Việt Nam luôn sát cánh cùng các quốc gia trong phòng, chống tội phạm ma túy

Được sự quan tâm, chỉ đạo của lãnh đạo Bộ Công an, Cục Cảnh sát điều tra (CSĐT) tội phạm về ma túy - Bộ Công an đã chủ động tham mưu, tăng cường hợp tác với cơ quan thực thi pháp luật các nước trong đấu tranh với tội phạm về ma túy đạt được những kết quả quan trọng để bảo vệ cuộc sống bình yên, hạnh phúc của nhân dân.

Ma túy đã và đang trở thành hiểm họa của toàn cầu. Cục CSĐT tội phạm về ma túy xác định, nguồn ma túy vẫn chủ yếu thẩm lậu từ nước ngoài, nhất là từ khu vực “Tam giác vàng”, được mua bán, vận chuyển về Việt Nam qua biên giới với Lào và Campuchia để tiêu thụ hoặc tiếp tục vận chuyển đi nước thứ ba. Ngoài ra, ghi nhận xu hướng ma túy thẩm lậu vào Việt Nam qua đường hàng không, chuyển phát nhanh từ châu Âu và châu Mỹ. Các thị trường ma túy tiếp tục xu hướng liên kết chặt chẽ với nhau, tạo ra nhiều thách thức trong công tác phòng, chống ma túy tại Việt Nam.

Trong năm 2022, lực lượng CSĐT tội phạm về ma túy, Bộ Công an Việt Nam đã phối hợp với lực lượng chức năng của Lào, Campuchia và AFP, DEA đấu tranh chung 5 chuyên án về ma túy. Kết quả, Cơ quan CSĐT Bộ Công an Việt Nam đã khởi tố 59 đối tượng, thu giữ 314 kg ma túy các loại, 60 bánh heroin. Bước đầu điều tra làm rõ các đối tượng trong các chuyên án trên đã mua bán, vận chuyển trót lọt xuyên quốc gia trên 2 tấn hero_in. Đặc biệt, chuyên án 822T đã bắt giữ được đối tượng chủ mưu, cầm đầu có lệnh truy nã quốc tế đang lẩn trốn ở nước ngoài. Ngày 22/11/2022, Thủ tướng Chính phủ trao Thư khen cho Cục CSĐT tội phạm về ma túy và các lực lượng chức năng có thành tích xuất sắc.

Thiếu tướng Nguyễn Văn Viện, Cục trưởng Cục CSĐT tội phạm về ma túy (hàng thứ nhất, thứ 6 từ trái sang) tham dự Hội nghị nhóm công tác khu vực Viễn Đông về phòng, chống ma túy, tổ chức từ ngày 18-19/7/2023 tại Thái Lan.

Thiếu tướng Nguyễn Văn Viện, Cục trưởng Cục CSĐT tội phạm về ma túy (hàng thứ nhất, thứ 6 từ trái sang) tham dự Hội nghị nhóm công tác khu vực Viễn Đông về phòng, chống ma túy, tổ chức từ ngày 18-19/7/2023 tại Thái Lan.

Thiếu tướng Nguyễn Văn Viện, Cục trưởng Cục CSĐT tội phạm về ma túy cho biết, trong 1 năm qua, lực lượng CSĐT tội phạm về ma túy, Bộ Công an Việt Nam luôn tích cực, chủ động tăng cường hợp tác với cơ quan thực thi pháp luật các nước trong đấu tranh với tội phạm ma túy. Với phương châm "Đấu tranh phòng, chống ma túy từ sớm, từ xa", Cục CSĐT tội phạm về ma túy, Bộ Công an Việt Nam luôn coi trọng công tác phối hợp, trao đổi, chia sẻ thông tin về tội phạm xuyên quốc gia với cơ quan phòng, chống ma túy các nước: Trung Quốc, Thái Lan, Lào, Campuchia, Phillipines, Séc, AFP, DEA...

Bên cạnh đó, Việt Nam đã tham gia và là thành viên tích cực tại các diễn đàn hợp tác quốc tế về phòng, chống ma túy, tăng cường hợp tác với các nước có ký kết Hiệp định, các nước có chung đường biên giới, các nước đối tác tài trợ..., góp phần gắn kết, thúc đẩy hiệu quả thực thi pháp luật, nâng cao năng lực cho đội ngũ cán bộ phòng, chống ma túy các nước.

Thực hiện đầy đủ, có trách nhiệm trong các diễn đàn hợp tác đa phương về phòng, chống ma túy trong khu vực và trên thế giới, triển khai hiệu quả các thỏa thuận quốc tế trong các khuôn khổ CND, MOU, ASEAN, INCB, UNODC: Tham dự Hội nghị thường niên Ủy ban kiểm soát ma túy Liên hợp quốc lần thứ 66 tại Viên - Áo; triển khai chương trình Sáng kiến sông Mekong an toàn (SMCC) tại Việt Nam. Trong thời gian làm việc tại Trung tâm SMCC, đại diện 6 nước Campuchia, Trung Quốc, Lào, Myanmar, Thái Lan và Việt Nam đã làm tốt vai trò là đầu mối triển khai, trao đổi thông tin kết nối Cơ quan phòng, chống ma túy của Việt Nam với Cơ quan phòng, chống ma túy các nước thành viên. Phối hợp với các nước thành viên hoàn thiện Kế hoạch hành động sông Mekong an toàn về kiểm soát ma túy giữa 6 nước Campuchia, Trung Quốc, Lào, Myanmar, Thái Lan, Việt Nam giai đoạn 2023 – 2027; phối hợp các bộ, ngành tham gia ý kiến vào Dự thảo lần thứ 12 Kế hoạch hành động PCMT các nước tiểu vùng sông Mekong (SAP XII).

Riêng trong 6 tháng đầu năm 2023, Cục CSĐT tội phạm về ma túy đã bám sát chương trình hoạt động đối ngoại, hợp tác quốc tế của Bộ Công an, chủ động triển khai đầy đủ các hoạt động đem lại hiệu quả quan trọng trong phòng, chống tội phạm ma túy. Theo đó, ký kết, triển khai các văn bản hợp tác quốc tế, các dự án, đề án hợp tác quốc tế về phòng, chống ma túy; tiếp tục triển Kế hoạch số 376 về thực hiện Bản ghi nhớ và tăng cường hợp tác phòng, chống ma túy giữa Bộ Công an Việt Nam và Bộ Công an Lào; bản ghi nhớ về hợp tác kiểm soát ma túy, chất hướng thần và tiền chất giữa hai Chính phủ, Kế hoạch hợp tác năm 2023 giữa Bộ Công an Việt Nam và Bộ Nội vụ Vương quốc Campuchia; triển khai Thư thỏa thuận hợp tác thực thi pháp luật và kiểm soát ma túy giữa Việt Nam – Thái Lan; biên bản Hội nghị song phương Việt Nam – Thái Lan về hợp tác phòng, chống ma túy lần thứ 13; thực hiện cam kết hợp tác trong khuôn khổ Kế hoạch hành động sông Mekong an toàn. Cục CSĐT tội phạm về ma túy đã tham mưu lãnh đạo Bộ ban hành Kế hoạch 252/KH-BCA-C04 ngày 12/5/2023 triển khai Bản ghi nhớ giữa Bộ Công an Việt Nam và Ủy ban quốc gia về kiểm soát ma túy Indonesia về hợp tác phòng, chống mua bán, vận chuyển trái phép chất ma túy, chất hướng thần và tiền chất.

Triển khai các biện pháp hợp tác cụ thể với các nước có quan hệ hợp tác song phương như: Lào, Campuchia, Thái Lan, Australia, Hoa Kỳ, Trung Quốc, từng bước triển khai, thúc đẩy quan hệ hợp tác với Nhật Bản, Indonesia, Séc, cụ thể là: Thúc đẩy hiệu quả hợp tác giữa các cặp Văn phòng liên lạc qua biên giới Việt Nam – Trung Quốc; hoàn thành việc thiết lập đường dây nóng ở 4 cấp kết hợp trao đổi thông tin qua Văn phòng liên lạc qua biên giới (BLO); triển khai cao điểm tuyên truyền, tấn công trấn áp tội phạm ma túy trên tuyến biên giới Việt Nam - Campuchia; triển khai sáng kiến tăng cường hợp tác giữa các BLO của Việt Nam và Campuchia, được UNODC đánh giá cao; tiếp tục thúc đẩy hợp tác với Cơ quan phòng, chống ma túy Hoa Kỳ (DEA) và cơ quan thực thi pháp luật ma túy, Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ; tiếp tục hợp tác đấu tranh chuyên án chung Indonesia với Australia, thường xuyên cung cấp thông tin các đối tượng trong các tổ chức tội phạm ma túy quốc tế đang hoạt động tại Việt Nam.

Thông qua trao đổi thông tin qua đường dây nóng với các Trung Quốc, Hoa Kỳ, Thái Lan, Campuchia, đã đạt được một số kết quả nổi bật: trao đổi Văn phòng Ủy ban quốc gia phòng, chống ma túy Trung Quốc; phối hợp điều tra các đối tượng người Việt Nam liên quan đến 3 vụ án mua bán, vận chuyển ma túy do Trung Quốc bắt giữ; phối hợp đấu tranh Chuyên án chung, bắt và thu giữ trên 110kg ma túy, 11 đối tượng tại Việt Nam, 5 đối tượng tại Campuchia; bắt giữ đối tượng Autchara Pimpawa (SN 1974), quốc tịch Thái Lan, thu giữ 2,36kg cocaine tại sân bay Tân Sơn Nhất; bắt 1 đối tượng người Gambia, thu giữ 6kg cocaine tại sân bay Nội Bài.

Thiếu tướng Nguyễn Văn Viện nhấn mạnh, cuộc chiến chống ma túy hiện nay còn nhiều cam go, phức tạp, tội phạm ma túy có tính quốc tế, hoạt động có tổ chức chặt chẽ, xuyên quốc gia, xuyên khu vực, phương thức, thủ đoạn liên tục thay đổi. Không một quốc gia nào tự mình có thể đấu tranh hiệu quả với tội phạm ma túy mà không có sự hỗ trợ, hợp tác của quốc gia khác. Cục CSĐT tội phạm về ma túy, Bộ Công an Việt Nam luôn mong muốn và tích cực phối hợp với cơ quan chức năng các nước và các tổ chức quốc tế để chung tay đấu tranh phòng, chống ma túy. “Chúng ta hãy cùng nhau vượt qua những thách thức để xây dựng cộng đồng chung thịnh vượng, an toàn, không có ma túy” - Thiếu tướng Nguyễn Văn Viện nhấn mạnh.

Giải pháp nâng cao hiệu quả công tác trong thời gian tới, Cục CSĐT tội phạm về ma túy tiếp tục tăng cường công tác trao đổi thông tin về phòng, chống ma túy qua đường dây nóng với các nước; tăng cường phối hợp với cơ quan Cảnh sát các nước trong khu vực để trao đổi, chia sẻ, xác minh, xử lý thông tin, đề xuất xác lập chuyên án chung để tập trung đấu tranh với các đường dây tội phạm ma túy xuyên quốc gia, có tính quốc tế, truy bắt các đối tượng truy nã về ma túy trốn ra nước ngoài... Đẩy mạnh nắm tình hình ma túy ngoại biên, kịp thời tham mưu cho lãnh đạo Bộ, Chính phủ về chủ trương, chính sách trong phòng, chống ma túy; thực hiện có hiệu quả công tác đối ngoại gắn kết với hoạt động nghiệp vụ đấu tranh phòng, chống tội phạm ma túy. Tranh thủ sự hỗ trợ về tài chính, kỹ thuật công nghệ, kỹ năng quản lý từ các nước tiên tiến, các tổ chức quốc tế (Trung Quốc, Hàn Quốc, Thái Lan, Cơ quan bài trừ ma túy Hoa Kỳ - DEA, Cảnh sát Liên bang Australia - AFP, Cơ quan phòng, chống ma túy và tội phạm Liên hợp quốc - UNODC...) cho công tác phòng, chống và kiểm soát ma túy. Trong khuôn khổ Chương trình quản lý biên giới, tiếp tục thực hiện “Hướng dẫn về tổ chức và hoạt động của Văn phòng liên lạc phòng, chống ma túy và tội phạm qua biên giới”; triển khai các hoạt động trong khuôn khổ các Văn phòng BLO: tiếp tục chủ trì, phối hợp với UNODC tổ chức các khóa tập huấn về công tác phòng, chống ma túy cho thành viên các BLO..

Ngọc Lan

Nguồn CAND: https://cand.com.vn/hoat-dong-ll-cand/viet-nam-luon-sat-canh-cung-cac-quoc-gia-trong-phong-chong-toi-pham-ma-tuy-i700931/