Việt Nam làm chủ kỹ thuật, giữ gìn an toàn thi hài Bác trong nhiều năm nữa
Cách đây tròn 50 năm, khi nước nhà thống nhất, Bắc - Nam sum họp một nhà thì 4 tháng sau đó, ngày 29/8/1975, sau 2 năm xây dựng, Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh được khánh thành.
50 năm qua, cán bộ, nhân viên, chiến sĩ Bộ Tư lệnh Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh đã vượt qua khó khăn, thử thách, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ chính trị đặc biệt là giữ gìn lâu dài, bảo vệ tuyệt đối an toàn thi hài Chủ tịch Hồ Chí Minh và phát huy ý nghĩa chính trị, văn hóa Công trình Lăng.
Trả lời phỏng vấn phóng viên VOV, Thiếu tướng Phạm Văn Hiếu, Bí thư Đảng ủy Đoàn 969, Chính ủy Bộ Tư lệnh Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh khẳng định: “Qua 50 năm xây dựng, phấn đấu và trưởng thành của Bộ Tư lệnh Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh, chúng tôi tự hào rằng, với những kỹ thuật mà Việt Nam đã làm chủ, đơn vị hoàn toàn có thể thực hiện xuất sắc nhiệm vụ giữ gìn thi hài Chủ tịch Hồ Chí Minh tuyệt đối an toàn trong nhiều năm nữa”.
Nhiệm vụ giữ gìn thi hài Bác và 4 dấu mốc quan trọng
PV: 50 năm qua, cán bộ, nhân viên, chiến sĩ Bộ Tư lệnh Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh đã vượt qua biết bao khó khăn, thử thách, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ chính trị đặc biệt. Những dấu mốc quan trọng nào cho thấy điều đó, thưa đồng chí?
Thiếu tướng Phạm Văn Hiếu: Bộ Tư lệnh Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh vinh dự được Đảng, Nhà nước, quân đội, nhân dân giao cho thực hiện nhiệm vụ chính trị đặc biệt: Giữ gìn lâu dài, bảo vệ tuyệt đối an toàn thi hài Chủ tịch Hồ Chí Minh và phát huy ý nghĩa chính trị, văn hóa Công trình Lăng. Để xứng đáng với niềm tin yêu đó, các thế hệ cán bộ, nhân viên, chiến sĩ Bộ Tư lệnh Lăng luôn giữ vững và phát huy truyền thống “Trung hiếu vẹn toàn, đoàn kết hiệp đồng, tự lực tự cường, chủ động sáng tạo”, khắc phục khó khăn, quyết tâm hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ chính trị đặc biệt được giao. Trong đó nhiệm vụ y tế và kỹ thuật đóng vai trò đặc biệt quan trọng thể hiện qua những dấu mốc quan trọng sau.
Giai đoạn từ năm 1969 - 1975, đất nước bước vào chiến tranh khốc liệt, thiếu thốn về người và vật chất, nhiệm vụ giữ gìn thi hài là một lĩnh vực khoa học sâu, hẹp, chưa từng có tiền lệ ở nước ta, chưa kể đến nước ta là nước khí hậu nhiệt đới ẩm, thời tiết vô cùng khắc nghiệt. Đứng trước những thách thức lớn, được sự giúp đỡ của Liên Xô, ta đã nỗ lực vươn lên, quyết tâm hoàn thành tốt nhất nhiệm vụ được giao. Dấu mốc đầu tiên đánh dấu tinh thần khắc phục khó khăn của ta phải kể đến 6 lần di chuyển thi hài Bác về nơi an toàn.

Thiếu tướng Phạm Văn Hiếu, Bí thư Đảng ủy Đoàn 969, Chính ủy Bộ Tư lệnh Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh.
Dấu mốc thứ hai là từ ngày đón Bác về yên nghỉ tại Lăng, ngày 18/7/1975. Trong điều kiện không gian rộng, thiết bị kỹ thuật nhiều, hiện đại, công tác bảo đảm thông số, bảo đảm an ninh, đón tiếp đặt ra yêu cầu cao. Đây là một dấu mốc khởi đầu của công tác quản lý, vận hành hệ thống thiết bị kỹ thuật Công trình bảo đảm thông số theo đúng yêu cầu phục vụ công tác y tế và lễ viếng Bác, đơn vị đã nỗ lực phấn đấu vươn lên, nâng cao tinh thần tự lực tự cường, vừa làm vừa nghiên cứu học tập.
Trong suốt giai đoạn từ năm 1975 - 1991, Chính phủ Liên Xô viện trợ thiết bị kỹ thuật, vật tư, phụ tùng thay thế cho tất cả các hệ thống thiết bị, kiến trúc công trình. Ở giai đoạn này, cán bộ, công nhân kỹ thuật dưới sự hướng dẫn của chuyên gia Liên Xô, nhất là các dịp tu bổ định kỳ hằng năm đã tập trung nghiên cứu nắm bắt thiết bị hiện có để khai thác vận hành an toàn, bảo đảm tốt thông số; duy trì nghiêm chế độ bảo quản, bảo dưỡng định kỳ nhằm nâng tuổi thọ thiết bị, kiến trúc Công trình.
Dấu mốc thứ ba là từ năm 1991, sau khi Cộng hòa Liên bang Xô viết tan rã, đơn vị bước vào giai đoạn đầy gian nan thử thách khi không còn nhận được giúp đỡ từ phía bạn về nhiệm vụ giữ gìn thi hài Chủ tịch Hồ Chí Minh và nguồn viện trợ về vật tư kỹ thuật. Việc quản lý vận hành, bảo dưỡng, sửa chữa hệ thống thiết bị, kiến trúc Công trình do đơn vị tự chủ đảm nhiệm. Giai đoạn này đã khẳng định bước trưởng thành vượt bậc của đơn vị về trình độ chuyên môn nghiệp vụ, năng lực tổ chức thực hiện nhiệm vụ; từng bước vươn lên làm chủ khoa học công nghệ, làm chủ hệ thống thiết bị kỹ thuật Công trình Lăng, đáp ứng tốt nhiệm vụ giữ gìn lâu dài, bảo vệ tuyệt đối an toàn thi hài Chủ tịch Hồ Chí Minh.
Trong công tác y tế, trên cơ sở phát huy tinh thần độc lập, tự chủ, tự lực, tự cường, đơn vị phải tự chủ trong vấn đề pha chế, phân tích; từ đó có thể tự bảo đảm dung dịch bảo quản phục vụ nhiệm vụ giữ gìn thi hài Bác. Năm 2004, đơn vị đã pha chế thành công dung dịch đặc biệt đầu tiên tại Việt Nam. Từ chỗ các nhà khoa học y tế Liên bang Nga giữ vai trò chủ đạo trong làm thuốc thường xuyên và làm thuốc lớn đối với thi hài Chủ tịch Hồ Chí Minh, cán bộ, bác sĩ của Việt Nam đã từng bước làm chủ được nhiệm vụ làm thuốc thường xuyên và làm thuốc lớn. Đó là một thành công lớn thể hiện bản lĩnh, trí tuệ, tinh thần độc lập, tự chủ, sáng tạo của Việt Nam trước bước ngoặt của lịch sử.
Dấu mốc thứ tư là từ năm 2009, Bộ Tư lệnh Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh bắt đầu triển khai thực hiện Đề án 2341, được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt và Nghị quyết số 122 của Thường vụ Quân ủy Trung ương về “Lãnh đạo nhiệm vụ giữ gìn lâu dài, bảo vệ tuyệt đối an toàn thi hài Chủ tịch Hồ Chí Minh và phát huy ý nghĩa chính trị, văn hóa của công trình Lăng trong giai đoạn mới”. Trong giai đoạn này, đơn vị đã tổ chức triển khai thực hiện nhiều nhiệm vụ quan trọng như: Xây dựng nhà máy sản xuất bộ quần áo đặc biệt; cải tạo, thay thế, đổi mới hệ thống điều hòa, máy lạnh công trình Lăng... Những nhiệm vụ này sau khi hoàn thành đưa vào vận hành, khai thác đã góp phần bảo đảm tốt hơn công tác quản lý vận hành Công trình, góp phần hoàn thành nhiệm vụ chính trị đặc biệt của đơn vị.

Người dân vào Lăng viếng Bác. Ảnh Trọng Phú
Trong năm 2021, cả thế giới phải đối mặt với căn bệnh dịch Covid-19. Trong 2 năm ảnh hưởng bởi dịch bệnh, các chuyên gia y tế của Liên bang Nga không có mặt tại Việt Nam nhưng đơn vị vẫn hoàn thành nhiệm vụ một cách xuất sắc.
Năm 2022, đơn vị đã tổng kết 30 năm hợp tác trực tiếp với Viện Nghiên cứu khoa học dược liệu, tinh dầu Liên Bang Nga về giữ gìn lâu dài, bảo vệ tuyệt đối an toàn thi hài Chủ tịch Hồ Chí Minh (1992 - 2022) và đi đến kết luận: Thi hài Chủ tịch Hồ Chí Minh được giữ gìn, bảo vệ an toàn tuyệt đối. Kiểm tra, đánh giá trạng thái thi hài Chủ tịch Hồ Chí Minh sau 30, 35, 40 và 50 năm giữ gìn và phục vụ thăm viếng của Hội đồng Khoa học Y tế cấp Nhà nước Việt - Nga cũng khẳng định: Thi hài Chủ tịch hồ Chí Minh đang được giữ gìn rất tốt.
Đó là một thành công lớn, thể hiện bản lĩnh, trí tuệ, tinh thần độc lập, tự chủ, sáng tạo của Việt Nam trước bước ngoặt của lịch sử. Và chúng tôi tự hào rằng, với những kỹ thuật mà Việt Nam đã làm chủ, đơn vị hoàn toàn có thể thực hiện xuất sắc nhiệm vụ giữ gìn thi hài Chủ tịch Hồ Chí Minh tuyệt đối an toàn trong nhiều năm nữa.
PV: Xin đồng chí cho biết ý nghĩa chính trị, văn hóa của việc giữ gìn lâu dài thi hài Chủ tịch Hồ Chí Minh cũng như giữ gìn Công trình Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh?
Thiếu tướng Phạm Văn Hiếu: Chủ tịch Hồ Chí Minh là hiện thân cho cốt cách dân tộc, là tấm gương hy sinh quên mình cả cuộc đời vì dân, vì nước; tư tưởng, đạo đức, tác phong của Người luôn cổ vũ động viên các thế hệ người Việt Nam vững bước đi theo con đường mà Đảng và Người đã lựa chọn. Giữ gìn lâu dài thi hài Chủ tịch Hồ Chí Minh và xây dựng Lăng của Người là góp phần giữ gìn tư tưởng, đạo đức, sự nghiệp cách mạng của Chủ tịch Hồ Chí Minh, đồng thời là giữ gìn một di sản vô giá của dân tộc và toàn nhân loại. Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh sẽ mãi mãi trường tồn cùng với dân tộc và là nơi hội tụ tình cảm, niềm tin của nhân dân Việt Nam và bầu bạn quốc tế. Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh là một địa chỉ đỏ thiêng liêng, với những giá trị lịch sử, chính trị, văn hóa để giáo dục, hun đúc truyền thống cách mạng cho mọi thế hệ người Việt Nam hôm nay và mai sau.
Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh là công trình của “Lòng dân - ý Đảng”, của tinh thần đoàn kết toàn dân tộc, hơn hết đó còn là biểu tượng của lòng kính yêu và tri ân Bác, biểu tượng của niềm tin như núi lớn không gì lay chuyển của nhân dân ta đối với tư tưởng và đường lối Hồ Chí Minh cùng Đảng Cộng sản Việt Nam quang vinh do Người lãnh đạo, xây dựng. Chủ tịch Quốc hội Trường Chinh đã phát biểu tại Lễ khánh thành Lăng: “Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh là một công trình kiến trúc có ý nghĩa chính trị và tư tưởng to lớn, thể hiện tình cảm sâu sắc của đồng bào ta đối với Bác Hồ kính yêu. Đây là nơi nhân dân Việt Nam, từ thế hệ này đến thế hệ khác sẽ đến chiêm ngưỡng để tỏ lòng biết ơn Hồ Chủ tịch, quyết tâm đi theo con đường cách mạng của Người; xây dựng một nước Việt Nam hòa bình, thống nhất, độc lập, dân chủ và giàu mạnh”. Đây còn là nơi tổ chức hàng ngàn hoạt động quan trọng của Đảng, Nhà nước; các buổi mít tinh, diễu binh, diễu hành mừng các ngày lễ lớn của dân tộc; các sinh hoạt chính trị, văn hóa, nghệ thuật, giáo dục tư tưởng của các tổ chức chính trị, đoàn thể xã hội,… nhằm giáo dục truyền thống yêu nước, “Uống nước nhớ nguồn”...
Có thể nói, Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh là đại công trình mang ý nghĩa chính trị, lịch sử, văn hóa đặc biệt quan trọng đối với sự nghiệp cách mạng của Đảng, Nhà nước và nhân dân ta. Là hình ảnh thiêng liêng, biểu tượng hội tụ những tinh hoa về đạo đức, văn hóa, nhân cách Hồ Chí Minh và truyền thống dân tộc, có giá trị thiết thực đối với việc giáo dục đạo đức, lối sống, nhân cách cho mỗi người dân Việt Nam. Đồng thời là cầu nối về văn hóa và tình hữu nghị giữa dân tộc ta với bạn bè quốc tế.
PV: Thưa đồng chí, trong suốt 55 năm qua, cán bộ, nhân viên, chiến sĩ Bộ Tư lệnh Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh đã giữ gìn và bảo vệ tuyệt đối an toàn thi hài của Người. Đồng chí đánh giá như thế nào về sự đóng góp của Viện 69 vào thắng lợi chung đó?
Thiếu tướng Phạm Văn Hiếu: Nhiệm vụ nghiên cứu khoa học giữ gìn thi hài Bác được trực tiếp giao cho Viện 69 đảm nhiệm. Suốt 55 năm qua, các lớp thế hệ cán bộ, nhân viên, chiến sĩ Viện 69 thực hiện một nhiệm vụ đặc biệt mà thế giới rất ít nơi làm được. Trên hết họ đang đảm nhiệm một sứ mệnh thiêng liêng của Tổ quốc - Gìn giữ trái tim, linh hồn cho cả dân tộc Việt Nam hôm nay và mai sau.
Từ năm 1969 - 1991, đơn vị nhận được sự giúp đỡ toàn diện trong thực hiện nhiệm vụ giữ gìn lâu dài thi hài Bác từ Đảng và Nhà nước Liên Xô. Bước vào thập niên 90 của thế kỷ XX, tình hình quốc tế và trong nước có những thay đổi lớn, Viện 69 bước vào giai đoạn đầy gian nan thử thách thực hiện nhiệm vụ trong điều kiện không còn có sự hỗ trợ, giúp đỡ của Nhà nước Liên Xô, đặc biệt là không có chuyên gia y tế thường xuyên thực hiện nhiệm vụ giữ gìn thi hài Chủ tịch Hồ Chí Minh.

Viện 69 thực hiện các nội dung hợp tác với chuyên gia Liên Bang Nga.
Năm 1992, Hiệp định Việt Nam - Liên Xô không còn hiệu lực. Được sự đồng ý của Chính phủ hai nước, Viện 69 và Viện Nghiên cứu khoa học dược liệu và tinh dầu Liên bang Nga đã chuyển sang cơ chế hợp tác trực tiếp. Viện 69 chủ động phối hợp, triển khai toàn diện, hiệu quả các nội dung hợp tác mà Ban Quản lý Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh đã ký kết với Viện Nghiên cứu khoa học dược liệu và tinh dầu Liên bang Nga trong xây dựng, phát triển năng lực khoa học công nghệ, trang bị kỹ thuật... Qua đó đào tạo, bồi dưỡng được đội ngũ cán bộ, nhân viên y tế có trình độ chuyên môn cao, nắm vững khoa học kỹ thuật công nghệ, tự chủ trong việc làm thuốc, bảo đảm thi hài của Bác luôn ở trạng thái tốt nhất. Cán bộ, nhân viên y tế phải thường xuyên trau dồi kiến thức, đặc biệt là tích cực nghiên cứu các nguồn tài liệu nước ngoài, nhất là của Liên bang Nga; nắm chắc các quy luật để tìm ra những phương pháp tối ưu nhất cho công tác giữ gìn lâu dài thi hài Chủ tịch Hồ Chí Minh. Viện 69 đã khẳng định khả năng từng bước vươn lên làm chủ vững chắc tiến tới làm chủ hoàn toàn nhiệm vụ giữ gìn lâu dài, bảo vệ tuyệt đối an toàn thi hài Chủ tịch Hồ Chí Minh.
Viện 69 đã đóng góp một phần lớn, đặc biệt quan trọng để hoàn thành nhiệm vụ chính trị đặc biệt của đơn vị, để các thế hệ người Việt Nam và bạn bè quốc tế hôm nay và mai sau được vào Lăng viếng Bác, ngắm hình ảnh Người bình thản trong giấc ngủ dài.
Cán bộ, chiến sĩ của Bộ Tư lệnh Lăng trở thành những tuyên truyền viên tích cực
PV: Để làm tốt nhiệm vụ được giao, công tác giáo dục chính trị, tư tưởng, nhân cách cho cán bộ, nhân viên, chiến sĩ được Bộ Tư lệnh Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh thực hiện thế nào, thưa đồng chí?
Thiếu tướng Phạm Văn Hiếu: Phẩm chất quan trọng của cán bộ, nhân viên, chiến sĩ Bộ Tư lệnh Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh đó là bản lĩnh chính trị vững vàng, tinh thần sẵn sàng hy sinh, hết lòng phụng sự Tổ quốc, phục vụ nhân dân. Những phẩm chất ấy được rèn luyện công phu, nghiêm cách và được thể hiện sinh động qua cử chỉ, lời nói, việc làm cụ thể. Đối với bộ đội Bảo vệ Lăng, những công việc ấy là mệnh lệnh không lời, xuất phát từ trái tim thành kính với Bác Hồ kính yêu và tinh thần tận tụy phục vụ nhân dân và du khách. Hơn hết, chúng tôi luôn nhận thức sâu sắc rằng, thực hiện tốt nhiệm vụ chính trị đặc biệt được giao phó là để giáo dục, tuyên truyền và làm lan tỏa giá trị về cuộc đời, thân thế, sự nghiệp, tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh đối với đồng bào, chiến sĩ cả nước và bạn bè quốc tế, đồng thời làm thất bại mọi âm mưu phá hoại của các thế lực thù địch, góp phần bảo vệ vững chắc nền tảng tư tưởng của Đảng, bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa trong thời kỳ mới.
Để đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ ấy, những năm qua, Đảng ủy Đoàn 969, Bộ Tư lệnh Bảo vệ Lăng đã lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện đồng bộ nhiều chủ trương, giải pháp, trong đó đã làm tốt công tác giáo dục, quán triệt, triển khai nghiêm túc các nghị quyết, chỉ thị, kết luận, hướng dẫn của trên, trực tiếp là Chỉ thị số 2423-CT/QUTW của Thường vụ QUTW về “Đổi mới, nâng cao chất lượng công tác giáo dục chính trị trong giai đoạn mới”. Tích cực đổi mới nội dung, hình thức, phương pháp giáo dục chính trị sát với yêu cầu nhiệm vụ và đặc thù từng cơ quan, đơn vị.

Phẩm chất quan trọng của cán bộ, nhân viên, chiến sĩ Bộ Tư lệnh Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh đó là bản lĩnh chính trị vững vàng, tinh thần sẵn sàng hy sinh, hết lòng phụng sự Tổ quốc, phục vụ nhân dân.
Cùng với tập trung giáo dục xây dựng bản lĩnh chính trị, lòng trung thành, ý thức trách nhiệm cao trong thực hiện nhiệm vụ; chúng tôi còn chú trọng giáo dục về truyền thống đơn vị, về niềm vinh dự tự hào của người lính Cụ Hồ bên Lăng Bác. Chúng tôi luôn đặt ra mục tiêu, nội dung giáo dục cụ thể cho sát với yêu cầu nhiệm vụ của từng đơn vị như: Giáo dục về tính nghiêm cách, tỉ mỉ, thận trọng, chính xác, tuyệt đối an toàn trong nhiệm vụ y tế, nhiệm vụ bảo đảm kỹ thuật; ý thức cảnh giác, sự vững vàng, bản lĩnh tinh thông, nhạy bén trong bảo đảm an ninh, sẵn sàng chiến đấu; tính nghiêm trang, chính quy, hùng mạnh trong thực hiện tiêu binh nghi lễ và tính chu đáo, tận tình, văn minh, lịch sự trong đón tiếp, tuyên truyền...
Chúng tôi kết hợp chặt chẽ giữa quá trình giáo dục của đơn vị với tự giáo dục, tự nêu gương của cá nhân; để mỗi cán bộ, nhân viên, chiến sĩ, người lao động thực sự là tấm gương tiêu biểu trong việc học tập, làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh và cuộc vận động “Phát huy truyền thống, cống hiến tài năng, xứng danh bộ đội Cụ Hồ”. Mỗi cán bộ, chiến sĩ trở thành những tuyên truyền viên, báo cáo viên tuyên truyền đến đồng bào trong nước và bạn bè quốc tế về thân thế, sự nghiệp cách mạng vĩ đại của Chủ tịch Hồ Chí Minh, tư tưởng đạo đức, phong cách của Người về ý nghĩa chính trị, văn hóa Công trình Lăng.
PV: Xin đồng chí cho biết, công tác đón tiếp nhân dân và khách quốc tế về Lăng viếng Bác được thực hiện như thế nào trong 50 năm qua?
Thiếu tướng Phạm Văn Hiếu: Năm 2025 là một cột mốc lớn đánh dấu nhiều ngày lễ, ngày kỷ niệm quan trọng của đất nước. Năm 2025 cũng là kỷ niệm 50 năm Ngày truyền thống Bộ đội Bảo vệ Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh gắn với 50 năm Ngày khánh thành Công trình Lăng của Người (29/8/1975 - 29/8/2025), đơn vị triển khai thực hiện Pháp lệnh Quản lý, bảo vệ Khu Di tích Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh đã được Quốc hội thông qua; Đề án tổ chức lại Bộ Tư lệnh Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh sau khi tiếp nhận Ban Quản lý Lăng.

Thiếu tướng Phạm Văn Hiếu: "Chúng tôi luôn coi công tác đón tiếp, tuyên truyền, phục vụ đồng bào và khách quốc tế về Lăng viếng Bác là một trong những nhiệm vụ trọng tâm hàng đầu của đơn vị".
Kể từ ngày mở cửa Lăng đến nay, đơn vị đã đón tiếp, phục vụ chu đáo gần 70 triệu lượt người vào Lăng viếng Bác và tham quan khu vực, trong đó có hơn 10 triệu lượt khách nước ngoài. Trung bình hằng tháng có hàng trăm đoàn khách và hàng chục nghìn người đăng ký vào Lăng viếng Chủ tịch Hồ Chí Minh. Số liệu này cho thấy, cường độ làm việc của các cơ quan, đơn vị trong Bộ Tư lệnh Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh rất cao. Bên cạnh đó, đơn vị còn phục vụ các đoàn khách tham quan Khu Di tích K9, thực hiện nhiều nhiệm vụ khác.
Chúng tôi luôn coi công tác đón tiếp, tuyên truyền, phục vụ đồng bào và khách quốc tế về Lăng viếng Bác là một trong những nhiệm vụ trọng tâm hàng đầu của đơn vị. Để thực hiện tốt nhiệm vụ này cần huy động một lực lượng lớn cán bộ, nhân viên, chiến sĩ của các lực lượng trong Bộ Tư lệnh Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh; sự tổ chức, phối hợp, hiệp đồng chặt chẽ giữa các lực lượng để tạo nên sự thống nhất trong tư tưởng và hành động, nâng cao hiệu quả, chất lượng công tác phục vụ các đoàn Lãnh đạo Đảng, Nhà nước, nguyên thủ quốc gia, đồng bào và khách quốc tế.
Đối với khách quốc tế, chúng tôi luôn thực hiện đúng chủ trương, đường lối ngoại giao của Đảng, thể hiện sự tôn trọng, chu đáo, tích cực trong đón tiếp, tuyên truyền về đất nước, con người Việt Nam, cuộc đời thân thế, sự nghiệp cách mạng vĩ đại của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Đội ngũ cán bộ, nhân viên, chiến sĩ đảm nhận nhiệm vụ này phải là những người có bản lĩnh chính trị vững vàng, tác phong làm việc nghiêm cách, chính quy, có thể lực tốt, chịu được cường độ làm việc lớn, lâu dài, luôn nêu cao niềm vinh dự, tự hào khi được phục vụ bên Bác. Trong những năm qua, đội ngũ cán bộ, nhân viên làm công tác đón tiếp, tuyên truyền đã khắc phục khó khăn, phối hợp hiệp đồng để đón tiếp, phục vụ chu đáo, tận tình với thái độ nghiêm cách, thận trọng, tỉ mỉ, tuyệt đối không để xảy ra sai sót mỗi khi đón tiếp đồng bào và khách quốc tế đến viếng Bác và tham quan Cụm Di tích lịch sử - văn hóa Ba Đình.
Đội ngũ cán bộ, nhân viên làm công tác đón tiếp, tuyên truyền bên cạnh việc thường xuyên phải tự trau dồi, rèn luyện thêm kỹ năng, nghiệp vụ chuyên môn, nắm bắt kịp thời những kiến thức mới còn tham gia các lớp huấn luyện, khóa bồi dưỡng nghiệp vụ hằng năm do đơn vị tổ chức. Họ phải kết hợp giữa tự học, tự làm, tự rèn luyện để đáp ứng được những yêu cầu đòi hỏi ngày càng cao trong tình hình mới.