Việt Nam lọt vào 'Câu lạc bộ 15 nước đông dân nhất thế giới'

Việt Nam lọt vào 'Câu lạc bộ 15 nước đông dân nhất thế giới' khi đạt mốc 100 triệu dân, trở thành cường quốc về dân số theo cả quy mô và thứ bậc. Tuy nhiên, thách thức đặt ra cũng rất lớn khi nước ta đang có tỷ lệ già hóa dân số nhanh, chênh lệch mức sinh giữa các vùng - miền, đặc biệt là tỷ lệ mất cân bằng giới tính khi sinh rất nghiêm trọng.

Theo GS.TS Nguyễn Đình Cử, nguyên Viện trưởng Viện Dân số và Các vấn đề xã hội (Trường Đại học Kinh tế Quốc dân), dân số Việt Nam cán mốc 100 triệu, có 3 đặc điểm nổi bật mang lại cơ hội thúc đẩy phát triển nhanh và bền vững đất nước. Đó là, quy mô dân số lớn khi có mức thu nhập trung bình và tăng nhanh, Việt Nam trở thành thị trường đáng chú ý.

Quy mô dân số lớn, sức mua tăng nhanh, đưa nước ta trở thành một thị trường khá lớn. Mỗi năm, chỉ cần cung cấp cho mỗi người Việt Nam 10 USD sản phẩm hay dịch vụ nào đó, đã có thể thu về cả tỷ USD. Bên cạnh mở rộng thị trường ra thế giới, Việt Nam có cả điều kiện cần và đủ để phát triển thị trường trong nước, tăng khả năng chống chọi trước những biến động thất thường của thị trường thế giới.

Người cao tuổi ở Việt Nam có số năm sống khỏe mạnh với bệnh tật khá cao.

Người cao tuổi ở Việt Nam có số năm sống khỏe mạnh với bệnh tật khá cao.

Thứ hai, Việt Nam đạt được 100 triệu dân trong thời kỳ "cơ cấu dân số vàng", dồi dào lao động.

Theo chuyên gia, "cơ cấu dân số vàng" mang lại nhiều cơ hội cho sự tăng trưởng kinh tế, nhưng để tận dụng được nguồn lực này, thì chất lượng dân số vàng (người trong độ tuổi lao động) phải khỏe mạnh, đủ sức làm việc là phải làm việc với năng suất cao. Theo GS Nguyễn Đình Cử, ở nước ta, lao động trong khu vực nông, lâm, ngư nghiệp cả nước vẫn cao, chiếm khoảng 30%. Trong khi đó, tỷ lệ lao động được đào tạo chuyên môn, kỹ thuật ở bậc sơ cấp trở lên còn thấp. Đây là một trong những nguyên nhân dẫn đến năng suất lao động của Việt Nam chưa cao, còn kém nhiều nước trong khu vực.

Thứ ba, Việt Nam đạt 100 triệu dân khi mức sinh giảm, thấp, mô hình "gia đình 2 con" phổ biến. Việt Nam đạt đến 100 triệu dân khi chính sách kế hoạch hóa gia đình đã thực hiện được hơn 60 năm, mục tiêu giảm sinh đã đạt được vững chắc và quan trọng nhất là gần 40 năm qua thành tựu đổi mới đã mở ra cơ hội phát triển rộng lớn chưa từng thấy cho đất nước.

Bên cạnh những cơ hội thì Việt Nam vẫn đang đối mặt với tình trạng già hóa dân số nhanh và mất cân bằng giới tính khi sinh nghiêm trọng, chất lượng dân số chưa cao (năm 2021 xếp thứ 115 trong tổng số 193 nước so sánh)… Tuổi thọ trung bình của người Việt Nam không ngừng tăng lên trong những năm gần đây, từ 65,2 tuổi (1989) lên 73,6 tuổi (2019), dự báo đến năm 2030 số người cao tuổi ở Việt Nam chiếm khoảng 17% và đến năm 2050 là 25% dân số. Tuy nhiên, đối mặt với điều này là chất lượng cuộc sống của người cao tuổi lại thấp đi, số năm trung bình sống khỏe mạnh chỉ khoảng 64 tuổi. Ở nam giới có 8 năm phải sống với bệnh tật và nữ giới là 11 năm. Trung bình, cứ một người cao tuổi Việt Nam mắc từ 3-5 bệnh, chủ yếu là bệnh mãn tính phải điều trị kéo dài, thậm chí suốt đời.

Theo một nghiên cứu của Bệnh viện Lão khoa Trung ương, những bệnh nhân trên 80 tuổi có đến 6 bệnh phối hợp như: Đái tháo đường, tăng huyết áp, thoái hóa khớp, Parkinson, sa sút trí tuệ, đột quỵ… Còn kết quả nghiên cứu của Viện Dân số, Sức khỏe và Phát triển Việt Nam thì cho thấy, có 62,3% người cao tuổi Việt Nam mắc bệnh tăng huyết áp nhưng chỉ 86,3% trong số đó được tiếp cận y tế. Trung bình một người già mắc 3 chứng bệnh cần theo dõi, chăm sóc y tế. Dự báo đến năm 2049, số người cao tuổi có nhu cầu hỗ trợ tăng 2,5 lần so với mức 4 triệu hiện nay.

Theo Tổng cục Dân số và Kế hoạch hóa gia đình (Bộ Y tế), hiện có khoảng 11,4 triệu người cao tuổi (chiếm 11,86% dân số). Việt Nam chính thức bước vào giai đoạn già hóa dân số từ năm 2011, nhanh hơn với các dự báo trước đó vào năm 2017, và trở thành một trong những quốc gia có tốc độ già hóa dân số nhanh nhất thế giới. Dự báo, Việt Nam sẽ chuyển sang giai đoạn "dân số già" sau 27 năm, đòi hỏi sự thích ứng của xã hội.

Bên cạnh đó, những người làm chính sách dân số vẫn còn nỗi lo thường trực là mất cân bằng giới tính khi sinh cao. Tổng cục Thống kê dự báo Việt Nam sẽ thừa 1,5 triệu nam giới từ 15 đến 49 tuổi vào năm 2034, riêng năm 2019 cả nước bị thiếu hụt 45.900 bé gái. Về lâu dài, hậu quả nghiêm trọng như thiếu phụ nữ làm tăng áp lực kết hôn sớm đối với trẻ gái, phải bỏ học để lập gia đình, có thể tăng nhu cầu mại dâm dẫn đến nạn buôn bán phụ nữ tăng.

Vì vậy, theo Tổng cục Dân số và Kế hoạch hóa gia đình, thời gian tới cần làm tốt công tác tuyên truyền để nâng cao nhận thức về bình đẳng giới; nâng cao hiệu lực thi hành quy định của pháp luật về nghiêm cấm lựa chọn giới tính thai nhi; ngăn ngừa có hiệu quả việc lạm dụng khoa học, công nghệ để lựa chọn giới tính thai nhi.

Đối với già hóa dân số, lãnh đạo Bệnh viện Lão khoa Trung ương đưa ra giải pháp, cần tiếp tục chú trọng xây dựng nhanh và sớm hệ thống chăm sóc sức khỏe người cao tuổi rộng khắp cả nước, để việc chăm sóc sức khỏe cho các đối tượng này tốt hơn. Tuy nhiên, ở thời điểm hiện nay, khi chưa có được hệ thống chăm sóc sức khỏe người cao tuổi thật tốt theo xu thế chung của thế giới, Việt Nam cần phải hỗ trợ cho người cao tuổi kiến thức và kỹ năng tự phục vụ bản thân. Ngoài tuyên truyền, phổ biến kiến thức phòng bệnh từ giai đoạn trung niên, thì cần phải tư vấn dinh dưỡng và phục hồi chức năng, trang bị kiến thức khoa học, các bài tập cho người già và người trong gia đình họ.

Trần Hằng

Nguồn CAND: https://cand.com.vn/doi-song/viet-nam-lot-vao-cau-lac-bo-15-nuoc-dong-dan-nhat-the-gioi--i700148/