Việt Nam là thành viên tích cực, có trách nhiệm của UNCLOS 1982

Là một quốc gia ven biển và nhận thức rõ tầm quan trọng của các vấn đề biển nói chung, Công ước LHQ về Luật Biển năm 1982 (UNCLOS 1982) nói riêng, Việt Nam luôn tuân thủ, nỗ lực đóng góp tích cực trong việc thực hiện Công ước được xem là bản 'Hiến pháp của đại dương' này.

Thứ trưởng Thường trực Bộ Ngoại giao Nguyễn Minh Vũ làm Trưởng đoàn Việt Nam tham dự SPLOS-34

Thứ trưởng Thường trực Bộ Ngoại giao Nguyễn Minh Vũ làm Trưởng đoàn Việt Nam tham dự SPLOS-34

Thượng tôn, thực thi UNCLOS 1982

Đoàn đại biểu Việt Nam do Thứ trưởng Thường trực Bộ Ngoại giao Nguyễn Minh Vũ dẫn đầu tham dự Hội nghị các quốc gia thành viên Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển lần thứ 34 (SPLOS-34) tổ chức từ ngày 10 đến 14-6 tại trụ sở Liên hợp quốc ở New York, Mỹ. SPLOS-34 diễn ra vào dịp đánh dấu 30 năm UNCLOS 1982 có hiệu lực, cũng là kỷ niệm 30 năm Việt Nam chính thức phê chuẩn Công ước này.

Phát biểu tại Hội nghị, Thứ trưởng Thường trực Bộ Ngoại giao Nguyễn Minh Vũ nhấn mạnh vai trò, tầm quan trọng của UNCLOS 1982 là “Hiến pháp của đại dương” - văn kiện pháp lý toàn diện điều chỉnh mọi hoạt động của các quốc gia trong lĩnh vực biển và đại dương. Thứ trưởng thông tin tới Hội nghị về những nỗ lực và thành tựu của Việt Nam trong thực thi Công ước kể từ khi tham gia tới nay. Đặc biệt, Việt Nam gần đây là một trong các quốc gia đầu tiên ký Hiệp định về bảo tồn và sử dụng bền vững đa dạng sinh học ở vùng biển nằm ngoài quyền tài phán quốc gia (BBNJ), tham gia tích cực vào tiến trình xin ý kiến tư vấn của Tòa án Luật Biển về biến đổi khí hậu cũng như những kết quả hợp tác biển của Việt Nam với các nước trong khu vực.

Về Biển Đông mà Việt Nam là một quốc gia ven vùng biển chiến lược này, Trưởng đoàn Việt Nam đề nghị các nước thành viên UNCLOS 1982 thực hiện chính sách biển một cách trách nhiệm và hợp pháp, cùng nhau bảo đảm hòa bình, ổn định, thịnh vượng và sự phát triển bền vững; khẳng định môi trường hòa bình và ổn định để phục vụ cho phát triển bền vững ở Biển Đông chỉ có thể được bảo đảm khi các quốc gia thiết lập vùng biển của mình phù hợp với Công ước và nghiêm túc thực thi chủ quyền, quyền chủ quyền và tài phán theo công ước cũng như duy trì sự kiềm chế để cùng nhau giải quyết các tranh chấp bằng biện pháp hòa bình phù hợp với luật pháp quốc tế, bao gồm Hiến chương Liên hợp quốc và UNCLOS 1982. Thứ trưởng khẳng định, Việt Nam luôn nỗ lực cùng các nước trong khu vực thúc đẩy tôn trọng Công ước, thực hiện đầy đủ Tuyên bố về ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC) và nỗ lực đàm phán để đạt được Bộ quy tắc ứng xử ở Biển Đông (COC) thực chất, hiệu lực, phù hợp với luật pháp quốc tế.

Bên cạnh những vấn đề chung về việc thượng tôn và thực thi Công ước, Đoàn Việt Nam cũng đánh giá các cơ quan được thành lập theo Công ước đều góp phần quan trọng trong việc thiết lập trật tự pháp lý trong lĩnh vực biển và đại dương, duy trì hòa bình và an ninh biển và đạt nhiều kết quả trong một năm qua, bao gồm Tòa án Luật Biển Quốc tế (ITLOS), Ủy ban Ranh giới thềm lục địa (CLCS) và Cơ quan Quyền lực đáy đại dương (ISA).

Theo đó, Trưởng đoàn Việt Nam tiếp tục khẳng định vai trò của ITLOS trong giải quyết hòa bình các tranh chấp liên quan đến áp dụng và giải thích UNCLOS 1982, kêu gọi các quốc gia thành viên Công ước giải quyết các tranh chấp, xung đột và khác biệt bằng biện pháp hòa bình, nghiêm túc thực hiện các phán quyết và quyết định của ITLOS cũng như các cơ chế giải quyết tranh chấp được quy định tại Công ước.

Việt Nam ghi nhận vai trò ngày càng lớn của ITLOS trong việc góp phần giải thích các quy định của Công ước thông qua quá trình giải quyết các tranh chấp giữa các nước thành viên Công ước. Đồng thời, tiến trình ban hành các ý kiến tư vấn của ITLOS trong thời gian qua đã làm sáng tỏ thêm nhiều quy định của Công ước, đặc biệt là việc ban hành ý kiến tư vấn về vấn đề biến đổi khí hậu ngày 21-5-2024 vừa qua.

Đại diện Việt Nam khẳng định, tầm quan trọng của việc xác định thềm lục địa ngoài 200 hải lý; góp phần làm rõ ranh giới giữa thềm lục địa của các nước thành viên UNCLOS 1982 và khu vực đáy đại dương quốc tế, tạo điều kiện để thực hiện đầy đủ và hiệu quả quy chế của Công ước về quản lý và chia sẻ công bằng lợi ích và tài nguyên khoáng sản tại khu vực này. Trên cơ sở này, Việt Nam kêu gọi thực hiện các biện pháp thiết thực để đẩy nhanh quá trình CLCS xem xét các báo cáo về thềm lục địa ngoài 200 hải lý đã được đệ trình.

Giải quyết tranh chấp trên biển bằng biện pháp hòa bình

Thông qua việc tham dự và các phát biểu, thảo luận tại SPLOS-34, Việt Nam khẳng định là thành viên tích cực, có trách nhiệm của cộng đồng quốc tế, là một trong các nước đi đầu trong việc đề cao, tôn trọng và thực thi UNCLOS 1982; đóng góp vào nỗ lực chung của cộng đồng quốc tế trong quản trị và sử dụng bền vững biển và đại dương, giải quyết tranh chấp bằng biện pháp hòa bình, ứng phó với biến đổi khí hậu và thúc đẩy phát triển bền vững. Đó cũng chính là những nỗ lực xuyên suốt của Việt Nam kể từ khi tham gia Công ước.

Việt Nam là một quốc gia ven biển và có nhiều hoạt động trên biển, từ các hoạt động truyền thống như khai thác dầu khí, đánh bắt cá, hàng hải cho đến những hoạt động mới như phát triển năng lượng tái tạo, đặc biệt là điện gió ngoài khơi. Chiến lược biển Việt Nam 2018 đã xác định kinh tế biển, sử dụng bền vững biển là một trọng tâm lớn trong chiến lược phát triển của đất nước. Chính vì vậy, với ý nghĩa như nêu trên, UNCLOS 1982 có ý nghĩa rất lớn đối với môi trường hòa bình, ổn định cũng như phát triển lâu dài của Việt Nam.

Là một trong các nước đầu tiên ký thông qua UNCLOS 1982, cũng như phê chuẩn để Công ước có hiệu lực vào tháng 11-1994, Việt Nam đã từng bước hoàn thiện hệ thống pháp luật quốc gia, tiến hành xác định các vùng biển và phân định ranh giới biển với các nước láng giềng, quản lý và sử dụng biển.

Việt Nam luôn tích cực cùng với các nước khẳng định vai trò của UNCLOS 1982 với tư cách “Hiến pháp của đại dương” tại các diễn đàn quốc tế liên quan, từ Hội nghị của các quốc gia thành viên Công ước, thương lượng Nghị quyết của Đại hội đồng Liên hợp quốc về đại dương và Luật Biển, thảo luận mở của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc năm 2021 về an ninh biển, các hội nghị của Liên hợp quốc về phát triển bền vững biển và đại dương.

Việt Nam cũng đã tham gia vào các quy trình, cơ chế được thành lập theo UNCLOS 1982, như đệ trình Báo cáo về ranh giới thềm lục địa ngoài 200 hải lý lên Ủy ban Ranh giới thềm lục địa năm 2009; đề cử trọng tài viên, hòa giải viên cho các cơ chế giải quyết tranh chấp của UNCLOS 1982 vào năm 2020. Tháng 8-2022, ứng cử viên của Việt Nam trúng cử vào Ủy ban Pháp lý - Kỹ thuật thuộc Cơ quan Quyền lực đáy đại dương, đánh dấu lần đầu tiên có một nhà khoa học biển của Việt Nam tham gia vào một cơ quan của UNCLOS 1982.

Những năm gần đây, Việt Nam ngày càng chủ động hơn trong tiên phong đề cao luật pháp quốc tế nói chung và UNCLOS 1982 nói riêng. Tháng 10-2022, Việt Nam cùng với 15 nước khác giới thiệu sáng kiến về việc xin ý kiến tư vấn của Tòa án Công lý quốc tế để làm rõ trách nhiệm và nghĩa vụ của các nước về biến đổi khí hậu trên cơ sở các điều ước quốc tế liên quan, bao gồm cả UNCLOS 1982.

Trong bối cảnh tác động của biến đổi khí hậu ngày càng rõ rệt và nghiêm trọng đối với nhiều nước, trong đó có Việt Nam, việc thúc đẩy sáng kiến sẽ có ý nghĩa quan trọng, góp phần cùng cộng đồng quốc tế tăng cường ứng phó với biến đổi khí hậu, bao gồm thông qua việc sử dụng và quản lý biển và đại dương một cách bền vững.

Đáng chú ý, Việt Nam vào tháng 6-2021 đã khởi xướng thành lập Nhóm bạn bè UNCLOS, tạo diễn đàn để các nước trao đổi, thảo luận kinh nghiệm về áp dụng và giải thích Công ước trong quản lý và sử dụng biển, tìm kiếm và khuyến khích các cơ hội hợp tác, thúc đẩy hơn nữa các cam kết thực hiện Công ước trong Liên hợp quốc. Đến nay, Nhóm đã có gần 120 nước từ tất cả các khu vực địa lý, bao gồm cả các quốc gia phát triển, đang phát triển và các nước đảo nhỏ, để trao đổi cởi mở không chỉ vấn đề về biển và đại dương mà còn các vấn đề quan tâm chung khác, qua đó đóng góp chung vào việc thực hiện đầy đủ UNCLOS 1982 trên khắp các đại dương.

Nguồn ANTĐ: https://anninhthudo.vn/viet-nam-la-thanh-vien-tich-cuc-co-trach-nhiem-cua-unclos-1982-post579616.antd