Việt Nam luôn sẵn sàng là một đối tác đáng tin cậy trong kiến trúc toàn cầu về tăng trưởng xanh
Sáng ngày 17.4, trong khuôn khổ Hội nghị Thượng đỉnh Diễn đàn Đối tác vì Tăng trưởng xanh và Mục tiêu toàn cầu (P4G) lần thứ tư năm 2025, phiên thảo luận 'Đầu tư vào con người – Kiến tạo đội ngũ cho nền kinh tế tương lai' đã diễn tại Trung tâm Hội nghị quốc gia, Hà Nội.

Phiên thảo luận “Đầu tư vào con người – Kiến tạo đội ngũ cho nền kinh tế tương lai”
Phiên thảo luận do Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Việt Nam Nguyễn Văn Phúc chủ trì, cùng với sự tham gia của các đại biểu trong và ngoài nước.
Phát biểu tại Phiên thảo luận, Thứ trưởng Nguyễn Văn Phúc cho biết Hội nghị thượng đỉnh P4G lần thứ 4 tập trung vào chủ đề “Đối tác toàn cầu vì chuyển đổi xanh bao trùm, bền vững, sáng tạo, lấy con người làm trung tâm”.
Có thể nói, đây là thời điểm lịch sử mà chúng ta phải lựa chọn mô hình phát triển dựa vào tài nguyên thiên nhiên hay dựa vào tri thức, kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, ít phát thải. Cam kết thực hiện Net Zero vào năm 2050 là thách thức rất lớn, đặc biệt là đối với một quốc gia đang phát triển như Việt Nam, nhưng đây cũng là cơ hội để thực hiện các mục tiêu toàn cầu; đồng thời là cơ hội để cơ cấu lại nền kinh tế, chuyển đổi mô hình tăng trưởng dựa vào khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số, chuyển đổi xanh, nguồn nhân lực có chất lượng cao; đưa đất nước phát triển nhanh, bền vững trên “con đường xanh”.

Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Văn Phúc phát biểu tại phiên thảo luận
Tại phiên thảo luận - Phiên 4 với chủ đề “Đầu tư vào con người – Kiến tạo đội ngũ cho nền kinh tế tương lai”, Thứ trưởng Nguyễn Văn Phúc cho biết phiên thảo luận sẽ tập trung trao đổi các giải pháp phát triển nhân lực và thị trường lao động cạnh tranh, đáp ứng nhu cầu chuyển đổi số, chuyển đổi xanh trên toàn cầu, xoay quanh các trọng tâm, bao gồm: Nhận diện khoảng cách giữa các ngành nghề, kỹ năng hiện có và các ngành nghề, kỹ năng mới cho quá trình chuyển đổi xanh; Những chính sách cụ thể nhằm chuẩn bị nhân lực sẵn sàng cho tương lai xanh; Những chính sách cụ thể nhằm chuẩn bị nhân lực sẵn sàng cho tương lai xanh; các mô hình hợp tác thành công giữa chính phủ, doanh nghiệp, các tổ chức trong nước và quốc tế trong việc xây dựng đội ngũ nhân lực xanh.
"Việt Nam luôn sẵn sàng là một đối tác đáng tin cậy trong kiến trúc toàn cầu về tăng trưởng xanh. Chúng tôi mong muốn cùng hợp tác xây dựng chương trình đào tạo quốc tế, học liệu mở, phát triển các dự án chung đào tạo nhân lực chất lượng cao và tham gia mạng lưới giáo dục xanh toàn cầu, chia sẻ thực tiễn và bài học kinh nghiệm để cùng thúc đẩy phát triển bền vững", Thứ trưởng Nguyễn Văn Phúc nói.
Tại phiên thảo luận, ông Jonathan Baker, Trưởng đại diện Văn phòng UNESCO tại Việt Nam cho biết với việc tạo ra các chương trình giáo dục tại UNESCO, chúng tôi luôn mong muốn sẽ hỗ trợ các quốc gia xanh hóa thị trường việc làm, qua đó giới trẻ có thể dẫn đầu xu hướng quá trình chuyển đổi xanh.

Các đại biểu phát biểu tại Phiên thảo luận
“Chúng tôi rất vui khi có cơ hội hợp tác với Bộ GD&ĐT Việt Nam để phát triển chương trình này và triển khai các hoạt động tại Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh trong những năm qua. Chúng tôi xây dựng các trường học hạnh phúc, và mong muốn, trong thời gian tới, tiếp tục hợp tác với khu vực tư nhân của Việt Nam để phát triển trong tương lai”, ông Ronanthan Baker phát biểu tại Phiên thảo luận.
ông Baker cũng bày tỏ mong muốn UNESCO sẽ tiếp tục phối hợp với Việt Nam để tạo ra các chương trình đào tạo, đáp ứng nhu cầu chuyển đổi xanh, chuyển đổi số, thúc đẩy học tập suốt đời, đóng góp vào quá trình phát triển của Việt Nam.
Trong Phiên thảo luận, bà Valantine Uwamariya - Bộ trưởng Môi trường Rwanda cũng bày tỏ rất vinh dự được tham gia phiên thảo luận này.
Theo bà Valantine Uwamariya, "chúng ta đang có rất nhiều cơ hội nhưng chỉ đầu tư vào con người mới giúp chúng ta phát triển thực sự. Hiện, chúng tôi đang tiếp cận vấn đề này với nhiều cách khác nhau, trong đó tập trung vào con người".
Bà Valantine Uwamariya cũng đưa ra các cách tiếp cận để đạt được các mục tiêu trên, cụ thể: Thúc đẩy đồng bộ hệ thống đào tạo với các kỹ năng cần thiết cho tăng trưởng xanh; thúc đẩy đào tạo nghề, với khóa đào tạo về năng lượng mặt trời, nông nghiệp bền vững, xây dựng xanh; thúc đẩy đối tác tạo ra cơ hội việc làm cho mọi người.
Đề cập đến quá trình chuyển đổi xanh, PGS.TS Bùi Huy Nhượng - Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Kinh tế Quốc dân cho biết trong bối cảnh chuyển mình mạnh mẽ của kinh tế toàn cầu, Việt Nam đã có cam kết bền vững về chuyển đổi năng lượng.
Theo PGS – TS Bùi Huy Nhượng, Việt Nam hiện đang duy trì nền kinh tế tuyến tính truyền thống, vì vậy, lực lượng lao động Việt Nam phù hợp ngành nghề truyền thống hơn ngành nghề xanh.
Quá trình chuyển đổi xanh sẽ phát sinh các ngành nghề mới, vì vậy, nhiều ngành nghề dễ bị tổn thương khi chuyển đổi xanh. Trong tương lai, 88 ngành nghề của Việt Nam sẽ chuyển đổi xanh, đòi hỏi cấp bách trong đào tạo nhân lực của Việt Nam hiện nay.
PGS – TS Bùi Huy Nhượng cho rằng với các nguồn nhân sự đang làm việc tại các ngành nghề truyền thống, cần phải thay đổi từ giáo dục phổ thông; thúc đẩy quan điểm “gieo mầm tư duy xanh”; nên đưa nội dung tích hợp vào một số môn học ở phổ thông; tổ chức các dự án học tập xanh trong trường phổ thông; có kế hoạch đào tạo giảng viên.
Ở các trường nghề, trường đại học, chúng ta cần thúc đẩy quan điểm xanh hóa trong các chương trình đào tạo; khuyến khích sự tham gia của các doanh nghiệp trong việc xây dựng chương trình đào tạo xanh; có chính sách ưu đãi học phí, cấp học bổng cho sinh viên theo học các ngành nghề xanh.