Bài 5: Tính toán 3 nguồn chi lương, thưởng cho người đại diện chủ sở hữu
Để đảm bảo nguồn chi lương, thưởng cho người đại diện chủ sở hữu vốn, dự thảo Luật Quản lý và đầu tư vốn nhà nước tại doanh nghiệp đã tính toán 3 tình huống, gồm: lợi nhuận sau thuế, Quỹ Đầu tư phát triển tại doanh nghiệp và dự toán chi ngân sách nhà nước của cơ quan đại diện chủ sở hữu vốn.
Bài 1: Vẫn thiếu linh hoạt, bó hẹp ngành nghề
Bài 2: Quản lý dòng vốn, không quản lý doanh nghiệp
Bài 3: Tăng quyền chủ động cho doanh nghiệp, đảm bảo sử dụng hiệu quả nguồn vốn
Bài 4: Doanh nghiệp lo “tăng nhịp”
Đưa vào chi phí của doanh nghiệp
Ông Đặng Ngọc Hải - Phó Tổng giám đốc Công ty TNHH MTV Nước sạch Hà Nội cho hay, tiền lương, tiền thưởng của người quản lý doanh nghiệp, kiểm soát viên được chi từ lợi nhuận sau thuế sau khi trích lập với các quỹ là chưa phù hợp thực tế. Bởi, người quản lý doanh nghiệp, kiểm soát viên thường xuyên, trực tiếp điều hành sản xuất doanh nghiệp nên theo quy định pháp luật về thuế thì tiền lương, thù lao là một trong những chi phí hợp lý được trừ khi tính thuế thu nhập doanh nghiệp, nên quỹ này không nên tính chung vào quỹ lương của người lao động.
Cũng liên quan đến vấn đề này, ông Hà Quý Sáng - Trưởng phòng Tài chính doanh nghiệp (Sở Tài chính Hà Nội) cho rằng, chế độ tiền lương, tiền lương cho người đại diện của cơ quan chủ sở hữu cần đưa vào chi phí hoạt động thực tế của doanh nghiệp, không thể lấy từ Quỹ Đầu tư phát triển để tại doanh nghiệp, do đây là quỹ trích theo % lợi nhuận sau thuế của các doanh nghiệp, nên sẽ có sự bất cập giữa doanh nghiệp 100% vốn nhà nước và doanh nghiệp dưới 100% vốn nhà nước.
Bà Nguyễn Thị Thanh Hương - Phó Tổng Giám đốc Tổng công ty Phát điện 3 (EVNGENCO3) cho biết, việc chi lương cho người đại diện, đang tính từ chi phí sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp, đề nghị dự thảo tiếp tục quy định theo hướng như vậy. Bởi theo quy định đối với doanh nghiệp hiện nay, tiền lương của người quản lý được tính vào chi phí. Tuy nhiên, dự thảo quy định tính từ lợi nhuận sau thuế, trong trường hợp doanh nghiệp không có lợi nhuận hoặc lợi nhuận không đủ thì sẽ không có nguồn để chi lương cho người đại diện.
Theo bà Đỗ Thị Loát - Trưởng ban Kiểm soát EVN, hiện vẫn còn nhiều vấn đề vướng mắc đối với các doanh nghiệp, nhất là khi lĩnh vực điện lực có nhiều đặc thù. Cụ thể, về xếp loại đánh giá doanh nghiệp, hiện chưa có chỉ tiêu chi tiết, nên việc xếp loại doanh nghiệp đang theo 4 tiêu chí tài chính như doanh thu, hệ số thanh toán, tỷ suất lợi nhuận… nhưng với những doanh nghiệp ngành sản xuất đặc thù như EVN, Tập đoàn Dầu khí... vừa phải đảm bảo kinh doanh, vừa phải đáp ứng các nhiệm vụ kinh tế từ cơ quan quản lý thì cần bộ tiêu chí rõ ràng, vì chỉ một lỗi nhỏ cũng có thể khiến ảnh hưởng đến xếp loại của doanh nghiệp.
Bên cạnh đó, hiện cơ chế giá bán điện bình quân mà EVN đang thực hiện chưa đảm bảo bắt kịp giá thành sản xuất do phải đảm bảo mục tiêu ổn định kinh tế vĩ mô, đảm bảo cung ứng điện theo chỉ đạo của Nhà nước. Vì thế, trong năm 2022 và 2023, dù giá điện có sự điều chỉnh nhưng báo cáo tài chính của EVN vẫn ghi nhận thua lỗ, báo cáo tài chính 6 tháng đầu năm 2024 vừa phát hành cũng tiếp tục báo lỗ.
Căn cứ từ tình hình hoạt động kinh doanh thực tế, bà Đỗ Thị Loát đề xuất trong dự thảo Luật có cơ chế chính sách đặc thù liên quan đến trích lập Quỹ Đầu tư phát triển để tại doanh nghiệp từ lợi nhuận sau thuế hay chi lương, thưởng… cho EVN. Cụ thể, về cơ chế tiền lương, dự thảo Luật xác định tiền lương, tiền thưởng được gắn với nhiệm vụ, điều kiện sản xuất kinh doanh, ngành nghề, tính chất hoạt động, năng suất lao động và hiệu quả sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp… Như vậy, các tiêu chí về lợi nhuận và năng suất tại EVN sẽ khó đáp ứng, nên bà Đỗ Thị Loát kiến nghị cơ quan thẩm quyền cho EVN thực hiện chính sách lương đặc thù như hiện đang áp dụng tại VNPT, Vietnam Airlines...
Chỉ quản lý lương, thưởng của người đại diện chủ sở hữu
Trước băn khoăn từ phía doanh nghiệp, ông Nguyễn Duy Long, Trưởng phòng Chính sách tổng hợp, Cục Tài chính doanh nghiệp (Bộ Tài chính) cho biết, dự thảo Luật không quản lý vấn đề lương thưởng của người quản lý doanh nghiệp, chỉ quản lý lương, thưởng của người do cơ quan đại diện chủ sở hữu vốn cử, giới thiệu, thuê làm việc trực tiếp tại doanh nghiệp.
Nhà nước không thực hiện quản lý pháp nhân doanh nghiệp, Nhà nước là chủ sở hữu và quản lý dòng vốn theo phần vốn đầu tư tại doanh nghiệp, không can thiệp hành chính vào hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp. Vốn nhà nước sau khi đã đầu tư vào doanh nghiệp được xác định là tài sản/vốn của pháp nhân doanh nghiệp, doanh nghiệp sử dụng vốn theo đúng hoạt động kinh doanh, tách bạch, phân định với chức năng của chủ sở hữu vốn.
Về quyền của doanh nghiệp có vốn nhà nước đầu tư thì xác định tiền lương, tiền thưởng được gắn với nhiệm vụ, điều kiện sản xuất kinh doanh, ngành nghề, tính chất hoạt động, năng suất lao động và hiệu quả sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp, bảo đảm mặt bằng tiền lương trên thị trường. Trường hợp doanh nghiệp thực hiện khoán chi phí tiền lương, tiền thưởng trong quỹ lương đảm bảo nguyên tắc gắn với kết quả, hiệu quả quản lý, sử dụng và vốn nhà nước đầu tư tại doanh nghiệp.
Cục trưởng Cục Tài chính doanh nghiệp Bùi Tuấn Minh nhấn mạnh, dự thảo Luật đã tính toán 3 tình huống để chuẩn bị nguồn tiền lương, thưởng cho người đại diện cơ quan chủ sở hữu. Cụ thể, nguồn tiền lương, thưởng được chi trả từ nguồn lợi nhuận sau thuế; trường hợp lợi nhuận sau thuế không đủ thì được chi trả từ Quỹ Đầu tư phát triển tại doanh nghiệp tương ứng với phần vốn nhà nước đầu tư tại doanh nghiệp; nếu thiếu Quỹ thì được bố trí từ dự toán chi ngân sách nhà nước của cơ quan đại diện chủ sở hữu vốn.
Theo đánh giá của Cục Tài chính doanh nghiệp, quy định nêu trên nhằm thực hiện nguyên tắc Nhà nước không thực hiện quản lý pháp nhân doanh nghiệp, Nhà nước là chủ sở hữu và quản lý dòng vốn theo phần vốn đầu tư tại doanh nghiệp, không can thiệp hành chính vào hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp. Vốn nhà nước sau khi đã đầu tư vào doanh nghiệp được xác định là tài sản/vốn của pháp nhân doanh nghiệp, doanh nghiệp sử dụng vốn theo đúng hoạt động kinh doanh, tách bạch, phân định với chức năng của chủ sở hữu vốn.