Việt Nam là thị trường tiềm năng của trái cây Nhật Bản
Sáng 17/1, tại TP.HCM, Hội đồng xúc tiến xuất khẩu rau quả Nhật Bản (J-FEC) tổ chức giới thiệu, quảng bá các loại trái cây được phép nhập khẩu vào Việt Nam và bộ tem nhãn nhận diện chống hàng giả.
Đại diện J-FEC cho biết, hiện nay chỉ có 3 loại trái cây Nhật Bản được phép nhập khẩu chính ngạch từ quốc gia này vào Việt Nam, gồm: táo, lê và quýt. Do sự kiểm soát nghiêm ngặt về chất lượng, trái cây Nhật Bản thường có giá thành cao hơn so với các loại trái cây khác trên thị trường nhưng vẫn được nhiều người tiêu dùng Việt ưa chuộng, lựa chọn làm quà tặng.
Ông Seiki Furudate, Phó Tổng lãnh sự Nhật Bản tại TP.HCM cho rằng, trái cây Nhật Bản là thành quả của sự kết hợp giữa khí hậu và kỹ thuật canh tác, bí quyết độc đáo của người nông dân xứ sở “mặt trời mọc” đã tạo nên những loại trái cây ngon, an toàn.
“Trong khu vực ASEAN như Singapore thì thu nhập của người dân nước này cao hơn người Việt Nam. Nhưng thực tế nhiều người Việt Nam mua trái cây của Nhật Bản hơn, dù giá trái cây khá cao. Như vậy, tôi nghĩ rằng Việt Nam là thị trường rất tiềm năng. Bởi dân số của Việt Nam cao và nhu cầu về sản phẩm ngon, chất lượng cao, an toàn của Việt Nam cũng rất cao” - ông Seiki Furudate nhấn mạnh.
Ông Nguyễn Xuân Hải, Giám đốc Công ty CP thương mại và đầu tư Klever - đối tác của J-FEC cho biết, nhu cầu “sính ngoại” của người tiêu dùng Việt khá cao, nhưng lượng trái cây Nhật Bản được nhập khẩu vào nước ta không nhiều. Thực tế này, rất dễ xảy ra gian lận thương mại, dán mác giả xuất xứ để tuồn trái cây không rõ nguồn gốc ra thị trường.
Theo ông Hải: “Sản lượng trái cây Nhật Bản nhập về Việt Nam không bao giờ là nhiều, được phân phối chứ không phải muốn bao nhiêu là nhập được bấy nhiêu. Mỗi năm họ sẽ có một Quota phân phối các thị trường khác nhau. Sự kiện hôm nay phía Nhật Bản đã giới thiệu về logo tem nhãn trái cây của họ. Đây là một trong những bước đầu tiên mà Chính phủ Nhật Bản cũng như JETRO (Tổ chức xúc tiến thương mại Nhật Bản) bắt đầu nâng cao nhận thức cho thị trường Việt Nam”.