Việt Nam làm chủ công nghệ sản xuất phụ tùng, cạnh tranh với Đài Loan, Trung Quốc

Với việc nghiên cứu thành công công nghệ chế tạo một số sản phẩm điển hình từ hợp kim nhôm và hợp kim kẽm thuộc Chương trình đổi mới công nghệ quốc gia của Bộ Khoa học và Công nghệ (KH&CN), doanh nghiệp đã tăng doanh thu lên đến 35 - 40%, đồng thời giúp Việt Nam cạnh tranh với các sản phẩm phụ tùng nhập khẩu từ Trung Quốc, Đài Loan, hướng đến cung cấp sản phẩm cho những doanh nghiệp Hàn Quốc, Nhật Bản.

Mới đây, khi chia sẻ về một số kết quả nổi bật trong Chương trình khoa học và công nghệ quốc gia đối với lĩnh vực cơ khí - tự động hóa được Bộ KH&CN triển khai từ năm 2013, ông Nguyễn Sỹ Đăng - Phó Giám đốc Văn phòng Các chương trình KH&CN quốc gia đã nhắc đến Dự án “Nghiên cứu đổi mới công nghệ chế tạo một số sản phẩm điển hình từ hợp kim nhôm và hợp kim kẽm nhằm nâng cao chất lượng, đáp ứng nhu cầu trong nước, tham gia thị trường quốc tế” được đánh giá cao về chất lượng và hiệu quả, thực hiện bởi Công ty TNHH Sản xuất phụ tùng ô tô xe máy Hưng Yên.

Trước đây, các doanh nghiệp lâu năm trong lĩnh vực sản xuất phụ tùng ô tô xe máy, đa số vẫn chưa sản xuất được những sản phẩm hoàn chỉnh để cung ứng ra thị trường. Mỗi năm, doanh nghiệp phải nhập một số lượng không nhỏ các sản phẩm từ Đài Loan, Trung Quốc. Do đó các doanh nghiệp thường mất hàng tháng để hoàn thiện đơn hàng cho khách. Tuy nhiên, sau dự án này, doanh nghiệp đã sản xuất thành công một số sản phẩm cuối ra thị trường từ hợp kim nhôm và kẽm, trong đó có thể kể đến bộ cánh tản nhiệt trên ô tô, thời gian giao hàng có thể diễn ra trong ngày vì doanh nghiệp chủ động được nguồn sản phẩm.

“Hiện tại, so về chi phí sản xuất thì các công ty Trung Quốc có chi phí thấp hơn, tuy nhiên khi mặt hàng của họ về Việt Nam sẽ phải chịu mức thuế 10%. Đây là một ưu điểm cạnh tranh về giá thành. Thứ hai, khi khách hàng mua sản phẩm từ Trung Quốc thì sẽ tốn rất nhiều thời gian vận chuyển, việc đổi trả khó khăn. Khi sử dụng sản phẩm từ doanh nghiệp Việt cung cấp, họ hài lòng về chất lượng và tiết kiệm thời gian, chi phí vận chuyển hơn rất nhiều”, bà Nguyễn Chi - Giám đốc kinh doanh Công ty TNHH Sản xuất phụ tùng ô tô xe máy Hưng Yên cho biết.

Bà Nguyễn Chi cũng chia sẻ: “Kể từ khi công ty thực hiện thành công dự án đổi mới và hoàn thiện chuỗi công nghệ chế tạo các chi tiết điển hình từ hợp kim kẽm, hợp kim nhôm, chúng tôi đã có những bước tiến nhảy vọt, nhất là về doanh thu. Dự kiến doanh thu tăng từ 35 - 40%, một con số tương đối ấn tượng cho mọi doanh nghiệp”. Hiện tại, công ty cũng đang bắt đầu sản xuất bộ li hợp xe máy cho Honda từ tháng 10/2019. Ngoài ra việc triển khai hợp tác với Panasonic đang có nhiều tín hiệu khả quan.

“Chỉ trong thời gian ngắn có thể thấy rất rõ nét sự thay đổi về khoa học kỹ thuật của doanh nghiệp. Các kĩ sư được bắt tay vào nghiên cứu, làm việc thực tế. Hiện nay họ tự tin tham gia vào các khóa trao đổi, đào tạo trong và ngoài nước, trong đó có Nhật Bản. Từ sự thành công của dự án này, các kỹ sư của công ty đã bắt tay ngay vào thực hiện các dự án đổi mới kỹ thuật tiếp theo” - ông Nguyễn Sỹ Đăng chia sẻ về tác động của dự án đối với doanh nghiệp.

Ông Đăng cũng cho biết, trong khuôn khổ các chương trình khoa học và công nghệ quốc gia, nhiều doanh nghiệp cũng đang có những hoạt động tích cực trong lĩnh vực cơ khí – chế tạo ô tô, xe máy như Công ty CP Ô tô Trường Hải với nhiệm vụ “Tự động hóa quá trình sản xuất nhíp ô tô tiến tới xây dựng nhà máy thông minh (Smart factory)”, Công ty CP Công nghệ Đức Trung với nhiệm vụ “Nghiên cứu hoàn thiện thiết kế và đổi mới công nghệ chế tạo đồ gá hàn khung đầu và sườn xe ô tô con”;…

Có thể nhận thấy, trong giai đoạn 2021 - 2030, Chính phủ sẽ tiếp tục có nhiều chính sách hỗ trợ phát triển các doanh nghiệp trong lĩnh vực cơ khí - tự động hóa để có nhiều doanh nghiệp đạt được bước tiến nhanh chóng, cũng như đem lại những đóng góp lớn lao cho kinh tế - xã hội nước nhà giai đoạn mới, đặc biệt là thông qua đổi mới công nghệ và ứng dụng công nghệ cao.

Thứ trưởng Bộ KH&CN Trần Văn Tùng đã nhận định về kết quả, tác động của các nhiệm vụ trong các Chương trình KH&CN quốc gia đối với lĩnh vực cơ khí - tự động tại hội thảo “Nâng cao năng lực công nghệ và hiệu quả sản xuất của các doanh nghiệp cơ khí - tự động hóa”, tổ chức tại Hà Nội vừa qua như sau: “Thông qua sự hỗ trợ của các chương trình KH&CN quốc gia, doanh nghiệp trong nước đã làm chủ công nghệ thiết kế, sản xuất các thiết bị siêu trường, siêu trọng, động cơ, phụ tùng ô tô; sản xuất robot nhiều bậc tự do; sản xuất thiết bị phụ trợ cho các hãng cơ khí, điện tử hàng đầu thế giới như LG, Samsung, NEC… cũng như hỗ trợ các nhà sáng chế không chuyên hoàn thiện, thương mại hóa các kết quả sáng tạo của mình; mang lại hiệu quả kinh tế cao cho doanh nghiệp và cho toàn xã hội.”

Từ đây, người dùng có thể được chọn lựa nhiều hơn những hàng hóa từ các thương hiệu Việt, cũng như đón chờ các sản phẩm công nghệ chất lượng “Made in Vietnam” trên thị trường quốc tế.

Dự án “Nghiên cứu đổi mới công nghệ chế tạo một số sản phẩm điển hình từ hợp kim nhôm và hợp kim kẽm nhằm nâng cao chất lượng, đáp ứng nhu cầu trong nước, tham gia thị trường quốc tế” thuộc Chương trình Đổi mới công nghệ quốc gia do Văn phòng các Chương trình khoa học và công nghệ quốc gia, Bộ Khoa học và Công nghệ quản lý. Xem thêm tại: http://vpctqg.gov.vn/

Các Chương trình khoa học và công nghệ quốc gia được triển khai với mục tiêu tập trung các nguồn lực đầu tư có trọng tâm, trọng điểm, lấy doanh nghiệp làm trung tâm hỗ trợ nghiên cứu, làm chủ, ứng dụng hiệu quả các công nghệ cao và tiên tiến trên thế giới. Các nghiên cứu góp phần phát triển kinh tế - xã hội, nâng cao năng suất, chất lượng và năng lực cạnh tranh của sản phẩm, dịch vụ, hàng hóa trong quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế của đất nước.

Nguồn Công Thương: https://congthuong.vn/viet-nam-lam-chu-cong-nghe-san-xuat-phu-tung-canh-tranh-voi-dai-loan-trung-quoc-129979.html