Việt Nam là quốc gia đứng thứ 3 thế giới về xuất khẩu thủy sản

Chiếm trên 7% thị phần trên thị trường, Việt Nam hiện là quốc gia đứng thứ 3 thế giới về xuất khẩu thủy sản, chỉ đứng sau Trung Quốc và Na Uy.

Xuất khẩu thủy sản khởi sắc

Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) dẫn số liệu thống kê của Tổng cục Hải quan cho biết, tháng 7/2024, xuất khẩu thủy sản của Việt Nam đạt 915,9 triệu USD, tăng 17,8% so với tháng 7/2023. Tính chung 7 tháng đầu năm 2024, xuất khẩu thủy sản của Việt Nam đạt 5,32 tỷ USD, tăng 8% so với 7 tháng đầu năm 2023.

Việt Nam là quốc gia đứng thứ 3 thế giới về xuất khẩu thủy sản (Ảnh: baochinhphu.vn)

Việt Nam là quốc gia đứng thứ 3 thế giới về xuất khẩu thủy sản (Ảnh: baochinhphu.vn)

Trong 7 tháng đầu năm 2024, xuất khẩu thủy sản của Việt Nam sang nhiều thị trường tăng trưởng như: Hoa Kỳ tăng 12,8%, Trung Quốc tăng 11,6%; Hàn Quốc tăng 3,4%; Australia tăng 9,1%; Canada tăng 34,6%; Bỉ tăng 14,2%; Israel tăng 42,3%; đáng chú ý, xuất khẩu sang thị trường Nga đạt mức tăng trưởng tốt tăng 105% so với cùng kỳ năm 2023...

Tháng 7/2024, Hoa Kỳ vẫn là thị trường xuất khẩu thủy sản lớn nhất của Việt Nam đạt 181,5 triệu USD, tăng 24,1% so với tháng 7/2023. Tính chung 7 tháng đầu năm 2024, xuất khẩu thủy sản của Việt Nam sang Hoa Kỳ đạt 963,7 triệu USD, tăng 12,8% so với cùng kỳ năm 2023.

Xuất khẩu thủy sản của Việt Nam sang Nhật Bản trong tháng 7/2024 đạt 135,7 triệu USD, tăng 8,6% so với tháng 7/2023. Tính chung 7 tháng đầu năm 2024, xuất khẩu thủy sản của Việt Nam sang Nhật Bản đạt 839,8 triệu USD, tăng nhẹ 0,1% so với cùng kỳ năm 2023.

Tiếp đến, xuất khẩu thủy sản sang Trung Quốc trong tháng 7/2024 đạt 156,4 triệu USD, tăng 36,2% so với tháng 7/2023. Tính chung 7 tháng đầu năm 2024, xuất khẩu thủy sản của Việt Nam sang Trung Quốc 836,7 triệu USD, tăng 11,6% so với cùng kỳ năm 2023.

Bên cạnh đó, xuất khẩu thủy sản sang một số thị trường khác cũng đạt mức tăng trưởng như Hàn Quốc, Australia, Anh, Canada, Nga, Hà Lan, Đức…

Là doanh nghiệp xuất khẩu hàng đầu cá tra, bà Trương Thị Lệ Khanh - Chủ tịch HĐQT Công ty CP Vĩnh Hoàn - cho biết, ngoài các sản phẩm truyền thống, hiện công ty đang tập trung sản phẩm chế biến sâu để xuất khẩu. Tất cả các thị trường chính của doanh nghiệp xuất khẩu cá tra này đều ghi nhận mức phục hồi tốt. Trong đó, doanh thu tại thị trường Trung Quốc, Mỹ, và châu Âu lần lượt tăng 259%, 59%, và 33% so với tháng 1/2023.

Dự báo thu về 10 tỷ USD

Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thủy sản Việt Nam (VASEP) dự báo, các tháng cuối năm, xuất khẩu thủy sản vẫn tiếp tục phải tiếp tục đối mặt với nhiều khó khăn.

Kinh tế thế giới có nhiều dấu hiệu khởi sắc nhưng tốc độ tăng trưởng chậm. Giá cả lương thực, năng lượng và chi phí vận chuyển vẫn ở mức cao khiến lạm phát toàn cầu dù có dấu hiệu hạ nhiệt nhưng áp lực giá cả vẫn tiếp tục gia tăng, chưa về mức mục tiêu mà các quốc gia mong muốn và tiềm ẩn nguy cơ bùng phát trở lại.

Các cuộc xung đột, điểm nóng tiếp tục diễn ra, không loại trừ nguy cơ leo thang, gây bất ổn đối với an ninh thế giới. Cuộc xung đột Nga - Ukraine tiếp tục ở thế giằng co quyết liệt trên thực địa, triển vọng đàm phán vẫn rơi vào bế tắc khi không có sự thỏa hiệp, nhượng bộ nào giữa hai bên, khiến các chi phí vận tải tiếp tục tăng cao, gây khó khăn cho xuất khẩu thủy sản Việt Nam.

Tuy nhiên, sự tăng trưởng khả quan của xuất khẩu thủy sản Việt Nam 7 tháng đầu năm 2024 cho thấy nỗ lực của các doanh nghiệp trong việc nâng cao chất lượng sản phẩm, đa dạng hóa thị trường và thích ứng với những biến động của thị trường quốc tế.

Cục Xuất nhập khẩu nhận định, trong các tháng tới, là giai đoạn các nhà nhập khẩu thủy sản tăng cường mua vào để chuẩn bị nguồn hàng cho các dịp lễ, Tết vào cuối năm. Do đó, thủy sản của Việt Nam sẽ có nhiều cơ hội tăng xuất khẩu hơn nữa.

Việt Nam hiện được xếp vào nhóm các quốc gia có khả năng và năng lực cạnh tranh cao trong ngành thủy sản. Bà Nguyễn Thị Thu Sắc - Chủ tịch Hiệp hội VASEP – Tổng giám đốc Công ty TNHH Hải Nam – nhận định, trong bối cảnh hội nhập kinh tế thế giới ngày càng sâu rộng, thương mại của Việt Nam nói chung và ngành thủy sản nói riêng đã có thêm nhiều cơ hội thuận lợi để các doanh nghiệp đẩy mạnh sản xuất, tăng trưởng xuất khẩu. Tuy nhiên, ngành thủy sản cũng phải đối mặt với hàng loạt các thách thức mới mà ngành đang và sẽ đối mặt cả về thị trường xuất khẩu và các vấn đề nội tại của ngành.

Do đó, việc kết nối các doanh nghiệp trong toàn chuỗi cung ứng hướng đến phát triển ngành thủy sản theo hướng toàn diện là vấn đề được đặt ra. Bên cạnh đó, cần đẩy mạnh công tác xúc tiến thương mại, quảng bá sản phẩm, để nhà mua hàng có cái nhìn tổng quát hơn về ngành thủy sản Việt Nam, sản phẩm thủy sản Việt Nam ngày càng đa dạng hơn, luôn đảm bảo về chất lượng, đáp ứng về truy xuất nguồn gốc và bắt kịp xu hướng tiêu dùng thế giới, từ đó, đưa hình ảnh thủy sản Việt Nam đến gần hơn người tiêu dùng thế giới.

Song song với thị trường xuất khẩu, theo bà Nguyễn Sắc Thu, tiềm năng thị trường nội địa còn rất lớn, để cân bằng cán cân cung cầu và giảm bớt sự lệ thuộc vào thị trường xuất khẩu, các doanh nghiệp thủy sản cần hướng đến phát triển thị trường nội địa, đưa sản phẩm thủy sản xuất khẩu đến với người tiêu dùng Việt Nam.

Ông Phùng Đức Tiến - Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn – đánh giá, Việt Nam có tiềm năng lớn để phát triển thủy sản, đặc biệt là nuôi trồng thủy sản, là quốc gia đứng thứ 3 thế giới về xuất khẩu thủy sản, chiếm trên 7% thị phần trên thị trường thế giới, chỉ đứng sau Trung Quốc và Na Uy.

Thủy sản được xem là một trong những ngành mũi nhọn của cả nước, đóng góp giá trị đáng kể cho nền kinh tế của nước ta cũng như dịch vụ logistic toàn cầu. Với những kết quả đạt được trong 7 tháng đầu năm, ông Phùng Đức Tiến nhận định, ngành thủy sản Việt Nam phấn đấu sẽ đạt mục tiêu 10 tỷ USD về giá trị xuất khẩu trong cả năm 2024 này.

Nguyễn Hạnh

Nguồn Công Thương: https://congthuong.vn/viet-nam-la-quoc-gia-dung-thu-3-the-gioi-ve-xuat-khau-thuy-san-341147.html