Việt Nam làm chủ công nghệ sinh học trong lai tạo giống cây trồng

Ngày 8/8, Trung tâm Thông tin và Thống kê Khoa học và Công nghệ Thành phố Hồ Chí Minh (CESTI) , Sở Khoa học và Công nghệ Thành phố Hồ Chí Minh tổ chức hội thảo 'Công nghệ sinh học phục vụ công tác tạo giống cây trồng'.

Chuyên gia giới thiệu các công nghệ hiện có tại Việt Nam

Chuyên gia giới thiệu các công nghệ hiện có tại Việt Nam

Tại hội thảo, các chuyên gia cho biết, tính đến tháng 7/2024, có 43.242 sáng chế ứng dụng công nghệ sinh học phục vụ công tác tạo giống cây trồng đã đăng ký bảo hộ trên thế giới, theo nguồn dữ liệu WIPS Global.

Trong giai đoạn 2010-2023, xu hướng nghiên cứu phổ biến trên thế giới là sử dụng kỹ thuật chỉ thị phân tử (922 sáng chế).

Đây là kỹ thuật có số lượng nghiên cứu nhiều nhất và có tốc độ tăng trưởng cao giai đoạn 2018-2023 (tăng 8%).

Ngược lại, các nghiên cứu sử dụng kỹ thuật nuôi cấy mô đang có xu hướng giảm từ 2018, tốc độ tăng trưởng âm giai đoạn 2018-2023.

Bắt kịp xu hướng chung, tại Việt Nam, chỉ thị phân tử đã dần được ứng dụng rộng rãi trong chọn tạo giống cây trồng và được ứng dụng hầu hết trong quá trình tạo giống ở các mức độ khác nhau.

Nhiều đơn vị đến nay đã từng bước làm chủ công nghệ, nâng lên một bước đáng kể về nhận lực, trang thiết bị công nghệ.

Theo Giáo sư, Tiến sĩ Lê Huy Hàm, Chủ nhiệm Chương trình trọng điểm Phát triển nghiên cứu và ứng dụng công nghệ sinh học quốc gia 2021-2030, công nghệ sinh học Việt Nam đã tiến lên một bước mới kể từ năm 2006.

Quang cảnh hội thảo.

Quang cảnh hội thảo.

Nguồn lực, con người, cơ sở hạ tầng, nền tảng công nghệ… đều được tăng cường. Các công nghệ cao đang được tiếp thu và ứng dụng rộng rãi ở khắp mọi miền của đất nước và đang được ứng dụng trong sản xuất.

Theo cơ sở dữ liệu WIPO Publish (Cục Sở hữu trí tuệ), có 197 sáng chế, giải pháp hữu ích đề cập đến công nghệ sinh học phục vụ công tác tạo giống cây trồng đã được đăng ký bảo hộ tại Việt Nam.

Tuy nhiên, theo Giáo sư, Tiến sĩ Lê Huy Hàm, vẫn còn tồn tại một số nghiên cứu chưa tạo ra được kết quả ứng dụng thực tiễn, hoặc đã được phê duyệt nhưng không ứng dụng được trong môi trường thực tế.

Nhiều đề tài cần sử dụng công nghệ càng cao để thực hiện, dẫn đến thực tiễn không thể đáp ứng, và kết quả mang lại không được như kỳ vọng.

Vì vậy, đây chính là kinh nghiệm quan trọng cho các nhà quản lý, nhà khoa học trong việc lựa chọn hướng nghiên cứu, cần tính toán khả năng kỹ thuật, công nghệ và cơ chế của hệ thống quản lý để có định hướng phù hợp hơn.

NGUYỄN AN

Nguồn Nhân Dân: https://nhandan.vn/viet-nam-lam-chu-cong-nghe-sinh-hoc-trong-lai-tao-giong-cay-trong-post823360.html