'Việt Nam là nơi trú ẩn an toàn khi kinh tế thế giới nhiều rủi ro'
Thủ tướng Phạm Minh Chính cho biết sau gần 4 thập kỷ đổi mới, mở cửa và hội nhập, quy mô nền kinh tế Việt Nam đã đạt 409 tỉ USD, thu nhập bình quân đầu người trên 4.100 USD (năm 2022).
Ngày 16-12, trong khuôn khổ chuyến công tác Nhật Bản, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã tham dự Diễn đàn Kinh tế Việt Nam-Nhật Bản với chủ đề "Quan hệ kinh tế trong kỷ nguyên mới - Đối tác chiến lược toàn diện vì hòa bình và thịnh vượng tại châu Á và trên thế giới".
Hàng chục thỏa thuận, văn kiện hợp tác được ký kết
Tại Diễn đàn, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã chứng kiến lễ trao 30 thỏa thuận, văn kiện hợp tác giữa các bộ ngành, cơ quan, doanh nghiệp Việt Nam và Nhật Bản.
Trong đó có thể kể đến như, ông Ngô Đông Hải, Bí thư Tỉnh ủy Thái Bình trao giấy chứng nhận đầu tư dự án nhà máy điện khí LNG trị giá 1,99 tỉ USD cho liên danh ba nhà đầu tư gồm Công ty Tokyo gas, Công ty Điện lực Bắc Kyuden của Nhật Bản và Tập đoàn Trường Thành của Việt Nam.
TP Cần Thơ và đại diện Aeonmall Việt Nam trao thỏa thuận hợp tác nghiên cứu đầu tư trung tâm thương mại tại Cần Thơ; tỉnh Hưng Yên và tập đoàn Sumitomo, trao thỏa thuận hợp tác phát triển giai đoạn 4 khu công nghiệp Thăng Long 2…
Tập đoàn Sun Group trao thỏa thuận hợp tác xây dựng tại khu kinh tế Vân Phong với Tập đoàn Taisei, trao thỏa thuận hợp tác đầu tư các cơ sở y tế, chăm sóc sức khỏe với Well Group tại khu kinh tế Vân Phong (Khánh Hòa)…
Phát biểu tại Diễn đàn, Thủ tướng cho biết sau gần 4 thập kỷ đổi mới, mở cửa và hội nhập, quy mô nền kinh tế Việt Nam đã đạt 409 tỉ USD; thu nhập bình quân đầu người trên 4.100 USD (năm 2022).
Nằm trong 40 nền kinh tế lớn nhất thế giới, xếp thứ 32 trong top 100 giá trị thương hiệu quốc gia mạnh trên thế giới; top 20 nước dẫn đầu về kim ngạch thương mại (năm 2022 đạt 732,5 tỉ USD);
Việt Nam đã ký kết 16 Hiệp định thương mại tự do thế hệ mới với trên 60 quốc gia và vùng lãnh thổ, trong đó có những thị trường lớn nhất trên thế giới và ngày càng đa dạng hóa thị trường, sản phẩm, các chuỗi cung ứng.
Việt Nam đã có quan hệ đối tác chiến lược với năm nước ủy viên thường trực Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc; quan hệ đối tác toàn diện, đối tác chiến lược và đối tác chiến lược toàn diện với hầu hết các nước G7, G20…
Việt Nam cần sự hỗ trợ của Nhật Bản
Người đứng đầu Chính phủ Việt Nam cho hay năm 2023, nền kinh tế Việt Nam tiếp tục đạt được những kết quả đáng khích lệ, kinh tế vĩ mô cơ bản ổn định, lạm phát được kiểm soát, tăng trưởng được thúc đẩy, các cân đối lớn của nền kinh tế được bảo đảm. Đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân được nâng lên.
“Có thể nói, Việt Nam là nơi trú ẩn an toàn trước cơn bão, trong bối cảnh kinh tế thế giới có nhiều rủi ro như hiện nay” - Thủ tướng phát biểu.
Ông cho biết Việt Nam đặt mục tiêu phát triển chiến lược đến năm 2030 trở thành quốc gia đang phát triển, có thu nhập trung bình cao và đến năm 2045 trở thành nước phát triển, thu nhập cao.
Trong đó, lấy nội lực là cơ bản, chiến lược, quyết định, lâu dài, ngoại lực là quan trọng, đột phá. Đồng thời, tập trung thực hiện ba đột phá chiến lược là hoàn thiện thể chế, phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao và xây dựng kết cấu hạ tầng đồng bộ, hiện đại.
Thủ tướng nêu rõ, việc Việt Nam và Nhật Bản nâng cấp quan hệ Đối tác Chiến lược Toàn diện là nền tảng chính trị quan trọng để tiếp tục mở rộng không gian hợp tác trong những lĩnh vực mới mà hai bên có thế mạnh.
Việt Nam cần phía Nhật Bản hỗ trợ trong công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước. Cạnh đó là hỗ trợ về tài chính với lãi suất ưu đãi; hỗ trợ về chuyển giao công nghệ tiên tiến, quản trị hiện đại; góp ý xây dựng, hoàn thiện thể chế, cơ chế, chính sách.
Thủ tướng cũng đề nghị phía Nhật hỗ trợ Việt Nam đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao và Việt Nam sẽ cung ứng nguồn nhân lực cho các đối tác. Cùng với đó, đẩy mạnh hợp tác giữa các địa phương; thúc đẩy giao lưu nhân dân và hợp tác văn hóa.
Thủ tướng kêu gọi các doanh nghiệp Nhật Bản tiếp tục đến đầu tư và thành công tại Việt Nam, thu được kết quả ngày càng cao hơn, thành công của nhà đầu tư cũng là thành công của Việt Nam.
Việt Nam mong muốn phát triển đột phá ngành bán dẫn
Trước đó, sáng cùng ngày Thủ tướng Phạm Minh Chính có cuộc gặp gỡ, làm việc với các tập đoàn, doanh nghiệp hàng đầu của Nhật Bản về hợp tác phát triển vi mạch bán dẫn và hệ sinh thái đi cùng, với mong muốn phát triển đột phá ngành bán dẫn của Việt Nam.
Tại cuộc làm việc, các tập đoàn như SBI Holdings, Renesas Electronics Corporation, Denso, Rapidus Corporation, Tokyo Electron Limited đã trình bày về phương hướng, các đề xuất hợp tác phát triển vi mạch bán dẫn và hệ sinh thái tại Việt Nam.
Thủ tướng nhấn mạnh, việc phát triển ngành công nghiệp bán dẫn đòi hỏi hệ thống hạ tầng đồng bộ, hiện đại về kinh tế-xã hội nói chung (như giao thông, y tế, giáo dục…), đồng thời cần phát triển hạ tầng số.
Ông đề nghị phía Nhật Bản, các doanh nghiệp, tập đoàn lớn của Nhật Bản trong lĩnh vực bán dẫn tăng cường hợp tác, đầu tư, phát triển hệ sinh thái ngành công nghiệp bán dẫn ở cả ba công đoạn là thiết kế, xây dựng nhà máy sản xuất chip và đóng gói, kiểm thử.
Trong đó, chú trọng đẩy mạnh chuyển giao công nghệ; góp ý kiến xây dựng và hoàn thiện cơ chế, chính sách; đầu tư hạ tầng, xây dựng các cơ sở đào tạo, trung tâm nghiên cứu và phát triển, trung tâm thiết kế, phát triển sản phẩm chip bán dẫn và các chương trình đào tạo kỹ sư bán dẫn tại Việt Nam; nâng cao năng lực quản trị theo hướng hiện đại…
Thủ tướng nhấn mạnh Việt Nam mong muốn phát triển ngành công nghiệp bán dẫn theo hướng đột phá, mạnh mẽ hơn, có vai trò quan trọng hơn trong chuỗi cung ứng toàn cầu. Việt Nam sẽ tiếp tục có các chính sách ưu tiên phù hợp cho các doanh nghiệp, nhà đầu tư trong lĩnh vực này về thuế, đất đai…