Nam là duy trì và nâng cao lợi thế cạnh tranh bằng cách nắm bắt cơ hội mới về thương mại, kinh tế số, phục hồi xanh.
Việt Nam nên ưu tiên đầu tư vào năng lượng sạch hoặc hỗ trợ có điều kiện cho các doanh nghiệp, đặc biệt là trong các lĩnh vực sử dụng nhiều carbon để cắt giảm mạnh lượng khí thải. Đồng thời cần điều chỉnh việc định giá các tài nguyên không thể tái tạo hoặc gây ô nhiễm để khuyến khích các hành vi có trách nhiệm...
Việt Nam cũng nên cấp tài trợ không hoàn lại, cho vay và miễn giảm thuế cho các hình thức giao thông và di chuyển bền vững, nền kinh tế tuần hoàn, nghiên cứu năng lượng sạch.
Trong đó, các ngân hàng giảm đầu tư vào nhiên liệu hóa thạch và tăng đầu tư vào các hoạt động giảm thiểu, thích ứng với biến đổi khí hâu. Bên cạnh đó, có thể hỗ trợ hoặc ưu đãi tài chính cho các hộ gia đình và doanh nghiệp để nâng cao hiệu quả năng lượng và lắp đặt năng lượng tái tạo…/.