Việt Nam lần đầu ghép thận không cùng nhóm máu thành công
Ca ghép thận bất tương hợp nhóm máu được các bác sĩ Bệnh viện Chợ Rẫy (TP.HCM) thực hiện cho cặp vợ chồng ở Bến Tre.
Không đành lòng nhìn chồng đau đớn và kiệt sức sau những chuyến xe đi chạy thận, bà Trần Thị Hạnh (51 tuổi, quê Châu Thành, Bến Tre) quyết định hiến tặng người bạn đời một quả thận.
Dưới sự hỗ trợ và chuyên môn từ các bác sĩ Bệnh viện Chợ Rẫy (TP.HCM), vợ chồng bà Hạnh trở thành 2 người đầu tiên tại Việt Nam được thực hiện ca ghép thận không cùng nhóm máu.
Vợ hiến thận cứu chồng
Tháng 7/2020, ông Vi Văn Biết (54 tuổi) có triệu chứng mất ngủ, đau đầu. Khi đến khám tại bệnh viện ở TP.HCM, ông Biết được thông báo suy thận mạn giai đoạn cuối, tăng huyết áp và được chỉ định điều trị nội khoa.
Đến tháng 12, ông Biết đến Bệnh viện Chợ Rẫy để đặt catheter tĩnh mạch cảnh để chạy thận nhân tạo. Thời gian sau đó, đều đặn mỗi tuần 3 lần, ông Biết rời khỏi nhà lúc tờ mờ sáng, bắt xe khách đến bệnh viện ở quận 12 để chạy thận. Lúc về nhà, trời cũng nhá nhem tối. Chi phí chạy thận và sinh hoạt, đi lại mỗi tháng mất hơn 10 triệu đồng
"Hơn một năm đều đặn đi đi về về như thế khiến tôi mệt mỏi và kiệt sức. Tôi buồn và gần như rơi vào tuyệt vọng khi mang trong người căn bệnh ác nghiệt và cực khổ, nhiều lúc khó thở do mệt", ông Biết chia sẻ.
Anh ruột của ông Biết đã tình nguyện hiến tặng cho em trai quả thận. Tuy nhiên, quả thận của người anh hơn 60 tuổi này không tương thích với ông Biết.
Không đành lòng nhìn chồng đau đớn, suy kiệt vì bệnh tật, bà Trần Thị Hạnh (vợ ông Biết) thời điểm này cũng đăng ký hiến thận cứu chồng.
"Dự định ban đầu của tôi là đăng ký hiến thận cho gia đình của một bệnh nhân khác. Người thân của họ cùng nhóm máu với chồng tôi, do đó, chúng tôi sẽ đăng ký ghép chéo cho nhau. Tuy nhiên, kế hoạch này cũng không thực hiện được. Mãi cho đến khi bác sĩ nói vẫn còn cách ghép thận không cùng nhóm máu", bà Hạnh kể.
Vợ chồng ở Bến Tre thời điểm đó không rõ ghép thận khác nhóm máu sẽ khó khăn thế nào, chỉ biết rằng đây có lẽ là giải pháp tốt nhất để giữ mạng sống thay vì mỏi mòn chờ thận hiến tặng từ người chết não.
"Tất nhiên tôi sợ vì chưa từng trải qua cuộc mổ xẻ nào. Vợ chồng tôi kết hôn muộn, con gái mới 16 tuổi, gia đình cần trụ cột để cùng nhau cố gắng và chăm sóc con, vậy là tôi cho ông ấy quả thận", bà Hạnh kể.
7 năm chuẩn bị cho ca ghép thận đặc biệt
Ông Biết nhóm máu B, còn người vợ nhóm máu A. Điều này khiến các y bác sĩ cân nhắc và đau đầu bởi khi thực hiện ca ghép thận không cùng nhóm máu, nếu không xử lý tốt kháng thể, bệnh nhân có thể bị sốc phản vệ và tử vong ngay trên bàn mổ.
PGS.TS Thái Minh Sâm, Trưởng khoa Ngoại Tiết niệu, Bệnh viện Chợ Rẫy, cho biết việc xử lý trước mổ đối với người ghép thận không cùng nhóm máu rất công phu và trải qua nhiều quy trình.
"Chúng tôi là những người làm công tác ghép tạng, luôn mong mỏi phát triển ngành để phục vụ bệnh nhân tốt hơn. Chúng tôi học tập kinh nghiệm từ nước ngoài từ năm 2014 và chuẩn bị toàn bộ về con người, kỹ thuật, chờ thời điểm chín muồi để thực hiện được cuộc ghép thận đặc biệt này", PGS Sâm kể.
Tại Bệnh viện Chợ Rẫy, mỗi năm có 250-300 người bệnh suy thận mạn đăng ký ghép thận, tuy nhiên, số ca ghép được tiến hành chỉ khoảng 100 ca/năm. Nguyên nhân là người bệnh cần đáp ứng điều kiện khắt khe về sức khỏe, miễn dịch. Trong đó, khoảng 10% bệnh nhân không thể ghép thận vì người hiến không cùng nhóm máu.
"Với ca ghép thận đầu tiên không cùng nhóm máu, chúng tôi phải lựa chọn những người có nồng độ kháng thể trong máu thấp. Nếu nồng độ kháng thể trong máu không đảm bảo thì nguy cơ thải ghép cao hơn. Do đó, chúng tôi xác định vợ chồng bệnh nhân Biết đáp ứng đủ điều kiện này", PGS Sâm phân tích.
TS.BS Lê Hoàng Oanh, Trưởng khoa Truyền máu huyết học, cho biết suốt thời gian chuẩn bị ca mổ, đơn vị này đã nghiên cứu và chuẩn bị loại huyết tương phù hợp, đảm bảo nồng độ máu và kháng thể ổn định trước khi thực hiện cuộc mổ.
"Bệnh nhân được lọc huyết tương để hạ thấp nồng độ kháng thể đạt yêu cầu. Mục tiêu của việc lọc huyết tương là lấy kháng thể ra khỏi cơ thể bệnh nhân, càng giảm tạo ra kháng thể trong máu thì tỷ lệ thành công càng cao, người nhận thận không bị sốc phản vệ", TS Oanh cho hay.
Trước khi bắt đầu cuộc mổ, các chuyên gia từ khoa Ngoại Tiết niệu, Thận Nhân tạo, Truyền máu huyết học nhiều lần hội chẩn để lên phác đồ xử lý nhóm máu. Các bác sĩ cũng chuẩn bị các chế phẩm máu, dự phòng tình huống chảy máu kéo dài trong cuộc mổ.
Hai tuần trước mổ, bệnh nhân được dùng thuốc và 3 lần lọc huyết tương. Ngày 29/12/2021, ê-kíp tiến hành ca mổ lấy thận người hiến, xử lý thận, sau đó ghép vào cơ thể người nhận.
"Sau khi đặt quả thận vào cơ thể người bệnh, chúng tôi quan sát thấy thận hồng, căng và nước tiểu có ngay tại bàn mổ. Tất cả đều vui mừng vì đây là biểu hiện đầu tiên cho thấy ca ghép đã thành công", PGS Thái Minh Sâm chia sẻ.
Một ngày sau khi được ghép thận, ông Biết hồi phục sức khỏe và ăn uống bình thường.
TS.BS Nguyễn Tri Thức, Giám đốc Bệnh viện Chợ Rẫy (TP.HCM), nhận định kỹ thuật ghép thận ở Việt Nam đã phát triển nhưng trở ngại lớn nhất là thiếu hụt nguồn tạng hiến.
Ca phẫu thuật ghép thận cho người không cùng nhóm máu này sẽ mở ra nhiều cơ hội và hy vọng cho những bệnh nhân ghép thận.
Các bác sĩ cũng cho biết khi ghép thận không cùng nhóm máu, bệnh nhân có nguy cơ nhiễm trùng, thải ghép, dùng thuốc ức chế miễn dịch nhiều hơn so với ghép cùng nhóm máu. Tuy nhiên, thực hiện đúng quy trình, tỷ lệ biến chứng này không cao đáng kể.
Ca phẫu thuật của ông Biết - bà Hạnh nằm trong đề án nghiên cứu cấp Bộ và được một số nguồn kinh phí hỗ trợ.
Tại Bệnh viện Chợ Rẫy, chi phí một ca ghép thận thông thường, có bảo hiểm y tế chi trả, dao động trên dưới 100 triệu đồng. Với ca ghép thận không cùng nhóm máu, chi phí gấp 3 lần so với bình thường.