Việt Nam là thị trường tiềm năng với các doanh nghiệp phát triển bất động sản quốc tế
Bộ trưởng Bộ Thương mại quốc tế và Công nghiệp Malaysia (MITI) Mohamed Azmin Ali khẳng định, Malaysia xem Việt Nam như một nơi thu hút để đầu tư bởi vì hai nước có sự tương đồng về văn hóa cũng như đặc điểm về địa lý. Đồng thời, thị trường Việt Nam là thị trường vô cùng tiềm năng cho việc phát triển bất động sản với rất nhiều doanh nghiệp phát triển bất động sản Malaysia và quốc tế.
Malaysia xem Việt Nam là nơi thu hút để đầu tư lớn
Nhân dịp Thủ tướng Malaysia Dato’ Sri Ismail Sabri bin Yaakob có chuyến thăm chính thức Việt Nam từ ngày 20 – 21/3, Bộ trưởng Bộ Thương mại quốc tế và Công nghiệp Malaysia (MITI) Mohamed Azmin Ali đã có những chia sẻ bên lề về mối quan hệ hợp tác kinh tế giữa Malaysia và Việt Nam với báo chí.
Theo đó, Bộ trưởng Bộ Thương mại quốc tế và Công nghiệp Malaysia khẳng định, chuyến viếng thăm này là thời điểm hợp lý, vì năm 2023 sẽ là năm kỷ niệm 50 năm quan hệ hợp tác giữa Malaysia và Việt Nam. Đồng thời, ông Mohamed Azmin Ali nhấn mạnh, chuyến viếng thăm này là một cơ hội để lãnh đạo Malaysia hiểu hơn về Việt Nam, đặc biệt là sau buổi trò chuyện thân mật với Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên.
Ông Mohamed Azmin Ali cho biết, trong hai năm vừa qua, sự ảnh hưởng của đại dịch COVID -19, đặc biệt là biến chủng Omicron đã gây ra rất nhiều khó khăn và thách thức cho nền kinh tế và mọi mặt đời sống xã hội của cả hai nước. Tuy nhiên, có thể thấy rằng mặc dù gặp phải nhiều trở ngại vì dịch bệnh, nhưng cả Việt Nam và Malaysia đều giữ được sự tăng trưởng kinh tế khá ổn định. Lãnh đạo hai nước cũng đã có những chia sẻ, trao đổi về các kinh nghiệm trong việc đối mặt với đại dịch, bởi Malaysia xem Việt Nam như một nơi thu hút để đầu tư lớn, vì hai nước có sự tương đồng về văn hóa cũng như đặc điểm về địa lý.
Hiện tại, Malaysia có 98 % người trưởng thành đã tiêm vắc xin và sắp tới nước này sẽ tiến tới mở rộng tiêm chủng cho những người trẻ hơn, đồng thời tiến hành tiêm thêm những mũi bổ sung để sẵn sàng mở cửa. Bởi, Việt Nam đã mở cửa nền kinh tế vào tháng 3, thì dự kiến ở Malaysia sẽ mở cửa vào tháng 4. Đồng thời, để đảm bảo công tác phòng dịch tốt, nếu như Việt Nam có chứng nhận tiêm chủng vắc xin thông qua ứng dụng PC COVID, thì Malaysia sẽ ứng dụng công nghệ để tiện cho việc di chuyển giữa hai nước, điều này sẽ tác động lớn tới nền du lịch và việc giao thương giữa hai nước.
Đồng thời, Bộ trưởng Bộ Thương mại quốc tế và Công nghiệp Malaysia cho biết, tại cuộc trao đổi với Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên, hai bên đã có sự trao đổi về vấn đề xăng dầu đang được quan tâm tại Việt Nam. Trong đó, Malaysia có thể cung cấp nguồn xăng dầu cho Việt Nam, điển hình là việc công ty xăng dầu lớn nhất tại Malaysia là Petronas có thể cung cấp ngay lập tức cho Việt Nam 30.000 thùng dầu.
Tuy nhiên, về lâu dài thì hai bên sẽ phải bàn bạc và thỏa thuận kỹ càng hơn giữa Petronas và công ty có thẩm quyền tại Việt Nam về vấn đề này. “Malaysia thực sự hy vọng về các mục tiêu phát triển kinh tế trong năm 2025 và tương lai của sự hợp tác giữa Việt Nam và Malaysia để thực hiện những mục tiêu này sớm nhất”, ông Mohamed Azmin Ali nói.
Việt Nam là thị trường BĐS tiềm năng của doanh nghiệp phát triển BĐS quốc tế
Cũng tại cuộc trao đổi với báo chí, Tổng Giám đốc Gamuda Land Việt Nam Dennis Ng đã đưa ra những nhận định sâu sắc về tiềm năng phát triển của thị trường bất động sản (BĐS) Việt Nam. Theo ông Dennis Ng, thị trường Việt Nam là thị trường vô cùng tiềm năng cho việc phát triển BĐS với rất nhiều doanh nghiệp phát triển BĐS quốc tế.
“Ngoài Việt Nam, Gamuda còn đầu tư ở rất nhiều thị trường như Singapore, Úc,… và các thị trường khác nữa. Tuy nhiên, tôi đánh giá rất cao thị trường BĐS Việt Nam và mong muốn hợp tác lâu dài ở thị trường này. Và tôi cho rằng, đây cũng chính là suy nghĩ của nhiều doanh nghiệp BĐS khác của Malaysia đối với thị trường BĐS Việt Nam”, ông Dennis nói.
Theo ông Dennis Ng, Việt Nam có 3 yếu tố thu hút sự đầu tư của các doanh nghiệp BĐS quốc tế: Đầu tiên là sự ổn định của nền chính trị; thứ hai là sự phát triển vùng kinh tế; thứ 3 là sự quy hoạch tổng thể trong vấn đề hạ tầng, khu đô thị.
Đối với riêng các doanh nghiệp BĐS Malaysia, vị chuyên gia BĐS này cho rằng, sự tương đồng giữa văn hóa, địa lý và môi trường kinh tế giữa Việt Nam và Malaysia sẽ đặc biệt tạo điều kiện thuận lợi cho sự đầu tư của các doanh nghiệp BĐS Malaysia vào Việt Nam.
Ông Dennis Ng cũng nhấn mạnh rằng, quá trình đô thị hóa nhanh chóng và phát triển ở Việt Nam đã tạo ra nguồn cầu to lớn về nhà ở và BĐS. Đồng thời, tỷ lệ đô thị hóa năm 2021 của Việt Nam ước đạt 40,4% cũng tạo ra cơ hội đầu tư to lớn cho không chỉ các nhà phát triển BĐS Việt Nam, mà còn là cơ hội cho các nhà phát triển BĐS quốc tế, trong đó có Malaysia.
“Thực tế cho thấy, ngay khi Việt Nam mở cửa trở lại nền kinh tế sau thời gian dài phòng, chống dịch COVID -19, thị trường BĐS Việt Nam có sự sôi động thấy rõ, tạo ra những động lực phát triển to lớn cho các doanh nghiệp BĐS tại Việt nam và quốc tế”, Tổng Giám đốc Gamuda Land Việt Nam chia sẻ.