Việt Nam luôn hướng tới con người trong mọi đường lối phát triển
Ngay sau khi Liên hợp quốc (LHQ) được thành lập, ngày 10/12/1948, Đại hội đồng LHQ đã thông qua một trong những văn kiện quan trọng hàng đầu là Tuyên ngôn Nhân quyền quốc tế.
Trong 75 năm qua, nhân loại đã đạt được những bước tiến dài trong nỗ lực bảo vệ và thúc đẩy quyền con người trên phạm vi toàn cầu.
Tại Việt Nam, ngay trong bản Tuyên ngôn Độc lập năm 1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nêu đậm các quyền cơ bản của con người và gắn quyền con người với quyền của dân tộc: “Các dân tộc trên thế giới đều sinh ra bình đẳng; dân tộc nào cũng có quyền sống, quyền sung sướng và quyền tự do”. Người nhắc đến Tuyên ngôn Độc lập của Mỹ và Tuyên ngôn Nhân quyền và Dân quyền của cách mạng Pháp để khẳng định rằng những giá trị quyền con người đó cũng phải được áp dụng cho mọi người dân, mọi dân tộc, kể cả ở các nước thuộc địa. Nhân dân Việt Nam, dân tộc Việt Nam cũng có quyền bình đẳng như bất cứ dân tộc nào trên thế giới.
Những nỗ lực đấu tranh giành độc lập dân tộc, thống nhất Tổ quốc trong nhiều thập niên của Việt Nam không nằm ngoài mục đích bảo đảm cho mọi người dân Việt Nam được thụ hưởng đầy đủ nhất quyền con người, trong đó có quyền được sống trong hòa bình, độc lập, tự do, tự chủ và quyền tự quyết đối với vận mệnh, con đường phát triển của mình.
Với cách tiếp cận lấy con người làm trung tâm, Việt Nam không ngừng nỗ lực để bảo vệ và cải thiện sinh kế của người dân, bảo vệ và thúc đẩy quyền con người thông qua phát triển, đồng thời đảm bảo sự phát triển là vì người dân và do người dân. Việt Nam đã không ngừng nỗ lực để xây dựng một nhà nước của dân, do dân và vì dân, mà trước hết là xây dựng nhà nước pháp quyền Xã hội chủ nghĩa, cải thiện, nâng cao hệ thống pháp luật về quyền con người. Việc thông qua Hiến pháp 2013 với một chương riêng về “Quyền con người, quyền và nghĩa vụ công dân”, và sau đó chỉ trong vòng 4 năm, thông qua hơn 90 văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến quyền con người, là những nỗ lực hết sức có ý nghĩa, tạo khuôn khổ pháp lý quan trọng cho việc bảo đảm trên thực tế quyền con người, quyền công dân. Cùng với những bước tiến đó là việc không ngừng phấn đấu hoàn thiện thể chế và tạo dựng cơ sở vật chất để bảo đảm tốt hơn quyền con người. Mọi chiến lược, chương trình, dự án phát triển kinh tế - xã hội đều được xây dựng trên cơ sở lấy người dân làm trung tâm, hướng về người dân và phục vụ người dân, thúc đẩy sự phát triển kinh tế-xã hội của đất nước vì lợi ích của người dân.
Những nỗ lực đó đã mang lại những kết quả tích cực trong việc bảo đảm quyền con người, từ quyền kinh tế, xã hội, văn hóa, đến quyền dân sự, chính trị, quyền của các nhóm dễ bị tổn thương. Việt Nam là một trong những nước đã thực hiện thành công trước thời hạn nhiều Mục tiêu phát triển Thiên niên kỷ của LHQ và đang triển khai hiệu quả các Mục tiêu phát triển bền vững. Trong nhiều năm liền, Việt Nam duy trì được mức độ tăng trưởng kinh tế cao, trong khi vẫn chú trọng phát triển xã hội, tỷ lệ nghèo đa chiều giảm xuống còn 4,3% năm 2022. Quyền giáo dục, y tế, nhà ở đều được cải thiện mạnh mẽ. Quyền bình đẳng giới không ngừng tiến bộ với tỷ lệ đại biểu nữ trong Quốc hội và Hội đồng Nhân dân các cấp đạt trên 30%, tỷ lệ khá cao so với các nước trong khu vực. Đời sống tín ngưỡng, tôn giáo ngày càng phát triển phong phú với hàng nghìn lễ hội tín ngưỡng, tôn giáo diễn ra hằng năm. Việt Nam cũng là một trong những nước có tỷ lệ người sử dụng Internet tăng nhanh nhất thế giới, với 78 triệu người.
Cùng với những thành tựu nêu trên, Việt Nam cũng luôn nỗ lực đóng góp tích cực, hiệu quả trong việc thúc đẩy và bảo vệ quyền con người trên toàn cầu. Việt Nam tham gia tích cực vào các diễn đàn liên quan đến quyền con người của LHQ, ASEAN và các cơ chế khác. Trên cơ sở đó, Việt Nam được các nước tín nhiệm bầu làm thành viên Hội đồng Nhân quyền LHQ nhiệm kỳ 2014-2016 và 2023-2025. Tại các diễn đàn này, Việt Nam đã chủ động đưa ra các sáng kiến về quyền con người, đặc biệt về nội dung liên quan đến bảo đảm quyền phụ nữ, trẻ em, người khuyết tật, những người chịu tác động của biến đổi khí hậu…, được cộng đồng quốc tế hoan nghênh và đánh giá cao. Năm 2016 và 2018, Việt Nam đã chủ trì giới thiệu và được Hội đồng Nhân quyền thông qua 2 nghị quyết về tác động của biến đổi khí hậu đối với quyền trẻ em và đối với quyền phụ nữ. Ông Veeramalla Anjaiah, nhà báo nổi tiếng của Indonesia, đồng thời là chuyên gia nghiên cứu cao cấp thuộc Trung tâm Nghiên cứu Đông Nam Á (CSEAS) đánh giá: “Là một quốc gia có trách nhiệm, Việt Nam cũng luôn ủng hộ việc bảo vệ các vấn đề nhân quyền và nhân phẩm trên toàn cầu. Việt Nam nỗ lực đóng góp vào các giá trị chung, tích cực và tiến bộ của nhân loại về quyền con người thông qua việc tích cực tham gia các diễn đàn liên quan đến quyền con người của LHQ và các tổ chức quốc tế khác”.
Trên thực tế, Việt Nam luôn nghiêm túc trong thực thi các cam kết quốc tế về quyền con người, trong đó có việc thực thi 7/9 công ước quốc tế cơ bản về quyền con người mà Việt Nam là thành viên, các cam kết theo cơ chế Rà soát định kỳ phổ quát (UPR) của LHQ. Việt Nam thực hiện được 86,7% khuyến nghị và 12,4% khuyến nghị đã hoàn thành một phần báo cáo quốc gia UPR chu kỳ III (năm 2019). Dù đang là nước có thu nhập trung bình thấp, song Việt Nam nằm trong nhóm các nước có Chỉ số Phát triển con người (HDI) cao, tăng 5 bậc trong giai đoạn 2015-2021. Đây chính là cơ sở và động lực để Việt Nam chăm lo hơn nữa mọi mặt đời sống nhân dân, hiện thực hóa khát vọng trở thành nước công nghiệp hiện đại vào năm 2045.
Trên cương vị thành viên Hội đồng Nhân quyền nhiệm kỳ 2023-2025, Việt Nam đã có nhiều đóng góp thực chất, trách nhiệm vào công việc của Hội đồng Nhân quyền. Việt Nam tích cực tham gia, đóng góp trên nhiều chủ đề như thúc đẩy và bảo vệ quyền kinh tế, xã hội và văn hóa trong bối cảnh giải quyết bất bình đằng trong quá trình phục hồi sau đại dịch COVID-19; quyền phát triển; thanh niên và quyền con người; bắt nạt trẻ em trên không gian mạng... Đóng góp mang tính dấu ấn nổi bật của Việt Nam là sáng kiến về Nghị quyết của Hội đồng Nhân quyền kỷ niệm 75 năm Tuyên ngôn Nhân quyền quốc tế và 30 năm Tuyên bố và Chương trình hành động Vienna được thông qua bằng đồng thuận. Là thành viên của Hội đồng Nhân quyền, Việt Nam luôn đề cao chủ trương nhất quán, nỗ lực trong thúc đẩy và bảo vệ quyền con người; khẳng định Việt Nam cam kết phát triển bền vững vì lợi ích của người dân; nhấn mạnh sự cần thiết giải quyết bất bình đẳng, bảo vệ những người dễ bị tổn thương; kêu gọi giải quyết các thách thức toàn cầu như biến đổi khí hậu. Bên cạnh đó, Việt Nam đã phối hợp chặt chẽ với các nước ASEAN trong việc thúc đẩy nỗ lực, ưu tiên tiếp cận chung của ASEAN trong thúc đẩy và bảo đảm các quyền con người, qua đó đề cao hình ảnh và đóng góp của ASEAN đối với công việc chung của LHQ. Hành trang của Việt Nam đến với Hội đồng Nhân quyền là lịch sử hào hùng của dân tộc, những thành tựu đáng tự hào trong Đổi mới, phát triển kinh tế-xã hội, là chủ trương luôn đặt con người ở vị trí trung tâm trong quá trình phát triển, cùng với quyết tâm gánh vác các trọng trách quốc tế trên cơ sở đường lối đối ngoại hòa bình, độc lập tự chủ, đa phương hóa, đa dạng hóa quan hệ quốc tế.
Những nỗ lực và thành tựu của Việt Nam trong việc thúc đẩy và đảm bảo quyền con người là không thể phủ nhận. Đây là những minh chứng sống động, thuyết phục bác bỏ những thông tin xuyên tạc, bịa đặt và bóp méo sự thật của các thế lực thù địch về tình hình nhân quyền của Việt Nam.
Trong thời gian tới, để bảo đảm tốt nhất quyền cho mọi người dân, Đảng và Nhà nước Việt Nam chủ trương nỗ lực hoàn thiện nhà nước pháp quyền, củng cố nền tảng pháp lý và chính sách liên quan đến bảo vệ và thúc đẩy quyền con người. Theo đó, Việt Nam sẽ tiếp tục cải cách hành chính và nâng cao chất lượng dịch vụ công, ngăn chặn quan liêu, tham nhũng, phát huy dân chủ và nâng cao hiệu lực của bộ máy Nhà nước. Việt Nam cam kết đẩy mạnh hơn nữa việc thực hiện các Mục tiêu phát triển bền vững, chú trọng các chính sách giảm bền vững nghèo đa chiều, thu hẹp khoảng cách phát triển giữa các khu vực địa lý, các nhóm dân cư, trong đó đặc biệt chú trọng các nhóm dễ bị tổn thương. Việt Nam cũng sẽ tiếp tục ủng hộ đối thoại và hợp tác trong lĩnh vực quyền con người, cùng với các quốc gia trên thế giới đóng góp và làm giàu những giá trị của nhân loại về quyền con người, làm sống động tinh thần của Tuyên ngôn Nhân quyền quốc tế trong thế kỷ XXI.