Việt Nam lọt Top 10 Châu Á - Thái Bình Dương về công bố quốc tế chất lượng cao năm 2020
Bảng xếp hạng theo quốc gia/vùng lãnh thổ về xuất bản bài báo quốc tế trên các tạp chí khoa học hàng đầu thế giới giai đoạn từ ngày 01/1/2019 đến 31/12/2019 của tổ chức Nature Research cho thấy, Việt Nam đứng thứ 10 khu vực Châu Á - Thái Bình Dương trong năm 2020.
Điều đáng mừng là Việt Nam đã duy trì được thứ hạng này liên tục từ 2017 đến nay.
Đối sánh với các nước Đông Nam Á, mặc dù tụt 4.9% điểm so với 2018 và xếp dưới Singapore và Thái Lan, nhưng với tổng điểm bài báo năm 2019 (kết quả tính cho 2020) đạt 16.35, Việt Nam vẫn xếp trên các nước có tên trong bảng, như: Indonesia, Malaysia, Philippines, Myanmar, Campodia, Brunei, Laos. Theo nhiều chuyên gia, những năm gần đây Malaysia là nước có lượng công bố quốc tế hằng năm gấp nhiều lần Việt Nam, và có tốc độ gia tăng số bài báo nhanh nhất khu vực. Nhưng dữ liệu Nature Index cho thấy, họ dường như chú trọng số lượng hơn chất lượng, khi điểm đóng góp của các bài báo vào những tạp chí chất lượng hàng đầu thế giới giảm 13.7% so với năm ngoái
Với bảng xếp hạng các quốc gia đang lên về nghiên cứu chất lượng cao toàn thế giới, đáng chú ý Thái Lan là quốc gia duy nhất của Đông Nam Á lọt Top 10. Đứng đầu bảng xếp hạng này là Trung Quốc, tiếp theo là Norway và Cộng hòa Czech. Thái Lan cũng cho thấy sự phát triển nhanh ở lĩnh vực Hóa học, khi cũng vào Top 10 và đứng ở vị trí thứ 4 trong bảng xếp hạng theo lĩnh vực
Đối với các cơ sở nghiên cứu của Việt Nam, dữ liệu từ Nature Index trong khung thời gian 01/1/2019 đến 31/12/2019 cho thấy có 30 đơn vị được xếp hạng. Ba đơn vị đứng đầu là:
1. Viện Hàn lâm Khoa học & Công nghệ Việt Nam,
2. Trường ĐH Duy Tân, và
3. Trường ĐH Bách khoa Hà Nội.
Điểm mới là trong top 10 năm nay có sự xuất hiện lần đầu tiên của trường ĐH Phenikaa, và ngay lập tức đứng vị trí thứ 5 với 1.48 điểm.
Phân tích đơn vị đứng đầu trong từng lĩnh vực ở Việt Nam cho thấy:
- Khoa học Trái đất & Môi trường: Trường ĐH Bách khoa Hà Nội,
- Khoa học Sự sống: Bệnh viện Nhiệt đới,
- Hóa học: ĐH Quốc gia Tp. Hồ Chí Minh, và
- Vật lý: Trường ĐH Duy Tân.
Ở cấp độ toàn cầu, Nature Index cũng đưa ra bảng xếp hạng top 500 trường đại học, viện nghiên cứu hàng đầu. Phân tích đã cho thấy chỉ có 34 quốc gia trên toàn thế giới góp mặt. Trong đó, số lượng cơ sở nghiên cứu của 3 nước xếp đầu tiên là Mỹ, Trung Quốc và Đức, đã chiếm hơn 50% so với các quốc gia còn lại.
Ở bảng xếp hạng 100 cơ sở nghiên cứu “đang lên”, số lượng các trường của Trung Quốc chiếm số lượng áp đảo với 84 trường, cho thấy tốc độ phát triển về nghiên cứu chất lượng cao của Trung Quốc là đáng kinh ngạc. Nhưng nếu xét riêng các lĩnh vực, số cơ sở đang lên của Mỹ vẫn vượt trội hơn Trung Quốc ở 3/4 lĩnh vực: Khoa học Trái đất & Môi trường, Khoa học Sự sống, và Vật lý.
Nature Index là một cơ sở dữ liệu về địa chỉ tác giả và mối liên kết giữa các tổ chức nghiên cứu. Cơ sở dữ liệu này theo dõi và ghi nhận sự đóng góp vào các bài báo nghiên cứu được công bố trên 82 tạp chí chất lượng cao thuộc các lĩnh vực khoa học tự nhiên; được chọn ra bởi các nhà nghiên cứu độc lập.
Cách xếp hạng của Nature Index là dựa vào 2 chỉ số:
- AC: (hiện nay gọi là Count) đếm số bài báo tuyệt đối,
- FC: (gọi là Share) đếm tỉ lệ đóng góp ở các cấp độ trường đại học/viện nghiên cứu/bệnh viện, hay cấp độ quốc gia.
Trong đó, chỉ số FC sẽ được sử dụng để xếp hạng.
Dữ liệu sử dụng cho việc xếp hạng được cập nhật liên tục trong 12 tháng gần nhất. Nature Index tập hợp nhiều bảng xếp hạng: Top cơ sở nghiên cứu; Top các quốc gia/vùng lãnh thổ; Top các quốc gia đang lên; Top các cơ sở nghiên cứu đang lên;… Bên cạnh đó còn có các bảng xếp hạng trong 4 lĩnh vực chính:
- Khoa học Trái đất & Môi trường,
- Khoa học Sự sống,
- Vật lý, và
- Hóa học.
Do chỉ tập trung vào 4 lĩnh vực khoa học và 82 tạp chí uy tín nhất thế giới, nên Nature Index không thể được xem là là bảng xếp hạng tổng thể về nghiên cứu cho đủ các ngành nghề. Nhưng nó lại luôn được xem là chỉ số cơ bản cho nghiên cứu chất lượng cao ở các mảng Khoa học Tự nhiên và Khoa học Sức khỏe & Sự sống, với nhiều cơ hội cho các trường, viện nhanh chóng leo thứ hạng nếu biết đầu tư đúng vào các nhân lực nghiên cứu có chuyên môn cao.