Việt Nam-Lào đẩy mạnh hợp tác nghiên cứu khoa học xã hội nhân văn
Hơn 6 thập kỷ bên nhau, hợp tác giữa Viện Hàn lâm và các đối tác Lào như Viện Khoa học Kinh tế và Xã hội quốc gia Lào, Học viện Chính trị và Hành chính quốc gia Lào đạt được nhiều thành tựu đáng kể.
Quan hệ gắn bó Việt Nam-Lào được hình thành từ trong lịch sử giữa hai nước láng giềng, cùng tựa lưng vào dãy Trường Sơn hùng vĩ, có những điểm tương đồng và sự giao thoa về kinh tế, văn hóa, xã hội, chính trị.
Nhân dân hai nước, nhất là ở vùng biên giới, đã thường xuyên nương tựa vào nhau, cưu mang đùm bọc lẫn nhau trong cuộc sống hằng ngày, cũng như mỗi khi có thiên tai, địch họa.
Hai nước luôn giữ mối quan hệ bang giao hòa hiếu, gắn bó mật thiết với nhau qua nhiều giai đoạn lịch sử.
Mối quan hệ đặc biệt hiếm có Việt Nam-Lào đang được tiếp tục vun đắp trên cơ sở vì mục tiêu chung của hai quốc gia, với tinh thần quốc tế trong sáng, đưa cách mạng hai nước từng bước vượt qua những thử thách, chông gai và là hành trang quý giá, là cơ sở vững chắc để các thế hệ Việt Nam-Lào hiện nay và mai sau tiếp tục phát huy tình đoàn kết, xây dựng quan hệ bình đẳng, tự chủ, hữu nghị, hợp tác giữa hai quốc gia “mãi mãi xanh tươi, đời đời bền vững.”
Trong quá trình vun đắp mối quan hệ hữu nghị ngày càng bền chặt, hợp tác đa ngành, đa lĩnh vực giữa Việt Nam và Lào thời gian qua đã đạt được nhiều thành tựu đáng kể.
Trong đó, hợp tác nghiên cứu lĩnh vực khoa học giữa hai nước không ngừng phát triển, trở thành nền tảng vững chắc cho hợp tác toàn diện; đóng góp cụ thể cho quan hệ hữu nghị vĩ đại, đoàn kết đặc biệt và hợp tác toàn diện Việt Nam-Lào ngày càng đơm hoa, kết trái.
Đóng góp cụ thể cho phát triển kinh tế-xã hội
Ở lĩnh vực khoa học xã hội nhân văn, Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam (Viện Hàn lâm) đóng vai trò trung tâm trong thúc đẩy các chương trình hợp tác nghiên cứu, đào tạo và nâng cao năng lực, tư vấn chính sách, chia sẻ kinh nghiệm phát triển ngành khoa học xã hội nhân văn nói riêng và phát triển quốc gia nói chung giữa Việt Nam và Lào.
Theo Trưởng ban Hợp tác quốc tế (Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam), Thạc sỹ Nguyễn Thanh Hà, hơn 6 thập kỷ sát cánh bên nhau, mối quan hệ hợp tác giữa Viện Hàn lâm và các đối tác Lào như Viện Khoa học Kinh tế và Xã hội quốc gia Lào, Học viện Chính trị và Hành chính quốc gia Lào (NAPPA)... đã đạt được nhiều thành tựu đáng kể.
Kết quả nổi bật là các bên duy trì tổ chức các hội thảo, diễn đàn quốc tế thường niên trong khung khổ hợp tác song phương hoặc đa phương. Hai bên tổ chức trao đổi đoàn các cấp thường xuyên nhằm chia sẻ kết quả nghiên cứu lý luận và tổng kết thực tiễn phát triển của mỗi bên.
Từ đó, góp phần cung cấp luận cứ khoa học cho việc hoạch định đường lối, chính sách của Đảng và Nhà nước của Việt Nam và Lào; tăng cường quan hệ hữu nghị đặc biệt và hợp tác toàn diện Việt-Lào.
Trong hợp tác nghiên cứu, Viện Hàn lâm cùng các cơ quan đối tác Lào đã triển khai nhiều dự án thiết thực với đời sống thực tiễn và phát triển kinh tế-xã hội. Có thể kể đến hai dự án nghiên cứu khoa học: “Phát triển bền vững ở Lào và Việt Nam trong điều kiện hội nhập quốc tế”; “Tái cơ cấu kinh tế Việt Nam và Lào hướng tới phát triển nhanh và bền vững,”
Với sự tham gia của nhiều nhà nghiên cứu và chuyên gia đến từ cả hai nước, hai dự án nghiên cứu này không chỉ giúp phân tích, đánh giá các vấn đề phát triển cấp bách với hai nước dưới góc độ lý luận và thực tiễn, nhận thức người dân và doanh nghiệp, kinh nghiệm quốc tế và bối cảnh thời đại, mà còn đề xuất các hàm ý chính sách và giải pháp cụ thể cho Đảng và Nhà nước trong quá trình xây dựng chủ nghĩa xã hội của hai nước.
Các bên cũng phối hợp chia sẻ các kinh nghiệm quản lý hoạt động nghiên cứu và phục vụ nghiên cứu; đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao trình độ thạc sĩ và tiến sĩ; tổ chức các khóa bồi dưỡng giúp nâng cao trình độ chuyên môn và tiếp cận với các phương pháp nghiên cứu, tư vấn chính sách tiên tiến; nâng cấp cơ sở vật chất làm việc và phục vụ thông tin-tư liệu-thư viện.
Đặc biệt, Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam và Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh đã phối hợp với Viện Khoa học Kinh tế và Xã hội quốc gia Lào cùng Học viện Chính trị và Hành chính quốc gia Lào tổ chức thành công nhiều đợt giao lưu thế hệ trẻ các cơ quan, góp phần giáo dục và nâng cao nhận thức của các nhà khoa học, giảng viên trẻ các cơ quan về trách nhiệm bồi đắp tình hữu nghị đặc biệt hai nước.
Tiến sỹ Phan Chí Hiếu, Chủ tịch Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam cho biết, sự hợp tác chặt chẽ giữa Việt Nam và Lào trong lĩnh vực nghiên cứu khoa học xã hội nhân văn là minh chứng rõ nét cho mối quan hệ đặc biệt của hai nước.
Viện Hàn lâm và các cơ quan khoa học đối tác Lào rất coi trọng nghiên cứu các vấn đề xuyên quốc gia và phát triển bền vững vùng biên giới giữa hai nước.
Các dự án nghiên cứu này mang tính chiến lược, không chỉ giúp giải quyết những vấn đề thực tiễn phát sinh, mà còn tạo điều kiện bảo đảm an ninh, hòa bình và nâng cao đời sống cho nhân dân hai nước.
Mở ra triển vọng hợp tác
Trong bối cảnh thế giới đang đối mặt với nhiều thách thức về kinh tế-xã hội, môi trường; trải qua quá trình chuyển đổi số, chuyển đổi xanh mạnh mẽ, mối quan hệ hợp tác nghiên cứu trong lĩnh vực khoa học xã hội và nhân văn giữa Việt Nam và Lào được kỳ vọng sẽ tiếp tục phát triển sâu rộng, phát huy hơn nữa trong việc củng cố niềm tin chính trị, hiểu biết lẫn nhau và phát triển quan hệ láng giềng tình nghĩa “vững bền hơn núi, hơn sông.”
Tiến sỹ Phan Chí Hiếu cho rằng, sự hợp tác không chỉ dừng lại ở những chương trình đào tạo và nghiên cứu truyền thống, mà sẽ còn được mở rộng hơn nữa sang các lĩnh vực mới nhằm đáp ứng yêu cầu của thời đại.
Một trong những hướng đi mới trong hợp tác là nghiên cứu chuyển đổi số, chuyển đổi xanh, tác động của các quá trình này đến các vấn đề bình đẳng xã hội và phát triển con người, các mô hình tối ưu hóa sử dụng tài nguyên tự nhiên, tài nguyên số trong phát triển kinh tế nhằm bảo đảm an ninh phi truyền thống và phát triển bền vững...
Bên cạnh đó, lĩnh vực bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa cũng là một trọng tâm quan trọng trong hợp tác nghiên cứu khoa học xã hội nhân văn.
Các chương trình bảo tồn di sản văn hóa phi vật thể như nghệ thuật truyền thống, ngôn ngữ, phong tục tập quán của các dân tộc thiểu số ở cả Việt Nam và Lào, đặc biệt là việc ứng dụng công nghệ số trong quá trình này, đang ngày càng được chú trọng.
Việc thúc đẩy giao lưu văn hóa giữa hai nước không chỉ góp phần duy trì bản sắc văn hóa đặc trưng của mỗi quốc gia mà còn tạo điều kiện thuận lợi cho du lịch văn hóa phát triển, mở ra tiềm năng kinh tế lớn cho các vùng biên giới.
Các nhà khoa học hai nước đang hướng tới xây dựng các diễn đàn, hội thảo khoa học xã hội mang tầm khu vực và quốc tế nhằm tập hợp các nhà hoạch định chính sách, nhà quản lý, chuyên gia và nhà khoa học các nước để thảo luận và tìm giải pháp cho các vấn đề khu vực và thế giới như thích ứng và giảm thiểu tác động của biến đổi khí hậu, bảo đảm an ninh nguồn nước, sinh kế cho người dân sống tại các lưu vực sông, phát triển môi trường số...
Tiến sỹ Phan Chí Hiếu khẳng định hợp tác trong lĩnh vực khoa học xã hội giữa Việt Nam và Lào đang trở thành biểu tượng cho tình hữu nghị, tin cậy lẫn nhau và sự gắn kết chặt chẽ giữa hai quốc gia.
Với những triển vọng đầy hứa hẹn phía trước, sự hợp tác này không chỉ tiếp tục phát huy giá trị truyền thống mà còn mở rộng sang những lĩnh vực mới với nhiều hình thức mới và quy mô ngày càng được mở rộng.
Các nhà nghiên cứu khoa học xã hội nhân văn Việt Nam và Lào đều thể hiện sự quyết tâm, cam kết tiếp tục đẩy mạnh hợp tác, đóng góp vào phát triển phồn vinh của mỗi nước, vì hòa bình, ổn định, hợp tác và phát triển ở Đông Nam Á và trên thế giới.
Những kết quả đạt được trong thời gian qua là nền tảng vững chắc để hợp tác khoa học xã hội nhân văn Việt Nam-Lào tiếp tục tiến xa hơn nữa trong tương lai./.