Việt Nam làm gì để hấp dẫn các nhà đầu tư nước ngoài tầm cỡ?
Sự hấp dẫn của môi trường đầu tư Việt Nam hiện nay đến từ các yếu tố bên trong của nội tại của nền kinh tế và các tác động của yếu tố bên ngoài. Tuy nhiên, vẫn còn nhiều việc phải làm để để hấp dẫn các nhà đầu tư nước ngoài tầm cỡ trên thế giới đến đầu tư.
Tại buổi làm việc với Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc chiều ngày 07/9, Ngài Yamada Takio - Đại sứ Nhật Bản và đại diện các hiệp hội, doanh nghiệp khẳng định, trong đại dịch Covid-19, Việt Nam đã cho thấy những năng lực quản lý rủi ro ưu việt của mình, đạt được những kết quả nhất định. Các nhà đầu tư trên thế giới, trong đó các doanh nghiệp Nhật Bản đang quan tâm nhiều đến Việt Nam, một nơi đầu tư trong điều kiện bình thường mới hậu Covid-19.
Theo khảo sát của JETRO, nhiều doanh nghiệp Nhật Bản cho biết đang xem xét chuyển dịch cơ sở sản xuất sang Việt Nam. Phía Nhật Bản sẽ tiếp tục hỗ trợ cho các doanh nghiệp đầu tư vào Việt Nam; hỗ trợ Việt Nam trong điều kiện bình thường mới... Có thể thấy, với những nỗ lực của Chính phủ, các bộ ngành Trung ương và địa phương, Việt Nam đang trở thành điểm đến hấp dẫn của các nhà đầu tư nước ngoài.
Thống kê sơ bộ cho thấy, tính đến ngày 20/8/2020, tổng vốn FDI vào Việt Nam đạt 19,54 tỷ USD, bằng 86,3% so với cùng kỳ năm 2019. Đáng mừng là sau những tháng đầu năm 2020 bị chững lại, dòng vốn đầu tư FDI vào Việt Nam đã tăng mạnh trong các tháng vừa qua, phần nào cho thấy dấu hiệu của làn sóng đầu tư mới khi Việt Nam tham gia các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới, cùng với những biện pháp phòng chống COVID-19 tích cực và hiệu quả.
Theo ông Đỗ Nhất Hoàng, Cục trưởng Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ Kế hoạch và Đầu tư), sự hấp dẫn của môi trường đầu tư Việt Nam hiện nay đến từ các yếu tố bên trong của nội tại của nền kinh tế và các tác động của yếu tố bên ngoài.
Cụ thể, đối với các yếu tố bên trong, các điểm lợi thế, thuận lợi sẵn có của môi trường đầu tư Việt Nam, gồm: Chính trị ổn định, kinh tế tăng trưởng nhanh và bền vững, nguồn nhân lực dồi dào, thị trường rộng lớn, chi phí cạnh tranh, chính sách ưu đãi hấp dẫn, nền kinh tế đang hội nhập ngày càng sâu rộng và vị trí địa lý thuận lợi. Bên cạnh đó là sự nỗ lực của cả hệ thống chính trị từ Trung ương đến địa phương trong việc cải thiện môi trường đầu tư, cải cách chính sách, thủ tục hành chính nhằm tạo điều kiện thuận lợi nhất cho các nhà nhà đầu tư nước ngoài hoạt động thành công tại Việt Nam. Sự thành công trong việc kiểm soát dịch COVID-19 của Việt Nam thời gian qua cũng tạo sự tin tưởng cho nhà đầu tư nước ngoài, tăng thêm uy tín cho Việt Nam là điểm đến đầu tư hấp dẫn và an toàn.
Xét về các yếu tố bên ngoài, phải kể đến là xung đột thương mại giữa nền kinh tế lớn khiến các tập đoàn, doanh nghiệp quốc tế có nhu cầu dịch chuyển địa điểm sản xuất để tránh mức thuế suất cao. Đại dịch COVID-19 và các hệ quả nặng nề của nó khiến các quốc gia, các tập đoàn quốc tế đẩy nhanh hơn quá trình tái cơ cấu đầu tư nhằm tránh sự phụ thuộc vào một quốc gia, một đối tác. Một số quốc gia phát triển như Hoa Kỳ, Nhật Bản, Hàn Quốc... đã ban hành chính sách ưu đãi và gói hỗ trợ để kêu gọi các công ty dịch chuyển dây chuyền sản xuất về nước hoặc đầu tư sang nước thứ 3 nhằm đa dạng hóa chuỗi cung ứng. Trong đó, Việt Nam có nhiều cơ hội để đón làn sóng chuyển dịch này do có nhiều lợi thế về môi trường đầu tư cũng như sự thành công trong việc kiểm soát dịch thời gian vừa qua.
Trong khi đó, chia sẻ thêm về lợi thế của Việt Nam, ông Nguyễn Đình Cung, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương, thành viên Tổ tư vấn kinh tế của Thủ tướng cho rằng, Việt Nam ký rất nhiều hiệp định thương mại tự do với các đối tác, các đối tác đó đều là những thị trường chủ yếu trên thế giới. Đây là điểm nổi trội khác biệt nhất của Việt Nam so với các nước khác để có thể cạnh tranh trong thu hút đầu tư.
Trong bối cảnh đó, để thu hút được các nhà đầu tư tầm cỡ đến Việt Nam đầu tư, ông Đỗ Nhất Hoàng cho rằng, Việt Nam phải có các giải pháp đột phá, các cách làm mới. Hiện nay, Việt Nam đang chuẩn bị sẵn sàng các điều kiện cần thiết để thu hút đầu tư như quỹ đất sạch, nguồn cung cấp điện, nguồn nhân lực chất lượng cao, công nghiệp hỗ trợ, cải thiện thủ tục hành chính… Xây dựng các gói ưu đãi đặc biệt áp dụng cho các dự án quy mô lớn, ứng dụng công nghệ cao, giá trị gia tăng cao, có tính lan tỏa, tạo điều kiện cho doanh nghiệp Việt Nam tham gia chuỗi giá trị hoặc đạt tỷ lệ nội địa hóa cao. Bộ Kế hoạch và Đầu tư cũng đã dự thảo các gói ưu đãi đặc biệt này và đang xin ý kiến các bộ, ngành trước khi trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định.
Bên cạnh đó, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã tiếp xúc trực tiếp các nhà đầu tư lớn, tổ chức các hội nghị xúc tiến đầu tư theo hình thức trực tuyến, online để cập nhật thông tin về các chính sách mới, trả lời những mối băn khoăn của nhà đầu tư. Chủ động phối hợp với các bộ, ngành, cơ quan ngoại giao, các hiệp hội doanh nghiệp, các công ty tư vấn, công ty luật, ngân hàng, quỹ đầu tư để tiếp cận lên danh sách các doanh nghiệp đang có quan tâm đến đầu tư tại Việt Nam để chủ động tiếp cận, trao đổi, mời vào đầu tư tại Việt Nam. Hỗ trợ, tạo điều kiện thuận lợi cho các chuyên gia, lao động kỹ thuật vào Việt Nam làm việc. Hiện Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã hỗ trợ cho hơn 10.000 chuyên gia, lao động kỹ thuật nước ngoài vào Việt Nam làm việc để duy trì sản xuất kinh doanh...
Chia sẻ về thêm giải pháp thu hút các nhà đầu tư ngoại tại buổi tọa đàm trực tuyến với chủ đề “Thu hút dòng vốn đầu tư nước ngoài: Hành động và giải pháp đột phá" do Cổng TTĐT Chính phủ tổ chức sáng 4/9, ông Nguyễn Đình Cung nhấn mạnh: “Tôi cho rằng các nhà đầu tư muốn chính sách, luật pháp của chúng ta ổn định. Trong văn bản phải cụ thể, khi thực thi phải dự đoán được. Không có tiền gầm bàn, không có chi phí không chính thức. Điều này đối với nhà đầu tư Hoa Kỳ và châu Âu là cực kỳ quan trọng bởi vì họ là những người luôn luôn phải tuân thủ luật pháp, nếu họ không tuân thủ, rủi ro pháp lý xảy ra với họ là rất lớn. Nếu như họ vấp phải rủi ro pháp lý này, họ sẽ tránh...”
Tính đến ngày 20/8/2020, tổng vốn FDI vào Việt Nam đạt 19,54 tỷ USD, bằng 86,3% so với cùng kỳ năm 2019. Đáng mừng là sau những tháng đầu năm 2020 bị chững lại, dòng vốn đầu tư FDI vào Việt Nam đã tăng mạnh trong các tháng vừa qua, phần nào cho thấy dấu hiệu của làn sóng đầu tư mới khi Việt Nam tham gia các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới, cùng với những biện pháp phòng chống COVID-19 tích cực và hiệu quả.