Việt Nam lần đầu tiên xây dựng cơ sở khoa học xác định ranh giới thềm lục địa

Lần đầu tiên Việt Nam xây dựng cơ sở khoa học phù hợp các quy chuẩn quốc tế được Liên Hợp Quốc công nhận để xác định ranh giới thềm lục địa Việt Nam.

Năm 2023 cuốn sách “Cơ sở khoa học để xác định ranh giới ngoài thềm lục địa Việt Nam theo công ước của Liên Hợp Quốc 1982 về luật biển” của các tác giả Bùi Công Quế (Chủ biên), Phùng Văn Phách, Đỗ Huy Cường, Trần Tuấn Dũng, Lê Đức Anh do Nhà xuất bản Khoa học tự nhiên và Công nghệ (Nhà xuất bản), Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam (Viện Hàn lâm) xuất bản đã đạt giải A Giải thưởng Sách Quốc gia lần thứ 6 do Ban Tuyên giáo Trung ương, Bộ Thông tin và Truyền thông, Hội Xuất bản Việt Nam tổ chức vào cuối tháng 12/2023.

Xây dựng được một cơ sở khoa học xác định ranh giới thềm lục địa Việt Nam

Sách thuộc loại chuyên khảo, tổng hợp kết quả của cụm công trình điều tra nghiên cứu về vùng biển Việt Nam trong hơn 20 năm qua về chủ đề quản lý biển và xác định chủ quyền biển đảo của Việt Nam.

Bà Phạm Thị Hiếu – Giám đốc, Tổng biên tập Nhà xuất bản KHTNCN và TS. Đỗ Huy Cường (đồng tác giả) nhận giải A ngày 29/12/2023 tại Nhà hát lớn Hà Nội (Ảnh: VHL)

Bà Phạm Thị Hiếu – Giám đốc, Tổng biên tập Nhà xuất bản KHTNCN và TS. Đỗ Huy Cường (đồng tác giả) nhận giải A ngày 29/12/2023 tại Nhà hát lớn Hà Nội (Ảnh: VHL)

Bà Phạm Thị Hiếu – Giám đốc, Tổng biên tập Nhà xuất bản Khoa học tự nhiên và Công nghệ cho biết: Đây là kết quả của 1 dự án và 3 đề tài khoa học và công nghệ đều ở cấp quốc gia được thực hiện và hoàn thành tại Viện Hàn lâm liên tục từ những năm cuối thế kỷ XX cho đến hiện tại. Chuyên khảo này có giá trị khoa học và thực tiễn cao vì lần đầu tiên chúng ta xây dựng được một cơ sở khoa học, cập nhật và hiện đại, phù hợp các quy chuẩn quốc tế được Liên Hợp Quốc chính thức công nhận để xác định ranh giới thềm lục địa của Việt Nam theo Công ước Liên Hợp Quốc 1982 về Luật biển.

Đặc biệt, hiện tại sách còn được sử dụng như một trong những tài liệu phục vụ giáo dục và tuyên truyền về bảo vệ chủ quyền quốc gia trong chiến lược biển của Việt Nam"- bà Phạm Thị Hiếu cho hay.

PGS.TS. Trần Tuấn Anh - Phó Chủ tịch Viện Hàn lâm chia sẻ: “Cơ sở khoa học để xác định ranh giới ngoài thềm lục địa Việt Nam theo công ước của Liên Hợp Quốc 1982 về Luật biển là cuốn sách đầu tiên và duy nhất ở Việt Nam đề cập chi tiết cơ sở khoa học về địa chất và địa vật lý phục vụ cho việc xác định ranh giới ngoài của thềm lục địa Việt Nam theo Điều 76 của Công ước Liên Hợp Quốc 1982.”

Cơ sở khoa học xác định ranh giới ngoài của thềm lục địa Việt Nam

Quy mô cuốn sách gồm 4 chương, trình bày cô đọng và tổng hợp những nội dung phong phú và sâu rộng về việc xây dựng và ứng dụng cơ sở khoa học để xác định ranh giới ngoài của thềm lục địa Việt Nam theo công ước của Liên Hợp Quốc 1982 về luật biển.

Chương 1 tổng hợp giới thiệu về công ước Liên Hợp Quốc 1982 về Luật biển (viết tắt là UNCLOS). Chương 2 và 3 trình bày nội dung của cơ sở khoa học để xác định ranh giới ngoài của thềm lục địa của Việt Nam theo các quy định và điều lệ của UNCLOS.

Cuốn sách đầu tiên và duy nhất ở Việt Nam đề cập chi tiết xây dựng cơ sở khoa học địa chất và địa vật lý để phục vụ cho việc xác định ranh giới ngoài của thềm lục địa Việt Nam theo Điều 76 của Công ước Liên Hợp Quốc 1982

Cuốn sách đầu tiên và duy nhất ở Việt Nam đề cập chi tiết xây dựng cơ sở khoa học địa chất và địa vật lý để phục vụ cho việc xác định ranh giới ngoài của thềm lục địa Việt Nam theo Điều 76 của Công ước Liên Hợp Quốc 1982

PGS.TS. Trần Tuấn Anh khẳng định: "Đó là các cơ sở khoa học địa chất và địa vật lý trên vùng biển Việt Nam và kế cận. Trên cơ sở phân tích và xử lý bằng những phương pháp và công nghệ tiên tiến, hiện đại toàn bộ số liệu điều tra, khảo sát hiện có với khối lượng số liệu khảo sát mới theo quy trình công nghệ hiện đại do Liên Hợp Quốc quy định, đã lần lượt xác định và xây dựng các loạt bản đồ và sơ đồ mặt cắt theo những quy chuẩn quốc tế phục vụ và đáp ứng quy trình xác định ranh giới ngoài thềm lục địa theo UNCLOS."

Cụ thể, những bản đồ chính lần đầu tiên được xây dựng trên toàn vùng biển Việt Nam và các vùng kế cận theo đúng các tỷ lệ và tiêu chuẩn quy định của Liên Hợp Quốc như: Bản đồ cấu trúc - kiến tạo, bản đồ địa mạo, bản đồ cấu tạo móng trầm tích Kainozoi, bản đồ cấu trúc sâu vỏ Trái đất, bản đồ độ sâu mặt Moho, bản đồ độ sâu và địa hình đáy biển, bản đồ các trường dị thường địa vật lý như trọng lực, địa từ.

Các bản đồ này khác hẳn và có chất lượng, độ tin cậy, độ chi tiết và phạm vi thể hiện cao hơn so với những bản đồ cùng thể loại thông thường trước đây do được tính toán và xây dựng theo nguồn số liệu mới, phong phú, đồ sộ, đa chủng loại và sử dụng các công nghệ và kỹ thuật tiên tiến, theo học thuyết kiến tạo mảng mới và hiện đại như yêu cầu và khuyến cáo của của Ủy ban Ranh giới Thềm lục địa của Liên hợp quốc. Các bản đồ nói trên đã lần lượt được trình bày trong sách nhưng ở tỷ lệ thu nhỏ cũng đã cho thấy rõ những đặc điểm phức tạp và mức độ chi tiết cao của các đặc trưng cấu trúc địa chất của thềm. Trên thực tế đây là bộ bản đồ điện tử ở dạng số.”- PGS.TS. Trần Tuấn Anh cho biết thêm.

Với nguồn số liệu mới và có độ tin cậy cao cùng với bộ bản đồ mới và đúng tiêu chuẩn cơ sở khoa học tổng hợp địa chất và địa vật lý nói trên đảm bảo và cho phép Việt Nam lập 2 báo cáo quốc gia (một báo cáo riêng cho vùng biển phía Bắc, Đông Bắc và một báo cáo chung, hợp tác với Malaysia ở vùng biển phía Nam, Đông Nam) nộp cho Liên hợp quốc đúng thời hạn quy định.

Chương 4 trình các phương án ứng dụng cơ sở khoa học địa chất và địa vật lý nói trên để xác định ranh giới ngoài của thềm lục địa Việt Nam. Các phương án xác định các vùng thềm lục địa mở rộng sau khi Việt Nam đã nộp các báo cáo quốc gia năm 2009 là những phương án hoàn thiện và bổ sung vẫn có giá trị theo quy định của Liên hợp quốc cho đến khi Liên Hợp Quốc chính thức xem xét các báo cáo quốc gia của Việt Nam.

Chuyên khảo có giá trị khoa học và thực tiễn cao vì lần đầu tiên xây dựng một cơ sở khoa học duy nhất, cập nhật và hiện đại, phù hợp các quy chuẩn quốc tế được Liên hợp quốc chính thức công nhận để xác định ranh giới thềm lục địa của Việt Nam theo UNCLOS và do đó nó được sử dụng chính thức trong quản lý biển đảo, phục vụ khai thác tài nguyên, bảo vệ môi trường, đảm bảo an ninh và quốc phòng trên vùng biển Việt Nam.

GS.TS. Bùi Công Quế là nguyên Viện trưởng Viện Vật lý địa cầu, nguyên Viện trưởng Viện Địa chất và Địa vật lý biển, Chủ tịch Hội Khoa học Kỹ thuật Địa vật lý Việt Nam, Ủy viên Hội đồng Giáo sư liên ngành Khoa học Trái đất - Mỏ; TS. Phùng Văn Phách là nguyên Viện trưởng Viện Địa chất và địa vật lý biển; TS. Đỗ Huy Cường, TS. Trần Tuấn Dũng là Viện trưởng và Phó Viện trưởng Viện Địa chất và Địa vật lý biển.

Thu Hường

Nguồn Công Thương: https://congthuong.vn/viet-nam-lan-dau-tien-xay-dung-co-so-khoa-hoc-xac-dinh-ranh-gioi-them-luc-dia-299567.html